10/09/2011 16:59 GMT+7

Tàu thủy sắt của những mùa Trung thu cũ

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TTO - Hà Nội vào mùa Trung thu, nhiều người - từng là đứa trẻ lớn lên trong thời bao cấp - vẫn giữ thói quen ra Hàng Thiếc, Hàng Mã mua những chiếc tàu thủy làm bằng sắt. Những con tàu mang hương vị của biển cả từng là món đồ chơi quý giá và là mơ ước của nhiều thế hệ.

“Những chiếc tàu thủy bằng sắt là cả một kỳ quan về động học đối với chúng tôi thời đó. Đứa trẻ nào mà chẳng mơ ước được lên tàu ra biển” - anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng, nghệ nhân làm tàu thủy sắt cuối cùng, cho biết.

jY2eO1te.jpgPhóng to
"Từ hồi đồ chơi Trung Quốc vào, cả làng Khương Hạ mất nghề" - chị Thuyết nói - Ảnh: Hà Hương

Nhưng phố Hàng Thiếc, Hàng Mã nhiều năm nay vắng bóng người làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đi bán đồ chơi bằng sắt. Cũng khó để mua một chiếc tàu thủy trong cửa hàng lưu niệm dành cho khách Tây vì giá quá cao.

Trong hồi ức về những năm “bảy mấy” của mình, anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng nhớ lại: “Cả phố Hàng Thiếc bán đồ chơi bằng sắt, nhà tôi bán hàng ở phố Hàng Mã quanh năm. Thời đó phải có điều kiện lắm mới dám mua tàu thủy sắt chơi Trung thu. Có những đứa trẻ con mua đồ chơi của nhà tôi, chơi được mấy năm liền”.

Anh Hùng kể về thời “hoàng kim” của đồ chơi truyền thống bằng giọng pha ít tiếc nuối. Đồ chơi trong thời bao cấp gian khó ấy, nhà anh Hùng bán được số lượng gấp đôi hiện nay.

Nhưng từ năm 2000, hàng đồ sắt vắng bóng trên phố mỗi dịp Trung thu. Tám người anh em làm nghề của gia đình anh Hùng giờ chỉ còn một người làm. Cả làng Khương Hạ xưa chuyên làm đồ chơi trung thu bằng sắt giờ cũng bỏ nghề hết.

Chị Nguyễn Thị Thuyết (vợ anh Hùng) cho biết: "Từ hồi đồ chơi Trung Quốc vào, cả làng Khương Hạ mất nghề. Ngày trước, cứ đầu tháng tám âm lịch đến qua rằm tôi đều bán đồ chơi ở Hàng Mã. Rồi dần dần, người ta không cho bán ở vỉa hè nữa. Hồi bố chồng tôi còn sống, ông cụ cũng đề nghị sắp xếp một chỗ bán đồ chơi truyền thống mà chẳng thấy ai có ý kiến gì. Mãi đến ngày qua đời, ông cụ vẫn trăn trở vì điều đó".

q39mYR3v.jpgPhóng to
Công cụ làm tàu thủy bằng sắt nhiều đời nay vẫn chỉ có vậy - Ảnh: Hà Hương

Nghề riêng còn lại chút này

Anh Hùng chỉ nhớ mang máng nghề làm tàu thủy bằng sắt có từ thời Pháp. “Ông cụ truyền lại cho ông bố tôi, bố tôi truyền lại cho tôi, chứ cụ thể có bao nhiêu đời tôi cũng không biết rõ”.

Nhưng nghề riêng cũng lắm công phu. Nói là cả hai vợ chồng cùng làm nhưng chị Thuyết chỉ có thể phụ cắt tấm sắt theo mẫu có sẵn, sơn màu, còn việc làm nồi hơi, hàn xì chỉ có anh Hùng biết. “Ngày xưa, cả phố Hàng Thiếc học theo nhà tôi làm nghề. Sau này có cả người Mỹ, người Trung Quốc đến quay phim suốt cả ngày trời rồi về làm theo, nhưng tàu vẫn không chạy được. Cho đến giờ tôi vẫn tự hào người Trung Quốc vẫn chưa sao chép được “công nghệ” gia truyền nhà mình” - anh Hùng nói.

Làm tàu thủy bằng sắt vất vả từ khâu tìm kiếm nguyên liệu. Anh Hùng cho biết thời trước nhiều đồ hộp nên tìm kiếm các lon sắt dễ. Bây giờ người ta dùng hộp giấy nhiều nên mua càng ngày càng khó, chỉ còn mỗi hộp sữa Ông Thọ dùng được làm tàu. “Nhiều khi khách hàng đặt tàu to, tôi phải xới tung mấy cửa hàng đồng nát lên mới kiếm được một ít hộp sắt to. Chứ tấm nhôm hay tôn cũng mỏng như thế nhưng lại không làm tàu được”.

I2tGL4lp.jpgPhóng to
Tàu thủy chạy bằng dầu hỏa của những mùa Trung thu - Ảnh: Hà Hương

Anh Hùng nói cái nghề như bám vào thân, từ bé buổi đi học buổi về làm, chả ai dạy cũng thành nghề. Bàn tay anh Hùng với nửa thế kỷ làm nghề cũng vẹo vọ đi theo hình cái kéo cắt sắt, cái đe, cái búa… Nhưng anh cười hạnh phúc bảo làm tàu thủy nuôi được cả nhà, hai đứa con gái ngoan, học giỏi. Hỏi anh về dự định mở một cửa hàng bán đồ chơi bằng sắt, anh cũng cười nói: "Đợi hai cháu lớn lên rồi tính".

Mỗi năm, cả hai vợ chồng góp sức cũng chỉ làm được một đợt hàng ra vào cuối tháng bảy âm lịch. Những chiếc tàu thủy giờ chủ yếu bán cho vài cửa hàng đồ lưu niệm cho khách nước ngoài. Nguồn thu nhập đó đủ để cả hai vợ chồng bám nghề và giữ nghề. Trung thu năm nay, anh Hùng nhận lời với ban quản lý phố cổ Hà Nội lên Hàng Đào giới thiệu nghề làm tàu thủy, chị Thuyết vợ anh thì xuống Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy) vừa bán tàu thủy vừa hướng dẫn trẻ em cách làm tàu.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên