21/06/2016 18:35 GMT+7

Mở đường, có nhà thành... hầm sâu 3m

LÂM HOÀI - TUẤN PHÙNG
LÂM HOÀI - TUẤN PHÙNG

TTO - Ngay khi tuyến đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa được mở, hàng trăm người dân đã phải chịu cảnh khốn đốn vì nhà bỗng dưng bị tụt xuống thành hầm.

Sau khi đường hoàn thành hàng loạt nhà dân bị tụt sâu xuống khiến việc đi lại rất khó khăn - Ảnh: Lâm Hoài
Sau khi đường hoàn thành, hàng loạt nhà dân bị tụt sâu xuống khiến việc đi lại rất khó khăn - Ảnh: Lâm Hoài

Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 21-6 cho thấy nhiều hộ dân có nhà nằm cạnh mặt đường thuộc địa bàn phường nhiều tháng nay phải bỗng dưng bị... mất lối vào khi nền đường được hoàn thành. Hàng loạt ngôi nhà bị tụt sâu xuống so với nền đường 1-3m, thậm chí có nhiều nhà nền đường ngang với... nóc nhà. Điều này khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Việc sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, khi muốn vào nhà mình buộc phải leo trèo qua nhiều chướng ngại vật. Nhiều gia đình phải làm các bậc thang bằng thép tạm bợ hoặc chất các khối đá, gạch hay bao tải đất, cát để làm bậc thang leo lên leo xuống.

Hầu hết gia đình có nhà bị tụt sâu xuống đều không thể mang xe máy, xe đạp vào nhà, buộc phải gửi ở ngoài với chi phí vài trăm nghìn đồng mỗi tháng gây tốn kém. Việc vận chuyển đồ đạc sinh hoạt của người dân vào nhà cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo ghi nhận, hiện hạ tầng trên hè, hệ thống dây cáp hiện vẫn đang bừa bộn, chưa được hoàn thiện ở tuyến đường này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Duân - phó giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (đại diện chủ đầu tư dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) -  cho biết đoạn đường này vốn là đê, đường đã cao hơn nhà dân từ trước đây.

Theo ông Duân, khi thiết kế đường đều theo đúng quy hoạch, chỉ giới đường đỏ và mặt bằng tuyến đường theo văn bản của Sở Quy hoạch - kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng cung cấp. Ban Tả Ngạn chỉ làm theo quy hoạch của thành phố.

Theo đó, một chiều đường từ phía đê Nguyễn Khoái vào trung tâm thành phố được hạ thấp tối đa, còn một chiều từ trung tâm ra đê Nguyễn Khoái được giữ nguyên độ cao để kết nối thuận tiện với đê Nguyễn Khoái. Việc để cao độ một chiều đường nhằm kết nối cùng mức với đê Nguyễn Khoái là bất khả kháng

Ông Duân cũng khẳng định các ngõ nối đường với khu dân cư được thiết kế vuốt nối êm thuận, một số điểm có cả lối dắt xe, lan can đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, nói về hướng tháo gỡ cho người dân, ông Lâm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - cho biết hiện quận chưa có giải pháp gì.

Theo lý giải của ông Tuấn, hiện theo quy chế của Sở Quy hoạch - kiến trúc chỉ cho phép nhà 4,5m chiều cao, như vậy với những ngôi nhà bị tụt xuống sau so với mặt hè, tính từ mặt đất thì nhà còn chưa nhô lên khỏi được lòng kè móng. Như vậy nhà dân bị tụt sâu như hiện nay, lên xuống rất khó. Tuy nhiên, nếu cho phép từ phần mặt hè cao lên 4,5m lại nguy cơ biến tuyến đường thành khu nhà cao tầng siêu mỏng, siêu méo.

Dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570m, rộng 50m, được UBND TP Hà Nội phê duyệt cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư 383 tỉ đồng. Đến tháng 9 -2014, dự án được điều chỉnh tăng mức đầu tư gấp gần 3 lần, lên tới 1.139 tỉ đồng. 

Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240m2 đất liên quan tới 670 hộ dân thuộc 4 phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng và Thanh Nhàn, liên quan tới 670 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng. Hiện tại con đường sắp hoàn thành, cho lưu thông cả hai chiều. 

LÂM HOÀI - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên