08/06/2016 09:22 GMT+7

Bộ GD-ĐT đừng sợ TP.HCM làm sai!

TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)

TTO - “Đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện phân cấp phân quyền triệt để cho TP.HCM. Bộ đừng sợ TP.HCM làm sai. Nếu TP có cơ chế chính sách đột phá sẽ tăng trưởng không dưới hai con số. Giao cho chủ tịch TP chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng giáo dục ”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nêu các vấn đề bất cập của giáo dục với lãnh đạo Bộ Giáo dục - đào tạo - Ảnh: Thuận Thắng
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nêu các vấn đề bất cập của giáo dục với lãnh đạo Bộ Giáo dục - đào tạo - Ảnh: Thuận Thắng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã kiến nghị như vậy tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM và bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM, diễn ra vào sáng 7-6.

Chấm dứt ngay dạy thêm, học thêm

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng giáo dục TP.HCM phải đi đầu trong hội nhập. Để hội nhập được phải có đề án tổng thể, trên cơ sở phê duyệt của Bộ GD-ĐT, Thành ủy cũng sẽ có nghị quyết riêng thực hiện đề án này.

Đồng thời ông Thăng đề nghị: trong các chương trình đào tạo từ phổ thông đến ĐH phải xây dựng cho học sinh, sinh viên có lý tưởng tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội... chứ không chỉ đơn thuần là giỏi ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

“Để thực hiện đề án giáo dục này phải có thời gian lâu dài, nhưng cái gì cần phải làm ngay. Phải dứt khoát bỏ dạy thêm, học thêm. Các trường quốc tế đâu có dạy thêm, học thêm mà học trò vẫn giỏi; đầu vào tốt, học phí cao vẫn nhiều người học. Còn việc phụ đạo cho học sinh yếu, TP thành lập các trung tâm, mở thêm danh mục đào tạo, ai có nhu cầu dạy và học thì đến đăng ký. Tuyệt đối không được mở các lớp dạy thêm, học thêm trong trường” - ông Thăng nói.

Bên cạnh đó, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng phải thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo. Đối với người nghèo có thể bao cấp chuyện học hành, các đối tượng khác phải theo thị trường.

“Hiện nay, rất nhiều nơi làm trường mầm non, chỉ cần khuyến khích là họ sẽ đầu tư ngay. Vậy việc gì phải xin biên chế? Tôi đề nghị TP kêu gọi đầu tư trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học... tạo điều kiện cấp đất cho tư nhân xây trường. Nếu không thực hiện xã hội hóa thì học sinh không thể biết bơi. Cuối cùng, năm nào lãnh đạo TP gặp mặt các cháu lại hứa xây bể bơi, giảm tải...” - ông Thăng nói.

Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị không phân biệt trường công, trường tư: “Tại sao Bộ GD-ĐT đề xuất 21 trường trọng điểm thuộc Nhà nước? Trọng điểm không phải để xin tiền mà để được hỗ trợ cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho nhà trường đào tạo tốt hơn. Bộ nên đưa ra các tiêu chí trở thành trường trọng điểm, không phân biệt trường tư thục hay công lập”.

Ngoài ra, ông Thăng còn cho rằng đào tạo phải gắn với thị trường. “Tại sao doanh nghiệp không phối hợp với các trường ĐH để đào tạo?” - ông Thăng đặt vấn đề.

Bộ trưởng giải quyết “nóng” các kiến nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: cơ sở để Bộ GD-ĐT chọn TP.HCM là địa bàn thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vì đây là nơi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Ông Nhạ cho rằng giáo dục đào tạo có nhiều vấn đề, một trong nhóm nguyên nhân tạo ra các vấn đề này là do vướng cơ chế chính sách. Nếu thực hiện trên 63 tỉnh, thành sẽ rất khó, nhưng thí điểm TP.HCM thì hoàn toàn được.

Ông Nhạ cho biết để tạo sự chuyển biến rõ nét trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, TP.HCM phải có đề án tổng thể phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2020 và tầm nhìn 2035. Tất cả những vấn đề ngành giáo dục đang vướng và những chiến lược phát triển giáo dục phải được thể hiện rõ nét trong đề án này. Có những nội dung mà trên phạm vi toàn ngành chưa được triển khai sẽ được thí điểm tại TP. Nếu có kết quả tốt, sẽ được triển khai cả nước.

“Trong đó, TP cần chú ý việc quy hoạch các trường ĐH. Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành.

Bộ sẽ cùng với TP rà soát thực hiện phân cấp, phân quyền, để TP chủ động hoàn chỉnh các quy định hiện hành, phù hợp xu hướng hội nhập, gắn với thị trường lao động, tăng cường chất lượng giáo viên, đổi mới chương trình, giảm tải...để giáo dục của chúng ta không xa cách giáo dục các nước khu vực.

TP phải chủ động trong việc xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục. Có những việc thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ sẽ giải quyết ngay, có những việc bộ sẽ ủy quyền hoặc cho phép TP thí điểm.

Trong đề án thí điểm phải nêu rõ những vấn đề này, để sau này có những việc không cần phải xin giấy phép. Chủ tịch UBND TP sẽ chịu trách nhiệm mặt quản lý nhà nước về giáo dục trước bộ trưởng” - ông Nhạ nói.

Tại hội nghị, trả lời về 11 đề xuất của chủ tịch TP.HCM với Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết cơ bản ông đồng ý về chủ trương những đề xuất này.

Về việc cho phép TP tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của TP, tới đây Bộ GD-ĐT chỉ xây dựng khung chương trình chung, TP được chủ động trong việc này.

Việc cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ, theo ông Nhạ, đây là xu hướng quốc tế nên bộ ủng hộ.

Với việc thay đổi phương thức đánh giá học sinh, bộ trưởng đề nghị căn cứ điều kiện cụ thể từng trường, đánh giá nhận xét của thầy cô, tránh thủ tục phức tạp.

Về giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT, bộ cũng đồng ý, có thể thực hiện từ năm sau. Việc tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo bốn kỹ năng nghe - đọc - nói - viết, đây là sự chủ động, bộ trưởng cũng đồng ý.

Ngoài ra, bộ trưởng cũng đề nghị TP tiên phong, quyết liệt không cho dạy thêm, học thêm. Bộ sẽ có văn bản cùng với TP thực hiện việc này, và sẽ thực hiện chủ trương này trên phạm vi cả nước.

Giáo dục TP.HCM phải hội nhập

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 cũng đã xác định giáo dục TP phải đi vào hội nhập.

“Việc này không thể làm ngày một ngày hai, nhưng phải kiên quyết làm từ nay đến năm 2020” - ông Phong nói. Theo ông Phong, một mặt hiện đại hóa để theo chuẩn quốc tế, mặt khác phải đáp ứng nhu cầu học tập của người dân TP.

Ông Phong cho rằng TP.HCM hiện đang có hơn 8.000 giáo sư, tiến sĩ, nếu TP không phát huy được nguồn lực tri thức này thì TP sẽ không trở thành văn minh, hiện đại được.

“TP.HCM sẽ hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, do chủ tịch UBND TP làm chủ tịch hội đồng, để xác định các trường đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động; tổ chức không gian các trường ĐH hợp lý hơn; phát huy cơ chế đặt hàng các chuyên gia tham gia giải quyết các vấn đề của TP” - ông Phong khẳng định.

Ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, kiến nghị với Bộ GD-ĐT quan tâm ba việc đối với khối giáo dục phổ thông:

Thứ nhất, cho phép Sở GD-ĐT chủ động cắt giảm chương trình giảng dạy, mới tính đến giáo dục toàn diện.

Thứ hai, có cơ chế để TP xã hội hóa, để người dân có cơ hội lựa chọn các môi trường học.

Thứ ba, khi cắt giảm chương trình, đòi hỏi rất cao đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu. Ông Cang còn cho rằng vấn đề nổi cộm hiện nay là giữa đào tạo và khả năng thực hành không đi liền nhau.

“Điều kiện thực hành nghiên cứu của sinh viên chưa tốt lắm. So với các nước trong khu vực chúng ta còn kém” - ông Cang nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng 
- Ảnh: T.H.

* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Không nên nhập khẩu 100% chương trình đào tạo

TP.HCM xin Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ 100% cho các trường CĐ, TCCN công lập, để các trường tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh...

Dù rất đồng tình với chủ trương khuyến khích tự chủ, nhưng tôi thấy một số điểm không nên để tự chủ. Đội ngũ giáo viên, giảng viên ở các trường CĐ, TCCN còn yếu tiếng Anh, nếu áp dụng chương trình nhập khẩu có khi lại phản tác dụng, lãng phí.

Tôi cũng không đồng ý việc để các trường tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh, vì phần lớn khi để trường quyết định chỉ tiêu tuyển sinh thì trường thường lợi dụng chính sách đó để tăng chỉ tiêu, làm giảm chất lượng đào tạo.

Theo tôi, chỉ nên khuyến khích các trường tự chủ về mặt học thuật, chương trình đào tạo.

TS Hồ Thiệu Hùng    - Ảnh: Q.T.

* TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Cần có lộ trình cụ thể

Về hầu hết các đề xuất của TP với bộ, tôi đều đồng tình. Riêng vấn đề TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT, sau đó định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc, dù đồng tình nhưng tôi cho rằng cần có lộ trình cụ thể, không thể một lúc cho phép cả 63 tỉnh, thành đồng loạt được công nhận tốt nghiệp.

Theo tôi, những tỉnh, thành nào Bộ GD-ĐT tin là có chất lượng dạy và học thực chất thì nên cho thí điểm làm trước. Và cần hết sức tránh các biến tướng chạy theo thứ hạng cao thấp, chỉ chú trọng dạy và học một số môn có đánh giá chất lượng theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) khiến học sinh học lệch.

Qua các kỳ thi tốt nghiệp lâu nay, kể cả thi kiểu PISA, điểm số đánh giá học sinh hay tỉ lệ cao thấp chỉ mới phản ánh chất lượng dạy và học các môn thi đó, không thể xem đây là thước đo chuẩn của chất lượng giáo dục.

MỸ DUNG ghi

TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên