02/05/2019 15:54 GMT+7

'Doanh nghiệp thấy rõ cơ hội, nút thắt, Chính phủ rất mong được nghe'

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - “Còn nhiều những vướng mắc, nút thắt nên Chính phủ rất mong được nghe và xin tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp”,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết tại phiên đối thoại với hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp thấy rõ cơ hội, nút thắt, Chính phủ rất mong được nghe - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc tại phiên đối thoại trực tiếp với 2000 doanh nghiệp tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 - ảnh L.THANH

Chiều 2-5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đã có phiên đối thoại đặc biệt giữa lãnh đạo Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương với sự hiện diện của hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc phiên đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Trong đó, mỗi thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Hôm nay, sự có mặt của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo bộ ngành, địa phương… thể hiện sự quan tâm của chúng ta với kết quả, những vướng mắc và đề xuất những giải pháp tốt hơn để phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng trong 30 năm đổi mới của đất nước, chúng ta chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế xã hội về sự phát triển GDP, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối... Trong đó có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ.

Năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục. 

Đặc biệt, kinh tế tư nhân nổi lên là một động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 42% GDP, thu hút 65% lực lượng lao động của cả nước... 

Nhiều doanh nghiệp tư nhân khẳng định được giá trị của mình và được người dân tin tưởng nhất là sau khi Nghị quyết trung ương 5 khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành.

Theo Thủ tướng, mặc dù chưa có sự đánh giá đầy đủ nhưng 2 năm qua chúng ta chứng kiến sự lớn mạnh, đổi mới của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, các ngành các cấp cần nỗ lực để kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ ông luôn động viên kinh tế tư nhân phát triển trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như gỗ, lúa gạo... 

"Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam hùng mạnh khi có những DN có năng lực cạnh tranh toàn cầu" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để có những giải pháp giúp kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu một số vấn đề có tính gợi mở với nguyên tắc cần nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng sự thật.

Theo Thủ tướng, vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ vươn ra biển lớn, có quy mô toàn cầu. Làm thế nào để các hộ kinh doanh cá thể mở rộng được quy mô phát triển thành doanh nghiệp, tạo ra nhiều của cải cho mình và xã hội.

Đây là những vấn đề khó nhưng có khát vọng, có sự đồng lòng, có quyết tâm cao thì chúng ta sẽ thành công. Khát vọng vươn ra biển lớn ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa huy động nguồn lực nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

"Con người và đổi mới sáng tạo là yếu tố trụ cột trong phát triển kinh tế. Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến công nghệ mà tất cả những lĩnh vực khác từ tư duy, suy nghĩ và cách thức cho chúng ta vận động và sản xuất kinh doanh", người đứng đầu Chính phủ đánh giá.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng gợi mở là làm sao có được giải pháp đột phá thực sự để tháo gỡ những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. 

"Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản vướng mắc, đôi khi thể chế còn chưa thực sự kiến tạo mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ,… Vậy giải pháp đột phá sắp tới là gì, doanh nghiệp, Nhà nước cần làm gì?

Còn nhiều câu hỏi quan trọng mà các doanh nghiệp ngồi đây biết rõ hơn chúng tôi. Doanh nghiệp thấy rõ cơ hội, nút thắt của mình nên Chính phủ rất mong được nghe và xin tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp", Thủ tướng mong muốn.

Phát biểu đông đảo trước các doanh nhân, Thủ tướng cho rằng tinh thần doanh nghiệp có ba nội dung rất quan trọng. 

Một là ý chí tiến thủ của doanh nhân không bằng lòng với những gì đang có mà cố gắng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, công nghệ mới. 

Thứ hai là doanh nhân cần kinh danh liêm chính, có vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng đối với sự phát triển đất nước. 

Thứ ba là doanh nghiệp có tinh thần yêu nước là tố chất cần thiết làm cho dân giàu nước mạnh, góp phần làm hình ảnh đất nước sáng chói trên trường quốc tế vì đất nước Việt Nam độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

"Tôi kêu gọi cần tiếp tục khởi dậy niềm tin đến người dân và DN, chính quyền qua việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của dân doanh Việt Nam. Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả hơn sẽ tạo ra tương lai thịnh vượng cho nền kinh tế Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên