08/07/2012 05:05 GMT+7

Sống trong cõi sống

HẰNG NGUYỄN
HẰNG NGUYỄN

TT - Cầm cây sáo cũ tự nhiên tôi lại nhớ tới nơi bán sáo ngày xưa. Đi ra ngã tư Phùng Hưng - Hàng Bông thì cửa hàng nhạc cụ ngày ấy giờ sáng choang rồi còn đâu. Hỏi thầy (NSƯT Ngọc Phan), thầy bảo ông cụ Trọng làm sáo ốm nằm nhà đã bấy lâu nay.

Về nhà, tôi lục lại những đống đồ cũ. Những cây đàn mua hồi sinh viên giá chỉ một, hai trăm nghìn, cần đàn cong queo, xẹo xọ. Những cây đàn điện tử thay cho những cây đàn cũ chỉ là một khối gỗ vô hồn khi đã làm xong việc đời.

Những cây đàn phương Tây từng là một niềm mơ ước khắp nơi, giờ đã bớt đi cái vẻ bóng loáng phủ ngoài. Một bí mật dần được tiết lộ, rằng không ai cần phải đến Brescia hay Cremona để học làm violin. Những cây violin làm bằng máy xuất hiện khiến các xưởng nhạc cụ của lục địa cổ châu Âu không giữ được giá cả cho đàn của họ. Từ hàng trăm, hàng chục nghìn đôla Mỹ, nay một nghìn đôla Mỹ đã mua được cây violin loại tốt, và chỉ trên dưới một triệu đồng nếu muốn bắt đầu có một cây để tập ngay hôm nay.

Và đời sống điện tử cũng đi gần hơn vào thế giới âm nhạc (giống như đã tiến quá sát vào muôn vàn thứ nghệ thuật khác). Những cây piano điện tử hiện đại có bàn phím nhạy cảm với tay người để diễn tả cảm xúc hệt một cây piano tỉ mẩn gõ từng tiếng vào những sợi dây thép, và lại còn làm được đủ chuyện tinh vi khác nữa.

Những cây đàn phương Tây trở nên bình dân hơn, và những cây đàn phương Đông thành ra lên ngôi mới. Các nghệ nhân làm đàn dân tộc lâu năm như ông Thước, ông Soạn... chỉ có đàn đủ bán cho khách đặt trước nửa tháng một tháng là vừa hết (chứ không lâm vào cảnh đìu hiu còn mất như người ta vốn gán cho những gì liên quan đến “dân tộc”). Những người chơi nghiệp dư nay đã có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với đủ các nhạc cụ Đông - Tây bỗng hiểu ra, rằng thật dễ dàng để chơi được một vài bản nhạc bằng những cây đàn phương Tây cứ bấm đúng phím là ra hết nốt, nhưng để làm cho một cây đàn khó vào loại nhất thế giới như đàn bầu kêu lên tiếng bổng trầm thì mới thật là tay chơi có gu và có hạng.

Mỗi cây đàn là bao nhiêu khó nhọc trên những bàn tay. Như cây đàn tranh tôi vừa mua, ông cụ Soạn phải mất vài năm trời phơi thật khô gỗ ngô đồng làm mặt, gỗ trắc làm thành làm nhạn, luồn dây đặt trục làm đi rồi thử lại cho thật chắc tay đẹp đàn. Đến được với người chơi, một cây đàn sẽ làm ra những âm thanh kỳ diệu. Nhưng trước khi cất lên nốt nhạc, cây đàn tự nó đã là cả một kỳ công của loài người.

Bao người đi qua, bao người còn lại. Từng nhạc cụ ra đời. Từng nốt nhạc ra đời. Từng bản nhạc ra đời. Và rồi những nốt nhạc cất lên, cho bạn vui, cho tôi buồn, cho những ngày hân hoan, cho những đêm tĩnh lặng, cho những mầm cây lớn lên, cho những đứa trẻ chào đời, trong khi bao nghìn triệu người góp phần vào đó nay đã về cõi thiên cổ.

Trong những bàn tay từng làm đàn cho tôi, giờ bàn tay nào còn hồng, bàn tay nào đã thành cát bụi?

Mấy hôm trước hỏi lại chuyện về ông già làm sáo ngày xưa, mới biết cụ nay đã lặng yên trong đất. Cụ Soạn làng Đào Xá cũng đã qua tuổi bảy mươi, trời đã xa mà đất thì gần rồi. Tôi cũng có trong tay một cây đàn của cụ.

Ngẫm ra, một đời người, chết đi không phải là hết.

Bởi vì một người ra đi vẫn còn lại những gì đẹp đẽ, miễn người ta phải lao động hết mình trong cõi sống.

HẰNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên