02/07/2019 18:11 GMT+7

Hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển mạnh

V.HÙNG - TR.MAI thực hiện
V.HÙNG - TR.MAI thực hiện

Cuộc chuyển mình mạnh mẽ sau 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi như một “chiếc tàu” lao ra biển lớn chinh phục đại dương.

Từ sau khi Khu kinh tế (KKT) Dung Quất mọc lên, nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động rồi hàng loạt các nhà đầu tư bắt đầu tiến về Quảng Ngãi như VSIP, FLC, Doosan, Vingroup, Hòa Phát,...đã biến Quảng Ngãi từ tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ.

Hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển mạnh - Ảnh 1.

* Thưa chủ tịch, những điểm nổi bật nào trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ngãi từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay ?

Tỉnh Quảng Ngãi tái lập vào ngày 1-7-1989, trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Khi mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,...

Hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển mạnh - Ảnh 2.

Trong một nhà máy bao bì tại Quảng Ngãi - Ảnh: NGUYỄN Á

Sau 30 năm, kinh tế xã hội của tỉnh đã đổi thay rất nhanh. Đầu tiên phải kể đến chuyến thị sát và quyết định thành lập KKT Dung Quất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã biến vùng cát trắng Dung Quất trở thành đại công trường của công nghiệp và dịch vụ. Chính phủ cũng quyết định chọn Dung Quất trở thành nơi đặt nền móng cho công nghiệp lọc hóa dầu. Năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động và đón những giọt dầu đầu tiên trong niềm vui mừng của cả nước, nó như chiếc chìa khóa mở ra cho nhà đầu tư bước vào tỉnh Quảng Ngãi một cách rầm rộ nhất.

* Ông vừa đề cập "chìa khóa" để thu hút doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư ở Quảng Ngãi ?

Cuộc đổi thay từ tỉnh nông nghiệp sang công nghiệp có thể thấy qua con số DN đang hoạt động trên địa bàn. Khi tái lập tỉnh, Quảng Ngãi có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Nhưng hiện tại đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy sản xuất thiết bị điện GE, các thiết bị điện tử,…Đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Khu công nghiệp VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Với việc sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần tích cực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển mạnh - Ảnh 3.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ‘trái tim” của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Khu kinh tế Dung Quất - Ảnh: V.Hùng

Tôi không so sánh sự phát triển của Quảng Ngãi với các tỉnh khác. Tuy vậy, nếu lấy con số tăng trưởng sẽ thấy rõ sự chuyển mình của Quảng Ngãi là rất nhanh. Bộ mặt của tỉnh cũng đã thay đổi rất nhiều, ngoài vốn nhà nước, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư từ các DN vào cơ sở hạ tầng. Vốn đầu tư xã hội năm 2019 đạt 43.000 tỉ đồng. Trong khi năm 1989 ngoài vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhà nước tỉnh không có nguồn lực nào khác. Ông bà nói "đất lành chim đậu", tôi nghĩ Quảng Ngãi là vùng đất lành của các DN trong và ngoài nước. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện từ hạ tầng đến điện, đường, trường, trạm, y tế giáo dục, văn hóa xã hội, khu dân cư, khu đô thị để thu hút nhà đầu tư.

* Việc đầu tư phát triển KKT Dung Quất và Khu đô thị công nghiệp VSIP Quảng Ngãi có là động lực phát triển của tỉnh? Tham vọng hình thành được một tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất đến nay thế nào, thưa chủ tịch ?

KKT Dung Quất và Khu đô thi công nghiệp VSIP Quảng Ngãi từ ngày đi vào hoạt động đến nay là đòn bẩy cho các nhà đầu tư. Bây giờ đến Dung Quất, VSIP chúng ta thấy sự sầm uất, rất nhiều nhà đầu tư lớn đến đây tìm kiếm cơ hội và đặt nền móng ở đây. Mới nhất là Tập đoàn Thép Hòa Phát đầu tư tại KKT Dung Quất một tổ hợp sản xuất thép. Phía Hòa Phát nhìn thấy những thuận lợi trong đầu tư từ chính quyền tỉnh, họ đang tiếp tục đề xuất những dự án dịch vụ, du lịch ven biển. Còn tại Khu đô thị công nghiệp VSIP hoàn thành hạ tầng đến đâu, các công ty xây dựng đi vào hoạt động đến đó.

Hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển mạnh - Ảnh 4.

Công ty công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc) ở KKT Dung Quất sản xuất, xuất khẩu thiết bị công nghiệp khắp Thế giới - Ảnh: V.Hùng

Với tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu tại Dung Quất, đây là dự án trọng điểm của Chính phủ, tỉnh cũng thấy được tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của công nghiệp sản xuất dầu và đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để mở rộng nhà máy với tổng vốn đầu tư khoảng 1,82 tỉ USD. Những gì thuộc thẩm quyền của tỉnh để đẩy nhanh dự án, biến Dung Quất thành tổ hợp hóa dầu đều thực hiện nhanh chóng. Đây không phải là tham vọng mà là trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền tỉnh với Chính phủ, với nhân dân và nhà đầu tư.

* Các vùng kinh tế động lực đều nằm ở phía Bắc tỉnh và phụ thuộc nhiều vào KKT Dung Quất, VSIP, tỉnh có chiến lược nào cân bằng sự phát triển ở các khu vực, vùng miền khác, thưa chủ tịch ?

Nếu nói Quảng Ngãi không thu hút đầu tư ở phía Nam là không đúng. Thời gian qua, với cơ sở vật chất, hạ tầng đang có ở KKT Dung Quất như cảng biển, khu dịch vụ, các dự án lớn đi vào hoạt động và đang triển khai luôn là nơi lựa chọn của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư chọn địa điểm, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi hết sức để dự án được triển khai. Hiện khu vực phía Bắc tỉnh đã trở thành mũi đột phá trong sự chuyển mình và tất yếu sự phát triển sẽ chuyển dịch dần về phía Nam.

Thời gian qua, rất nhiều dự án nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng,...đang tập trung tiến vào khu vực này để đánh thức giấc ngủ của vùng đất tuyệt đẹp này. Tỉnh xác định không dàn trải nhà đầu tư khắp tỉnh mà phải tập trung từng khu vực. Khi phía Bắc trở thành cái nôi của công nghiệp thì phía Nam sẽ là nơi của những dự án xanh, sạch và nghỉ dưỡng. Mới đây, dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Thiên Tân đã hoàn thành đầu tư ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức. Tập đoàn Hòa Phát và hai nhà đầu tư lớn khác cũng đang khảo sát khu vực ven biển huyện Đức Phổ để xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tổng quỹ đất khảo sát gần 3.000ha.

Như vậy, có thể thấy Quảng Ngãi có chiến lược bài bản để thu hút nhà đầu tư trong từng khu vực cụ thể, không chỉ phía Bắc và phía Nam của tỉnh mà ngay cả vùng miền núi phía Tây tỉnh cũng đang được kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái ở núi Cà Đam, tận dụng vùng núi thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp giấy và các loại cây trồng khác. Chúng tôi mở cửa cho nhà đầu tư khảo sát địa điểm và từng dự án cụ thể sẽ được triển khai. Phía Nam dù chuyển mình muộn hơn nhưng chắc chắn trong tương lai gần sẽ không thua kém gì phía Bắc của tỉnh.

* Thưa ông, những năm qua Quảng Ngãi thu hút được lượng lớn nhà đầu tư và hấp thụ lượng vốn đầu tư lớn, đâu là sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Quảng Ngãi để doanh nghiệp đến làm ăn ?

Sức hấp dẫn của Quảng Ngãi quá rõ ràng, chúng tôi xây dựng kinh tế hướng biển, lấy những cảng biển nước sâu và hệ thống giao thông như quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Sân bay Chu Lai chỉ cách trung tâm tỉnh 40km làm xương sống cho nhà đầu tư. Khi dự án triển khai sẽ dễ dàng vận chuyển hàng hóa đến hai đầu đất nước và những con tàu trăm nghìn tấn dễ dàng cập bến Quảng Ngãi đưa sản phẩm đến với thị trường quốc tế.

Rất nhiều nhà đầu tư khi tiếp xúc với tỉnh đã nói lên sức hấp dẫn này mà không cần tỉnh phải giới thiệu. Có cảm giác nhà đầu tư đã tìm hiểu trước về tỉnh Quảng Ngãi, khi đến với tỉnh họ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án cho một cuộc làm ăn thật sự thay vì bắt đầu tìm hiểu. Hiện tại, tỉnh vẫn còn một quỹ đất rộng lớn để các nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh. Từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch đều chuẩn bị sẵn sàng để chào đón.

* Để cạnh tranh thu hút đầu tư với các tỉnh, thành khác, Quảng Ngãi có "món ngon" gì để hấp dẫn các DN, nhà đầu tư, thưa ông ?

Quảng Ngãi hội đủ yếu tố thiên thời địa lời nhân hòa cho nhà đầu tư. Về mặt hạ tầng cực kỳ lý tưởng, có đường cao tốc kết nối với TP Đà Nẵng với hai giờ chạy ôtô, sân bay Chu Lai, những tuyến đường ven biển và những chiếc cầu nối đôi bờ đã hoàn thành và thêm một cây cầu nối đôi bờ sông Trà Khúc sẽ triển khai thi công song song với đập dâng sông Trà Khúc,...

Về mặt bằng cho nhà đầu tư, tỉnh luôn thực hiện nhanh chóng việc đền bù giải tỏa. Thủ tục hành chính đang ngày một tinh gọn, nhà đầu tư chỉ cần đến Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh, Trung tâm hành chính công tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục nhanh chóng. Về mặt tự nhiên, tỉnh có một bờ biển dài và đẹp, vùng đất ven biển phần lớn là đất nông nghiệp, quỹ đất này khi nhà đầu tư đặt vấn đề sẽ đầu tư vào loại hình kinh doanh nào sẽ được giới thiệu cụ thể. Tỉnh đang thực hiện việc giải tỏa, tái định cư tạo mặt bằng sạch nhiều hơn cho KKT Dung Quất để nhà đầu tư thuận lợi trong quá trình triển khai dự án.

Đặc biệt hơn cả, công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đang gấp rút hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây sẽ là một động lực mới để nhà đầu tư khai thác khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Lượng du khách trong ngoài nước đến Lý Sơn năm 2018 đạt 250.000 người cũng đủ để nói lên độ hấp dẫn của vùng biển này đối với nhà đầu tư dịch vụ du lịch. Các loại hình dịch vụ cũng là mục tiêu đầu tư mà tỉnh khuyến khích.

* Thưa chủ tịch, hiện chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của tỉnh còn thấp, giải pháp đột phá nào cải thiện PCI. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp rất ngán ngại về môi trường đầu tư hay thay đổi, "trên thoáng dưới chật", cơ chế chính sách chưa rõ ràng, vậy Quảng Ngãi khắc phục những tồn tại này thế nào ?

Dứt khoát phải có biện pháp để cải thiện các chỉ số này. Bởi vì, các chỉ số này không chỉ đánh giá về cải cách hành chính mà còn trách nhiệm của người đứng đầu. Tỉnh đã có những buổi làm việc với nhà đầu tư, DN để lắng nghe những thiếu sót khiến nhà đầu tư đánh giá thấp hai chỉ số trên. Những thủ tục hình chính nào rườm rà các cơ quan tham mưu cần nhanh chóng báo cáo tỉnh để giải quyết. Thậm chí nhà đầu tư cũng có thể gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh để phản ánh việc chậm trễ ở khâu nào để tỉnh gấp rút chỉ đạo.

Hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển mạnh - Ảnh 5.

Đội tàu đánh bắt xa bờ Quảng Ngãi khai thác hải sản sản lượng lớn cho ngành chế biến thủy sản - Ảnh: V.Hùng

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Với tư cách là người đứng đầu tỉnh, trong thời gian tới, tôi cam kết chắc chắn nhà đầu tư sẽ không còn gặp những vướng mắc khi đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN, chính quyền Quảng Ngãi cam kết luôn đồng hành cùng DN trong quá trình đầu tư phát triển. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thông suốt quy trình. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư là chỉ đạo quyết liệt, không để tình trạng "trên thoáng, dưới chật", "một cửa nhiều khóa". Tỉnh cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.


V.HÙNG - TR.MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên