13/08/2011 07:12 GMT+7

Chủ động giữ giá thực phẩm

N.BÌNH
N.BÌNH

TT - Ngày 12-8, làm việc với lãnh đạo TP.HCM về quản lý giá thực phẩm những tháng còn lại của năm 2011 và Tết Nguyên đán 2012, đại diện Bộ Công thương đề nghị cần chủ động tạo nguồn hàng để giữ giá thực phẩm.

BO8pmZ66.jpgPhóng to
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (bìa phải) kiểm tra chương trình bình ổn tại siêu thị Co.op Mart - Ảnh: N.BÌNH

Nhiều doanh nghiệp nhận định lo ngại nhất là nhóm hàng thịt gia súc, riêng giá thịt gia cầm đang có xu hướng hạ nhiệt khi nguồn cung dồi dào.

Lo thịt heo

Đánh giá về tình hình giá cả trong nước, ông Nguyễn Lộc An, vụ phó Vụ Thị trường trong nước, cho biết sau đợt dịch bệnh, hiện công tác tái đàn heo của các tỉnh đang diễn ra khá khẩn trương. Theo tính toán của Bộ Công thương, từ nay đến cuối năm nếu tăng trưởng đàn heo diễn ra suôn sẻ thì bài toán hạ nhiệt giá thịt heo sẽ dễ thở hơn. Thời gian qua, bão lụt, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nguồn cung, đặc biệt các tỉnh phía Bắc, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Hiện mức chênh lệch thịt heo giữa hai miền vẫn còn khá cao, từ 8.000-12.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng thịt gia cầm không đáng ngại. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo nguồn cung thịt gia cầm từ nay đến cuối năm dư sức cung ứng thị trường.

Để dần kéo giá thịt heo xuống, Bộ Công thương cho biết trước mắt bàn với Bộ NN&PTNT tăng lưu thông hàng hóa giữa các miền như đưa thực phẩm giá thấp đến nơi có giá cao, hạn chế tình trạng tăng nóng, cục bộ. Theo ông An, để tăng trưởng đàn heo mất khoảng ba tháng, như vậy khoảng cuối tháng 8-2011 nguồn cung thịt heo cho thị trường miền Bắc mới được bổ sung, dồi dào hơn.

Sẵn sàng đưa hàng ra Bắc

Tranh thủ chuyến làm việc với TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã có buổi thực địa đến một số địa điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn thành phố.

Tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt (Q.11), các mặt hàng bình ổn được trưng bày thành khu vực riêng và bảng thông báo rõ ràng. Bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết không chỉ bình ổn các mặt hàng thực phẩm, việc đưa nhóm hàng mùa năm học mới cho thấy sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của người dân.

Theo đại diện Co.op Mart, sức mua các nhóm hàng bình ổn thường cao hơn so với sản phẩm cùng loại và tăng 30% so với năm ngoái. Làm việc với Công ty Ba Huân, bà Thoa cho biết sẽ sớm rà soát, kết nối các doanh nghiệp hai miền để tăng cường lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường.

Trong bối cảnh đó, chương trình bình ổn được xem như một công cụ giúp kiềm chế giá hiệu quả. Đánh giá cao chương trình bình ổn của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét với đặc thù dân số đông nhất cả nước, việc cung ứng hàng hóa đảm bảo mức giá tốt không đơn giản, TP.HCM đã đạt được những thành công nhờ chọn doanh nghiệp đúng năng lực, mặt hàng phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân và có cơ chế vận hành đúng đắn.

“Bên cạnh các siêu thị, điểm bán lẻ thì mô hình cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm như của Satra Food, Co.op Food là một kênh bán hàng hay, hiệu quả cần được nhân rộng, quảng bá, đặc biệt đưa về vùng sâu vùng xa giúp người dân tiếp cận được nguồn hàng chất lượng, giá tốt” - bà Thoa nói.

Hiện bộ tích cực làm việc với các tỉnh, đã có thêm một số tỉnh triển khai chương trình bình ổn thị trường, trong đó mặt hàng thực phẩm ưu tiên hàng đầu.

Chủ động nguồn hàng

Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết theo kế hoạch, lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 20-30% thị phần những tháng thường và 30-40% thị phần những tháng tết.

Vì vậy trong bối cảnh tình hình giá cả thị trường diễn biến phức tạp ở nhiều nhóm mặt hàng như thịt gia súc, gia cầm..., các doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch tạo nguồn hàng, phát triển thêm điểm bán, tăng lượng, bán hàng lưu động hoặc bán khuyến mãi, giảm giá... Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cho những tháng còn lại của năm 2011 và Tết Nguyên đán 2012, các doanh nghiệp đang khẩn trương chốt lượng, trong đó tính cả rủi ro về dịch bệnh, thời tiết bất lợi.

“Chương trình bình ổn không chọn doanh nghiệp tham gia với hình thức mua đi bán lại, không có kế hoạch sản xuất ổn định... nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa xuyên suốt” - bà Đào nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Huân, giám đốc Công ty trứng Ba Huân, cho biết trong ngày bình thường, công ty đưa ra thị trường khoảng 1 triệu quả trứng, những ngày cao điểm tết có thể lên đến 2 triệu quả trứng. Hiện Ba Huân liên kết với bà con chăn nuôi để tạo nguồn nên không quá lo về nguồn hàng.

Hiện giá nhiều mặt hàng trên địa bàn thành phố đang có xu hướng giảm. Giá thịt heo bán lẻ tiếp tục giảm 1.000-3.000 đồng/kg do nguồn cung từ các tỉnh Đông Nam bộ về nhiều. Tuy nhiên với mặt hàng rau củ quả, để giải quyết rốt ráo tình trạng chợ đầu mối dư thừa, chợ lẻ tăng cao, TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường phát triển điểm bán, hệ thống phân phối, xây dựng mô hình cửa hàng phân phối trung tâm bán và phân phối hàng bình ổn giá về các điểm bán vệ tinh trên từng địa bàn quận, huyện.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên