28/11/2013 21:20 GMT+7

2015: phim truyện Việt phải chiếm 30% phim chiếu rạp

V.H
V.H

TTO - Hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 28-11, tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.HCM đã nhận được sự góp ý của nhiều đạo diễn, nghệ sĩ, lãnh đạo các trường sân khấu điện ảnh...

C29ARDjH.jpgPhóng to
Ngành điện ảnh đặt mục tiêu đến năm 2020, số buổi chiếu phim VN tại rạp phải đạt 35% , thu hút 95 triệu lượt người xem/năm - Ảnh: G.T.

“Năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất 25-30 phim truyện/năm (trong đó có 30% phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước), chiếm 30% số buổi chiếu phim tại các rạp, thu hút 45 triệu lượt người xem và toàn quốc có 250 phòng chiếu phim đủ tiêu chuẩn”, đó là một phần của nội dung “Phê duyệt chiến lược phát triển điện ảnh 2015 - tầm nhìn 2030 ”

Cũng theo chiến lược này, dự kiến đến năm 2020, VN sẽ sản xuất 40-45 phim truyện/năm, trong đó 25% là phim Nhà nước đặt hàng, 36-48 phim tài liệu, khoa học, hoạt hình mỗi loại (85% là phim đặt hàng). Số buổi chiếu phim VN tại rạp phải đạt 35%, thu hút 95 triệu lượt người xem, xây dựng 550 phòng chiếu đạt chuẩn.

Đến năm 2030, phim VN chiếu rạp phải đạt 45% số buổi chiếu, với 1050 phòng chiếu đạt yêu cầu. Theo tính toán và phấn đấu, số phim sản xuất tại thời điểm này sẽ lên tới 55-60 phim truyện năm (20% do ngân sách Nhà nước), 68-72 phim tài liệu, khoa học, hoạt hình mỗi loại, số lượt người xem đến rạp xem phim VN sẽ là 210 triệu lượt người.

Góp ý về bản Dự thảo, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, để bắt kịp xu thế chung, điện ảnh Việt Nam phải bắt đầu từ đầu, cần có cuộc khảo sát cơ sở và có chuyên gia điện ảnh nước ngoài tư vấn. Trên cơ sở đó, Nhà nước chọn một mô hình thích hợp để phát triển điện ảnh. Tôi mong muốn lần này, “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” sẽ chính xác, thận trọng.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, thị trường điện ảnh hiện nay rất sôi động nhưng nhà nước dường như không thu được gì mà “đứng nhìn” hàng tỷ đồng rơi vào túi các hãng phim tư nhân hoặc của nước ngoài.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đôc Trung tâm chiếu phim Quốc gia thì góp ý: Quy hoạch phát triển điện ảnh phải đầu tư cả hạ tầng chứ không thể để tình trạng như hiện nay tại một số rạp hát, bề ngoài bóng bẩy nhưng khu vệ sinh thì nhếch nhác. Ngoài ra, phải đầu tư cả phần không gian văn hóa cho các rạp ấy. Hiện nay, một số rạp chiếu phim tọa lạc ở trung tâm Hà Nội sống “thoi thóp” như rạp Dân chủ, rạp Kim Đồng bởi không gian văn hóa ở những địa điểm này bị hạn chế.

Qua sự góp ý của các đại biểu tham dự hội nghị, bản Dự thảo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với thực tại.

V.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên