Phóng to |
Công nhân thi công đào vỉa hè trên đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM chiều 6-12- Ảnh: quang định |
Phóng to |
Vỉa hè đường Lý Tự Trọng (P.Bến Nghé, Q.1) bị rào chắn để thi công - Ảnh: M.Trường |
Ngày 6-12, đoạn trước số nhà 30 Lê Quý Đôn, một nhóm công nhân đang trộn bêtông để lót gạch vỉa hè. Cạnh đó là những đống gạch mới được chất cao bên gốc cây, choán hết lối đi trên vỉa hè. Phía bên kia đường, vỉa hè cũng bị đào bới nham nhở. Những hàng quán ven đường phải vất vả trong việc dắt xe của khách lên vỉa hè.
Vỉa hè ngổn ngang
Tại giao lộ Lê Quý Đôn - Võ Thị Sáu, gạch vỉa hè đã bóc lên để lộ lớp đá dăm lởm chởm. Quán ăn vỉa hè tại đây phải kê bàn ghế chông chênh trên lớp đá cuội mới được đơn vị thi công rải xuống. Nhà chờ xe buýt cạnh đó cũng bị bao bọc bởi lớp đá cuội xung quanh.
Còn vỉa hè đường Lý Tự Trọng đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường Đồng Khởi (P.Bến Nghé, Q.1) đang bị rào chắn một phần phía tiếp giáp với lề đường để thi công “công trình kết nối bồn gốc cây xanh và tăng cường mảng xanh”. Phần vỉa hè còn lại dùng để tập kết máy móc, vật liệu... nên người đi bộ phải len lỏi để đi qua. Tương tự, vỉa hè đường Nguyễn Du (đoạn trước Câu lạc bộ văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Du), đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn trước Liên đoàn Lao động TP.HCM), đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn gần công viên Tao Đàn) thuộc P.Bến Thành, Q.1 cũng đang bị rào chắn và đào bới.
Đường Lê Văn Sỹ đoạn qua P.14, Q.3 thời gian qua cũng bị đào một rãnh nhỏ chạy dọc theo vỉa hè. Trong đó có những đoạn đã được san lấp và lát lại gạch nhưng một số đoạn còn nham nhở, người dân phải dùng ván lót tạm để đi qua. Trước số nhà 324 Lê Văn Sỹ, trên vỉa hè còn nguyên đống đá dăm. Theo một người dân ở đây, đống đá dăm đó là “của để dành” của một đơn vị đào đường lắp đặt dây cáp điện ngầm cách đây vài ngày.
Tranh thủ để khỏi bị cắt vốn
Ông Nguyễn An Minh, chủ tịch UBND P.7, Q.3, cho biết vỉa hè đường Lê Quý Đôn đang được sửa chữa nâng cấp, công trình do UBND phường làm chủ đầu tư. Trả lời về việc vì sao lại thi công công trình vào dịp cuối năm, ông Minh cho biết việc thi công công trình này phụ thuộc vào thời gian cấp vốn, tuy phường đã xin cấp vốn từ lâu nhưng do mới được duyệt nên phường phải thi công ngay trong năm.
Trả lời về việc liệu có xảy ra tình trạng lãng phí khi thay mới toàn bộ mặt vỉa hè đường Lê Quý Đôn, ông Minh cho biết vỉa hè đường Lê Quý Đôn đã bị xuống cấp trầm trọng. Do đó, việc nâng cấp vỉa hè thời điểm này là hợp lý. Theo ông Minh, vốn xây lắp đoạn vỉa hè này khoảng 2,7 tỉ đồng, trong đó vốn người dân đóng góp khoảng 100 triệu đồng, còn lại là vốn của Q.3. Trong khi đó, một người dân trên đường này cho biết vỉa hè đường Lê Quý Đôn đã bị đào xới gần một tháng nay. Theo bảng thông tin công trình, việc đào bới này còn diễn ra đến ngày 11-2-2014, nghĩa là công trình sẽ thi công cả trong những ngày lễ tết sắp tới. “Như vậy thì chúng tôi còn buôn bán, làm ăn gì được nữa!” - một người dân than phiền.
Theo một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở dĩ có nhiều địa phương “ra quân” đào đường làm vỉa hè vào dịp cuối năm là do đến cuối quý 3 hoặc đầu quý 4-2013 ngân sách mới bổ sung vốn đầu tư xây dựng các công trình. Do đó, các địa phương phải tranh thủ thi công vì để sang năm sau sẽ bị cắt vốn. Trong khi đó, thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết bên cạnh các công trình làm vỉa hè, cải tạo cây xanh, hiện nay nhiều đơn vị thi công lắp đặt các công trình cấp thoát nước nên mật độ “đào xới” trên đường tăng lên khá nhiều.
Hiện có 89 vị trí rào chắn (“lô cốt”) thi công các công trình trên 27 tuyến đường ở TP.HCM. Ông Nguyễn Bật Hận - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết qua kiểm tra đã ra quyết định xử phạt các nhà thầu thi công đào đường bê bối trên đường Lê Quý Đôn và Lý Tự Trọng. Họ đã để đất cát ngoài phạm vi công trường và không đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận