10/04/2009 11:55 GMT+7

Người Việt đầu tiên đưa Quốc kỳ lên Bắc Cực

THANH TRÚC
THANH TRÚC

TTO - Đúng ngày 10-4-2008, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã tung bay tại Bắc Cực. Sự kiện đó gắn liền với một cái tên Việt Nam: Nguyễn Văn Khải.

3W0nge3h.jpgPhóng to
Quốc kỳ Việt Nam trên Bắc Cực

Nguyễn Văn Khải sinh năm 1972 tại Sài Gòn. 20 tuổi, anh theo gia đình đến Canada, tám năm sau chuyển đến sống và làm việc tại bang California, Mỹ. Chàng kĩ sư phần mềm của công ty Cisco lúc nào cũng thích tìm tòi, khám phá mọi ngóc ngách. Với Bắc Cực, Khải đã nối dài thêm danh sách những quốc gia và miền đất mà anh từng chinh phục.

Để đến được Bắc Cực, người ta có thể đi bằng hai cách, tự đi hoặc thông qua các công ty du lịch. Chuyến đi của Khải được thực hiện thông qua công ty Vicaar của Nga.

Quê hương trên lưng

Ngày 27-3, Khải đáp máy bay từ California đến Na Uy, là người sớm nhất trong đoàn có mặt. Nhìn vào ba lô của Khải, cứ ngỡ anh đem cả quê hương Việt Nam trên lưng mình! Một lá cờ đỏ sao vàng, một băng rôn mang dòng chữ tiếng Anh “Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”, xếp ngay ngắn cạnh bảng hiệu đề chữ Saigon. Đã đi qua nhiều nơi song đây là lần đầu tiên Khải đem theo quốc kì Việt Nam trong chuyến du lịch của mình. Còn về tấm bảng Saigon, Khải viết trong email gửi Tuổi Trẻ: “Nếu bạn đến những nơi đặc biệt nằm ở cực Bắc hay cực Nam như Barrow (Alaska) hay châu Nam Cực, bạn sẽ thấy những cây cột gắn bảng hiệu chỉ hướng đến nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bảng hiệu chỉ đến Việt Nam. Sài Gòn là nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi muốn có một bảng hiệu chỉ về nơi đặc biệt ấy”.

Khải biết tin mình sắp đi Bắc Cực là vào tháng 12-2007. Đó là thời điểm Trung Quốc tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa là một phần của Tam Sa và có rất nhiều dư luận trong nước cũng như hải ngoại. “Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của chúng ta và chúng ta nắm giữ chủ quyền đối với các hòn đảo này từ thời xa xưa. Tôi nghĩ mình cần làm một tấm băng rôn và đem theo đến Bắc Cực như một cách để thể hiện thái độ ủng hộ của mình”.

Trong ba lô của Khải còn có những món lương khô không nằm trong danh sách các món ăn công ty tổ chức yêu cầu như mì ăn liền, chà bông, khô bò… Khải tiết lộ, món chà bông và khô bò Việt Nam lận lưng đã đem lại sự ngon miệng cho những bữa ăn buồn tẻ trong suốt chín ngày hoàn toàn cách biệt với thế giới.

Sau khi đến thủ đô Oslo của Na Uy, Khải đáp máy bay đi tiếp đến Longyearbyen, một thị trấn nhỏ thuộc Na Uy nằm ở cực tây bắc của trái đất với nhiệt độ ban ngày vào tháng tư là -20 độ C. Sau “bốn ngày đợi mong” ở Longyearbyen với rất nhiều thay đổi về thời điểm khởi hành cũng như số người tham gia chuyến đi, ngày 1-4, Khải nhận được tin chuyến đi “lớn nhất đời” anh sẽ chính thức khởi hành vào hôm sau.

Cùng đi với Khải là ba người khác. Người dẫn đường là Christoph Hobenreich, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm người Áo. Hai bạn cùng đi là Sergei, một doanh nhân người Nga và Georges Baumann, một nhà thám hiểm người Pháp nhập đoàn vào phút chót chỉ để đến Bắc Cực thử nghiệm dụng cụ cho chuyến đi vào năm sau.

Niềm tự hào Việt trên Bắc Cực

Điểm khởi hành chuyến chinh phục Bắc Cực là trại căn cứ Barneo, nằm về phía Nga, cách Bắc Cực khoảng 100 km, ở vị trí khoảng 89 độ vĩ Bắc. Chín ngày chinh phục Bắc Cực là khoảng thời gian cực kì khó khăn. Khải kể qua email rằng có nhiều ngày phải vừa đi bộ trong cái lạnh -35 độ C, vừa kéo theo chiếc xe trượt tuyết chở các vật dụng từ lều, bếp, cho đến thức ăn, quần áo, kể cả... rác. Anh cho biết đã không xả rác trên đường đi mặc dù về mặt kỹ thuật, đoàn đi trên mặt băng trên Bắc Băng Dương, mùa hè nhiều phiến băng sẽ tan và rác sẽ chìm xuống đại dương.

veLAaEzM.jpgPhóng to

Tùy điều kiện thời tiết và tốc độ trôi của băng mà đoàn di chuyển nhiều hay ít. Có hôm họ chỉ đi 1,5 km, hôm khác thì đi bộ suốt 12 km. Mỗi giờ đoàn chỉ được nghỉ từ 5-10 phút để “sạc” lại năng lượng. Địa hình không bằng phẳng của mặt băng khiến việc di chuyển càng khó khăn hơn.

Trả lời Tuổi Trẻ qua email, ông Christoph Hobenreich, người hướng dẫn đoàn, viết: “Khải đã thể hiện rất tốt. Anh ấy nghiêm túc đón nhận thách thức và chuẩn bị kĩ càng cho chuyến mạo hiểm này. Bắc Cực không phải là nơi kiểm tra kĩ năng của bạn. Khải đã dũng cảm ứng phó trong mọi tình huống và luôn làm chúng tôi ấn tượng với nụ cười trên môi - ngay cả khi nhiệt độ giảm xuống dưới -30 độ C, gió giật và ai nấy đều rất mệt và đói”.

“Khi đoàn đi vào lều (ở trại căn cứ Bareo), Gala, nhân viên nấu ăn người Nga không biết rành tiếng Anh, đã nấu xong món xúp nóng cho cả nhóm. Bà nhìn mình và ôm chầm lấy mình. Hỏi bà nhớ tên mình không, bà nói “Cậu là Khải” và rồi “Việt Nam”. Thật thú vị vì mình không nghĩ bà biết hay nhớ tên bất kì ai. Có lẽ vì mình là người châu Á duy nhất ở đấy chăng? Dù sao mình cũng rất vui khi được nghe câu trả lời.” - Trích sổ tay nhật kí Bắc Cực của Nguyễn Văn Khải.

Ngày 10-4, sau tám ngày đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, Khải đặt chân đến Bắc Cực. Đoàn lưu lại đây trong khoảng 30 phút. Công ty Vicaar có truyền thống sau khi xác định vị trí và cắm cờ của công ty này tại tọa độ Bắc Cực, tất cả mọi người nắm tay nhau đi vòng quanh cột mốc vừa cắm. Khải sau đó đã chạy ba vòng “quanh thế giới” trong một phút, rồi chụp hình, gọi điện về cho gia đình. Lá cờ Việt Nam, băng rôn khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa và bảng đề chữ Saigon lần lượt được Khải giương cao với tất cả niềm tự hào vào khoảnh khắc lịch sử của đời mình. Trong email gửi Tuổi Trẻ, ông Christoph Hobenreich chia sẻ: “Trông thấy Khải giương cao quốc kì của anh ấy tại Bắc Cực, đó là một món quà đối với người dẫn đường như tôi. Cám ơn Khải”!

Khi được hỏi tại sao không cắm cờ xuống điểm cực Bắc, Khải giải thích: “Chúng tôi ở trên một tảng băng khổng lồ trên đại dương. Tảng băng không ngừng trôi, có thể với tốc độ rất nhanh. Khoảng năm phút sau khi xác định được vị trí chính xác 90 độ, thì tọa độ cực Bắc đã thay đổi, vì lúc này tảng băng đã di chuyển. Không ai cấm bạn cắm cờ tại đây vì nó nằm trên lãnh hải quốc tế. Tuy nhiên, việc không cắm cờ (rồi để lại đó) cũng là một cách bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Đến hè, lá cờ có thể cũng sẽ chìm xuống nước vì các tảng băng không tồn tại vĩnh viễn”.

Khi trở về với nắng ấm California, Khải viết trên blog của mình (http://knovara.blogspot.com/): “Thật giống như một giấc mơ. Đi đến Bắc Cực là một giấc mơ. Đến được đấy là một giấc mơ. Ở đấy không có khái niệm về thời gian, mặt trời luôn chiếu sáng 24/24. Khắp nơi là một màu trắng xóa. Không khí lạnh vô cùng. Công việc mỗi ngày đều giống nhau. Tất cả đều không tưởng nhưng lại vô cùng thật. Thật hạnh phúc khi được sống trọn giấc mơ của mình”.

Anh cho hay thường "trở lại bình thường" khá nhanh chóng sau các chuyến du lịch bụi. “Nhưng với chuyến đi đặt biệt này, sau hơn hai tháng tôi vẫn thỉnh thoảng nằm mơ thấy mình trượt tuyết trên vùng băng giá đó.” Sau chuyến đi, Khải kết luận: “Chuyến đi mắc khủng khiếp. Nhưng kinh nghiệm và kỉ niệm mà nó đem lại quả thật là vô giá.” Hiện Khải đang tiếp tục dành dụm, luyện tập và hi vọng “sẽ có cơ hội được sống trong một thử thách mới: Nam Cực”.

Hành trình Việt Nam đến các vùng cực:

* Bắc Cực:

Tháng 4-2006: Ông Bùi Duy Tâm, hiện sống tại Mỹ, được cho là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Bắc Cực.

Tháng 4-2008: Nguyễn Văn Khải là người đầu tiên đem quốc kì Việt Nam đến Bắc Cực.

Tháng 4-2009: Quốc kỳ Việt Nam được trao cho đoàn thám hiểm của Nga để cắm ở Bắc Cực.

* Nam Cực:

Tháng 9-1994: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cắm cờ đỏ sao vàng tại châu Nam Cực.

Tháng 1- 1997: Chị Hoàng Thị Minh Hồng cắm quốc kì Việt Nam tại Nam Cực.

THANH TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên