08/12/2013 08:24 GMT+7

Chuyện nhỏ như con thỏ!

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Cả tuần nay, trên đường đi làm, đưa đón con đi học, mắt tôi cứ xốn lên với cảnh vỉa hè trên các con đường như Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quý Đôn... tại TP.HCM đang bị (hoặc được) đào lên làm lại.

Đào xới vỉa hè ngay mùa làm ănPhạt nhiều nhà thầu đào đường bê bối

Có chỗ thì “được” bởi vỉa hè đã xuống cấp như trên đường Lê Quý Đôn. Nhưng có cái rõ ràng là “bị” như trên đường Nguyễn Du khi nơi này vỉa hè còn rất tốt.

Tại sao thế nhỉ, khi cứ vào dịp cuối năm lại rộ lên chuyện đào vỉa hè làm lại? Nhiều bạn bè ra vẻ ta đây hiểu biết thì bảo: ”Ôi dào, lại làm nước rút để giải ngân đấy mà”. Đọc báo thì nghe các sếp trả lời cho câu hỏi “tại sao làm vào thời điểm cuối năm?” rằng: đã đề xuất từ lâu nhưng đến giờ mới được cấp kinh phí. Còn câu hỏi “tại sao làm?” với những lề đường còn tốt thì các vị bảo rằng “để tăng mảng xanh cho thành phố”.

Nói sao cũng được và thoạt nghe cũng có lý. Như trên đường Nguyễn Du, lâu nay vỉa hè được làm kín mít bằng gạch đúc và bêtông. Nay người ta xẻ một khoảng sát lề để làm bồn cỏ. Điều đó hợp lý quá đi chứ. Nhưng tại sao một hai năm trước, khi làm vỉa hè này thì không nghĩ đến chuyện “tăng mảng xanh”, bởi nó đâu phải là chuyện mới?

Cái việc tăng mảng xanh cho vỉa hè thêm “khoảng thở” là chuyện đặt ra cách đây hàng chục năm rồi. Cũng chính trên báo chí của ta thôi, hơn chục năm trước đã có nhiều chuyên gia về môi trường lên tiếng phản đối việc bêtông hóa vỉa hè, gây nóng bức cho thành phố và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến nước ngầm dưới lòng đất.

Thế nên người ta mới “đẻ” ra gạch con sâu chỉ ghép vào nhau chứ không bít kín bằng ximăng. Nhưng gạch con sâu kém chất lượng, dẫn đến việc mới xài một thời gian ngắn đã phải đào lên làm lại. Và để chắc ăn, lại trở về kiểu bêtông hóa bên trong vỉa hè, còn bên ngoài sát lề thì làm thêm bồn cỏ. Có điều chỗ làm chỗ không chẳng ra làm sao. Ví dụ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chỉ lác đác vài nơi như trước chùa Vĩnh Nghiêm, trước Bệnh viện Y dược học dân tộc thì có thêm bồn cỏ, còn lại là đá và bêtông kín mít.

Tại sao chuyện cỏn con về cái vỉa hè mà cứ làm mãi không xong thế nhỉ? Tôi đọc trên một tờ báo thấy tờ này bức xúc bảo rằng đó là “một kiểu phá tiền!”. Không biết có phải như thế thật không. Với những gì đang diễn ra cũng khó để người dân nghĩ khác.

Đang ngồi suy nghĩ về câu chuyện vỉa hè trước máy tính, một người bạn đã gửi đến đường link và nhắn “đọc đi, hay lắm”. Hóa ra đó là một bài tản văn của Phan Thị Vàng Anh cách đây chục năm.

Bài viết có tên “Nhật ký gã đào đường”. Trong ấy, nhà văn hư cấu một nhân vật bị tâm thần với căn bệnh mang tên “ám ảnh phá hủy”. Bệnh để lâu ngày đã chuyển sang dạng “ám ảnh xây rồi phá”.

Trong đó có một đoạn thế này: ”Mình giờ có cái thú làm đường mới, làm vừa xong thì đào bới lên. Mình thích xây đường thật to để sau đó phá thật nát. Và mình thậm chí còn tìm ra những lý do chính đáng để phá thật nát. Trò chơi này tốn tiền khủng khiếp... Trò chơi này lại làm đau lòng nhân dân qua đường, nhưng họ là nhân dân, nghĩa là không dính líu gì đến mình cả”.

Các sếp quản lý lề đường ơi, làm ơn tìm lại bài viết này mà đọc, vào chú Google tìm có đấy. Chục năm rồi mà vẫn mới, vẫn đau, dù chuyện nhỏ như con thỏ!

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên