22/04/2013 10:45 GMT+7

Bé gái mang tên "sinh ra từ động đất"

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Không phải lúc nào tiếng khóc cũng mang lại niềm đau, nỗi buồn. Và tiếng khóc chào đời của cô bé Chấn Sinh ngay tại vùng tâm chấn Nhã An được ví như phép mầu giữa lòng thảm kịch.

“Cô dâu động đất” ở Tứ XuyênĐộng đất Trung Quốc: 179 người chết, 6.700 người bị thươngĐộng đất ở Trung Quốc, ít nhất 100 người chết

6OEcb7h0.jpgPhóng to
Bé gái Chấn Sinh được sinh ra trong động đất - Ảnh: Xinhua

Theo trang Tin Tức Trung Quốc, bé gái sinh ra trong trại cứu hộ dã chiến bên ngoài Bệnh viện Nhân dân Nhã An, Tứ Xuyên lúc 9g ngày 20-4, tức chỉ một giờ sau khi cơn địa chấn rung chuyển cả thành phố này. Mẹ của bé nhập viện từ ngày 10-4 mà mãi chưa thấy “tin vui”.

Tuy nhiên, khi nhân viên y tế chỉ vừa mới sơ tán cô đến khu đất an toàn bên ngoài bệnh viện thì cô có dấu hiệu hạ sinh. Các bác sĩ và y tá ngay lập tức dựng trại chuẩn bị cho người mẹ lâm bồn. Sau gần 30 phút, bé gái 3,7kg chào đời trong sự hân hoan của người mẹ và các bác sĩ. Tình hình sức khỏe hai mẹ con đều ổn định. Tên bé gái được mẹ đặt cho là Chấn Sinh, hay “sinh ra từ động đất”.

Nỗi đau không là con số!

Theo các chuyên gia, mức độ thảm khốc, thiệt hại người và của trong trận động đất ở thành phố Nhã An ngày 20-4 được đánh giá là thấp hơn so với hậu quả động đất tại huyện Vấn Xuyên năm 2008. Thế nhưng, nỗi đau mất mát người thân hay ký ức động đất kinh hoàng sao có thể đo đếm nổi?

Như bi kịch của bà mẹ Lục Tĩnh Khang. Theo báo Tin Tức Dương Tử Buổi Chiều, bà Lục từng mất một con trai trong trận động đất năm 2008, nay bà mất cả con gái còn lại trong trận động đất ở Nhã An. Sáng 20-4, bà đứng ở sạp báo trước nhà nên may mắn thoát chết, nhưng cô con gái lại không thể sống sót khi ngôi nhà đổ sập lên người. Từ khi con trai mất đi thì con gái 17 tuổi chính là nguồn an ủi lớn nhất của bà, nỗi đau vốn vẫn chưa hết nguôi ngoai.

Đối với cô Đường Tư Quỳnh, một người sống sót sau trận động đất Vấn Xuyên, thì cơn địa chấn sáng 20-4 làm sống lại trong cô những ký ức kinh hoàng từ năm năm trước. “Tôi vô cùng sợ hãi. Khi tôi đang đánh răng thì nghe thấy tiếng rung lắc trên mái nhà y hệt như cách đây năm năm, khi các bức tường đổ ập vào người tôi. Nhưng tôi không sao bỏ chạy được vì bị dính chặt vào xe lăn”. Mãi đến khi chắc chắn là nhà mình sẽ không sụp đổ như trước nữa, “tôi vẫn không dám xem tivi hay đọc tin tức” - cô Đường nói.

Cô Dương Phát Xuân, 37 tuổi, cũng bị liệt hai chân và phải ngồi xe lăn sau chấn thương trong trận động đất ở Vấn Xuyên. “Khoảng thời gian đó lúc nào tôi cũng khóc khi nghĩ rằng mình sẽ không thể đi lại được nữa. Nhưng rồi thời gian cũng trôi qua, tôi tự nhủ mình phải cứng rắn hơn và đối diện với cuộc sống”. Theo cô Dương, cách đây năm năm nhà chức trách phải đối phó với một thảm họa lớn đầu tiên sau nhiều thập niên. Dựa trên mức độ khốc liệt thì cô Dương tin rằng thành phố Nhã An sẽ sớm phục hồi hơn Vấn Xuyên. “Nếu tôi vẫn còn sống bình thường đến nay thì tại sao các bạn lại không thể? Hãy mạnh mẽ lên” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời cô Dương.

Giữa lúc thiên tai luôn có câu chuyện kỳ diệu về sự sống. Tại bãi cỏ phía sau Bệnh viện Nhân dân Lô Sơn, thi thể một người mẹ nằm bất động sau khi được đưa ra khỏi ngôi nhà đã đổ sập. Cậu con trai 7 tuổi của cô may mắn sống sót sau tai nạn mà không hề hấn gì nhờ sự bảo vệ của người mẹ. Theo Tân Hoa xã, khi được giải cứu, cô vẫn ôm chặt con trong lòng để che chở cho con, dù phải hi sinh cả tính mạng.

6N87MVY5.jpgPhóng to
Đội cứu hộ giải cứu nạn nhân khỏi ngôi nhà bị sập - Ảnh: Reuters

Những con số

Nhà cửa đổ sập, gạch vụn, đất đá; người dân sống co cụm trong các lều trại dựng ngoài trời, không điện, không nước; đội giải cứu hối hả lục soát từng nơi để tìm người sống sót... Đó là khung cảnh của huyện Lô Sơn - vùng ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất từ sáng 20-4. May mắn là thời tiết mùa xuân khá ấm áp.

Tính đến chiều 21-4, theo Reuters, con số tử vong lên đến 208 người, gần 11.800 người bị thương, trong đó khoảng 1.000 người bị thương nặng. Địa phương chịu tổn thất lớn nhất là huyện Lô Sơn. Ước tính hơn 1,5 triệu người bị ảnh hưởng từ cơn địa chấn. Ông Trần Dũng, phó giám đốc Văn phòng đối phó động đất Nhã An, lo ngại số người chết có thể tăng lên đáng kể “do đội cứu hộ chưa tiếp cận hết những vùng đồi núi hẻo lánh”.

17.000 binh sĩ và cảnh sát đang tham gia cứu hộ tại Nhã An. Cùng với chó nghiệp vụ, họ đã giải cứu được 91 người còn sống từ các đống đổ nát đến chiều 21-4. Đội cứu hộ hoạt động suốt đêm lẫn ngày, lùng sục từng ngôi nhà bị sập, còn nhân viên y tế tích cực chữa chạy cho người bị thương tại các trại dã chiến.

Cơ quan giám sát động đất Trung Quốc ghi nhận hơn 1.000 cơn dư chấn xảy ra tại huyện Lô Sơn từ ngày 20 đến sáng 21-4, trong đó có ba đợt dư chấn đo được cường độ từ 5-5,9 độ Richter. Các tỉnh thành lân cận như Trùng Khánh và Vân Nam cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 400 tòa nhà ở Trùng Khánh bị hư hại nặng, con số này ở Vân Nam là 900 tòa nhà.

Công tác cứu hộ không thể diễn ra nhanh hơn do mặt đường chật hẹp và lở đất. Chính quyền cũng hạn chế người tiếp cận vùng ảnh hưởng động đất để tránh tình trạng ách tắc giao thông.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên