19/06/2011 06:48 GMT+7

"Tình yêu đũa - nĩa"

THỊ TRẦN
THỊ TRẦN

TT - Tình yêu vốn có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu nổi. Đến một ngày, ta để trái tim mình lỡ nhịp vì một người khác chủng tộc, màu da, văn hóa...

4fvfdSNW.jpgPhóng to
Để có được đoạn kết đẹp của tình yêu đũa - nĩa, các đôi tình nhân phải học cách dung hòa những dị biệt - Ảnh: Mr. LEE

Yêu đắm say cách mấy rồi cũng có lúc tỉnh táo và ngỡ ngàng nhận ra: hình như không nên yêu người khác chủng tộc, bởi sao mà lắm rắc rối...

Ăn bốc và mùi hương lạ

Một chút lạ lạ, một chút hay hay, cộng với sự đồng điệu tâm hồn đã dẫn Hiền đến trái tim một anh chàng Malaysia. Lúc đầu thì chưa có gì rắc rối, càng về sau Hiền càng thấy mệt mỏi vì những khác biệt nho nhỏ nhưng khá nhức đầu.

Hiền kể: “Lần đầu tiên, anh ấy mời tôi ăn món cơm béo truyền thống của người Malaysia là nasi lemak. Lần đầu tôi chưa quen, anh cho tôi ăn bằng muỗng; nhưng lần sau tôi tự thấy kỳ cục khi gia đình anh ai cũng... bốc mà chỉ mình tôi không giống ai nên tôi bốc theo... Tính tôi ưa sạch sẽ, nên vừa ăn bốc vừa ức chế lặng lẽ trong lòng... Một số món ăn của người Malaysia lại có mùi càri, mà tôi thì không thích mùi đó chút nào, lại là người nhạy cảm với mùi nên tôi càng thấy khó chịu”.

Chỉ là chuyện nhỏ thôi mà, Hiền tự nhủ mình như vậy, nhưng lâu ngày dài tháng, những “ức chế” và sự chịu đựng khác biệt nho nhỏ ấy đã bào mòn tình yêu của cô với anh.

Hiền loay hoay: “Tôi cứ như người mắc phải cái bẫy chính mình giăng ra vậy. Một mặt, tôi biết rõ anh ấy là người tốt, khó mà tìm được một người tốt như vậy; nhưng mặt khác, tôi không biết liệu mình có thể sống cả đời với những khác biệt nhỏ mà lớn đó không... Anh ấy không bắt ép tôi phải hòa nhập, nhưng làm sao khác được, không lẽ mình yêu người ta mà kỳ thị những gì thuộc về người ta, không hòa nhập với văn hóa của người ta...? Ngay cả việc anh không ăn thịt heo cũng là vấn đề. Vì thức ăn của người Việt mình, thịt heo rất phổ biến... Tôi lại thích ăn thịt heo...”.

Câu chuyện của Hiền không hề là dị biệt khi chúng tôi tìm hiểu về các mối tình của bạn trẻ với người nước ngoài. Khoan nói xa xôi đến những khác biệt lớn lao khác, chỉ có chuyện lặt vặt như đã kể cũng khiến các bạn trẻ phải cân nhắc về việc tiếp tục yêu (và tiến tới hôn nhân) hoặc dừng yêu (mà lòng cứ thắc thỏm trách mình...).

Tiến Dũng, kỹ sư tin học, kể về mối tình cũ của mình với vẻ nuối tiếc: “Cô ấy là người Ấn Độ, ăn chay trường và dùng một loại nước hoa đặc biệt của người Ấn. Tôi không thích nước hoa đó, vì nó gây ra cho cô ấy một mùi hương hơi nặng và quá khác với người xung quanh. Tôi nói gần nói xa rồi quyết định nói thật. Ban đầu cô ấy ngỡ ngàng rồi sau đó thì giận và tình yêu của chúng tôi tan vỡ chỉ vì mùi nước hoa...”.

Lội sông khác biệt,trèo đèo định kiến

Nếu ca dao Việt Nam có lời nhắc nhở: Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua thì các bạn trẻ trót yêu người nước ngoài biến tấu thành: “Yêu nhau mấy núi cũng leo/ Lội sông khác biệt trèo đèo định kiên” (định kiến).

Kim Thanh kể chuyện mình: “Tôi là du học sinh tại Đức. Yêu một người Đức, tôi cứ nghĩ mình không gặp khó khăn đáng kể vì cũng đã sống ở Đức năm năm, làm việc với không ít người Đức. Nhưng hóa ra yêu và làm việc khác nhau nhiều lắm. Cái tính thẳng băng của người tôi yêu, cái văn hóa sống kiểu ăn những miếng bánh mì đen của anh khiến tôi thấy mình ít được chiều chuộng...”.

Thanh kể thêm về “văn hóa bánh mì đen” mà cô nói: “Ở Đức, món bánh mì đen rất phổ biến và có nhiều kiểu, nhưng những lát bánh mì đen được ép từng khoanh thì cứng và khá khó ăn với tôi. Phải tĩnh tâm lắm mới ăn được, vì thói quen của tôi là ăn nhanh. Tôi vẫn thích mì gói hơn...”.

Ban đầu Thanh cũng phân vân khi quyết định có một tình yêu lâu dài và tiến tới hôn nhân với anh chàng “bánh mì đen” này.

Rồi trái tim đã thắng, cô học nhiều hơn, không chỉ là để hiểu mà còn học cách để dung hòa sự khác biệt: “Chúng tôi thống nhất với nhau đặt ra những cái chung và những cái riêng, một cách rạch ròi - đúng kiểu người Đức luôn. Từ chuyện ăn uống đến mua sắm, chi tiêu và đối xử với những mối quan hệ trong gia đình hai bên theo đúng văn hóa của từng dân tộc... Chúng tôi nói rõ những xúc cảm của mình, xong rồi giải thích chúng, và giữ lại những gì mà hai người đều thấy cần giữ, bỏ bớt những định kiến hay ấm ức trong lòng rồi tìm giải pháp dung hòa”.

Thanh vừa đám cưới cách đây ba tháng. Cô bày tỏ trên blog của mình là cô thấy mọi việc đang ổn so với mức cô nghĩ. Bên cạnh đó, Thanh cũng nhận thêm một “phần thưởng phụ” từ cuộc hôn nhân này, cô hiểu và chia sẻ hơn với những đồng nghiệp nước ngoài tại công ty cô đang làm việc cũng bằng chính cách thức mà cô đã tháo gỡ những mắc mứu trong tình yêu của mình: “Đối thoại sòng phẳng và tìm giải pháp dung hòa, tôn trọng sự khác biệt của mỗi bên”.

THỊ TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên