24/11/2013 06:54 GMT+7

Lấy "người điên" làm chồng

THANH LỊCH - THÙY DUNG
THANH LỊCH - THÙY DUNG

TT - “Lấy người điên làm chồng” - điều tưởng chừng như chỉ diễn ra trong những câu chuyện cổ tích lại đang hiển hiện giữa cuộc sống trần gian này như một minh chứng sự kỳ diệu của tình yêu.

gp1hp2DV.jpgPhóng to
Chị Hằng bên người chồng “điên” và hai con - Ảnh: T.D.

Những cử chỉ vuốt ve ngờ nghệch của người chồng “điên”, những câu nói yêu thương, ngọt ngào của người vợ, tiếng cười hồn nhiên, tinh nghịch của những đứa con đang hòa vào nhau để xóa tan khoảng cách khắc nghiệt giữa người điên và người tỉnh.

Số phận

Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hằng (trú tại thôn Vân Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) để được tận mắt nhìn thấy người phụ nữ đã can đảm lấy một người chồng điên. Tìm đường đến nhà chị Hằng không khó. Bước chân vào làng hỏi bất cứ ai từ già, trẻ, gái, trai người ta đều biết: “Cái cô Hằng lấy chú Đăng bị điên đấy hả? Ngôi nhà cấp 4 hai gian cũ kỹ kia kìa. Chồng điên nhưng gia đình hạnh phúc lắm”.

Những tia nắng yếu ớt đầu đông rọi thẳng vào ngôi nhà gần như trống rỗng, thoạt nhìn người ta đã biết chủ nhân là người nghèo khó. Vậy mà hơn 14 năm nay, chị Hằng một mình “thân cò lặn lội” vẫn giữ được cho ngôi nhà cũ kỹ ấy, gồm cả người tỉnh và người điên, một sự đầm ấm cần thiết. Bằng đức hạnh của mình, chị cho mọi người xung quanh thấy rằng không có gì là không thể.

Chị Hằng kể lại: “Hôm đó tôi sang làng Vân Hội gặt lúa thuê cho nhà bà Nuôi. Gia đình bà ngỏ ý làm mai cho tôi với anh Đăng nhưng tôi nhất định từ chối. Hôm sau trên đường đi gặt về, bất chợt tôi nhìn thấy anh ấy đang ngồi một mình ở góc nhà, đôi mắt nhìn xa xăm. Mọi người bảo anh Đăng bị điên, nhưng khi trò chuyện với anh ấy tôi lại không thấy vậy. Anh ấy kể cho tôi nghe nhiều về chuyện chiến tranh, về vết thương ở đầu, đôi lúc lại ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch. Lạ lùng là những lúc đó tôi thấy thương nhiều hơn là sợ”.

“Sau một thời gian tôi đưa anh Đăng về ra mắt gia đình. Cả nhà ai cũng phản đối. Bố tôi gắt lên: “Mày mà lấy nó thì đừng nhìn mặt tao, thà xin đứa con về nuôi còn hơn lấy thằng điên đó”. Anh trai tôi cũng kịch liệt không kém: “Mày lấy nó kệ mày, nhưng sau này khổ sở tự đi mà lo”. Nghe vậy tôi cũng nản, chấp nhận ở vậy với bố và anh trai. Nhưng bỗng một ngày anh Đăng tìm đến tận nhà tôi, kéo tay tôi và nói rất tỉnh táo: “Cô Hằng lấy tôi và nuôi tôi nhé. Nếu không thì với bệnh tật thế này chắc tôi không sống nổi...”. Từ sau ngày đó chẳng còn ai ngăn cản được tôi nữa” - chị Hằng kể.

Kiếp đa đoan

Trong khoảnh sân trước ngôi nhà nhỏ, anh Đăng đang chơi đùa với hai cô con gái. Người đàn ông gầy gò, lúi húi nhặt từng viên sỏi nhỏ cho hai con gái chơi ô ăn quan, miệng không ngớt lẩm bẩm, thi thoảng lại ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch. Nhìn ba bố con chơi vui vẻ với nhau, nghe tiếng trẻ gọi bố thánh thót chẳng ai còn nhận ra người điên người tỉnh. “Anh ấy thần kinh không bình thường nhưng hiền lắm, chẳng đánh đập hay chửi bới vợ con bao giờ. Đi đâu thấy cái gì cũng dấm dúi đem về cho con” - chị Hằng nói.

Năm 2000 chị Hằng sinh đứa con gái đầu tiên là Hiểu Ly. Năm 2010 đứa con gái thứ hai là Lan Anh ra đời. Cả hai con đều bị ảnh hưởng bởi di chứng từ người cha. Chị Hằng đau đớn tâm sự: “Bé Ly dù có ngây ngây chút nhưng còn khỏe mạnh. Còn Lan Anh mới 3 tuổi mà cứ chốc chốc lại lên cơn co giật”.

Anh Nguyễn Văn Đăng cũng chẳng thiếu những lúc bệnh điên tái phát, nói năng lảm nhảm rồi đi lang thang. Chị Hằng kể lại có lần anh bỏ đi biền biệt tới hơn ba tháng, cả gia đình, họ hàng cuống cuồng đi tìm, ngỡ như anh đã “chết đường chết chợ”. Nhưng may mắn đùng một cái anh lại trở về nhà, gặng hỏi mãi mới biết anh đi vào tận Thanh Hóa để tìm đơn vị. Anh Nguyễn Văn Đăng từng là một quân nhân, tham gia cuộc chiến ở Campuchia năm 1979. Bệnh tình hiện tại cũng là di chứng từ cuộc chiến tranh ấy.

“Chúng tôi rất khâm phục nghị lực và đức hạnh của chị Hằng, cả đời hết lòng vì chồng, vì con. Chính quyền xã và Hội phụ nữ đã có rất nhiều hành động giúp đỡ như: tặng quà vào ngày lễ tết, tặng sách vở cho hai bé đi học, quan tâm, hỏi thăm mỗi khi anh Đăng phát bệnh... Mặc dù vậy, hoàn cảnh gia đình chị Hằng vẫn rất khó khăn” - bà Nguyễn Thị Phượng - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Bình, huyện Thường Tín, nói.
THANH LỊCH - THÙY DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên