21/06/2012 03:07 GMT+7

Nhịp bóng là... nhịp tim

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (khoa dược ĐH Murdoch, Úc)
DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (khoa dược ĐH Murdoch, Úc)

TT - Năm 2002, bác sĩ Eugène Katz và cộng sự ở Bệnh viện Trung tâm Vaudois (Thụy Sĩ) đã báo cáo tại Hội nghị tim mạch châu Âu rằng bệnh tim mạch tăng 60% ở những người trưởng thành tại Thụy Sĩ suốt giai đoạn diễn ra World Cup 2002.

Qua báo cáo này, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự căng thẳng, tức giận làm ngòi nổ cho những trường hợp tai biến tim mạch. Bác sĩ Katz cũng báo cáo trong mùa bóng 2002, tỉ lệ đàn ông bị nhồi máu cơ tim và chết tại nhà gia tăng một cách rõ rệt. Ông cho rằng không thể gom hết các trường hợp tai biến tim mạch bị tử vong tại nhà là do xem bóng đá, nhưng rõ ràng bóng đá gánh một phần trách nhiệm.

Vào mùa giải World Cup 2006, nhà nghiên cứu Ute Wilbert Lampen (ĐH Munich, Đức) cho biết những nạn nhân của bệnh tim mạch ở Munich (nơi diễn ra đa số các trận đấu quan trọng) cao gấp ba lần so với những khu vực khác. Các bác sĩ tim mạch cũng chỉ ra việc chứng kiến các pha phạt đền dễ gây ra những cái chết bất đắc kỳ tử. Một tác hại khác của bóng đá ảnh hưởng đến sức khỏe là khuynh hướng bạo lực gia đình. Theo số liệu của Bộ Gia đình Anh, những trường hợp các bà vợ bị đánh đập ở Anh lại tăng trước và sau mỗi trận đấu của đội tuyển Anh trong giải World Cup 2006, con số tăng này được thống kê là 31%. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các bà vợ bị... ăn đòn khi đội tuyển Anh thắng nhiều hơn khi đội tuyển Anh bị thua.

Các mùa bóng lớn cũng thường xảy ra những tai nạn giao thông do bị kích động, hoặc sử dụng rượu bia, có nhiều người ăn mừng một cách quá khích dẫn tới tử vong. Bóng đá cũng để lại những “di chứng” dù rằng giải đấu bóng đã kết thúc. Nhiều dân ghiền bóng đá bỗng trở nên thay đổi hành vi và lối sống, một số trở nên lười vận động, thích ăn thức ăn nhanh, nghiện rượu, nhiều người trở nên béo phì, trầm cảm.

Tuy nhiên, có một điều vô cùng lý thú, nếu quốc gia nào “ẵm” được cúp thì tần suất rủi ro về tim mạch của dân cư quốc gia đó bỗng giảm đáng kể. Một nghiên cứu thực hiện tại Pháp năm 1998 cho thấy vào ngày các chú gà trống Gaulois vươn cao chiếc cúp thì tần suất bị nhồi máu cơ tim ở người Pháp giảm rất nhiều so với những ngày trước đó.

Vậy cũng không ngoa để nói rằng nhịp bóng là... nhịp tim.

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (khoa dược ĐH Murdoch, Úc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên