03/03/2017 11:41 GMT+7

Giáo án đặc biệt của chuyên gia tâm thần

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Nhiều trường THPT của Đà Nẵng có các lớp rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập đang thu hút nhiều học sinh tham gia. Điều đặc biệt là soạn giáo án, tập huấn, giảng dạy cho giáo viên, học sinh là những chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đang biểu diễn một hoạt cảnh trong chương trình rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập - Ảnh: Đoàn Cường
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đang biểu diễn một hoạt cảnh trong chương trình rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập - Ảnh: Đoàn Cường

Khi các em có kỹ năng rồi, các em sẽ vượt qua sức ép trong cuộc sống. Đặc biệt cuộc sống tinh thần của các em tốt đẹp hơn, từ đó kết quả học tập sẽ tốt hơn.

Bác sĩ LÂM TỨ TRUNG

Cô giáo Triệu Thị Hải (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) mở đầu buổi học rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập bằng trò chơi khởi động: đuổi hình bắt chữ, đối mặt... khiến lớp học với 10 học sinh rôm rả hẳn lên.

Cô Hải dẫn dắt bằng một ví dụ là chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi kế hoạch từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc và làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu...

“Đứng trước khó khăn chúng ta phải chuẩn bị gì? - và cô Hải đặt vấn đề tiếp - Lấy ví dụ đang đi ôtô trên đường đột nhiên thấy có một cái cây gãy chắn ngang đường, các em sẽ làm gì? Các em sẽ dừng xe lại, đi bộ thong thả đến để xem, suy nghĩ sẽ làm gì và thực hiện hay làm điều gì khác?”.

Biết người biết ta...

Cô Hải đưa ra giải pháp bằng chiến lược SSTA. Mà trong đó S-Stop: dừng lại (khi có các dấu hiệu nên dừng lại chốc lát); S-Slow: chậm lại (sau khi dừng lại, chúng ta nên khởi động chậm lại để có thời gian suy nghĩ); T-Think: suy nghĩ và A-Action: hành động. Đó chỉ là một trong những hướng dẫn tại các buổi học “đặc biệt” mà Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền triển khai.

Đặng Văn Huy (lớp 11/3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) chia sẻ trước khi tham gia lớp học, Huy thường vấp phải những khó khăn tuổi học trò. “Khi gặp một bạn mới em thường nhút nhát, không tự tin mở đầu câu chuyện với bạn như thế nào”, Huy tâm sự.

Không chỉ vậy, ở nhà khi Huy đang xem tivi hay ngồi trước máy vi tính, nếu ba mẹ kêu làm giúp một việc gì đó thì bạn cảm thấy rất bực bội, thậm chí cãi lại. Nhưng từ lúc tham gia các buổi học rèn kỹ năng, Huy đã thay đổi hoàn toàn.

“Giờ đây, đứng trước một vấn đề gì khó, một bài tập cam go, em đã có phương pháp cho mình. Đơn giản như quản lý hơi thở (tập 5-10 phút mỗi ngày), chọn nơi yên tĩnh, thả lỏng cơ thể suy nghĩ ra nhiều giải pháp và chọn giải pháp nào tối ưu nhất” - Huy cho biết.

Chị Trần Thị Lan (phụ huynh em Lê Hoàng Long, Trường THPT Nguyễn Hiền), có con tham gia chương trình này, tâm sự: “Cháu đã thay đổi thực sự”. Theo chị Lan, con chị vốn tính nhút nhát, khi gặp chuyện gì Long thường im lặng.

“Từ khi tham gia lớp học, cháu về nhà luôn chia sẻ, nói chuyện với cha mẹ. Đặc biệt là từ một người nhút nhát, giờ cháu tham gia nhiệt tình các hoạt động tình nguyện của trường, các câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa” - chị Lan vui vẻ nói.

Bạn Minh Tâm - Trường THPT Phan Châu Trinh - chia sẻ thêm lúc đầu nhiều bạn còn e dè với chương trình này do sợ sẽ nhàm chán, mất thời gian..., nhưng sau khi tham dự tám buổi học đã giúp bản thân có sự thay đổi rõ rệt. Dám nói ra những gì mình suy nghĩ, tự tin đứng trước đám đông. “Suốt bốn tháng tham gia chương trình đã giúp em có phương pháp giải quyết những khó khăn khi mình gặp phải” - Tâm chia sẻ.

Học sinh tự vượt qua stress

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết xuất phát từ thực tiễn tỉ lệ các em học sinh có vấn đề căng thẳng tinh thần trong cuộc sống, học tập rất cao, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của học sinh, vì thế các bác sĩ suy nghĩ tìm ra phương pháp giúp các em vượt qua khó khăn đó.

Vậy là với sự hỗ trợ của tiến sĩ tâm lý lâm sàng Bahr Weiss (Trường ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ - đơn vị đã hợp tác, liên kết với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng trong quá trình chữa bệnh), các bác sĩ bệnh viện đã soạn giáo án rèn luyện kỹ năng - nâng cao học tập.

Tiếp đó, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GD-ĐT Đà Nẵng tiến hành tập huấn cho các giáo viên THPT. Sau các lớp tập huấn, các bác sĩ cùng giáo viên trực tiếp đứng lớp để chia sẻ về các kỹ năng sống.

Các bác sĩ soạn thảo chương trình cung cấp kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Giáo án của chương trình với tám buổi học được cơ cấu nội dung như nhận biết các dấu hiệu stress, hướng dẫn cách giảm tải các hoạt động tâm thần, cách tạo cảm giác tự tin trước khi giải quyết vấn đề... Các bài học được xây dựng dạy dưới dạng nhóm, các hoạt cảnh, trò chơi... để tạo cảm hứng cho học sinh.

“Qua khảo sát, học sinh trong nhóm can thiệp thì điểm thái độ tích cực tăng nhiều hơn nhóm không can thiệp. Học sinh tham gia biết cách hạn chế phản ứng theo kiểu xúc động, không suy nghĩ đầy đủ trước khi hành động khi khó khăn” - bác sĩ Trung cho biết thêm.

Sẽ viết lại chương trình

Năm học 2015-2016, bệnh viện đã tiến hành thí điểm tại Trường THPT Phan Châu Trinh và THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng), mỗi trường có hai lớp. Đến nay đã có bốn trường tham dự với chín lớp, 115 học sinh tham gia.

Theo bác sĩ Trung, học sinh sẽ tự nguyện đăng ký tham gia các lớp học này. Qua quá trình học ở các lớp đầu tiên, học sinh đã có tiến bộ rõ rệt.

“Nhưng chúng tôi nhận thấy tài liệu vẫn chưa ổn nên tiếp tục tập huấn cho giáo viên. Đặc biệt là khi có nhiều em học sinh tham gia chương trình này đề nghị được tham gia điều hành. Vì thế, chúng tôi tập huấn cho các em học sinh, viết lại chương trình” - bác sĩ Trung cho hay.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên