08/04/2017 01:04 GMT+7

Cậu học trò Ê Đê “chuyên trị” lịch sử

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Đắk Lắk có một gương mặt học sinh ghi tên mình vào bảng thành tích, với giải nhì quốc gia môn lịch sử, đó là Dương Niê Quốc Phong - học sinh lớp 12 Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng.

Dương Niê Quốc Phong đang trao đổi bài vở với các bạn học trong lớp - Ảnh: B.D.
Dương Niê Quốc Phong đang trao đổi bài vở với các bạn học trong lớp - Ảnh: B.D.

Cô giáo Từ Thị Hồng Hạnh, tổ trưởng tổ văn - sử - giáo dục công dân Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, thông tin về thành tích học tập của cậu học trò Ê Đê: học sinh giỏi toàn diện các năm cấp II, ba năm liền là học sinh tiên tiến khối cấp III, giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử. Tổng kết bảng điểm môn lịch sử các năm cấp III của Quốc Phong đều đạt 9,9.

Phong là con đầu trong gia đình có ba anh chị em, mẹ là người Ê Đê, cha Phong là người Kinh, gia đình sống dựa vào 1ha cà phê ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk).

Cậu học trò có làn da đen sẫm này kể về việc mình thích học môn lịch sử như được truyền thống gia đình truyền cảm hứng từ nhỏ. “Ông nội em từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Lúc còn nhỏ em thường được nghe ông kể về quãng thời gian ông đi bộ đội, về những đồng đội của ông, rồi những lần hành quân trên nước bạn” - Phong kể.

Sau đó Phong đã hình dung ra những câu chuyện lịch sử một cách đầy sống động, với “nhân chứng” thật chính là ông của Phong.

Từ chuyện kể của ông, Phong tò mò tìm hiểu trong sách vở các chi tiết mà ông đã kể. Sự tò mò đã dần dần trở thành ham thích tìm tòi lịch sử ở Phong. Bốn năm học cấp II, Phong là học sinh giỏi toàn diện, riêng môn lịch sử Phong nhiều năm liền đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi của thị xã, tỉnh và khu vực.

Làm sao để có đam mê với một môn học mà không ít người lơ là này? Dương Niê Quốc Phong cười: “Em không đọc sách suông mà tìm tham khảo nhiều nguồn khác nhau, để xem mỗi nguồn viết về một sự kiện, một nhân vật khác nhau ở chỗ nào. Em thấy lịch sử như một câu chuyện, có mở đầu và có kết thúc. Sự hấp dẫn gia tăng khi người học biết mày mò các chi tiết trong câu chuyện đó”.

Phong kể khi học được điều gì đó mới mẻ về lịch sử, Phong hay tự thuật lại điều ấy trên giấy. Việc viết ra điều đó làm cho Phong có cảm giác rằng mình sở hữu các dữ liệu này, và tái hiện bằng sự hiểu biết của mình.

Một học trò đặc biệt mê sử

Trong câu chuyện kể về những kết quả đạt được ở môn lịch sử, Quốc Phong hay nhắc đến những thầy cô đã dạy mình ba năm cấp III, như những người đã giúp Phong đến gần hơn với môn học khá đặc thù này. Đó là cô giáo Từ Thị Hồng Hạnh, thầy hiệu trưởng Nguyễn Kim Anh...

“Đối với một giáo viên dạy sử như tôi, Phong là cậu học trò rất đặc biệt. Không phải vì em học giỏi, mà lần đầu tiên tôi thấy một học sinh Ê Đê kiên trì và mê mẩn đến quên cả ăn cả ngủ với môn học được cho là khô khan này. Tôi tiếp cận Phong dần dần và hai cô trò đồng hành với nhau suốt ba năm cấp III này” - cô Từ Thị Hồng Hạnh nói.

Cô Hạnh kể rằng để học giỏi lịch sử, người học trước tiên phải có đam mê. Phong có sẵn đam mê ấy, và mỗi giờ sử trên lớp hay những buổi học nhóm là hành trình cô trò cùng khám phá, chia sẻ những kiến thức lịch sử. Phong học sử say mê và coi đó là niềm hãnh diện của mình.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên