04/11/2014 07:50 GMT+7

Nhiều cấp phó còn có cả chuyện vùng miền

V.V.THÀNH (GHI)
V.V.THÀNH (GHI)

TTO - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã thốt lên như trên trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Ông Trần Đĩnh Nhã - Ảnh: V.V.THÀNH

 

- Cứ mỗi đơn vị trong số 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách trên toàn quốc hiện nay giảm được một cấp phó, ngân sách sẽ tiết kiệm được trên 4.000 tỉ đồng. Thống kê mà ông nêu ra ở nghị trường rất ấn tượng, từ đâu ông nhìn ra vấn đề này?

+ Việc có quá nhiều cấp phó trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng ngân sách như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân là do nể nang hoặc “ban phát” chức vụ.

Đây là điều đáng suy nghĩ, vì đã không tính đến khả năng ngân sách của đất nước. Từ lý do đó tôi đã thử nhẩm tính, bộ máy như thế, cấp trưởng như thế, cấp phó như thế nhân lên mấy lần, quả là khó có ngân sách nào mà chịu nổi.

- Một cấp trưởng với nhiều cấp phó thì trách nhiệm trong công việc thường được phân chia như thế nào, thưa ông?

+ Trong cơ quan nhà nước thì cấp trưởng phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu, còn cấp phó là người giúp cấp trưởng thực hiện nhiệm vụ cụ thể và thay thế cấp trưởng khi cấp trưởng vắng mặt vì lý do nào đó. Kèm theo mỗi cấp phó là các chế độ chính sách không phải được san sẻ từ cấp trưởng mà từ ngân sách nhà nước.

- Ai cũng hiểu rằng không nên có quá nhiều cấp phó, nhưng vì sao tình trạng này vẫn tồn tại?

+ Nói chung khi người ta xin cấp phó thì luôn có lý do để chứng minh rất là hợp lý. Ví dụ như cấp phó nhiều là do quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, rồi có cả chuyện vùng miền. Nghĩa là có cấp phó người vùng miền này rồi, thì phải có cấp phó người vùng miền khác.

Đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn chuyện đó. Và chuyện này không khỏi làm cho tôi phải suy nghĩ tại sao lại như thế?

- Theo ông thì quy định về số lượng cấp phó chưa được chặt chẽ?

+ Giá như trước kia quy định một bộ ba thứ trưởng thì không sao, nhưng bây giờ người ta nhìn nhau. Bộ bên cạnh sau khi sáp nhập thì có 7-8 thứ trưởng, bộ khác bảo tại sao bên kia 7-8 thứ trưởng mà mình chỉ có 2-3 thứ trưởng.

Có lẽ nên xin thêm vài thứ tưởng, hay tổng cục, hay cấp vụ… Tương tự như vậy là trong một cơ quan, đơn vị này nhiều cấp phó thì đơn vị kia tội gì mà không xin thêm.

 - Vừa qua ở TP Hà Nội sau khi bổ nhiệm thêm phó chủ tịch UBND thì nâng tổng số phó chủ tịch UBND lên bảy người, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Hà Nội có đặc thù là sáp nhập từ Hà Nội và Hà Tây, vừa qua có thêm phó chủ tịch UBND theo diện luân chuyển. Tuy nhiên nghị định của Chính phủ đã có quy định về số lượng phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành rồi, theo tôi khi Hà Nội có thêm cán bộ phó chủ tịch UBND vượt quy định (quy định tối đa là 6 người) do điều kiện khách quan thì nên bằng một nghị định của Chính phủ để xử lý.

V.V.THÀNH (GHI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên