05/02/2013 15:28 GMT+7

"Ăn tết" sao sướng bằng "chơi tết"!

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Cuộc trao đổi với các bác sĩ trên Tuổi Trẻ Online (TTO) cuối năm thật rôm rả. Nhiều bạn đọc bị tiểu đường tim mạch nhưng rất muốn "ăn chơi' sao cho ra tết. Mùa "đi đứng" lỡ bị chấn thương xử lý thế nào?

mzwxcNKV.jpgPhóng to

Các bác sĩ (từ trái qua) qua Trương Dạ Uyên, Nguyễn Hoài Nam, Đào Thị Yến Thủy, Tăng Hà Nam Anh - khách mời của buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm

Những bác sĩ - khách mời của chương trình gồm:

- PGS.TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM- Th.s, BS Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương- Bác sĩ Trương Dạ Uyên - trưởng khoa phòng khám Bệnh viện Hoàn Mỹ- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - BS CKI nội nhi, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Má tôi lớn tuổi, trên 60. Ngày tết cúng kiếng, má tôi hay ngồi hoặc quỳ lâu, chân cứng, đau, có khi không đi lại được. Xin hỏi đó có phải giãn tĩnh mạch không? Giãn tĩnh mạch là gì thưa BS Nam Anh, điều trị như thế nào? (Ngọc, 27 tuổi, chimtroi@...)

Td46uz6k.jpgPhóng to
Th.s, BS Tăng Hà Nam Anh. Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương - Ảnh; Thanh Đạm

- Th.S,BS Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Theo như bạn mô tả, tôi nghĩ mẹ bạn có thể bị thoái hóa khớp gối, triệu chứng của bệnh này thường là ngồi xổm hoặc ngồi xếp bằng lâu, co duỗi chân sẽ bị đau vùng đầu gối. Đây không phải là triệu chứng của giãn tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch là tình trạng các van tĩnh mạch ở vùng chi dưới không đảm nhiệm được chức năng giữ và đưa máu về tim, khi đứng lâu chân sẽ bị phù nề, các tĩnh mạch nổi to dưới

Điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm uống thuốc, tập vật lý trị liệu, hạn chế leo cầu thang ,không được ngồi xổm và không được ngồi xếp bằng, cũng không nên quỳ gối cúng kiếng quá lâu.

* Người bị cholesterol cao thì nên hạn chế hoặc không nên ăn, uống thực phẩm nào. Trân trọng cám ơn. (Huỳnh Thị Ngọc Hiệp, 52 tuổi, ngochiep11@...)

- PGS.TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Cholesterol trong máu có hai nguồn gốc, thứ nhất là nguồn gốc nội sinh, do cơ thể tự sản sinh ra từ một số hoạt chất và chiếm đến 4/5 lượng cholesterol trong máu. 1/5 còn lại có nguồn gốc ngoại sinh, do các loại thực phẩm hằng ngày mang lại.

Các loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, các loại phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà... Vì vậy, những người bị cholesterol cao trong máu ngoài việc phải sử dụng các loại thuốc chống rối loạn chuyển hóa lipid để giảm thấp nguồn cholesterol nội sinh còn cần phải hạn chế các loại thức ăn có hàm lượng cholesterol cao như đã kể trên.

* Tôi mang thai được 4 tháng. Dịp tết sắp đến tôi rất muốn được tư vấn nên ăn uống như thế nào cho hợp lý trong ngày tết?(Chu Thủy, 25 tuổi, chuthuy4888@...)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - BS CKI nội nhi, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Qua tháng này có lẽ bạn đã bớt nghén. Nếu không bị dị ứng thực phẩm nào bạn có thể tiếp tục thực đơn yêu thích của mình. Mỗi ngày ngoài ba bữa chính bạn nên có thêm một đến hai bữa phụ với sữa, sữa chua, bánh bông lan, chè, trái cây...

Bữa ăn chính phải có đủ 4 nhóm thực phẩm (ví dụ: cơm thịt, rau, dầu ăn). Mỗi bữa nên ăn thêm nửa chén cơm hoặc bún, 50-90g thịt hoặc 100-120g cá, tôm hoặc một miếng đậu hủ. Rau một chén mỗi bữa (không tính nước), tối thiểu 200g trái cây các loại mỗi ngày.

Chú ý các thực phẩm giàu sắt bổ máu như: thịt, cá, gan, huyết. Mỗi ngày cần uống tối thiểu là hai ly sữa (sữa tươi, sữa bà bầu), uống viên sắt một viên mỗi ngày từ khi mang thai cho đến một tháng sau sinh. Chú ý nên ăn đa dạng thực phẩm, thay đổi món thường xuyên, sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn. Cần tăng cân tốt trong thai kỳ: ba tháng đầu tăng 1-2kg, ba tháng giữa tăng 3-4kg, ba tháng cuối tăng 5-6kg.

Lưu ý nên đi khám thai định kỳ để được theo dõi sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé.

* Tôi đọc tài liệu về bệnh tiểu đường thấy nên các ăn loại rau, củ, quả có chất xơ. Xin bác sĩ có thể tư vấn chi tiết, cụ thể là những loại rau, củ, quả nào nên ăn? loại nào không nên ăn?(Trịnh Sơn, 36 tuổi, trtinhson@)

- Bác sĩ Trương Dạ Uyên - trưởng khoa phòng khám Bệnh viện Hoàn Mỹ: Các loại rau củ quả giàu chất xơ mà bệnh nhân tiểu đường được khuyến khích dùng:

+ Tất cả các loại rau: nên chọn rau tươi, mình nên ăn thay đổi.

+ Củ quả: bầu, bí đao, súp lơ, xu hào, dưa leo, cà chua.

+ Các loại đậu giàu chất xơ: đậu bắp, đậu rồng, đậu que.

- Các loại củ quả nên ăn ít: các loại củ có tinh bột (khoai từ, khoai tây, khoai lang, sắn...), nếu ăn thì phải trừ bớt cơm để tránh tăng đường huyết.

* Cháu muốn hỏi về món thịt đông. Ngày tết mà nấu món đấy thì thường để ăn trong khoảng 2-3 ngày, bảo quản bằng tủ lạnh, dùng như thế có tốt không?(Nguyễn Thị Tươi, 19 tuổi, meo.duoixu_nd@...)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy: Món này có thể để bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát gần ngăn đá, sử dụng được trong 3-4 ngày. Chú ý cắt những phần nhỏ vừa đủ ăn mỗi bữa. Tránh tình trạng để nguội rồi lại để vào tủ lạnh sẽ mau hư hỏng hơn.

* Thưa bác sĩ Nam, mẹ tôi bị tim mạch, rối loạn tiền đình, ngày tết cần kiêng ăn những món đặc trưng gì để bảo đảm sức khỏe ổn định? (Như Quỳnh, 29 tuổi, quynhnhu@...)

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Kẻ thù của tim mạch là muối và mỡ động vật.

Chính vì vậy, nếu mẹ bạn đã bị bệnh về tim mạch và rối loạn tiền đình thì ngày tết cũng như ngày thường nên có chế độ ăn hợp lý, giảm bớt mỡ và muối. Tuy nhiên, không phải kiêng cữ hoàn toàn mà nên có chế độ ăn hợp lý vì cơ thể nếu thiếu muối và mỡ thì sẽ bị giảm sức đề kháng, thậm chí các cơ quan nội tạng không thể hoạt động được.

Một chế độ ăn hợp lý, phù hợp với từng cá nhân là một lời khuyên tốt nhất hiện nay mà các bác sĩ tim mạch và các bác sĩ về dinh dưỡng đều khuyên bệnh nhân.

* Những chấn thương nào thường hay gặp phải trong dịp tết? Nên ứng xử thế nào nếu chấn thương đó là chấn thương phần mềm, và nếu chấn thương đó là phần cứng? (Hoàng Quý Xuân, 18 tuổi, quyxuanxinh@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Chấn thương phần mềm là từ dùng chung cho các cơ quan không phải là xương (ví dụ: da, mô dưới da), có những phần mềm mang tính chất quan trọng người ta sẽ gọi bằng tên của những phần mềm đó (ví dụ: gân, mạch máu, thần kinh). Chấn thương phần cứng thường là để chỉ cho các loại gãy xương.

Ngày tết mật độ xe cộ lưu thông cao nên dễ xảy ra các vết thương bàn chân do cần số, cần đạp thắng, tấm bảo vệ pô xe... cũng như vết thương bàn tay do dao cắt, bong gân cổ chân, bong gân khớp gối...

Khi gặp các chấn thương phần mềm, cách xử lý ban đầu là băng thun chườm lạnh, nghỉ ngơi và đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị tích cực.

Đối với các chấn thương phần cứng, thường là gãy xương (gãy hai xương cẳng chân, gãy xương vùng bàn chân), các gãy xương thì cần phải được cố định và đưa đến các bệnh viện, các khoa chấn thương chỉnh hình để các bác sĩ xử trí.

* Tôi bị dạ dày và đại tràng. Trong ngày tết tốt nhất nên kiêng những gì (tất nhiên là ngoài rượu và bia!)?(Lê Quang Luyện, 33 tuổi, gocphoẻu_phong@...)

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Ở những bệnh nhân bị bệnh dạ dày và đại tràng mãn tính, cần phải tránh những loại thức ăn có tính chất kích thích cao như quá cay, quá chua, hạn chế dầu mỡ vì đây là những loại thức ăn rất khó tiêu.

Tránh ăn một lúc no quá, nên chia làm nhiều bữa. Ngoài kiêng rượu bia, nên tránh các loại nước uống có gas, và có tính kích thích với hệ thần kinh như cà phê, trà. Tránh sử dụng các loại nước kèm với đá lạnh vì đá lạnh là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày và đại tràng mãn tính.

* Mấy ngày tết bia rượu bù khú, sáng thức dậy bụng sôi ùng ục, tiêu chảy liên tục. Nhờ quý bác sĩ giải thích đó là bệnh gì và hướng dẫn thuốc uống. (Nguyễn lợi, 51 tuổi, loiha152@...)

Cần hạn chế lượng cồn uống vào (dưới 2 lon bia, 90ml rượu vang 12o, 30ml rượu mạnh 40o một ngày).

- BS Đào Thị Yến Thủy: Bia rượu có thể tiêu diệt các vi khuẩn có ích trong đường ruột, gây mất cân bằng sinh thái; các vi khuẩn có thể sinh hơi gây đầy hơi chướng bụng, tăng co thắt đường ruột và gây đau bụng, tiêu chảy. Đây là tình trạng hay gặp ở những người hay uống bia, rượu.

Cách xử trí là ngưng uống bia rượu và ăn sữa chua, hũ men vi sinh (probio) hoặc bổ sung men vi sinh đường ruột (biosubtyl). Khi hết tiêu chảy, cần hạn chế lượng cồn uống vào (dưới 2 lon bia, 90ml rượu vang 12o, 30ml rượu mạnh 40o một ngày).

* Tôi đọc trên mạng thấy những người bị đái tháo đường có thể ăn trái cây chín. Vậy tôi có thể ăn những trái cây chín có vị ngọt như xoài, sầu riêng, bưởi không, hay phải kiêng hoàn toàn? (Thi Giang, 36 tuổi, thigiang35@)

- Bác sĩ Trương Dạ Uyên: Bệnh nhân tiểu đường có thể ăn trái cây, tuy nhiên phải ăn đúng cách. Tốt nhất nên ăn trái cây từng ít một ngay sau mỗi bữa ăn có giàu chất xơ. Không nên ăn trái cây khô, không nên uống nước trái cây đã ép bỏ xác (vì chất xơ trong trái cây giúp ngăn quá trình hấp thu đường vào máu, do đó ăn sau bữa ăn đường huyết sẽ tăng chậm hơn nếu ăn lúc bụng đói).

Ví dụ: nếu bạn uống một trái bưởi ép lúc đói thì sau khi uống, đường huyết có thể tăng lên hơn 100 so với trước khi uống, ngược lại nếu chia nhỏ quả bưởi làm 4 phần ăn dần trong cả ngày thì đường huyết hầu như không tăng bao nhiêu.

* Cho tôi hỏi, những bệnh nào, chấn thương nào dễ gặp phải khi đi du lịch mùa tết? Nên chuẩn bị như thế nào để tránh được những rủi ro này? Trong trường hợp gặp chuyện, nên ứng xử ra sao? (Hồng Trung, 32 tuổi, trunghong@)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Khi đi du lịch, thông thường có hai vấn đề chúng ta cần lưu ý là đau bụng tiêu chảy do thức ăn và chấn thương bong gân các khớp, đặc biệt là khớp cổ chân.

Đối với tiêu chảy, bạn nên chọn các món ăn quen thuộc nếu như đã biết bụng dạ của mình không tốt, đôi khi bia rượu nhiều cũng có thể gây tiêu chảy. Nếu đã phòng mà vẫn bị thì nên mang theo ít thuốc tiêu chảy, ngưng dùng thức ăn lạ; uống nước chanh muối hay các nước cung cấp thêm muối để trị tiêu chảy hay có bán ở nhà thuốc.

Khi đã bị bong gân, nên dùng băng thun băng ép vùng khớp, hạn chế đi lại, dùng nước đá lạnh bỏ vào bịch nylon chườm lên vùng bị chấn thương.

Đối với bong gân, tránh mang các loại giày dép, guốc cao gót khi đi trên mặt đất không bằng phẳng. Khi đã bị bong gân, nên dùng băng thun băng ép vùng khớp, hạn chế đi lại, dùng nước đá lạnh bỏ vào bịch nylon chườm lên vùng bị chấn thương.

Không nên tiếp tục đi nhiều bên chân bị chấn thương và khi ngồi nghỉ ngơi, nên kê chân cao ngang bằng với khung chậu tức là ngang hông của mình để tránh bị phù nề. Không nên bóp dầu, muối nóng, mật gấu...

* Ba của em đau vai phải đã 1 năm nay, dạo gần đây vai phải yếu hơn vai trái. Gần tết , dọn dẹp nhà nhiều nên tình trạng nặng hơn, xin hỏi bác sĩ ba em bị bệnh gì? (Trương Minh Hải, 28 tuổi, truongminhhai.nt@...).

- Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh: Mùa gần tết rất nhiều bệnh nhân bị đau vùng khớp vai, cơn đau vùng vai nặng hơn vào ban đêm và gây mất ngủ, nằm nghiêng bên vai đau sẽ bị đau nhiều hơn. Đây là triệu chứng của bệnh lý chóp xoay là gân nằm trong khớp vai. Gân có thể bị viêm hay rách.

Việc điều trị sẽ bao gồm uống thuốc, tập vật lí trị liệu, nếu không bớt và gân đã bị rách có thể phải phẫu thuật mổ khâu gân qua nội soi để phục hồi lại sức cơ và tầm hoạt động của khớp vai. Trong trường hợp ba của bạn đã bị đau rất lâu và cảm thấy yếu đi thì xem chừng gân đã bị đứt. Nên đưa bác đi khám bác sĩ chuyên về chấn thương chỉnh hình ở các bệnh viện để có hướng xử trí tốt nhất.

* Ngày tết nên chế biến, sử dụng thức ăn như thế nào để tránh đầy bụng, khó tiêu và tăng cân? (Thu Hiền, 26 tuổi, ntthuhien87@...)

- BS Đào Thị Yến Thủy: Hằng ngày nếu bạn thường bị đầy bụng khó tiêu bởi loại thức ăn nào thì cần hạn chế loại thức ăn đó. Thường các thực phẩm giàu béo (các món quay, chiên, xào, bánh xèo...) dễ gây khó tiêu.

Nên chế biến thức ăn kiểu hấp, luộc, nướng, trộn gỏi... có thể hạn chế được chất béo gây khó tiêu.

Các thực phẩm dễ gây tăng cân ngày tết: bánh chưng, bánh tét, bánh mứt ngọt, thịt quay, thịt chiên, thịt mỡ kho... Nên ăn vừa đủ và ăn thêm nhiều rau, trái cây ít ngọt để đủ no mà không nạp quá nhiều năng lượng dư thừa.

* Làm sao để trong những ngày nghỉ tết, tôi có thể phục hồi được thể lực sau thời gian làm việc căng thẳng? (Nguyễn Thế Hải, 35 tuổi, thehai73@...)

Hãy quý những phút giây được sống riêng tư một mình, được đắm chìm vào những cơn mơ và nghe nhạc...

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Việc phục hồi thể lực không thể tiến hành trong 1-2 ngày nghỉ. Tốt nhất bạn nên chọn chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý trong suốt cả năm, thậm chí suốt cuộc đời của mình.

Tuy nhiên, trong một vài ngày nghỉ tết, bạn có thể nghỉ ngơi thư giãn, tắt điện thoại di động, nghỉ ở nhà hay đi cắm trại đâu đó, tránh xa mọi ồn ào của phố phường, tìm về lại chính mình khi còn thơ bé. Hãy quý những phút giây được sống riêng tư một mình, được đắm chìm vào những cơn mơ và nghe nhạc...

* Chồng tôi mới phẫu thuật nối dây chằng được hơn 1 năm. Gần tết, do công việc nên anh ấy hay đi lại nhiều, có khi phải khiêng vác nặng. Xin hỏi như vậy có ảnh hưởng gì không, và chồng tôi cần phải chú ý những gì để không ảnh hưởng vết thương? (Mỹ Xuyên, 28 tuổi)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Thông thường dây chằng được tái tạo sau 1 năm là đã được biến đổi thành dây chằng bình thường.

Do đó bệnh nhân có thể chơi thể thao, hoạt động bình thường, ngoại trừ dây chằng được tái tạo không có chức năng hoặc không có khả năng tạo dây chằng mới, nói nôm na là phẫu thuật thất bại.

Do vậy chúng tôi nghĩ bạn nên khuyên chồng đi khám lại để bác sĩ đánh giá và xem có thể làm việc nặng hay chơi thể thao được không.

* Sao thấy đâu đâu cũng tiểu đường, tỉ lệ bệnh cao không thưa bác sĩ? Má tôi nói không ăn ngọt, không ăn thức ăn béo, ăn nhiều rau, uống nhiều nước sẽ tránh được tiểu đường, điều đó đúng không? Tôi lại thích ngọt, thích mứt, sữa, toàn hảo hạng trong mùa Tết, vậy làm sao để phòng tránh? (Hạnh, 20 tuổi, hanh@...)

- Bác sĩ TrươngDạ Uyên: Hiên tại bệnh tiểu đường đang có xu hướng tăng nhanh trên toàn thế giới. Riêng ở TP.HCM có khoảng 7% dân số bị tiểu đường (theo một nghiên cứu).

- Để phòng ngừa bệnh tiểu đường, cần áp dụng các biện pháp sau:

+ Tập luyện thể dục từ nhỏ, duy trì thói quen vận động cho đến lớn.

+ Hạn chế thức ăn giàu năng lượng (béo, ngọt, tinh bột), hạn chế thức ăn nhanh. Tăng cường ăn các thức ăn giàu chất xơ, các loại gạo còn nguyên cám, rau quả trái cây tươi, ăn các loại cá, thịt nạc, hải sản. Nên ăn uống điều độ, đúng giờ. Tránh ăn khuya, ăn vặt.

+ Giữ tinh thần lạc quan, học cách kiểm soát stress.

+ Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm (biện pháp sớm nhất phát hiện ra giai đoạn tiền tiểu đường), từ đó có biện pháp ngăn ngừa tích cực hơn.

* Tôi 40 tuổi, vừa khám sức khỏe, chẩn đoán hở van tim 1/4. Thỉnh thoảng tôi chỉ thấy hơi hơi mệt. Liệu bệnh có tăng nặng hơn không? Tôi có tập thể dục được không? (Ngọc Hoàng, 40 tuổi, hoanglong@...)

RIK3qIh9.jpgPhóng to
PGS.TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Ảnh: Thanh Đạm

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Hở van tim ở người trung niên là một diễn biến hoàn toàn bình thường theo tuổi tác vì khi bạn còn trẻ, cơ bắp còn chắc, cơ tim cũng vậy. Theo năm tháng, cơ bắp của bạn nhão dần đi và cơ tim cũng bị nhão, chính vì vậy gây ra hiện tượng hở van tim sinh lý.

Thông thường, mức độ hở chỉ vào khoảng 1/4 đến 2/4 là tối đa. Nếu trên 2/4 và có kèm các triệu chứng mệt, sưng phù chân, khó thở... hoặc phân suất tống máu đo được trên siêu âm tim dưới 60% thì rất có thể bạn đã bị bệnh tim thật sự rồi đó.

Với các triệu chứng bạn mô tả thì việc tập thể dục hằng ngày đối với bạn là rất cần thiết và không có hại gì cho cơ thể. Ở độ tuổi của bạn, tốt nhất là tập bơi, hoặc đi bộ hằng ngày khoảng 30 phút là tốt nhất.

* Xét nghiệm máu nói tôi bị nhiễm viêm gan B, vậy trong những ngày tết tôi nên ăn gì và có thể uống một vài ly rượu chung vui với bạn bè được không? (Lê Tấn Đạt, 52 tuổi tuổi, PGDCL gmail@...)

- BS Đào Thị Yến Thủy: Nếu tình trạng viêm gan cấp tính, bạn nên hạn chế những thực phẩm giàu chất béo và không nên uống chút bia rượu nào. Nếu tình trạng nhiễm siêu vi viêm gan B là mạn tính thì chế độ ăn không có gì khác biệt với thường ngày.

Trừ trường hợp món ăn nào làm bạn thấy khó tiêu sau ăn thì nên ăn ít hoặc tạm tránh. Nên kiểm soát lượng bia rượu hằng ngày, chỉ nên uống 1 lon bia hoặc 45ml rượu vang hoặc 15ml rượu mạnh. Nếu uống gấp đôi lượng trên kéo dài thì sẽ gây tác hại đến sức khỏe.

Tình trạng viêm gan đã gây tổn thương trên tế bào gan, cần hạn chế bia rượu để không hại thêm cho gan.

* Tôi đọc sách chăm sóc trẻ con nói trẻ con bị gãy xương thì xương không liền lại được vì lúc đó xương còn là sụn, nghĩa là sao thưa BS? (Lan Hong, 25 tuổi, lan3@....)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Xương trẻ con còn có phần sụn tiếp hợp hay còn gọi là sụn phát triển ở hai đầu xương giúp cho xương phát triển và như vậy trẻ con mới phát triển được.

Khi bị gãy xương, xương trẻ con rất mau lành vì khả năng phát triển cao, và đặc biệt có khả năng tự sửa chữa các di lệch như chồng ngắn, gập góc, ngoại trừ di lệch xoay là không tự sửa chữa được. Do vậy khái niệm không lành xương của trẻ con là không chính xác.

Các phụ huynh cứ an tâm, nếu trẻ bị gãy xương, nên đưa cháu đến các bác sĩ chấn thương chỉnh hình để được nắn và bó bột, xương cháu sẽ rất mau lành.

* Vợ tôi bị hở van tim 2/4, lễ đi chơi xa theo bác sĩ cần chuẩn bị gì, có nên đi nước ngoài không? Bệnh này tiến triển nhanh không, tùy thuộc vào điều gì? (Nguyễn Hà, habinhlan@...)

- BS Nguyễn Hoài Nam: Hở van tim là một bệnh thường gặp, nguyên nhân là hậu thấp (sau viêm khớp). Ở Việt Nam, bệnh thường gặp ở những người trẻ, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Việc chẩn đoán phải dựa vào những triệu chứng lâm sàng như bệnh nhân có thường mệt không, có hay khó thở không, chân có bị sưng phù do ứ huyết...

Với mức độ hở van tim 2/4 như vợ của bạn, nếu không kèm theo các triệu chứng như trên thì không phải là quá nặng, vẫn có thể đi du lịch nước ngoài bình thường.

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt cho chuyến du lịch đầu xuân, bạn nên đưa vợ đến khám kiểm tra kỹ tại một bác sĩ chuyên khoa về tim mạch để có một bức tranh tổng thể về bệnh tật, từ đó mới có những biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Mức độ tiến triển của bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là việc điều trị có đúng theo yêu cầu của bác sĩ hay không, bao gồm, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, và có uống thuốc đều hay không.

* Con tôi 22 tháng, thuộc dạng kén ăn. Mấy ngày nay cháu không chịu ăn cháo nữa mà chỉ đòi ăn cơm, cháu ăn cũng không nhiều. Sắp tới tôi đưa cháu về quê nội ăn tết dài ngày, tôi rất lo chuyện ăn uống của cháu. Xin BS cho tôi lời khuyên, làm sao để đảm bảo cho cháu ăn uống đủ? Nếu cháu vẫn không hợp tác, tôi có thể thay cữ ăn của cháu bằng thực phẩm chức năng dành cho trẻ nhỏ không (ví dụ bánh gạo của Nhật...)? (Thùy Vân, 32 tuổi)

- BS Đào Thị Yến Thủy: Bé gần 2 tuổi có thể đã mọc đủ răng hàm để nhai cơm. Lúc này có thể tập cho bé ăn cơm nát, cơm chan canh... với lượng ít. Các thực phẩm như cháo, bún, mì, phở, hủ tiếu... vẫn cần thiết thay đổi trong 3 bữa ăn hằng ngày của bé. Nếu bé ăn cơm ít, có thể ăn thêm ngay sau bữa ăn các món mì, bánh, kem, sữa chua, váng sữa, bánh plan, phô mai, trái cây hoặc uống sữa thêm cho đủ no.

Bánh gạo chỉ chứa chất bột đường không thể trở thành bữa ăn chính của bé. Cần xé nhỏ thịt kho, cá chiên, tôm hấp... cho vào chén cơm để bé dễ nhai nuốt. Rau từ nồi canh gia đình cũng cần cắt nhỏ cho bé ăn. Dầu ăn có thể cho vào chén canh hoặc chén cơm của bé. Nên thay đổi món thường xuyên để bé không ngán và nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.

* Tết hiện giờ nhà nhà ít làm thức ăn mà mua bên ngoài, theo bác sĩ Yến thủy có phải thức ăn hầu hết đều dùng hóa chất có hại để bảo quản hay không? Họ dùng nhiều nhất là hóa chất gì, ví dụ trong củ kiệu, dưa món thịt đông, chả giò thì sao? Nếu không mua thì biết ăn gì?(Lắm, 36 tuổi, lahin@...)

- BS Đào Thị Yến Thủy: Các món củ kiệu, dưa món, chả giò... thường dùng hàn the để bảo quản và tăng độ giòn dai. Tuy nhiên hàn the đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vì có tác hại đến sức khỏe. Nên mua các loại thực phẩm làm sẵn này ở siêu thị hoặc ở những cơ sở sản xuất uy tín.

* Mẹ tôi năm nay 59 tuổi, bị dư cân và cao huyết áp. Tôi lo những ngày tết trời lạnh cộng với việc ăn uống thất thường (vì phải đi thăm họ hàng nhiều nơi) sẽ ảnh hưởng không tốt đến bà. Xin hỏi mẹ tôi cần lưu ý những gì để luôn được khỏe mạnh? Xin cảm ơn! (Hữu Tài, 23 tuổi)

- BS Nguyễn Hoài Nam: Ngày xưa, người ta thường nói là "ăn tết". Trong những ngày này, vấn đề ăn uống được đặt ra rất quan trọng. Tuy nhiên, ngày hôm nay, chúng ta cần thay đổi quan điểm, thay vì "ăn tết", chúng ta gọi là "chơi tết", tức là thưởng thức tết.

Cũng đừng đặt nặng quá vấn đề phải đi thăm viếng nhau trong dịp tết như ngày xưa vì chúng ta có nhiều phương tiện liên lạc với nhau rất hữu ích. Thay vì đến gặp mặt nhau rất xa xôi, chúng ta có thể gọi điện thoại hỏi thăm nhau, chúc tết nhau, vẫn tốt như thường.

Thay vì phải ăn quá nhiều như ngày xưa - những năm tháng còn khó khăn thì chúng ta hãy thưởng thức - ăn ít lại - thưởng thức các món ngon một cách nhẹ nhàng, vừa tốt cho sức khỏe, vừa vui. Đặc biệt, với những người dư cân, cao huyết áp thì vấn đề ẩm thực ngày tết cũng nên kiêng cữ và đúng mực như những ngày thường là tốt nhất.

* Ngày tết con cái hay ra đường, chúng tôi cần phòng tránh cho các cháu những loại chấn thương gì? (Hoan, 45 tuổi, hoanlang@yahoo.com)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Ngày tết là ngày vui chơi của người lớn và trẻ em. Ai cũng phấn khích, người lớn uống nhiều bia rượu hơn, trẻ con hay tụ tập chạy xe và đôi khi cũng lạng lách chút đỉnh. Đa phần tai nạn hay xảy ra đối với các cháu là do tại nạn giao thông. Do đó bạn cần căn dặn cháu cẩn thận khi đi trên đường, chấp hành tốt luật lệ giao thông.

* Vì sao nói biến chứng của đái tháo đường là nguy hiểm và khó nhận biết? Khó quá sao nhận biết được? Mấy dịp Tết ăn uống có dễ bị biến chứng không? (nguyenhang, 35 tuổi, hangle@...)

idNo3blB.jpgPhóng to

Bác sĩ Trương Dạ Uyên - trưởng khoa phòng khám Bệnh viện Hoàn Mỹ - Ảnh: Thanh Đạm

- Bác sĩTrương Dạ Uyên: Tiểu đường là một bệnh mạn tính và nguy hiểm do có nhiều biến chứng. Tuy nhiên may mắn là hầu hết các biến chứng này đều có thể nhận biết được và ngăn ngừa thông qua việc phát hiện và điều trị sớm.

- Các biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường cần lưu ý nhất là: hạ đường huyết hoặc hôn mê do tăng đường huyết.

+ Hạ đường huyết: khi đường huyết < 60mg/dl. Đây là một biến chứng hay gặp trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Biến chứng này nguy hiểm đặc biệt ở người làm những nghề đòi hỏi độ an toàn cao (tài xế, phẫu thuật viên)...hoặc người già thường do điều trị quá liều, hoặc do dùng sai liều thuốc, hay do ăn uống kém, bỏ ăn...

Các triệu chứng chính để phát hiện bao gồm đói, bủn rủn, vã mồ hôi, mờ mắt, run tay chân... Người bệnh cần uống ngay 3 muỗng cafe đường, hoặc 3 viên kẹo ngọt, hoặc 1/3 lon nước ngọt, hoặc một miếng bánh ngọt để làm tăng nhanh lượng đường trong máu từ < 60mg trở lại mức trung bình.

+ Hôn mê do tăng đường huyết:

- Các biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường bao gồm: Mắt, tim, não, thận, loét chân...các biến chứng này hầu hết đều được các bác sĩ chuyên khoa nội tiết kiểm tra tầm soát định kỳ hàng năm cho bệnh nhân tiểu đường, nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm là các biến chứng này không khó đến mức không thể nhận biết.

Ví dụ: Bệnh võng mạc do tiểu đường sẽ được phát hiện sớm qua soi đáy mắt định kỳ hàng năm. Bệnh thận do tiểu đường được phát hiện thông qua tìm lượng albumin trong nước tiểu và đánh giá độ thanh thải creatinin hàng năm.

- Riêng về chuyện ăn uống trong dịp tết, bạn cần lưu ý ăn uống điều độ, đúng giờ. Lưu ý 2 biến chứng hay gặp trong dịp tết nhất là: hạ đường huyết hoặc hôn mê do tăng đường huyết. Do đó, bạn cần chú ý việc dùng thuốc theo toa, nhất là bạn không được bỏ tiêm insulin khi đi chơi xa (dễ bị tăng đường huyết), hoặc không được bỏ bữa ăn mà vẫn dùng thuốc hạ đường huyết (dễ bị hạ đường huyết)...

* Tôi bị gãy tay cách đây mấy tuần, khi bỏ bột tay tôi rất cong, khoảng bao lâu tay sẽ thẳng hoàn toàn? Trường hợp nào tay sẽ không thẳng lại như cũ được? (Chân trời, 42 tuổi, chan1543@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Bạn không cho biết bạn bao nhiêu tuổi nên rất khó để trả lời xương có tự thẳng được không. Thông thường trẻ con sẽ có khả năng tự chỉnh di lệch chồng ngắn, gập góc. Nhưng đối với người lớn, khả năng này rất khó. Bạn nên đi khám lại để được chụp X quang kiểm tra xem xương có thẳng hay không. Nếu bị di lệch thì tùy loại xương mà các bác sĩ sẽ có biện pháp chỉnh sửa giúp bạn.

* Em bị bệnh dạ dày do vi trùng HP. Uống 1 đợt kháng sinh, bác sĩ bảo HP kháng thuốc. Xin hỏi cách em nên ăn uống như thế nào? Có chữa được không và chữa ở đâu là tốt nhất? (Trân Văn Hùng, 23 tuổi, vanhungdta1@...)

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Bệnh viêm dạ dày có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tồn tại của vi trùng HP. Theo quan điểm hiện nay, cần phải tiệt trùng loại vi trùng này trong điều trị bệnh viêm dạ dày. Tuy nhiên, có khá nhiều dòng vi trùng HP khác nhau và hiện nay, đã xuất hiện 1 số dòng vi trùng kháng thuốc với những phác đồ điều trị thông thường. Khi gặp những trường hợp này, phải thay đổi phác đồ điều trị cho thích hợp. Chủ yếu là thay đổi các loại kháng sinh và sự phối hợp giữa các loại kháng sinh đó với nhau.

Việc điều trị không chỉ làm tiệt trùng mà còn phải tránh tái phát vì vi trùng HP rất dễ tái nhiễm cho người bệnh, nhất là trong điều kiện vệ sinh về ăn uống, sinh hoạt còn nhiều điều bất cập như hiện nay.

* Ba của em bị sưng ngón cái bàn chân phải 2 ngày nay, đau nhức rất nhiều. Đi khám bác sĩ tư được chẩn đoán ngay là gout mặc dù chưa làm xét nghiệm gì cả. Em lên mạng tìm hiểu thông tin thì được biết là phải làm xét nghiệm máu mới biết được chính xác là bị gout hay không? Em băn khoăn không biết có nên đưa ba em đi khám lại ở bệnh viện hay tiếp tục uống thuốc. Vũ Văn Duy, 23 tuổi, littleforward@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Thông thường bệnh gout qua khai thác bệnh sử đã giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán, việc xét nghiệm acid uric trong máu sẽ giúp các bác sĩ khẳng định thêm chẩn đoán. Điều trị cơn gout cấp bao gồm các thuốc tăng thải acid uric, kháng viêm giảm đau. Do vậy nên khi có một bệnh sử rõ ràng như đau vùng ngón cái sau nhậu hoặc tiệc tùng linh đình, các bác sĩ sẽ điều trị như một cơn gout cấp. Tuy nhiên bạn vẫn nên đưa bác đi khám đê kiểm tra nồng độ acid uric trong máu làm sao dưới 7mg% là tốt để kiểm soát cơn bệnh. Cần tránh bia rượu, thịt đỏ, hải sản, lòng gan động vật...

* Bác sĩ hãy giúp tôi cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh và các loại thức ăn truyền thống sao cho đảm bảo sức khỏe, thịt kho măng để lâu bao nhiêu ngày là vừa, có phải tất cả đồ ăn chiên đều có hại không?(Nguy Nga, 36 tuổi, nguyenthinga45@...)

- BS Đào Thị Yến Thủy: Thịt cá tươi sống sau khi làm sạch, ướp... thì nên bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Nên cắt thịt cá thành từng phần vừa đủ ăn mỗi bữa, tránh rã đông nhiều lần. Thức ăn đã chế biến thì bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Rau thì để ngăn dưới cùng.

Nếu trong tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm thì cần điều chình nhiệt độ cho đủ lạnh từ 2-8oC. Thịt kho, măng kho... cho vào hộp để trong tủ lạnh tối đa là 48 giờ. Khi lấy ra ăn phải hâm lại kỹ.

Đồ chiên thường chứa nhiều chất béo, có thể gây tăng cân không mong muốn. Đồ chiên bằng mỡ, dầu dừa, dầu cọ có thể làm tăng rối loạn mỡ trong máu (tăng cholesterol). Đồ chiên bằng dầu thực vật tinh luyện dễ bị oxy hóa (cháy đen) có thể gây ung thư nếu sử dụng thường xuyên. Nên chiên thực phẩm bằng dầu hỗn hợp (cooking oil), với thành phần 3-4 loại dầu thực vật sẽ hạn chế được tình trạng oxy hóa này, có thể tái sử dụng dầu chiên 1 lần nữa để tiết kiệm, nhưng không được dùng đến lần thứ 3.

* Con tôi 15 tuổi, hơi béo phì, xin hỏi cháu còn nhỏ có bị tiểu đường không? Làm sao phát hiện triệu chứng tiểu đường ở trẻ em? Tôi cho cháu ăn uống thế nào dịp tết này để cháu không tăng cân? Có nên dùng thuốc giảm cân cho cháu không? (Nguyen Bang Châm, 35 tuổi, chamsam@...)

- Bác sĩ TrươngDạ Uyên: Trước tiên xin nói ngay với chị là tiểu đường là một bệnh mạn tính có thể gặp ở các lứa tuổi. Trẻ em vẫn có thể bị tiểu đường, nhất là nếu trẻ em thừa cân, hoặc trong gia đình trẻ có người thân bị tiểu đường.

Để phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở trẻ, bạn nên đưa bé đến bệnh viện đo đường trong máu sau khi đã nhịn ăn 8 tiếng. Nếu các bác sĩ phát hiện đường huyết của bé trong giới hạn "nghi ngờ", bác sĩ có thể cho làm thêm nghiệm pháp dung nạp glucose hoặc đo thêm HbA1c để khẳng định lại chẩn đoán.

Thừa cân ở trẻ em, việc quan trọng nhất là đưa cháu đến bác sĩ dinh dưỡng để giúp cháu ăn uống hợp lý và tăng cường vận động để giảm cân. Việc dùng thuốc chỉ nên dùng chọn lọc trong một số trường hợp đặc biệt, sau khi tiết chế và vận động không giảm cân.

Trong dịp Tết, chị nên cho bé ăn uống đầy đủ 3 bữa chính mỗi ngày, không được bỏ bữa, không nên cho cháu ăn vặt. Nếu cháu mau đói bụng quá, mỗi bữa ăn chị nhớ phải độn thêm các chất xơ từ rau củ quả...

Để không bị tăng cân sau mấy ngày Tết, chị nên lưu ý tránh thức ăn quá béo và quá ngọt.

Nếu cháu thích ăn ngọt, chị có thể thay bánh kẹo ngọt bằng các loại trái cây tươi, hoặc chị có thể chế biến cho cháu các loại rau câu dừa, kem plan với ít ngọt, ít béo.

* Hai năm qua em sống và làm việc tai Bình Dương, em mới về quê (Nam Định) được 2 tuần. Thời tiết ngoài Nam Định lạnh nên mấy ngày nay em cảm thấy đau ê ẩm ở đầu gối chân trái. Trước tới nay không có tiền sử bệnh khớp, em thường bị đau nhiều vào buổi tối khi chuẩn bị đi ngủ. Bệnh của em có phải bệnh khớp không? (Nguyễn Thành Nam, 28 tuổi, namnguyen.sales@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Có một bệnh lý mà chúng tôi hay gặp ở người trẻ là đau các khớp khi trời lạnh. Các khớp không bị sưng, tràn dịch hay hạn chế vận động. Làm các xét nghiệm đều bình thường. Cho đến nay người ta cũng không biết nguyên nhân là gì.

Để hạn chế đau khớp bạn nên giữ ấm cơ thể, không nên vận động quá sức. Bạn vẫn có thể chơi thể thao như bình thường. Tuy vậy muốn kết luận bạn có bị bệnh này hay không, các bác sĩ cần phải loại trừ các nguyên nhân hay gặp khác như gút, viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp...

Sau tết bạn nên đi khám bệnh và làm xét nghiệm về khớp để biết chắc chắn.

* Thời gian gần tết, mọi người trong gia đình em hay bị cảm sốt và ho. Có cách nào khắc phục tình trạng này không? (Phi Kiệt, 23 tuổi, phivuongkiet@...)

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Theo quy luật của trời đất thì những ngày gần tết thường hay có biến đổi về khí hậu như trời lạnh hơn, kèm theo những lo toan tất bật của ngày cuối năm, làm cho chúng ta phải làm việc quá sức. Chính vì vậy, sức đề kháng giảm xuống, mọi người hay bị mắc các bệnh cảm cúm, ho, sổ mũi...

Muốn tránh những chuyện này, cần phải chuẩn bị trong cả năm trời, tức là phải có một kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng trong suốt cả năm. Đừng đợi nước đến chân mới nhảy thì không có hiệu quả.

* Người không muốn ăn khi bụng đói, nên uống nước gì để có dưỡng chất? (Nguyễn Văn Vẹn, 46 tuổi, vanven)

- BS Đào Thị Yến Thủy: Sữa là loại nước uống bổ dưỡng nhất với thành phần dinh dưỡng như một bữa ăn đủ 4 món. Tùy vào độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý nếu có mà lựa chọn loại sữa phù hợp. Trẻ em, người già, người gầy cần tăng cân, người đói cần dinh dưỡng thì uống sữa tươi hay sữa nguyên kem có đường. Người không tăng cân, người tăng mỡ máu, trẻ em béo phì thì uống sữa không béo, không đường...

Sữa đậu nành nhiều chất đạm như sữa tươi nhưng hàm lượng canxi chỉ bằng 1/4 - 1/5 sữa tươi nên không dùng để nuôi trẻ đang tăng trưởng chiều cao.

Sữa đặc có đường chứa quá nhiều đường nên khi pha ra để vừa uống thì lượng chất dinh dưỡng chỉ còn ít, do đó chỉ nên dùng để pha cà phê hay làm bánh plan, không dùng để nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Nước trái cây chua, cà phê, trà đặc... không nên dùng khi bụng đói vì có thể gây kích thích dạ dày. Nước tăng lực chứa nhiều đường và cafein chỉ nên dùng khi đói mệt và cần tỉnh táo.

* Tôi không đến nỗi ghiền bài bạc, nhưng sa vào chiếu bài thì khó đứng lên. Việc đánh bài ngày tết có nguy hiểm đến những ai bệnh tim như tôi không?(Lâm Huỳnh, 50 tuổi, lamhuynh196@)

- BS Nguyễn Hoài Nam: Bài bạc là một hình thức giải trí đã có từ lâu. Nó gắn liền với lịch sử phát triển của loài

Cảm xúc khi thắng bài hay khi thua đều làm tăng tiết Adrenalin - một loại nội tiết tố của tuyến thượng thận - làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, làm người đánh bạc bồn chồn khó ngủ.

người. Ở những người đánh bài, cảm xúc khi thắng bài hay khi thua đều làm tăng tiết Adrenalin - một loại nội tiết tố của tuyến thượng thận - làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, làm người đánh bạc bồn chồn khó ngủ.

Chính vì vậy, về mặt sức khỏe, thì đánh bài không tốt cho những người có bệnh tim mạch vì có khả năng gây đột quỵ do cao huyết áp hoặc do tăng nhịp tim quá mức.

* Em vừa mổ dây chằng chéo xong, phải tập luyện thế nào để mau hồi phục? (Vinh, 18 tuổi, vinh255@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Bạn không cho biết là mổ được bao lâu nên rất khó cho chúng tôi tư vấn chế độ luyện tập, vả lại còn tùy theo phương pháp mổ cố định dây chằng như thế nào. Nói chung là sau mổ bạn có thể đi lại với hai nạng, chống chân đau, mang nẹp gối, sau 4 tuần có thể bỏ nạng và mang nẹp nhỏ.

Tập đi đứng bình thường sau 4 tuần, sau 3 tháng có thể tập các động tác mạnh mẽ hơn để có thể hồi phục và chơi thể thao.

Bạn có thể vui xuân tại gia, có thể xem phim hay nghe nhạc, tránh nhậu quá nhiều gây xung huyết vùng mổ hoặc có thể té gây đứt dây chằng trở lại. Nếu đi lại bạn có thể dùng taxi hoặc nhờ người chở.

* Trong những ngày tết tôi thường hay uống bia rượu nhiều, dạ dày cảm giác rất nóng, cơ thể uể oải. Xin bác sĩ cho biết dùng thuốc hay thực phẩm nào để hạn chế những tác hại này? (Phan Thanh Biên, biencd@...)

5ChlBrWI.jpgPhóng to
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Ảnh: Thanh Đạm

- BS Đào Thị Yến Thủy: Chất cồn gây tác hại rất xấu trên dạ dày, làm tăng khả năng bị viêm loét, xuất huyết... Nếu cần phải uống bia rượu thì nên ăn cơm, bún, bánh trước để hạn chế tác hại trực tiếp của bia rượu trên niêm mạc dạ dày. Nếu bạn bị bênh viêm loét dạ dày đã được bác sĩ chẩn đoán thì có thể dùng thuốc băng niêm mạc dạ dày (photpholugel) 15 phút trước khi uống bia rượu. Bạn nên hạn chế lượng bia rượu uống bằng cách uống chậm rãi, uống 1 ngụm sau khi cụng ly, uống thêm nước lọc và nên ăn thức ăn trong khi đang uống.

* Tôi bị bệnh tiểu đường từ năm 2004, vừa qua bị nhồi máu cơ tim đã được nong mạch vành và đặt 2 stent. Hiện tại ngực tôi vẫn đau tức mỗi khi trời rét hoặc gắng sức. Tết này tôi cần chú ý gì? Kính mong các bác sĩ giúp đỡ. Xin cảm ơn. (Đỗ Văn Chuyền, 56 tuổi, chuyendv1957@...)

- BS Nguyễn Hoài Nam: Với những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim đã được đặt stent, cần chú ý sử dụng các loại thuốc chống đông theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Nếu bệnh nhân có kèm thêm bệnh tiểu đường, cần phải điều trị giảm đường huyết cho thật tốt, tránh làm cho tình trạng xơ vữa động mạch nặng thêm.

Trong những ngày tết, bệnh nhân cần phải giữ ấm thường xuyên, tránh những cảm xúc vui buồn quá đáng, tránh làm những việc đòi hỏi sự gắng sức, không nên ăn no quá, nên ăn nhiều bữa với chế độ ăn hợp lý. Tốt nhất, sau tết, bệnh nhân nên đi kiểm tra lại mạch vành của mình bằng phương pháp chụp điện toán cắt lớp đa vòng xoắn (MSCT).

* Tôi hay bị hồi hộp, mệt mỏi, đã siêu âm tim và điện tâm đồ tại BV đa khoa Đà Nẵng nhưng BS nói không phải bệnh tim. Xin hỏi tôi bị bệnh gì? Cách điều trị? Rất cảm ơn! (Đặng Phi Hoàng, 54 tuổi, phihoangdn@...)

- PGS.TS - BS Nguyễn Hoài Nam: Mệt mỏi thường xuyên là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh, không chỉ riêng tim mạch. Chính vì vậy, bạn nên đến kiểm tra ở một bác sĩ chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán loại trừ một cách chính xác. Ở đây, bạn có thể được đo điện tim 24g để phát hiện những rối loạn về nhịp tim, làm cho bạn cảm thấy hồi hộp.

Nếu không bị bệnh về tim mạch, bạn nên tiếp tục kiểm tra tổng quát ở một bác sĩ đa khoa nhằm tìm ra những nguyên nhân khác gây mệt mỏi như suy nhược cơ thể, trầm cảm...

* Con tôi bị ngã, đau gối nhiều nhưng cháu vẫn đi lại được. Tôi có mua thuốc giảm đau cho cháu uống nhưng vẫn còn đau. Liệu cháu có bị gì không? (Quang, 47 tuổi, quanghanguyen@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Khi cháu bị chấn thương gối mà vẫn đi lại được thì thông thường sẽ không có gi quá nghiêm trọng đến độ phải đi khám cấp cứu. Giả sử nếu có tổn thương dây chằng thì vẫn có thể xử trí trì hoãn.

Nếu cháu bị bong gân dây chằng thì khi đi lại sẽ đau. Tuy nhiêu nếu đã uống thuốc mà vẫn còn đau thì cũng nên đi khám lại để biết chính xác là bị gì và sẽ có hướng xử trí chính xác. Nếu đúng vào ngày cao điểm thì có thể chờ một vài ngày cũng được nhưng tốt nhất là nên khám sớm.

* Ông em bị trượt chân té khi dọn nhà, bác sĩ chẩn đoán gãy cổ xương đùi và phải mổ bắt vít nhưng phải cho ông nằm lâu. Bác sĩ cũng nói đến thay khớp để ông đi lại được. Tìm đọc trên mạng có rất nhiều nơi thay khớp. Xin bác sĩ nói rõ hơn về thay khớp, nếu thay tốt hơn thì gia đình mong muốn thay khớp để ông sớm đón tết, không biết có kịp không? Nếu thay thì ở đâu là tốt nhất? (Nguyễn Thế Viễn Phương, 27 tuổi, hienoilahienoi@...)

- Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh: Người lớn tuổi khi té hay bị gãy cổ xương đùi. Khi bị gãy, cổ xương đùi khó lành và thường là sẽ bị hư chỏm xương đùi. Nếu không được đi lại sớm và phải nằm một chỗ, nguy cơ loét vùng mông, nhiễm trùng, suy kiệt sẽ làm bệnh nhân dễ tử vong.

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo là phẫu thuật lấy đi chỏm xương đùi và thay bằng một chỏm bằng kim loại. Phẫu thuật giúp bệnh nhân đi lại được ngay sau mổ, giúp người nhà chăm sóc bệnh nhân dễ dàng hơn. Đây là phẫu thuật lớn nên cần mổ ở các bệnh viện lớn, nhiều bệnh viện loại 1 ở TP.HCM có thể phẫu thuật được với kết quả tốt như Nguyễn Tri Phương, 115, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình ... tùy thuộc lưu lượng của bệnh nhân mà ông bạn vẫn có thể thay được trước tết. Bạn có thể liên hệ với các khoa chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện trên để thay khớp cho ông.

* Tôi bị bệnh tiểu đường đã 7 năm nay, hiện nay đường huyết đo được 183mg/dl. Tôi rất lo tết đến ăn uống sẽ càng cao hơn, xin bác sĩ cho biết để lượng đường trong máu không tăng thêm trong những ngày tết cần phải kiêng ăn những gì? (nguyen van duong, 48 tuổi, nvduong.brv@)

- Bác sĩ Trương Dạ Uyên: Chào bạn. Mỗi bệnh nhân tiểu đường, tùy vào độ tuổi và bệnh kèm theo, trước khi bắt đầu điều trị, đều phải được BS điều trị xác định mục tiêu kiểm soát đường huyết. Ví dụ ở độ tuổi 48 như của bạn thì mục tiêu kiểm soát đường huyết đa phần là ở mức lý tưởng, cụ thể:

+ Mục tiêu đường huyết lúc đói: dao động trong khoảng 80- 120mg/dl.

+ Mục tiêu đường huyết no (2 giờ sau bữa ăn): dao động trong khoảng 100- 180 mg/dl.

+ HbA1c (một chỉ số gián tiếp đánh giá mức đường huyết trung bình cộng trong khoảng thời gian 3 tháng) < 7%.

Do đó, đường huyết của bạn đo được 183mg/dl, nếu là đo lúc đói thì hơi cao hơn so với mục tiêu đề ra. Việc quan trọng đầu tiên, bạn cần kiểm tra xem chế độ ăn uống và tập luyện thể lực của mình đã phù hợp chưa? Nếu được, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý như đã nêu kỹ trong các câu trả lời trước.

Bạn nên tiếp tục tự theo dõi đường huyết theo 2 mục tiêu đói và no nêu trên; nếu vẫn chưa đạt mục tiêu điều trị, bạn nên quay lại gặp BS điều trị để được chỉnh liều thuốc.

Về dinh dưỡng trong ngày tết, người bệnh tiểu đường cần lưu ý các điểm chính sau:

+ Ăn đúng 3 bữa trong ngày, không ăn vặt, không ăn quá khuya, không bỏ bữa.

+ Nên ăn thêm rau củ giàu chất xơ, uống nhiều nước lọc.

+ Nếu thích ăn ngọt, có thể ăn chút xíu, ăn ngay sau một bữa ăn giàu chất xơ.

* Bà cháu hay đau gối khi trời lạnh, gần đây bà đau nhiều hơn, đi lại rất khó khăn. Xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa cho bà bớt đau không ạ? (Vũ Đức Hải, 15 tuổi, bluedragon@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Người lớn tuổi thông thường các sụn khớp gối sẽ bị bào mòn gây nên bệnh lý thoái hóa khớp gối. Biểu hiện bằng việc đau khi đi lại, ngồi xổm, leo cầu thang, giảm khi nghỉ ngơi. Trời lạnh cơn đau nhiều hơn, nặng hơn. Bạn nên đưa bà đi khám để được điều trị như uống thuốc, tập cơ vùng gối, bơm chất nhờn hoặc bơm huyết tương giàu tiểu cầu, nếu nặng hơn có thể phải thay khớp gối.

* Mẹ chồng tôi ở xứ lạnh, tết về càng lạnh hơn. Hiện tại mẹ tôi uống một lúc nhiều loại thuốc: cao huyết áp, Parkinson và tim mạch do mẹ tôi hở van tim 1/4. Xin hỏi, mẹ tôi 75 tuổi cần một chế độ ăn uống tịnh dưỡng như thế nào để không trở bệnh nặng, uống quá nhiều thuốc như vậy thì có hại gì không, gan chẳng hạn. Xin cám ơn bác sĩ. (Ngọc Tâm, 45 tuổi, tamthong@...)

- BS Nguyễn Hoài Nam: Chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho một người lớn tuổi và có nhiều loại bệnh như mẹ chồng bạn là chế độ ăn cổ điển của mỗi dân tộc. Như kết luận của Hội nghị Tim mạch học châu Á - Thái Bình Dương lần 18 ở Indonesia năm 1997, mỗi dân tộc đều có 1 chế độ ẩm thực quen thuộc riêng đã tồn tại hàng ngàn năm.

Ví dụ, như ở VN, rau luộc cá kho là món ăn quen thuộc và rất tốt cho tất cả mọi người. Hàn Quốc thì có kim chi, Nhật Bản thì có sushi... Tránh những loại thức ăn nhanh, nhiều mỡ, nhiều đường, giàu năng lượng như hiện nay. Đối với người lớn tuổi, nên chia thức ăn làm nhiều bữa, không nên ăn no quá, không nên ăn buổi tối nhiều, tránh những loại thức ăn khó tiêu, quá mặn hoặc quá béo.

Việc sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc để điều trị nhiều loại bệnh ở người lớn tuổi cũng rất cần cân nhắc kỹ lưỡng và phối hợp nhiều chuyên khoa với nhau.

* Để không tăng đường huyết trong dịp tết, những bệnh nhân bị tiểu đường nhờ bác sĩ tư vấn nên ăn những thức ăn gì để vẫn thường thức những món ăn ngày tết? (Nguyễn Thị Tuyến, 46 tuổi, thituyennguyen68@...)

- Bác sĩ Dạ Uyên: Nguyên tắc chung:

+ Cần duy trì việc luyện tập thể dục hàng ngày

+ Ăn đúng và ăn đủ chất như bác sĩ điều trị đã hướng dẫn

+ Ăn đủ 3 bữa ăn một ngày, không bỏ bữa.

- Món ăn ngày truyền thống của dân tộc ta ngày Tết có những món rất tốt cho sức khỏe như: canh khổ qua dồn thịt, cải chua, dưa chua... Tuy nhiên, chị cần lưu ý hạn chế bớt lượng đường nêm nếm trong chế biến các loại đồ chua là được.

- Một số món ăn giàu chất béo, bạn nên ăn hạn chế, ví dụ: giò heo nấu măng, thịt đông, thịt hun khói, xúc xích...Hoặc nếu có ăn, chị nên ăn kèm với rau sống, kiệu chua, dưa, rau chua, dưa giá...

* Ông tôi năm nay 70 tuổi. Ông đi khám ở bệnh viện Gò Vấp về bệnh cao huyết áp. Sau khi uống thuốc thì huyết áp giảm xuống 130/70 nhưng nhịp tim tăng 150/1 phút. Như thế để lâu ngày có bị gì không?(Huỳnh Hiếu Trung, 18 tuổi, kevin_nghia_99@...)

- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Vấn đề chính là chúng tôi vẫn chưa biết ông của bạn sử dụng loại thuốc hạ huyết áp nào. Tuy nhiên, qua những triệu chứng mà bạn mô tả, rất có thể ông của bạn đã sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp thuộc dòng ức chế kênh canxi như Nifedipin.

Dòng thuốc này có tác dụng hạ huyết áp rất tốt và khá nhanh. Tuy nhiên, nó lại làm tăng nhịp tim, làm cho bệnh nhân có cảm giác hồi hộp, khó chịu. Chính vì vậy, bạn nên đưa ông đến khám tại bác sĩ chuyên khoa tim mạch và có thể đổi dòng thuốc hạ huyết áp khác cho phù hợp với từng cá nhân.

* Tôi hay bị đau đầu gối, Tết nay có cần kiêng gì không? Đặc biệt là thức ăn có chứa đạm nhiều. (Nguyễn Thị Tiến, 36 tuổi, nguyenthitien4128@...)

- BS Tăng Hà Nam Anh: Đau gối có rất nhiều nguyên nhân, nếu bạn bị gút thì phải kiêng bia rượu, thịt đỏ, hải sản, lòng động vật... Nếu không phải gút và không bị viêm khớp gối đang tiến triển (sưng, nóng, đau) thì có thể ăn uống bình thường. Nếu đang bị viêm khớp thì nên hạn chế bia rượu vì sẽ làm xung huyết mạch máu gây đau hơn.

* Ba tôi uống rượu nhiều và bị xơ gan nhưng không thể dừng việc uống rượu bia được. Theo bác sĩ có thuốc nào giúp cắt cơn nghiện rượu bia không?(Tuấn Khanh, 35 tuổi, tuankhanh@...)

- BS Nguyễn Hoài Nam: Những loại thuốc cắt cơn nghiện rượu bia có rất nhiều tác dụng phụ như gây nôn ói, mệt mỏi cho người sử dụng. Chính vì vậy, tốt nhất vẫn là ý chí và nghị lực của người nghiện. Tuy nhiên, vấn đề này cũng rất khó vì nghiện rượu bia không những phụ thuộc vào thể chất - tức là các tế bào trong cơ thể - đặc biệt là tế bào thần kinh - quen hoạt động với nồng độ rượu nhất định - mà còn có yếu tố tâm lý - tức là người nghiện quen với khung cảnh chiều nào cũng tụ tập bạn bè, "chém gió", xả stress... Cả hai yếu tố này làm người n

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên