14/03/2020 09:01 GMT+7

Bóng đá Việt Nam: Thêm những đề xuất phòng chống dịch COVID-19

SĨ HUYÊN ghi
SĨ HUYÊN ghi

TTO - Sau khi có thông tin nhiều cầu thủ, HLV chuyên nghiệp ở các giải đấu hàng đầu châu Âu bị nhiễm COVID-19, việc phòng chống dịch đang là mối quan tâm lớn nhất đối với các CLB ở VN.

Bóng đá Việt Nam: Thêm những đề xuất phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Phun thuốc kháng khuẩn khu vực kỹ thuật đội khách trên sân Pleiku - Ảnh: ANH TIẾN

Giới chuyên môn đã đề xuất một số điều cần thiết trong việc phòng chống dịch ở các giải đấu bóng đá của VN.

HLV Trần Minh Chiến (CLB Bà Rịa - Vũng Tàu):

Không nên đưa các em nhỏ đi cùng hai đội bóng khi ra sân

Qua trao đổi với các đồng nghiệp, tôi biết các CLB từ chuyên nghiệp cho đến hạng nhất đều nghiêm túc thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, các phòng chức năng tại CLB luôn được phun thuốc khử trùng định kỳ, đo thân nhiệt các thành viên CLB trước các buổi tập, mang khẩu trang khi rời khỏi nơi tập trung...

Ngoài ra, mỗi lần di chuyển tới sân khách thi đấu, yêu cầu đặt ra với mọi thành viên trong đội bóng là hạn chế tối đa việc di chuyển đến chỗ đông người, phải luôn mang khẩu trang khi rời phòng ngủ, rửa tay thường xuyên với dung dịch diệt khuẩn. Hiện nay, CLB phải tự liên hệ thuê xe và khách sạn kèm theo yêu cầu ghi trong hợp đồng là phải khử trùng xe và phòng ngủ ở khách sạn.

Theo tôi, trước giờ vào sân thi đấu, những người được vào sân, kể cả cầu thủ phải được đội ngũ y tế đo thân nhiệt. Và chỉ những cầu thủ nào không bị sốt cao mới được vào sân. Tôi cho rằng không nhất thiết phải hạn chế hành vi ôm nhau chia vui của các cầu thủ sau khi ghi bàn. 

Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm, tôi ủng hộ việc hai đội bóng và tổ trọng tài không bắt tay nhau theo thói quen, cũng như không cần thiết phải đưa các em nhỏ đi cùng hai đội bóng khi ra sân như thông lệ.

Ông Bùi Xuân Hòa (chủ tịch SHB Đà Nẵng):

Phải khử trùng khách sạn và xe chở đội khách

Hiện nỗi lo lớn nhất của các CLB chính là việc di chuyển đến địa điểm thi đấu bằng máy bay, vì ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm. Trên chuyến bay trở về Đà Nẵng sau trận thua B Bình Dương 0-1 vào tuần rồi, nỗi lo lắng hiện rõ trên gương mặt các cầu thủ SHB Đà Nẵng khi đi cùng với khá đông khách nước ngoài nhưng hầu hết họ đều không đeo khẩu trang.

Trong tình hình dịch như hiện nay, tôi đề nghị phải bổ sung quy định phòng dịch vào thời điểm này. Theo tôi, ban điều hành giải cần phải có văn bản hướng dẫn BTC trận đấu phải khử trùng khách sạn và xe chở đội khách. Hỗ trợ lẫn nhau trong mùa dịch để tránh lây lan cho cộng đồng là việc cần và nên làm. 

Việc các cầu thủ ôm nhau vui mừng sau bàn thắng, nếu hạn chế được thì tốt quá. Tôi ủng hộ việc các thành viên tham dự trận đấu không bắt tay nhau trong mùa dịch.

HLV Nguyễn Văn Dũng (Nam Định):

Hạn chế việc bày tỏ niềm vui

Dịch càng kéo dài càng kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau. Điển hình như phải mất tới một tuần chờ đợi, HLV thể lực đến từ Đức của CLB Nam Định mới thuê được khách sạn vì nơi nào cũng sợ, đòi hỏi phải có giấy xác nhận sức khỏe.

Quản lý cầu thủ khi ở địa phương thì đơn giản, nhưng khó khăn nhất là khi đưa đội đi đá xa nhà. Dù không muốn, ban huấn luyện buộc phải siết chặt kỷ luật bằng cách cấm cầu thủ rời khỏi khuôn viên khách sạn, hạn chế tối đa việc tiếp bạn bè đến thăm... 

Chúng tôi cũng khuyến cáo cầu thủ cần hạn chế việc bày tỏ niềm vui sau khi ghi được bàn thắng, nhất là đừng nên ôm hoặc bắt tay nhau vì cẩn thận bao giờ cũng tốt hơn cho mình và mọi người.

Có lẽ, đây là thời điểm mà đội ngũ bác sĩ của mọi CLB làm việc căng thẳng nhất, trong đó có việc đo thân nhiệt hằng ngày với toàn bộ thành viên trong đội bóng. Đến sân đối phương, việc phòng chống lây nhiễm càng nhọc nhằn hơn với những điều khó lường đang chực chờ trước mắt.

Sân Thống Nhất diệt khuẩn hằng tuần

Phó giám đốc Trung tâm TDTT Thống Nhất - ông Hoàng Ngọc Tuấn - cho biết: "Do sân Thống Nhất có tới hai CLB là Sài Gòn và TP.HCM chọn làm sân nhà nên hằng tuần đều có trận đấu.

Theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng, chúng tôi đã tiến hành phun thuốc kháng khuẩn hằng tuần tại các phòng chức năng và toàn bộ khán đài A, khu vực kỹ thuật hai đội bóng.

Đội ngũ y tế cũng được huy động nhiều hơn, đến sân làm nhiệm vụ sớm hơn để đo thân nhiệt cho những người hội đủ tiêu chuẩn vào sân làm nhiệm vụ như: hai đội bóng, tổ trọng tài, giám sát trận đấu, giám sát trọng tài, nhóm nhặt bóng và cáng thương, phóng viên, ban tổ chức và quan chức địa phương, lực lượng cảnh sát và bảo vệ...

Tuyển nữ Việt Nam khó đá giao hữu quốc tế chuẩn bị Olympic do dịch cúm corona Tuyển nữ Việt Nam khó đá giao hữu quốc tế chuẩn bị Olympic do dịch cúm corona

TTO - Chuẩn bị cho vòng play-off Olympic Tokyo 2020 tháng 3 tới, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ tập trung trở lại vào ngày 16-2 tại Hà Nội. Tuy nhiên, thầy trò HLV Mai Đức Chung khó có cơ hội cọ xát quốc tế để chuẩn bị do dịch cúm corona.

SĨ HUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên