14/05/2019 08:05 GMT+7

Hết lụy phà, đừng phải lụy đường

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Hết lụy phà nhưng chưa thể thông đường với những nút cổ chai mới xuất hiện sau khi có cầu Vàm Cống. Làm sao để thoát cảnh lụy đường là bài toán được đặt lên bàn lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Bộ Giao thông vận tải lúc này.

Hết lụy phà, đừng phải lụy đường - Ảnh 1.

Cầu Vàm Cố ng kết nối các tỉnh - Đồ họa: TẤN Đạt

Ngày 19-5 chính thức khánh thành cầu Vàm Cống qua sông Hậu, nối 2 tiểu vùng: Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, được kỳ vọng sẽ làm đổi thay kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh phía Tây Nam.

Người đồng bằng bao năm phải lụy phà ắt rất vui vì cây cầu với hơn 5 năm thi công, nhiều lần lỗi hẹn vì sự cố nứt dầm ngang CB6 trên đỉnh trụ P29 cuối cùng đã thông xe.

Kỳ vọng là vậy, nhưng bức tranh giao thông ở khu vực chưa thể tươi sáng khi hàng loạt công trình kết nối vào cầu Vàm Cống như quốc lộ 30 (Đồng Tháp), tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang), dự án đường tránh TP Long Xuyên (An Giang) vẫn đang "vướng".

Theo ông Trần Trí Quang - giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp, khi thông xe toàn tuyến nối giữa cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh, sẽ xảy ra ùn tắc tại nút giao An Bình (điểm cuối đường dẫn cầu Cao Lãnh vào quốc lộ 30).

Chưa hết, theo thiết kế ban đầu, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh khi đưa vào khai thác sẽ cùng với tuyến lộ N2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hình thành trục dọc thứ 2, cùng quốc lộ 1 từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên hiện tuyến Cao Lãnh - Mỹ An (đấu nối cầu Cao Lãnh vào quốc lộ N2) chưa triển khai, buộc xe phải đổ xuống nút giao An Bình đi vào quốc lộ 30, trong khi quốc lộ này đã xuống cấp, mặt đường nhỏ hẹp.

Giải pháp kiến nghị trước mắt Bộ Giao thông vận tải cho cải tạo, thảm nhựa quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - An Hữu để giải tỏa bớt ách tắc khi cầu Vàm Cống hoạt động cũng chỉ là tình thế.

Khoảng tối trong bức tranh giao thông cứ loang dần ra. Không chỉ Đồng Tháp, lãnh đạo Cần Thơ, Kiên Giang cũng sốt ruột.

Nguy cơ ách tắc cục bộ ở điểm giao với quốc lộ 80 (xã Vĩnh Trinh, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Trong khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) nối cầu Vàm Cống với Kiên Giang, giúp giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 80 vốn nhỏ hẹp, xuống cấp lại đang giậm chân tại chỗ...

Vậy là thông xe cầu Vàm Cống nhưng chưa hẳn đã thông đường. Thôi thì hết lụy đò nhưng dân mình phải "lụy đường". Rồi đây bà con mình sẽ vất vả với những nút cổ chai mới xuất hiện sau khi có cầu Vàm Cống.

Nhưng cũng hi vọng rằng "trong cái khó ló cái hay". Chắc chắn khi thông xe cầu Vàm Cống, các địa phương cũng thúc ép chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải phải tăng tốc làm đường. Không tăng tốc làm đường, xem như hiệu quả đầu tư cầu Vàm Cống chưa cao.

Cũng hi vọng rằng các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long vì sốt ruột, không chấp nhận ngồi chờ, phải xoay xở để có nhiều nhà đầu tư làm đường.

Câu chuyện Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đề xuất để tỉnh làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thay vì chờ Bộ Giao thông vận tải là đáng ghi nhận. Đừng nghĩ rằng ngân sách các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không dồi dào nên không thể tư duy táo bạo như các tỉnh bạn.

Đúng là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn khó nhưng nếu cứ chịu lụy phà, rồi lại lụy đường sẽ khó lòng bứt phá.

Cái khó bủa vây, hãy tìm "cái hay" để thoát cảnh lụy đường là bài toán được đặt lên bàn lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Bộ Giao thông vận tải.


Những chuyến phà cuối ở Vàm Cống Những chuyến phà cuối ở Vàm Cống

TTO - 100 năm đón đưa người qua lại đôi bờ Đồng Tháp - An Giang, chỉ ít ngày nữa phà Vàm Cống sẽ trở thành ký ức lịch sử khi cây cầu nối đôi bờ sông Hậu thông xe…

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên