12/09/2017 15:53 GMT+7

Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ 20 người làm việc

NGỌC DIỆP thực hiện
NGỌC DIỆP thực hiện

TTO - Sau khi cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam phản ứng vì lương và chính sách sau cổ phần hóa, Tuổi Trẻ đã gặp lãnh đạo mới của hãng.

Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ 20 người làm việc - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Danh Thắng - Ảnh: NGỌC DIỆP

Hãng phim truyện Việt Nam bán bún phở kiếm thêm? Hãng phim truyện Việt Nam bán bún phở kiếm thêm? Thủ tướng có ý kiến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Thủ tướng có ý kiến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Nghệ sĩ mời luật sư bảo vệ hãng phim truyện Việt Nam Nghệ sĩ mời luật sư bảo vệ hãng phim truyện Việt Nam

Hiện nay có một nhóm người chống đối chủ trương cổ phần hóa và hiện vẫn chống lại mọi hoạt động của công ty cổ phần. Họ đưa lên mạng xã hội thông tin sai lệch về sự điều hành của công ty tạo ra dư luận xấu, làm cho cán bộ nhân viên trong công ty hoang mang, mất đoàn kết.

Ông Nguyễn Danh Thắng

Phóng viên Tuổi Trẻ online đã phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hãng phim Truyện Việt Nam, ông Nguyễn Danh Thắng.

* Các nghệ sĩ phản ánh lương họ nhận sau khi hãng phim cổ phần hóa không biết chấm theo ba-rem nào. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

- Trong cuộc họp 6-9-2017, tôi chỉ đạo Ban giám đốc tạm ứng lương tháng 8-2017 cho mọi người. Nhưng có người nói tôi chỉ đạo tôi không trả lương tháng 8 là sai. 

Hiện nay tình hình tài chính của Công ty gặp rất nhiều khó khăn vì chúng tôi đang phải trả nợ 21 tỷ do Hãng phim cũ để lại, gồm thuế đất, thuế VAT và tiền phạt vì chậm nộp thuế.

Tôi đã chia sẻ điều này với mọi người trong công ty. Do công ty khó khăn nên sẽ chỉ trả lương những người đang làm việc, những người có đến cơ quan.

Còn không đến cơ quan, không làm việc thì sẽ không nhận được lương. Những người nhận lương hay không nhận lương đều đang được Công ty tiếp tục bao cấp 2 triệu đồng tiền bảo hiểm.

Khi Hãng phim còn được nhà nước bao cấp làm phim, tiền rót về được Hãng chia ra một phần để làm phim, phần còn lại giữ lại để phát lương cho nhân viên. Hãng giữ lại cả tiền thuế, tiền khấu hao để trả lương dần.

Nhưng giờ đã cổ phần hóa thì không thể làm vậy nữa. Chúng tôi phải thực hiện đủ nghĩa vụ nộp thuế, còn không sẽ bị phong tỏa tài khoản, chẳng làm ăn được gì.

Tôi về đây 2 tháng và nhận thấy trong số 80 cán bộ, công nhân viên, chỉ có khoảng 20 người có làm việc, còn lại đi làm bên ngoài, hoặc không đến cơ quan, nhưng hàng tháng vẫn cứ đến nhận lương đều.

Ông Nguyễn Danh Thắng

Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ có 20 người làm việc - Ảnh 2.

* Tổng công ty vận tải thủy Vivaso khi mua Hãng phim truyện Việt Nam đã cam kết sẽ trả lương tối thiểu mức 4.857.000 đồng cho nhân viên của hãng. Các anh đã thực hiện cam kết này chưa?

- Trong cam kết, chúng tôi phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động. Nhưng do đang bàn giao, nên chưa quyết được phương án trả lương.

Chúng tôi trả lương theo 2 cách. Trả theo thời gian, tức là người lao động phải làm đủ ngày công, chúng tôi chắc chắn sẽ trả họ cao hơn mức lương tối thiểu. Còn những người làm theo công việc đặc thù không đến cơ quan thì chúng tôi sẽ trả theo sản phẩm.

Hiện nay bộ máy của hãng phim cũ rất cồng kềnh, chúng tôi phải cơ cấu lại. Hãng có 10 đạo diễn, chúng tôi không thể đảm bảo một năm có 10 phim cho cả 10 đạo diễn làm.

Tới đây tôi sẽ vận động những ai đi làm ngoài thì đi ra ngoài kiếm việc, còn những ai không có khả năng đi làm ngoài thì làm tại công ty. Những ai đi làm ngoài thì tôi kêu gọi đem về công ty để mọi người cùng chia nhau làm.

* Cơ sở vật chất còn lại của Hãng phim đều đã cũ nát, tan hoang. Nhà nước cũng đang tiết giảm tối đa ngân sách, ít đặt hàng sản xuất phim. Trong điều kiện này, làm cách nào các nghệ sĩ có thể sản xuất phim?

- Chúng tôi đang xin nhà nước cho cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc thiết bị. Còn cơ sở hãng phim cũ hiện nay vẫn hoạt động bình thường.

Bây giờ nhà nước đặt hàng hãng vẫn làm được phim. Việc gì không tự làm được thì thuê đơn vị bên ngoài.

Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ 20 người làm việc - Ảnh 5.

Cơ sở cũ và xuống cấp của Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh: NGỌC DIỆP

* Xin hỏi tủ kịch bản có chứa bút tích của các đạo diễn nổi tiếng thời trước và kho đạo cụ đã được xử lý thế nào?

- Kho đạo cụ hiện tại đã dột nát và hỏng hóc nhiều lắm rồi. Chúng tôi đã chuyển kho đạo cụ sang nơi khác đảm bảo hơn để cải tạo sửa chữa nâng cấp khu này. 

Khi chuyển phòng kịch bản sang phòng khác làm việc, tôi thấy có một tủ giấy vứt lăn lóc trong phòng và không có khóa. Sau đó tôi mới biết đó là tủ kịch bản thời trước, và đã có một số người lọc ra để bán đi.

Lúc đó tôi nghĩ thế này là không được rồi nên quyết định đưa tủ kịch bản này tới nhờ Viện phim Việt Nam lưu trữ. Tôi có giấy tờ bàn giao đàng hoàng.

Nhiều người tung lên mạng xã hội nói ban lãnh đạo tẩu tán tủ kịch bản. Không phải như thế. Chính mọi người ở đây để tủ kịch bản lăn lóc trong một phòng không có khóa, không ai trông coi, mới là không trân trọng.

Ông Nguyễn Danh Thắng

* Hiện người lao động của công ty đều đang cảm thấy rất hoang mang về đường hướng phát triển. Vì nếu chỉ trông chờ vào một phim điện ảnh (hi vọng) nhà nước đặt hàng, một phim truyền hình (hi vọng được được sản xuất) một năm, họ không hiểu hãng sẽ tồn tại bằng cách nào?

- Hiện tại chúng tôi phải giải quyết xong khoản nợ 21 tỷ đồng, rồi lo thủ tục cho các khu đất của hãng. Vì hầu hết đất đai của hãng không có hợp đồng thuê đất hay sở hữu gì cả. 

Có khu đất từ năm 1996 đến giờ không nộp tiền thuế nào. Rồi còn kế hoạch cải tạo nhà xưởng, nâng cấp cơ sở vật chất.

Công ty vừa nhận được phim nhà nước đặt hàng là phim Người yêu ơi. Tôi đã chỉ đạo cho ê-kíp phải làm bộ phim tốt nhất có thể. Công ty sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn làm phim.

Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ 20 người làm việc - Ảnh 7.

Nhiều quán ăn nằm trong khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh: NGỌC DIỆP

* Nghệ sĩ rất bất bình khi ban lãnh đạo nói ‘chúng tôi không biết làm phim, các anh tự đi kiếm việc mà làm?’ Anh nói gì về điều này?

- Không, tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay với ban lãnh đạo để xây dựng công ty.

Tôi biết rất nhiều người của công ty hiện đã ra bên ngoài làm, họ có khả năng. Tôi kêu gọi ai có thể tìm kiếm việc thì mang về cho công ty, tự tổ chức làm. Tôi hứa sẽ không thu bất cứ khoản nào. Công ty sẽ có cơ chế thưởng cho người đem việc về.

Những người không có khả năng ra ngoài làm thì công ty sẽ bố trí việc làm cho. Tất nhiên, công ty sẽ không thể bố trí 10 phim cho cả 10 đạo diễn/năm.

Giờ cổ phần bắt buộc tất cả phải làm việc, không thể không làm gì cứ tới tháng đến nhận lương.

* Kế hoạch của công ty trong thời gian tới?

- Thứ nhất là hoàn thiện công tác bàn giao, thanh quyết toán, kiểm toán, làm các thủ tục xin phép đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, song song chỉ đạo sản xuất bộ phim Người yêu ơi.

Hiện chúng tôi thực hiện rất đúng cam kết: ưu tiên sản xuất phim, đầu tư cơ sở hạ tầng, trả tiền thuế, lo cho đời sống thu nhập cho người lao động. Người nào làm việc, vẫn đảm bảo thu nhập trên mức lương tối thiểu.

Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ 20 người làm việc - Ảnh 8.

Hình ảnh quen thuộc khá 'nheo nhóc' của Hãng phim truyện Việt Nam nhiều năm nay - Ảnh: NGỌC DIỆP

Những ai vẫn tiếp tục chống đối, chúng tôi là người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng người lao động. Chúng tôi sẽ làm theo luật.

Ông Nguyễn Danh Thắng

* Công ty sẽ thực hiện cam kết làm một phim điện ảnh, một bộ phim truyền hình/năm như thế nào?

- Hãng phim này có truyền thống làm phim do nhà nước đặt hàng. Chúng tôi chưa thể mạo hiểm đầu tư cho mọi người trong hãng vì họ chưa quen làm phim thương mại.

Chúng tôi đang có kế hoạch liên doanh, liên kết với các đơn vị bên ngoài để sản xuất phim thương mại, hoặc mua một dải sóng truyền hình cho anh em sản xuất phim.

* Dư luận vẫn rất nghi ngại năng lực sản xuất phim của cổ đông chính Vivaso?

- Vivaso là nhà đầu tư vốn thôi, không điều hành can thiệp gì hoạt động ở đây. Điều hành vẫn là những con người của Hãng phim trước đây.

Tôi chỉ là đại diện vốn của Vivaso, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Còn phó Tổng giám đốc phụ trách là đạo diễn Vương Đức và hai phó giám đốc là NSƯT Vũ Đức Tùng, Nguyễn Tuấn Anh đều là người của hãng phim trước đây.

Chúng tôi đầu tư vào đây chỉ thu lại được vốn, bằng cách xây dựng công ty phát triển và thu lãi bằng cổ tức. Sau 5 năm nữa, nếu công ty phát triển có thể bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Nên không có con đường nào khác, mọi người trong công ty phải đoàn kết để xây dựng công ty phát triển.

NGỌC DIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên