13/04/2019 06:30 GMT+7

Tháo điểm nghẽn hạ tầng, các bộ đồng tình nhiều đề xuất quan trọng của TP.HCM

D.NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG
D.NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG

TTO - Nhiều đề xuất được đưa ra tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 12-4 của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện các bộ ngành ủng hộ đề xuất của TP.HCM rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng...

Tháo điểm nghẽn hạ tầng, các bộ đồng tình nhiều đề xuất quan trọng của TP.HCM - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát đoạn metro ngầm thuộc tuyến metro số 1, TP.HCM sáng 12-4 - Ảnh: LÊ PHAN

Cơ chế là do chúng ta tạo ra, tại sao chúng ta lại sợ nó?

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, gọi quy trình rút ngắn thời gian cho công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng là quy trình đặc thù. Quy trình này nhằm xác định rõ các công đoạn, cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành các nội dung cụ thể. 

Qua đó sẽ xác định rõ khung thời gian tối đa để hoàn thành việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư kể từ ngày có thông báo thu hồi đất và khung thời gian tối đa để hoàn thành công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường

Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TP chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hằng năm để làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư ban đầu đưa ra lấy ý kiến của người dân. Nếu hộ dân nào đồng ý, giá này sẽ là cơ sở để ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 

Còn những hộ dân không đồng ý giá ban đầu này, các cơ quan chức năng của TP vẫn khảo sát điều tra về giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP được ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong bồi thường giải phóng mặt bằng và công khai minh bạch quy trình này; cho phép TP căn cứ vào giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất để xây dựng hệ số sử dụng đất nông nghiệp dùng để tính bồi thường hỗ trợ tái định cư. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng ủy quyền cho TP phê duyệt khung chính sách bồi thường cho các dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế trên địa bàn TP.

TP cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn quy trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để áp dụng thống nhất trên cả nước. 

Đại diện TP.HCM cho rằng đây là cách tách công tác bồi thường ra khỏi dự án đầu tư xây dựng nhằm giúp địa phương tạo quỹ đất sạch, giúp triển khai nhanh và dự án sớm đầu tư xây dựng.

Tháo điểm nghẽn hạ tầng, các bộ đồng tình nhiều đề xuất quan trọng của TP.HCM - Ảnh 3.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đoạn qua Q.9 và Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các bộ đồng tình nhiều đề xuất

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết rất ủng hộ những kiến nghị của TP.HCM về việc rút ngắn thời gian thu hồi đất. Ông Hà cho rằng TP.HCM rất có tinh thần sáng tạo khi đề xuất quy trình này. "Những nội dung kiến nghị của TP.HCM không vướng các quy định hiện hành", bộ trưởng khẳng định. 

Về hệ số giá đất để bồi thường, hỗ trợ tái định cư, TP.HCM cần tính toán công bố ngay từ đầu năm hệ số này. Doanh nghiệp sẽ có cơ sở để tính toán những chi phí đầu tư và người dân có thông tin để đánh giá. Việc này sẽ làm tăng tính minh bạch và công bằng trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng những vấn đề mà UBND TP.HCM đề xuất hiện phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm các quy trình. Bộ TN-MT cũng ủng hộ đề xuất của TP về xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để xây dựng giá bồi thường đối với các loại đất nông nghiệp. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của TP.

Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng ủng hộ phương án tách việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng thành một dự án riêng biệt. Cách này đang áp dụng cho dự án xây dựng sân bay Long Thành. Nếu không làm cách này thì sẽ không có đất sạch. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, "những đề xuất của TP.HCM là những sáng kiến tốt, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã thực hiện việc này, bộ ủng hộ".

Ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cũng nhất trí với kiến nghị về cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, với nội dung tách dự án bồi thường thành một dự án riêng, ông Dũng cho biết Bộ

KH-ĐT đã trình nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý vì còn lo sẽ tùy tiện trong áp dụng dẫn đến dự án treo. Bộ sẽ giải trình lại với cơ quan chức năng để bảo vệ quan điểm này.

Đại diện Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cũng ủng hộ TP.HCM những nội dung trên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành thống nhất trình Chính phủ để ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM thí điểm những nội dung đã đề xuất về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tháo điểm nghẽn hạ tầng, các bộ đồng tình nhiều đề xuất quan trọng của TP.HCM - Ảnh 4.

Đường vành đai 2 đoạn qua Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không để đường vành đai, cao tốc ì ạch

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá việc kết nối về hạ tầng, giao thông của TP.HCM đang có nhiều vướng mắc, hệ thống các đường vành đai 2, 3, 4 lẫn các trục đường xuyên tâm đều thực hiện ì ạch. "Mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng chất lượng tăng trưởng còn có thể cao hơn nữa nếu dồn sức đầu tư cho hạ tầng" - ông Bình góp ý.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo quy hoạch, TP.HCM có 6 đường cao tốc kết nối với các tỉnh, nhưng hiện mới có 2 tuyến Trung Lương, Long Thành mà cả hai tuyến cao tốc này đều đã quá tải. 

Ông Thể yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, bởi đường vành đai và cao tốc là lối ra cho TP, tập trung đầu tư không chỉ giúp TP phát triển mà còn tạo động lực cho các tỉnh thành khác.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận hạ tầng, giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển TP. "Dù nhân lực sẵn sàng nhưng đất không sẵn sàng, hạ tầng không sẵn sàng thì nhà đầu tư cũng không đến. TP xin được phép ứng ngân sách để đền bù giải tỏa làm đường vành đai vì nếu để đến 5 năm nữa thì giá đền bù đắt lên, không làm nổi" - ông Nhân đề xuất.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cam kết với Thủ tướng: TP sẽ tiếp tục là địa phương có năng suất lao động và mức thu ngân sách cao nhất cả nước. Ngoài ra, TP sẽ đi đầu thí điểm về xây dựng đô thị thông minh, tiên phong khai thác cơ hội ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cải cách hành chính...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thời gian tới TP phải đầu tư cải cách hành chính, tăng cường tiếp dân để sớm giải quyết vấn đề dân bức xúc. "TP phải đi trước trong cuộc cách mạng 4.0: xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, cải cách hành chính hiệu quả và đặt mục tiêu cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực" - ông Phúc nhấn mạnh.

* Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể:

Không đường vành đai, giao thông TP sẽ hỗn loạn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Theo quy hoạch, TP.HCM có 4 đường vành đai, hiện đã được thi công nhưng chưa khép kín được (còn 13km nữa). Đường vành đai 3 và 4 là cực kỳ quan trọng, nếu không sớm hình thành thì tương lai không xa, giao thông TP sẽ rất hỗn loạn. Bởi không có đường vành đai thì xe cộ phải chạy xuyên tâm.

Tuyến vành đai 3 và 4 chắc chắn phải làm. Nếu đợi khi có vốn mới làm thì khi đó tổng mức đầu tư sẽ rất cao, vì vậy nên giải phóng mặt bằng sớm như đề xuất của TP.HCM.

* Ông PHAN VĂN TỰ (nguyên phó trưởng khoa quản lý đất đai và bất động sản, Đại học Nông lâm TP.HCM):

Phải có sự đồng tình của người dân

Ông PHAN VĂN TỰ

Ông PHAN VĂN TỰ (nguyên phó trưởng khoa quản lý đất đai và bất động sản, Đại học Nông lâm TP.HCM)

Giải phóng mặt bằng hiện nay quy trình chặt chẽ nhưng cũng nhiêu khê, cho nên thời gian giải phóng mặt bằng thường kéo dài. Việc đề xuất ban hành hệ số điều chỉnh để giảm quy trình quá tốt. Tuy nhiên, lâu nay việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn vì người dân không đồng thuận giá đền bù, hỗ trợ. Do vậy, hệ số điều chỉnh đưa ra cũng phải có sự thảo luận phù hợp với lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Không thể ban hành một hệ số bắt nguồn từ sự duy ý chí chủ quan của chính quyền. Không thể đưa ra một hệ số chung cho một khu vực hoặc chung cho các dự án trong khu vực đó. Ngoài ra cơ quan nhà nước cũng cần làm rõ, cụ thể hóa khái niệm công trình công cộng trong Luật đất đai. Từ đó, nếu công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia sẽ áp dụng hệ số điều chỉnh khác đặc biệt. Còn các chủ dự án đầu tư thương mại thì cần áp dụng nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Riêng đề xuất tách công tác giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án chỉ nên áp dụng với những dự án mang tính chất đặc biệt. Đồng thời, việc tách dự án cũng phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về tiến độ và cần có những quy định pháp lý ở khâu nối chặt chẽ giữa tiểu dự án này với dự án đầu tư xây dựng.

* GS.TS Nguyễn Thị Cành (giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế - luật):

Bồi thường cho dân cần căn cứ biến động giá thị trường

GS.TS Nguyễn Thị Cành

GS.TS Nguyễn Thị Cành (giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế - luật)

Việc UBND TP.HCM đề xuất cho phép TP.HCM chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư hằng năm là hợp lý. Hiện quy trình thẩm định giá bồi thường, hỗ trợ tại các dự án rất lâu, kéo theo đó là dự án thực hiện trì trệ, ảnh hưởng đến nguồn vốn cũng như tiến độ đầu tư. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ số điều chỉnh giá cũng cần được cân nhắc, tính toán để giá bồi thường đưa ra phù hợp với giá thị trường, điều kiện thực tế của khu đất bị thu hồi. Cơ quan nhà nước phải nghiên cứu, khảo sát kỹ để có dự báo biến động giá trong năm nhắm đưa ra hệ số phù hợp. Như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân và việc giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng.

Với đề xuất tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành tiểu dự án thực hiện tách biệt với dự án đầu tư công trình cũng là đề xuất hợp lý. Bởi hiện nay dự án đầu tư có được thực hiện đúng tiến độ hay không phụ thuộc rất lớn vào việc giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm. Nhưng giải phóng mặt bằng hiện gặp nhiều vướng mắc, thực hiện rất chậm. Dự án đầu tư bởi vậy cũng ách tắc, sẽ lãng phí nguồn vốn cũng như chậm trễ tiến độ. Khi tách công tác giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án sẽ tạo điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện song song. Tuy vậy, việc tách ra này cũng phải tính toán song song với việc cải cách thủ tục hành chính.

TIẾN LONG ghi


* Ông PHẠM XUÂN VINH (giảng viên Trường đại học Văn Lang):

Các bộ ngành cùng ngồi lại tháo gỡ khúc mắc

Là một người dân trên địa bàn TP.HCM, tôi mong tuyến tàu điện ngầm đầu tiên sớm hoàn thành, bởi không chỉ giúp người dân được trải nghiệm loại hình vận tải mới mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông vốn đang trầm trọng. Tuy nhiên người dân cũng rất ngán ngẩm quanh câu chuyện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, giải ngân dự án. Những lùm xùm này kéo dài nhiều năm là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án này chậm trễ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát và có chỉ đạo dự án này phải hoàn thành kỹ thuật vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021, đồng thời cũng chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ TP đảm bảo kinh phí để triển khai dự án. Thủ tướng đã chỉ đạo vậy, tôi nghĩ các bộ ngành phải khẩn trương ngồi lại với nhau, vì cái chung giải quyết rốt ráo những vướng mắc. Dự án metro là dự án trọng điểm không chỉ của TP.HCM mà còn mang tầm quốc gia, không thể để tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" vì điều này sẽ làm người dân mất niềm tin. Đây cũng cần được xem là một bài học cho quá trình triển khai các dự án metro tiếp theo.

QUANG KHẢI ghi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Metro ì ạch thì nước ngoài cười, dân mình cũng cười Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Metro ì ạch thì nước ngoài cười, dân mình cũng cười

TTO - Phát biểu kết luận cuối giờ chiều ngày 12-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngày 18-4 tới, các bộ ngành liên quan phải trình được phương án giải quyết vướng mắc vốn cho tuyến metro số 1.

D.NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên