24/04/2012 08:24 GMT+7

Coi chừng "tụt áp"

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Mới đây thôi, chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại luôn được đón nhận như tin vui thì nay thay vào đó là lo ngại. Nỗi lo tăng lên khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm, tháng 4-2012 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, thấp nhất từ 21 tháng qua.

Số liệu này cộng với thông tin hàng tồn kho tăng cao, vốn cho vay từ ngân hàng tăng chậm... cho thấy bức tranh kinh tế ít màu sáng, như lời của bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, đã có dấu hiệu của suy giảm kinh tế.

Có thể việc tăng giá xăng dầu vừa qua và đợt tăng lương cơ bản áp dụng từ tháng tới sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2012 tăng nhẹ. Với người kinh doanh, chỉ số giá tăng chưa hẳn là tin vui, nó chỉ là tin vui khi giá tăng do sức mua được cải thiện.

So với cuối năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,6%. Như vậy, nền kinh tế không còn chịu cảnh cao huyết áp (giá tăng phi mã) mà có chiều hướng rơi vào tụt áp (giá cả tăng chậm lại). Đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng, nhất là trong tháng 4-2012, giảm mạnh còn do các yếu tố khách quan như giá nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm giảm nhờ được mùa trong khi xuất khẩu gạo chậm hơn trước, thậm chí do “tai nạn” như giá thịt heo bởi lùm xùm của vụ chất kích nạc...

Không ai chấp nhận giá cả tăng phi mã kéo dài. Nhưng với người kinh doanh, họ cần giá cả nhấp nhổm, giống như gia vị để kích thích họ mở rộng làm ăn, từ đó có thêm việc làm, tạo thêm hàng hóa. Muốn giá nhấp nhổm, thị trường phải có người mua. Lúc này, bi kịch của doanh nghiệp chính là giá giảm vẫn khó bán được hàng, họ không vay tiền ngân hàng, cũng chẳng muốn mở thêm dự án, phải cắt giảm lương và hạn chế tuyển thêm lao động. Còn về phía người tiêu dùng thì họ biết giá giảm nhưng vẫn không thể mạnh tay chi tiêu bởi không có nhiều tiền, người có tiền thì thắt lưng buộc bụng cho qua cơn khó. Cũng có người chờ giá giảm thêm mới bắt đầu mua sắm. Không có sức mua, doanh nghiệp... chết đứng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nới lỏng cho vay. Nhưng trong tình hình tất cả cùng thắt lưng buộc bụng, lãi suất vay thì ngất ngưởng, sức mua lại yếu thì chỉ có người liều lĩnh mới vay tiền để làm ăn, tiêu dùng, đầu tư bất động sản, xây sửa hoặc mua nhà...

Người kinh doanh vẫn ngán lãi suất vì khi sức mua yếu, vòng quay vốn chậm lại, thay vì ba tháng đã thu vốn thì nay có thể kéo dài đến sáu tháng, vì thế phải trả lãi nhiều hơn. Còn người tiêu dùng thì nhìn tương lai ảm đạm, lấy đâu ra thu nhập để trả lãi nếu vay tiền ngân hàng. Nếu tình hình này chưa được cải thiện, những tháng tới giá cả sẽ tiếp tục ì ạch. Sự ì ạch đó là nỗi ám ảnh không chỉ của doanh nghiệp (khó bán hàng), người tiêu dùng (mất việc làm hoặc thu nhập giảm) mà cả nền kinh tế.

Bởi sau suy giảm sẽ là suy thoái kinh tế. Chữa bệnh suy giảm, suy thoái kinh tế không chỉ khó mà còn tốn kém hơn nhiều. Rõ ràng nền kinh tế, doanh nghiệp đang cần một toa thuốc khác, trong đó phải có thuốc bổ đúng liều. Năm 2009, Nhà nước đã có gói kích cầu nền kinh tế, còn năm 2012 là giải pháp nào? Cần có toa thuốc gỡ khó nhưng không quá liều để rồi phá hỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng cũng đừng quá “nhạt” không đến được tay doanh nghiệp, hoặc chẳng đủ vực dậy sức mua, kích thích tinh thần làm ăn của doanh nghiệp. Thiếu đi toa thuốc đúng liều, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại khi giá cả cứ mãi ì ạch.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên