14/10/2011 13:20 GMT+7

Phân cấp đầu tư đang vượt tầm kiểm soát

Ông Trần Xuân Giá
Ông Trần Xuân Giá

TT - “Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không thể chậm trễ được nữa” - ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về ba lĩnh vực tái cơ cấu (TCC) vừa được Hội nghị T.Ư3 kết luận. Từng là “tư lệnh” điều hành trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, ông Giá nói:

- VN đã có những bước phát triển khá nhanh, nhưng nhìn vào cơ cấu kinh tế rất dễ nhận ra mô hình tăng trưởng hiện nay nếu không thay đổi mạnh mẽ thì khó phát triển tiếp. Tăng GDP của VN đang chậm lại, thiếu bền vững, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, các cân đối lớn chưa đảm bảo, lạm phát cao, nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài tăng nhanh... Theo tôi, nếu không đổi mới, dù đã đạt ngưỡng nước có thu nhập đầu người trung bình, VN hoàn toàn có thể “gia nhập lại” nhóm các nước kém phát triển.

ABb7ySCz.jpgPhóng to
Khu trung tâm thương mại Hiệp Thành (khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh) được đầu tư hàng tỉ đồng, giờ đây nhiều gian hàng phải đóng cửa do không có khách - Ảnh: BẠCH HOÀN

* Kết luận của Hội nghị T.Ư3 khiến nhiều chuyên gia nức lòng. Ông đánh giá thế nào về kết luận này?

- Việc TCC nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng mới thật ra đã được bàn nhiều năm trước, rầm rộ nhất là năm 2010. Bây giờ không bàn lại chuyện cần thiết TCC hay không nữa, vì nó đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XI. Vấn đề bàn cãi nhất giữa các ý kiến là TCC bắt đầu từ đâu, tập trung vào mũi nhọn nào. Kết luận Hội nghị T.Ư3 đột phá ở chỗ khẳng định triển khai việc TCC và chỉ rõ TCC bắt đầu ở ba lĩnh vực chính: đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước và thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại. Cá nhân tôi cho rằng quyết định trên là hoàn toàn đúng và hệ trọng. Bởi lẽ làm tốt các việc này là tiền đề rất quan trọng để sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên.

syU0uwYT.jpgPhóng toẢnh: C.V.KÌNH* Là người từng trực tiếp quản lý đầu tư, ông đánh giá thế nào về nội dung TCC đầu tư? Phải chăng đầu tư công của chúng ta có vấn đề?

- Có vấn đề lớn và nghiêm trọng. Nhiều người rất bức xúc khi gần đây chúng ta có không ít dự án đầu tư theo kiểu “3 không”: không rõ mục đích (không rõ đầu tư để làm gì, cho ai...); không cân đối được nguồn lực (gây chậm trễ, triệt tiêu hiệu quả) và không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp (gây gián đoạn, lãng phí lớn nguồn lực của dân).

Tôi lấy ví dụ như các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu. Tôi đồng tình phải xây dựng các khu này, nhưng gần như tỉnh nào có biển cũng có khu kinh tế ven biển, gần như tỉnh nào có cửa khẩu cũng xin làm khu kinh tế cửa khẩu là sai! Chúng ta đã có quyết định xây dựng 18 khu kinh tế ven biển với diện tích đất và mặt nước chiếm gần 730.000ha và 28 khu kinh tế cửa khẩu. Làm thế có tính đến hiệu quả không? Có biết ai sẽ vào không? Bao giờ mới lấp đầy? Có biết cần bao nhiêu vốn, lấy từ đâu, bao giờ xong không?

Vì vậy, việc TCC đầu tư công, tôi cho rằng phải thực hiện cả hai đầu: một mặt phải ngăn chặn không cho những công trình, dự án kém hiệu quả ra đời; mặt khác phải cơ cấu lại các công trình đã đầu tư, bao gồm cả những dự án đã hoàn thành. Nếu xét thấy để tư nhân làm tốt hơn hoặc Nhà nước không cần nắm thì có thể bán đứt cho các thành phần kinh tế khác.

* Nhiều chuyên gia cho rằng TCC đầu tư không dễ vì sẽ liên quan đến các nhóm lợi ích?

- Chuyện đầu tư công kém hiệu quả đã được nói đến quá nhiều nhưng làm còn ít, thậm chí làm ngược lại. Chẳng hạn nói “đầu tư phải tập trung” thì đầu tư càng phân tán, dàn trải. Khi có dịp phát biểu với lãnh đạo, tôi luôn nhấn mạnh nếu không quyết tâm thì không làm nổi đâu. Và Tổng bí thư khi kết luận Hội nghị T.Ư3 cũng đã nói rất rõ, với ba lĩnh vực TCC thì phải không để ba điều sau đây chi phối: lợi ích nhóm, cục bộ và tư duy nhiệm kỳ. Kinh nghiệm điều hành của tôi khẳng định nếu không chống được ba điều trên thì TCC không thể thành công.

"Ba lĩnh vực cần tái cơ cấu được hội nghị T.Ư3 nêu phải được thực hiện như một thể thống nhất, không thể tách rời. Nó cần được thực hiện đồng bộ, không thể nói cái nào khó để lại theo kiểu “dễ làm, khó bỏ” được"

* Như vậy sẽ phải sửa đổi rất nhiều chủ trương, chính sách?

- Để TCC đầu tư thành công, tôi cho rằng không thể phân cấp quản lý đầu tư tràn lan cho địa phương và các DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước như hiện nay. Có người nói phân cấp như vừa qua là thành quả của cải cách thủ tục hành chính. Tôi phản đối.

Tôi cho rằng trong quản lý đầu tư, những vấn đề quan trọng như làm cái gì, quy mô nào, thời gian nào làm, làm ở đâu, từ nguồn vốn nào phải do trung ương quyết trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn của cả nước. Nếu làm ngược lại, chúng ta tự mình “băm nát đất nước” mà việc sửa chữa là cực kỳ khó khăn. Việc tổ chức thực hiện xây dựng có thể phân cấp cho địa phương, các DNNN lớn làm.

Còn cách phân cấp như hiện nay là quá mức, vượt tầm kiểm soát của chính cơ quan quản lý, gây lãng phí nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế. Nếu cứ phân cấp như hiện nay thì không cách gì tăng hiệu quả được. Tôi ví dụ chuyện Nhà nước vay vốn trái phiếu quốc tế về cho Vinashin đầu tư. Với số vốn vay được khoảng 750 triệu USD mà họ đầu tư đến hơn 200 dự án. Để họ quyết tất như thế thì không sụp mới lạ.

* Hiện các tập đoàn kinh tế đang thành lập nhanh và nhiều các tổng công ty con, “cháu”. Việc TCC nếu không “trảm” sẽ cấu trúc không xuể?

- Tái cấu trúc DNNN tôi đề nghị phải “TCC cả hai đầu”. Nghĩa là TCC để không tiếp tục cho ra đời những DNNN không hiệu quả, đồng thời TCC cả những DNNN đã tồn tại, đang hoạt động. Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thật sự then chốt. Vì vậy, bên cạnh việc cổ phần hóa, tôi đề nghị bán hẳn những DNNN trong những lĩnh vực Nhà nước không cần phải nắm giữ và nếu để khu vực tư làm sẽ hiệu quả hơn.

Nếu không xác định nguyên tắc trên thì rất khó trong việc TCC. Ví dụ đơn giản có thể cắt ngay là các DNNN kinh doanh khách sạn, nhà hàng, kinh doanh du lịch và các lĩnh vực tương tự. Khu vực này Nhà nước nên bán hẳn, ngay lập tức, vì tư nhân họ làm tốt hơn nhiều.

Để tránh tình trạng càng nói đầu tư tập trung thì thực tế đầu tư càng dàn trải, tôi đề nghị phải làm ngay ba việc: Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai để kiên quyết loại bỏ danh mục đầu tư không còn phù hợp. Thứ hai, phải xây dựng chương trình đầu tư công cộng theo hướng không nóng vội, không ham tăng trưởng nhanh. Thứ ba, phải sửa ngay các văn bản về phân cấp đầu tư.

Ở đầu kia, cần đặt ra tiêu chí thắt chặt việc thành lập mới DNNN. Theo tôi, trừ những doanh nghiệp liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, còn lại chỉ cho phép thành lập DNNN khi đạt ba điều kiện: thứ nhất DNNN mới phải là đầu tàu, trụ cột trong cả một lĩnh vực để giữ ổn định kinh tế khi khó khăn; thứ hai, là đầu tàu áp dụng công nghệ mới và thứ ba, phải là nơi có năng suất lao động, hiệu quả đầu tư cao nhất.

Phải thu hẹp tỉ trọng của khu vực DNNN, chứ để như hiện nay DNNN nắm tới 60% tổng nguồn lực xã hội là quá lớn, không nước nào để như thế mà phát triển tốt cả. Chúng ta chỉ cần yêu cầu một điều: phải làm theo luật, không được sa thải lao động là đủ.

* Về tái cấu trúc khu vực ngân hàng, theo ông nên tập trung vào đâu?

- Đây là vấn đề phức tạp, tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất cần xác định lại là: với nền kinh tế như VN, có tới khoảng 100 ngân hàng, tổ chức tín dụng là quá nhiều. Nhiều nhưng không mạnh. Cần kiên quyết tổ chức lại để giảm rủi ro cho nền kinh tế. Có lẽ phải bắt đầu ngay việc sáp nhập, hợp nhất... các ngân hàng thương mại.

Ông Trần Xuân Giá
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên