22/08/2010 19:22 GMT+7

Săn lùng bọn trộm cắp tác phẩm nghệ thuật

Theo HỒNG LĨNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo HỒNG LĨNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Cuộc săn đuổi các kiệt tác nghệ thuật bị đánh cắp lần đầu tiên được kể trong hồi ký của một cựu đặc vụ FBI. Cuốn sách không chỉ đưa người đọc đi vào cái thế giới quỷ quyệt của bọn đạo tặc nghệ thuật mà còn hé lộ cả những điều bất thường trong cơ quan FBI cũng như nhiều cơ quan an ninh khác ở Mỹ.

p49jw3R8.jpgPhóng to
Bìa sách Vô giá: Hoạt động ngầm của tôi để cứu những kho tàng bị đánh cắp trên thế giới

Để gây sự chú ý và tạo niềm tin đối với Sunny và Laurenz - hai tên tội phạm trong lĩnh vực nghệ thuật, một đặc vụ ngầm (tạm gọi là X) của FBI mang sáu bức tranh giả mạo đến cho chúng xem, sau đó tranh được chở trên chiếc Rolls Royce gắn kính chống đạn của tên Laurenz đến chiếc du thuyền Stagehand cũng của FBI để chào bán.

Trên chiếc du thuyền lộng lẫy đi dọc bến cảng Miami từ sáng cho đến chiều tối, những nhân viên FBI giả trang thành người hầu phục vụ thịt bò nướng lòng đào và rượu champagne, còn các đặc nhiệm nữ mặc bikini nhảy nhót và ăn dâu tây, trong khi đó đội trưởng đội đặc nhiệm giám sát mọi việc trên du thuyền qua máy thu hình.

Những bức tranh giả được chào bán cho một đặc vụ giả dạng thành một trùm ma túy Colombia và được trả với giá 1,2 triệu USD qua chuyển khoản ngân hàng, cộng thêm một gói nhỏ kim cương và những đồng vàng Krugerrands lấy từ các kho tang vật của FBI. Khi rời khỏi du thuyền, đặc vụ X đưa một vài đồng tiền vàng cho Laurenz và mấy viên kim cương cho Sunny. Chúng bị tóm gọn sau đó.

Những trang viết sống động

Câu chuyện trên có vẻ là một cảnh trong một bộ phim về James Bond với diễn viên Daniel Craig và Scarlett Johansson? Không, đó là một trong những trang hấp dẫn trong cuốn sách vừa xuất bản tại Mỹ có tựa khá dài Vô giá: Hoạt động ngầm của tôi để cứu những kho tàng bị đánh cắp trên thế giới (Priceless: How I went undercover to rescue the World’s stolen treasures) do Nhà xuất bản Crown phát hành năm nay, dày 230 trang, giá bìa 25 USD.

Đó là cuốn hồi ký của cựu đặc vụ FBI Robert K. Wittman, được John Shiffman chấp bút. Wittman là người đã xây dựng một đội ngũ chuyên phòng chống tội phạm nghệ thuật của FBI và hiện là một chuyên gia trong lĩnh vực tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp.

yUHhNi2f.jpgPhóng to
Tác giả Robert Wittman

Một đoạn khác được kể trong sách không khác gì một cảnh phim hành động: “Tôi vượt vào giữa vòng vây, đến nơi mà bọn gian phi không còn chỗ để ẩn náu rồi đưa ra dấu hiệu hành động bằng bàn tay trái. Các đặc nhiệm mặc áo khoác mang phù hiệu FBI lập tức xông ra, rút súng, hét lớn: FBI đây! Giơ tay lên! Quỳ xuống! FBI đây!”.

Với kinh nghiệm 20 năm làm việc cho FBI trong vai trò đội trưởng đội săn lùng tác phẩm nghệ thuật, Robert K. Wittman là đặc vụ ngầm duy nhất phải thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy. Từng đóng nhiều vai khác nhau, từ nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật, nhà từ thiện đến giáo sư về lịch sử mỹ thuật hay người môi giới (trên du thuyền trong sách, ông vào vai một kẻ tiêu thụ tác phẩm có nguồn gốc mờ ám), ông đã giúp FBI thu hồi nhiều tác phẩm nghệ thuật và cổ vật bị đánh cắp có giá trị trên 225 triệu USD, trong đó có các tác phẩm của Rembrandt, Bruegel, Rodin và Norman Rockwell, đặc biệt là bản gốc Tuyên ngôn Nhân quyền đã bị kẻ gian lấy mất và giấu kín trong nhiều năm.

Trong chương về chuyên án truy tìm 18 bức tranh trị giá 50 triệu USD bị bọn đạo tặc lấy cắp từ ngôi nhà của một tỉ phú người Tây Ban Nha, Robert K. Wittman kể: “Tôi muốn vào một phòng khách sạn khác bên kia thị trấn để gặp một tên đạo tặc liều lĩnh, sẵn sàng giết người và đang mong muốn kết thúc thỏa thuận nhằm chuộc một bức tranh có giá 10 triệu USD.

Tôi không vũ trang, chỉ có 1 triệu euro tiền mặt lơ lửng làm mồi nhử. Cùng làm việc với tôi là một đồng nghiệp FBI lần đầu tiên hoạt động ngầm trong lĩnh vực này. Cuộc đàm phán bằng tiếng Pháp, một ngôn ngữ tôi không hiểu. Mọi việc diễn ra rất tốt”. Cái bẫy đã được giăng ra…

Lợi nhuận khổng lồ từ trộm cắp tác phẩm nghệ thuật

QbPpZUjp.jpgPhóng to
Tiếng thét, tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Na Uy Edvard Munch, từng là mục tiêu của nhiều vụ đánh cắp. Năm 1994, bức tranh bị lấy cắp từ Bảo tàng Quốc gia ở Oslo, sau đó vài tháng thì tìm lại được. Năm 2004, tranh bị trộm lần nữa từ Bảo tàng Edvard Munch cùng với tác phẩm Madonna. Mãi đến năm 2006 người ta mới tìm lại được cả hai nhưng trong tình trạng bị hư hỏng nặng. Sau một thời gian dài phục chế, đến tháng 5-2008, bức Tiếng thét được trưng bày cho công chúng xem

Tội phạm nghệ thuật đang ngày một gia tăng. Con số 6 tỉ USD trị giá các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp mỗi năm có lẽ còn thấp, vì đó là số liệu thống kê chỉ mới được 1/3 trong tổng số 192 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc cung cấp.

Trộm cướp tác phẩm nghệ thuật và cổ vật hiện xếp thứ tư trong danh sách tội phạm xuyên quốc gia, sau ma túy, rửa tiền và vũ khí bất hợp pháp như Wittman viết trong cuốn hồi ký hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Sách còn kích thích suy nghĩ của người đọc, nhất là những ai quan tâm đến việc bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật quý giá mà có khi bị đánh cắp mà không bao giờ tìm lại được.

Theo tác giả cuốn sách, nghệ thuật và cổ vật đáng giá đang “thu hút những kẻ rửa tiền, chủ phòng trưng bày bất lương và những kẻ môi giới tác phẩm nghệ thuật, kể cả bọn buôn lậu ma túy, các công ty vận chuyển, những nhà sưu tập vô đạo đức và bọn khủng bố”. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp hoặc bị cướp được nhanh chóng đưa qua biên giới nước sở hữu để tiếp cận thị trường mới. Một nửa các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật được thu hồi lại từ bên ngoài quốc gia xảy ra mất cắp.

Trong khi đó, cũng theo Wittman, không có nhiều nỗ lực để kiểm soát bọn tội phạm nghệ thuật. Đội phòng chống tội phạm tác phẩm nghệ thuật ở Pháp có 30 người, còn tại Scotland Yard (Cơ quan Mật vụ Anh) chỉ có 12 người. Chỉ ở Ý mới có số lượng thám tử chuyên trách trong lĩnh vực này đủ đông: 300 người. Công việc của họ là hợp tác với các chuyên gia nghệ thuật và khảo cổ học, liên kết họ với các hoạt động tìm kiếm và thu hồi tác phẩm bị đánh cắp.

Những điều bất thường

LYNDwjcq.jpgPhóng to
Bão trên biển Galilee, tác phẩm của danh họa Hà Lan Rembrandt van Rijn, được vẽ năm 1633, bị bọn gian trộm mất vào tháng 3-1990 tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston. Tới nay vẫn chưa hề có chút dấu vết nào về tung tích của bức tranh này, dù bảo tàng đã treo giá nhiều triệu USD cho ai cung cấp thông tin có thể tìm lại được tác phẩm cùng nhiều tranh quý khác cũng bị trộm cùng thời gian ấy

Còn tại Hoa Kỳ, Sở Cảnh sát Los Angeles là cơ quan an ninh duy nhất ở địa phương có các điều tra viên chuyên về tội phạm nghệ thuật. Đội phòng chống tội phạm nghệ thuật của FBI được Wittman thành lập năm 2005 đến nay vẫn đang hoạt động nhưng hiện được chỉ huy bởi “một nhà khảo cổ học được đào tạo thành thanh tra, thay vì một viên chức FBI” (theo ý kiến của Wittman) nên không thể kiểm soát được đường đi của những tác phẩm đang trong tay kẻ cắp.

Trong hồi ký của mình, Robert K. Wittman cũng thẳng thắn chỉ trích “các mệnh lệnh và thủ tục soi mói bất thường” của FBI rồi kể về “cuộc chiến giành quyền lợi và ganh đua trong nội bộ FBI ở cả hai bờ của Đại Tây Dương”. Ông cho rằng công chúng Mỹ sẽ phải ngạc nhiên khi biết mức độ giấu giếm thông tin hoặc cố gắng moi thông tin lẫn nhau vốn thường xảy ra giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ.

Ngay trong chuyên án được kể ở phần đầu bài báo này, hai tên Sunny và Laurenz vốn có quan hệ với một băng đảng tội phạm ở đảo Corsica (Ý), muốn bán cho Wittman một số bức tranh bị đánh cắp từ Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston vào năm 1990 (*). Dù chuyên án sau đó được thực hiện thành công song Wittman cho biết các nỗ lực của ông từng bị ngăn trở bởi một cấp trên ở FBI - người đã cố loại ông ra khỏi chuyên án trong khi nó chưa được giải quyết.

Theo HỒNG LĨNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên