08/08/2014 22:00 GMT+7

Họ cười, nhưng chúng ta khóc!

QUANG THI
QUANG THI

TT - Buổi sáng khai mạc triển lãm (8-8), nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Thu An đứng tận cửa đón đoàn nạn nhân chất độc da cam ngồi trên xe lăn, rồi ân cần hỏi han: “Có nhớ ông An không?”. 

Tác giả Thu An (phải) cùng Đặng Minh Bằng (16 tuổi) - nhân vật trong triển lãm ảnh Da cam - Thông điệp trái tim - tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Tác giả Thu An (phải) cùng Đặng Minh Bằng (16 tuổi) - nhân vật trong triển lãm ảnh Da cam - Thông điệp trái tim - tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Những nạn nhân ú ớ gật đầu chào ông cười vui vẻ.

Đoàn nạn nhân chất độc da cam đến dự triển lãm trên xe lăn. Họ đều ở tuổi trưởng thành, nhưng không đầy đủ tay, chân, hoặc bị liệt... Có anh độ tuổi 30 trông thấy ảnh của mìn, cười lên mừng rỡ, cố ngẩng cao cái cổ nghiêng nghiêng nhìn, miệng ú ớ không nói nổi thành lời.

Tất cả họ đều là nạn nhân của di chứng chất độc da cam, có trong thuốc diệt cỏ do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời chiến.

Để có được 50 bức ảnh tại triển lãm Da cam - Thông điệp trái tim (từ ngày 8-8 đến tháng 10-2014 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), NSNA Thu An đã bắt đầu chụp trẻ em nhiễm chất độc da cam từ năm 2001.

NSNA Thu An giới thiệu ảnh cưới hạnh phúc của cô gái Trịnh Thị Duyên (22 tuổi, quê Nghệ An) và anh Lê Văn Bình (25 tuổi, quê Đồng Tháp). Cả hai đều là nạn nhân, gặp nhau và yêu nhau ở cơ sở An Phúc. Hôm đám cưới họ ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Thu An đến chụp ảnh và nhớ mãi phòng tân hôn của họ chỉ là mấy mét vuông vải màn giăng dưới gầm cầu thang. Chung vui với đôi vợ chồng trẻ, nhưng không khỏi ái ngại khi nhìn đứa con gái 20 tháng tuổi Lê Thủy Tiên mà Duyên đang ẵm trên tay. Duyên kể: “Lúc mang bầu, vợ chồng em cũng lo lắng, được mọi người động viên đi khám. Cũng may là bác sĩ nói con gái em không bị gì!”.

Nhưng không phải ai cũng có ngã rẽ hạnh phúc như Trịnh Thị Duyên. Hai em Duyên cũng bị nhiễm độc từ ông nội và ông ngoại tham gia chiến trường miền Nam, nằm liệt giường không thể tự chăm sóc. Những người bạn xung quanh Duyên ở cơ sở An Phúc cũng nhiều trường hợp đau lòng như vậy.

NSNA Thu An kể quá trình chụp ảnh của mình: “Khó nhất là việc làm quen với các em. Bình thường các em vì mặc cảm cơ thể dị tật nên dễ xa lánh, tránh né người lạ. Đặc biệt là những em gái bị tổn thương nặng nề với cơ thể khiếm khuyết của mình. Tôi phải dành nhiều thời gian gần gũi, làm quen, chơi đùa với các em. Phải để các em quen, các em chấp nhận rồi sau đó mới chụp ảnh”.

Không những chơi đùa, chụp hình với các nạn nhân chất độc da cam ở làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), cơ sở An Phúc..., Thu An còn theo các nạn nhân trong những chuyến đi chơi xa. “Bất cứ lúc nào, nếu có cơ hội là tôi đến để nhìn ngắm các em nô đùa, vui chơi, học tập... Các em lớn đưa đón các em nhỏ đi học, cùng nhau tắm rửa, đút cơm, đùm bọc yêu thương, vượt qua nghịch cảnh để sống. Nếu hỏi rằng điều gì khiến tôi cảm thấy cảm phục nhất thì đó chính là tấm gương phấn đấu từng ngày của các em để sống, để tồn tại!” - Thu An xúc động nói.

Dường như có một quy ước: những bức ảnh không nhấn thêm vào sự bất hạnh, không xoáy sâu vào thảm cảnh của các nạn nhân. Chỉ có những hình ảnh các nạn nhân vui đùa, tươi cười, lạc quan với cuộc sống phía trước.

NSNA Thu An được bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - kể lại một đoàn du khách người Đức đến xem ảnh treo chiều hôm qua, và họ lẳng lặng khóc.

Đứng trước mỗi bức ảnh, người xem lại cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt khi đối diện với những nạn nhân dị tật, những cơ thể con người bị hủy hoại, những cuộc đời bị cướp mất một cách đau đớn. Cảm xúc như nhấn chìm ta. Nhưng sau đó là tiếng nói lý trí, hãy cười lên, hãy cười tươi như các nạn nhân hôm nay để hướng tới tương lai, để tiếp tục sống. Dù số phận được định đoạt thế nào, bất hạnh nào từ lúc sinh ra thì mỗi con người vẫn phải lạc quan, để tiếp tục sống. Nhưng khi bắt đầu cười lên, cũng là lúc ta không kìm được dòng nước mắt trào ra ấm nóng.

Những nạn nhân cười, nhưng chúng ta có thể khóc!

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên