25/04/2015 11:38 GMT+7

​Dưới trăng... ta xem phim!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Hẹn nhau vào một tối giữa tuần, nhóm những nhà làm phim trẻ và khán giả của họ cùng trải chiếu trên sân thượng: vừa ngắm trăng vừa... xem phim!

Sân thượng ngập gió tối 23-4 là nơi hẹn hò lý tưởng của những người yêu thích phim ngắn trong chương trình Dạo bước nghệ thuật - Ảnh: M.Trang
Sân thượng ngập gió tối 23-4 là nơi hẹn hò lý tưởng của những người yêu thích phim ngắn trong chương trình Dạo bước nghệ thuật - Ảnh: M.Trang

Buổi chiếu phim ngắn diễn ra vào tối 23-4 tại căn nhà cổ số 1 Lê Công Kiều, Q.1 là buổi chiếu phim thứ hai nằm trong khuôn khổ chương trình Dạo bước nghệ thuật được Sao La và những nhóm nghệ sĩ tại Sài Gòn tổ chức (Tuổi Trẻ ngày 28-3).

“Xong buổi hôm nay tụi mình sẽ làm thêm một buổi chiếu phim nữa với đề tài là những bộ phim tài liệu chọn lọc từ các bạn làm phim trẻ. Phải làm sớm thôi trước khi...mùa mưa ập đến!” - họa sĩ Nguyễn Kim Tố Lan, một trong những thành viên sôi nổi nhất của Sao La, cười to chia sẻ.

Sợ mùa mưa là bởi buổi chiếu phim hoàn toàn nằm lộ thiên trên một sân thượng ngập gió. Giữa cái nóng hầm hập dính rít của ngày chuyển mùa, khoảng không xanh mướt cỏ cây và vằng vặc ánh trăng ấy thật lý tưởng để là nơi trình chiếu những bộ phim ngắn đặc biệt của các nhà làm phim trẻ.

Nếu như trong buổi chiếu đầu tiên (11-4), người xem phim đã được thưởng thức những bộ phim ngắn của hai đạo diễn trẻ Huỳnh Công Nhớ (vừa có phim được chọn vào vòng tranh giải Liên hoan phim quốc tế triết học Eidolon đang diễn ra tại Pháp) và Lê Bảo thì lần này lại là một “cuộc đối thoại” thú vị giữa bốn bộ phim - bốn màu sắc - bốn phong cách làm việc hoàn toàn khác nhau của Trương Quế Chi, Tạ Minh Ðức, Trương Minh Quý và Ðỗ Văn Hoàng.

Quý cười bảo bộ phim Ði tìm thời gian đã mất (dài 10 phút) chỉ được anh làm vỏn vẹn trong vòng...hai ngày trong lúc đợi thời tiết trở mưa để phù hợp với bối cảnh của một bộ phim khác đang quay dở.

Trong khi đó, Tạ Minh Ðức - một nhà làm phim trẻ đến từ Hà Nội với Phim số 1 (dài 27 phút) - lại mang đến cho người xem cảm giác ngỡ ngàng bởi câu chuyện dung dị, đời thường, có thể đã và đang xảy ra trong bất cứ gia đình Việt nào nhưng chưa ai nghĩ chúng sẽ trở thành chất liệu để làm nên một bộ phim.

Rất ngập ngừng, Ðức vừa xoa đầu vừa nói:

“Một buổi chiều ngủ dậy lúc trời đã nhập nhoạng. Ði loanh quanh trong nhà, mở cửa từng phòng của bố mẹ, chị gái, tôi chẳng thấy ai cả! Lúc đó tôi mới thừ ra rồi tự hỏi: sống cùng dưới mái nhà nhưng tôi đã hiểu hết họ chưa? Giờ này mỗi người trong nhà thường đi đâu? Làm gì? Tôi không biết...

Và ý tưởng làm một bộ phim chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà quen thuộc, nơi có những gương mặt quen thuộc nhưng mỗi cá nhân lại có một thế giới trăn trở của riêng mình đã thôi thúc tôi làm dự án này. Tôi đặt tên chúng là Phim số 1, Phim số 2... cho đến Phim thứ 5 đều xoay quanh từng nhân vật trong một gia đình”.

Riêng Trương Quế Chi, Mặt trời đen (dài 12 phút) hẳn là một dấu son trong sự nghiệp làm phim của cô, bởi bộ phim thực hiện năm 2013 này đã đoạt giải thưởng đặc biệt của Hội đồng quốc tế tại lễ trao giải Liên hoan phim ngắn Oberhausen, Pháp lần thứ 60, một trong những liên hoan phim ngắn lâu đời nhất trên thế giới.

Sau nhiều năm học tập tại Pháp, lần quay trở lại Sài Gòn này, Trương Quế Chi bộc bạch nếu có thể làm phim cô sẽ chỉ làm ở Việt Nam, và chỉ chọn Việt Nam làm đề tài cho phim của mình.

Hình ảnh cô gái đi chân trần nhảy múa điên loạn trên một khoảng sân tù túng, bẩn thỉu, đẫm nước với một cú máy dài trong Mặt trời đen đã khiến những ám ảnh về một tuổi trẻ trôi nổi cứ bám lấy tâm trí người xem sau 12 phút ngắn ngủi...

Và rồi, mọi cảm xúc đều nhẹ như tơ khi khán giả đón nhận Tôi muốn reo lên (dài 20 phút) - bộ phim đen - trắng kể về một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần gai góc, với cái nhìn duy mỹ tuyệt vời của đạo diễn trẻ Ðỗ Văn Hoàng.

Hạn chế trong việc tìm đến số đông, nhưng không vì thế mà những cảm xúc, nung nấu của một thế hệ đạo diễn trẻ như Chi, Quý, Nhớ, Ðức, Hoàng... bị lung lay khi bắt tay vào những dự án phim ngắn.

Trong sự lặng lẽ của họ vẫn luôn có dấu ấn của lao động và sáng tạo, luôn tìm cách lý giải, luôn đặt ra những câu hỏi và lần nào cũng vậy, cuối buổi chiếu luôn để lại những trăn trở cho người xem bởi những góc nhìn đa diện, sâu sắc. Ðường ra với thế giới của thế hệ này, vì thế cũng đang rộng mở...

Sau buổi chiếu phim, Trương Minh Quý cũng gửi lời chào tạm biệt vì cuối tháng 4 này Quý sẽ lên đường đến Ðức và Pháp trong vòng một tháng, mang theo bộ phim Sao Hỏa nơi đáy giếng (phim ngắn mới nhất của anh) tham gia tranh tài tại Liên hoan phim ngắn Oberhausen năm nay theo lời mời từ ban tổ chức.

Một chút lâng lâng và rất nhiều hi vọng, chàng trai nói sẽ tận dụng thật tốt quãng thời gian quý giá này cho việc học hỏi và đi chơi!

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên