03/09/2013 02:11 GMT+7

Cậu học trò chế tạo robot

DUY THANH
DUY THANH

TT - Con robot di chuyển linh hoạt trên sáu bánh xe, có khả năng tự phát hiện chuyển động để quay phim và truyền về cho người điều khiển. Cánh tay robot có thể còn gắp được những mẫu vật...

q8JpRN2O.jpgPhóng to
Ngô Huỳnh Ngọc Khánh và robot K-Bot điều khiển bằng sóng WiFi do Khánh chế tạo - Ảnh: Duy Thanh

Đó là K-Bot WiFi Robot, còn được gọi là robot tin học lập trình điều khiển qua WiFi, của Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, 17 tuổi, mới bước vào lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Sản phẩm này vừa được trao giải nhất phần mềm sáng tạo khối THPT tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc diễn ra tháng 8-2013.

Di chuyển, quan sát, truyền hình

"Tôi không có bí quyết gì ngoài lòng đam mê tin học, tự mày mò trên mạng, không hiểu thì tra Google, tiếng Việt không giải được thì hỏi bằng tiếng Anh. Khi mình đã nghĩ ra điều gì đó và quyết tâm làm thì sẽ làm được, tôi đã nghĩ và làm như thế"

Ngô Huỳnh Ngọc Khánh

Con robot giống một chiếc xe đồ chơi, được cung cấp năng lượng bởi một bình ăcquy nhỏ, bên trên có một con mắt là chiếc camera nhô cao có thể xoay trái, phải, trên, dưới. Sáu bánh xe linh hoạt giúp robot chạy tới, chạy lùi, quay ngang, đứng tại chỗ xoay 180 độ. Khi chạy vào vùng tối, K-Bot tự bật hệ thống đèn LED và quan sát. Nó có thể dùng cánh tay gắp được đồ vật và mang về nơi chỉ huy thành công. K-Bot cũng có thể chạy ra đường và “truyền hình trực tiếp” các hoạt động trên đường phố với âm thanh sống động cho “cậu chủ” ngồi trong phòng học trên gác lửng căn nhà cấp bốn quan sát, điều khiển qua chiếc điện thoại di động cảm ứng.

“K-Bot là robot “ba trong một”, có thể đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ: quan sát, tìm kiếm và an ninh. Đây được đánh giá là tính vượt trội so với những robot tin học khác trước đây, thường chỉ thực hiện được từng nhiệm vụ riêng lẻ. Điều quan trọng là K-Bot hoạt động trong môi trường WiFi, diện hoạt động rộng lớn hơn rất nhiều, truyền được dữ liệu trực tuyến so với robot điều khiển bằng dây dẫn, bằng bluetooth. Ngoài ra, thiết bị điều khiển cũng đơn giản, dễ cơ động vì chỉ cần có máy tính kết nối WiFi hoặc điện thoại di động có khả năng thu được sóng WiFi, 3G là OK” - Khánh cho biết.

Khánh cũng “khoe” tính năng nổi trội nhất của K-Bot là quay được video có tiếng động và truyền trực tuyến về trung tâm điều khiển, chủ động phát hiện chuyển động và ghi lại hình ảnh. Ngoài ra robot còn có radar gắn phía sau để hỗ trợ di chuyển, có thể khảo sát và vẽ biểu đồ, tính thông số về nhiệt độ, độ ẩm ở nơi đang hoạt động...

Với những khả năng như vậy, theo Khánh, K-Bot có thể ứng dụng cho công tác quan sát an ninh ở phạm vi vừa phải như trong một gia đình, cơ quan, xí nghiệp; sử dụng để quay video, ghi âm thanh, tìm kiếm và thu thập mẫu vật ở những nơi con người khó tiếp cận được hoặc môi trường độc hại...

Đam mê chế tạo

Sau khi được trao giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2013, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh tiếp tục mày mò nghiên cứu để hoàn thiện thêm khả năng của K-Bot. “Tôi đang nghiên cứu lắp đặt thêm nhiều cánh tay cho robot, đồng thời ứng dụng thiết bị LEAP motion để điều khiển chuyển động bằng cảm ứng các cánh tay này. Tôi cũng đang phát triển một lập trình tự động để robot thực hiện theo lệnh đối với các nhiệm vụ thường xuyên, lặp đi lặp lại, lưu trữ toàn bộ hình ảnh trong lịch trình mà không cần phải có người điều khiển” - Khánh nói.

Ngô Huỳnh Ngọc Khánh cho hay lúc nhỏ rất mê trò lái xe đồ chơi bằng bộ điều khiển từ xa và mơ ước có thể chế tạo một robot tự mình điều khiển được. Gần cuối năm 2012, khi nghiên cứu về lập trình điện tử trên vi mạch điều khiển Arduino, máy tính Raspberry Pi, sử dụng hệ điều hành Linux miễn phí trên mạng Internet, Khánh thấy có thể ứng dụng để làm con robot bằng sóng WiFi. Ngoài việc dành nhiều thời gian lên mạng tìm kiếm công nghệ từ nguồn mở và “pha trộn” chúng lại với nhau để phát huy thế mạnh của từng hệ thống, Khánh còn tranh thủ lúc đi thăm anh trai đang học đại học tại TP.HCM để mua một số thiết bị cần thiết.

Từ đầu tháng 3-2013, Khánh bắt tay chế tạo K-Bot (viết tắt của Khánh-Robot). Mất bốn tháng một mình tự mày mò nghiên cứu, lúc là người nghiên cứu tin học, khi giống thợ... sửa chữa điện tử, lúc như thợ cơ khí, Khánh đã hoàn thành được K-Bot.

Đam mê tin học, dành nhiều thời gian ngồi trên máy tính, Khánh còn là học sinh xuất sắc toàn diện từ khi cấp II đến nay. Mục tiêu của chàng học sinh này là được trở thành sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM.

Có công trình từ lớp 8

Năm học lớp 8, Khánh đã tự mò mẫm lập ra diễn đàn tin học tại địa chỉ forum.ngoinhait.net, tự động chọn các thông tin về công nghệ thông tin trên khoảng 20 tờ báo mạng và tự động post bài. Năm lớp 9, Khánh tiếp tục đoạt giải nhất cấp tỉnh với phần mềm “Quản lý lớp học”, được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật VN (VIFOTEC) trao giải khuyến khích. Năm học lớp 10, Khánh lại đoạt giải nhất cấp tỉnh, giải ba hội thi tin học trẻ toàn quốc với phần mềm “Hệ thống quản trị nội dung”...

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên