11/11/2009 05:53 GMT+7

"Nghe nhạc hay đến...nhức xương!"

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Tối 9-11, buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ lần 13 tại tư gia giáo sư Trần Văn Khê nhộn nhịp hơn hẳn những lần trước. Hơn 100 khách, có cả người nước ngoài, chen nhau trong căn phòng vốn chỉ chứa được hơn 30 người.

Sổ tay:

“Nghe nhạc hay đến...nhức xương!”

TT - Tối 9-11, buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ lần 13 tại tư gia giáo sư Trần Văn Khê nhộn nhịp hơn hẳn những lần trước. Hơn 100 khách, có cả người nước ngoài, chen nhau trong căn phòng vốn chỉ chứa được hơn 30 người.

Xem video Cha - con và đêm hội ngộ sau 50 năm
ImageView.aspx?ThumbnailID=374337
Giáo sư  Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi - Ảnh: Gia Tiến

Những ai đến sau buộc phải bắc ghế đứng ngoài hành lang hoặc sau những khung cửa. Bên trong, giáo sư Trần Văn Khê cùng con trai là giáo sư Trần Quang Hải và con dâu là danh ca Bạch Yến hòa tấu một khúc nhạc dân tộc. Đây là lần đầu tiên sau hơn 50 năm cả ba người cùng đứng chung trong một mái nhà ở VN.

Không như những lần trước, giáo sư Trần Văn Khê không phải là diễn giả chính của buổi nói chuyện. Lần này ông lặng yên, trầm ngâm, lắng nghe và ngắm con trai mình - giáo sư Trần Quang Hải, người đang đứng trước mặt ông sau nhiều năm xa cách, đang say sưa với những điều mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời: âm nhạc dân tộc.

Với một thiết bị hỗ trợ trình chiếu sóng âm thanh, giáo sư Trần Quang Hải cùng sự phụ họa của nghệ sĩ Bạch Yến đã đưa người xem đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác qua những công trình nghiên cứu âm thanh của mình: kỹ thuật hát đồng song thanh phát ra hai giọng cùng lúc ở hai độ cao khác nhau, “nụ hôn bồi âm”, cách nói nhiều giọng, cách nói không cần dùng dây thanh quản, kỹ thuật gõ muỗng, kỹ thuật biểu diễn đàn môi, cách vận nội lực để đưa nhiệt độ cơ thể từ 37 độ lên 75 độ trong tích tắc...

Xem video GS Trần Quang Hải biểu diễn nghệ thuật đồng song thanh
Xem video GS Trần Quang Hải biểu diễn gõ muỗng
Xem video GS Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi

Những tiếng xuýt xoa thán phục, những ánh mắt ngạc nhiên, những nụ cười ngưỡng mộ và những tràng pháo tay vang dội là những gì đã diễn ra. Có người gọi ông là kỳ nhân. Và quan trọng hơn, những kỹ thuật độc đáo ấy không chỉ là thứ âm nhạc chỉ để nghe chơi, “mua vui cũng được một vài trống canh”, mà nó còn giúp trị bệnh cho người nói lắp, đứt dây thanh quản, ung thư cổ họng, giúp phụ nữ sinh nở bớt đau, giúp người stress ổn định tâm lý...

Được tận mắt chứng kiến mới hiểu vì sao giáo sư Trần Quang Hải lại được thế giới trọng vọng đến vậy. Trong hơn 40 năm qua, ông đã có trên 3.000 buổi nói chuyện về âm nhạc tại 65 quốc gia, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học trên thế giới và tham dự hơn 130 liên hoan âm nhạc quốc tế.

Xem video GS Trần Quang Hải - ca sĩ Bạch Yến biễu diễn dân ca

Trở về VN sau gần nửa thế kỷ ly hương, giáo sư Trần Quang Hải không nén nổi xúc động. Ông khóc khi được gặp lại cha, khi được nói tiếng Việt, nói về nhạc Việt cho người Việt nghe. Ông tâm sự: “Tôi lớn lên ở hải ngoại, học nhạc Tây. Khi gặp ba tôi ở Pháp, ông đã “lôi” tôi về với nhạc Việt. Tôi bắt đầu bước vào thế giới âm nhạc huyền diệu ấy và phát hiện chúng thật đẹp. Nhạc Việt là những gì thuộc về một trái tim sâu sắc, một tâm hồn giàu cảm xúc. Chỉ có người VN khi nghe nhạc mình mới nói câu: Nghe nhạc hay đến... nhức xương, đau ruột!“.

Xem video GS Trần Văn Khê - GS Trần Quang Hải biễu diễn ngẫu hứng

Ông cũng thổ lộ mong muốn sẽ được về giảng dạy tại VN, truyền đạt những hiểu biết của mình cho những người Việt trẻ hơn bởi: “Người trẻ sinh ra vào thời buổi hiện đại và du nhập nhiều luồng văn hóa nên quên nhạc dân tộc cũng không phải lỗi của họ. Tôi muốn nhẹ nhàng thu hút họ vào thế giới âm nhạc mà tôi biết, từ từ chỉ cho họ rằng nó đẹp đến thế nào!”.

Mời bạn đọc xem video clip về buổi nói chuyện và những tiết mục biểu diễn của GS.TS Trần Quang Hải - nghệ sĩ Bạch Yến trên www.tuoitre.com.vn.

HOÀNG OANH

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên