25/06/2015 20:53 GMT+7

Bạn Trần-văn- Khê đã lãnh giải nhì cho Việt-Nam về cổ-nhạc

TRẦN-VĂN-KHÊ
TRẦN-VĂN-KHÊ

TTO - Năm 1949, nhạc sĩ trẻ Trần Văn Khê đã "đơn thân độc mã" thi âm nhạc tại Đại nhạc hội Budapest (Hungari) với 70 nước tham gia rất "hoành tráng". Ngay sau kỳ thi, chàng Trần Văn Khê đã gửi thư về nước báo tin vui. TTO xin giới thiệu toàn văn lá thư này.

Tuần san Việt báo số 18-1949 ở Sài Gòn đã đăng toàn văn lá thư - bài viết này của chàng nhạc sĩ trẻ Trần Văn Khê, ngay sau trang 3 xã luận. Và hình bìa tạp chí là hình nhạc sĩ Trần Văn Khê.

TTO xin mạn đăng bài viết cách đây 66 năm này của chàng nhạc sĩ trẻ tài hoa Trần Văn Khê mà ngay từ lúc ấy đã có một  tình yêu dân tộc, quê hương mãnh liệt khi "đem chuông đi đấm xứ người". 

Bài đăng xin được phép giữ nguyên cách hành văn, từ dùng và quy cách chính tả của người Nam bộ, người Sài Gòn lúc ấy (1949).

TRẦN-VĂN-KHÊ trước khi Đại Hội Budapest - Ảnh Việt báo 18-1949
Hình bìa tuần san Việt báo số 18-1949

“…Vẫn biết rằng nhờ toàn-dân Việt-Nam đang anh-dõng tranh-đấu, nhờ những lý-do chánh-trị, họ phải để cho Việt-Nam có một hai kết-quả gì, nhưng tôi sung-sướng vì đã được đem chút tài mọn mà phụng-sự Tổ-quốc: nước Việt-Nam yêu quý của chúng ta”. – TRẦN-VĂN-KHÊ

Tại…

Gửi những anh chị em quen biết,

Budapest, 25-8-49

Tôi gởi thơ nầy để các bạn chia vui với tôi và để khoe với các bạn rằng trong kỳ thi đàn cổ với các nước tại Budapest, tôi đã đem GIẢI NHÌ cho Việt-Nam ngang hàng với Mông-cổ, thua Nga mà hơn Lỗ-ma-ni (Rumani) và Hung-gia-lợi (Hunggari).

Hôm tôi được mời lại Phòng Văn-Hóa của Đại-Nhạc-Hội Budapest để bàn về những cuộc tranh tài về nhạc và khiêu-vũ, tôi đã nói với những nhân-viên Phòng Văn-Hóa rằng: Nước Việt-Nam đã xa xôi lại còn đang tranh-đấu giành tự-do thành ra các nhân-tài vì nhiệm-vụ kháng chiến không thể dự Hội-nghị. Chúng tôi là những sinh-viên ở Âu-châu, bất tài, chỉ cố gắng trình-bày phần nào của văn-hóa Việt-Nam, vì đó là bổn-phận của chúng tôi chứ ra mà tranh tài với các nước thì chúng tôi không dám”.

Nhưng nhân-viên Phòng Văn-Hóa nói rằng: “Nếu Việt Nam không tranh tài về các môn đờn piano hay violon thì ít ra Việt-Nam cũng có một lối nhạc cổ đặc biệt và các nước như Mông-cổ, Hung-gia-lợi cũng sẽ đem nhưng cây đàn cổ thô sơ ra dự thi, anh cố gắng để Việt-Nam có thể góp mặt với các nước chớ!”.

Bảo tôi ra tranh tài thì tôi không dám. Nhưng bảo tôi rán dự thi để Việt Nam được góp mặt với các nước thì tôi khó thể chối từ. Thế là tôi nhận lời.

Về nhà tôi nói với anh em:

“Chắc chắn thể nào mình cũng hạng chót, nhưng ít ra trong lúc dự thi và khi có kết-quả, dầu hạng chót đi nữa, mình cũng làm cho tên tuổi Việt-Nam được người ta để ý thêm một chút. Tôi kỳ này thật là “liều mạng già” làm lý ra dự thi để cho tên Việt-Nam được nhắc nhở đến”.

Tuy nghĩ thế nhưng lòng vẫn phập phồng. Và chiều ngày 17-8-49 tôi o cây đàn cò “chết nhát” của tôi lại, gắn cục tòng chỉ cho ngay, thay dây mới, phủi bụi cây đàn tranh và nhấn dây cho nó êm dây. Đúng 4 giờ chúng tôi lại Magyar Synhez mà dự thi.

Trong lúc chờ đợi, tôi nghe người giới thiệu đọc bằng tiếng Nga, Pháp, Anh, Hung rằng hôm nay có những nước Tiệp-khắc, Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni, Bảo-gia-lợi (Bungari) và Việt-Nam dự thi về nhạc và khiêu-vũ theo xưa; tôi đâm ra lo.

Đoàn Tiệp-khắc ra sân khấu với trên 80 thanh niên nam nữ hát những bài hát cổ và múa nhưng điệu đặc-biệt theo đồng quê.

Đoàn Bảo-gia-lợi đem trên 100 thanh-niên hợp-xướng những bản xưa và nhảy múa rầm rộ. Lại thêm có giàn nhạc violon đờn theo điệu triganest. Mặc dầu trời không nóng lắm mà tôi toát mồ hôi. Trời ơi! Người ta đi dự thi với hàng trăm người, với bao nhiêu bài hát điệu múa với cả giàn nhạc, mà tôi “đơn thân” với hai cây đàn quèn nầy tôi sợ làm xấu hổ cho Việt-Nam quá. Tôi nhớ lại ân hận rằng không năn nỉ anh Tư Huyện mượn cây đàn-cò cần, để cây đàn-cò bạch chảng của tôi ra sân-khấu dự-thi coi kỳ quá.

Trong khi đoàn Hung-gia-lợi ngoài nhiều lối khiêu-vũ theo xưa còn có thêm một giàn nhạc xưa với cây đàn giống như cây tam-thập-lục với mấy ống sáo bằng đồng bằng cây.

Đoàn Lỗ-ma-ni lựa ra hai người kỳ tài. Một em bé 13 tuổi thổi ông sáo 5 lỗ thổi những bài nhạc xưa giống tiếng sáo của mấy mục đồng đuổi trâu về xóm; một thiếu-nữ chỉ dùng một lá cây mà thổi một điệu nhạc xưa tiếng kêu tương tự như giọng kèn tiểu của nhạc ta. Rồi giàn đờn gồm có mấy cây đàn tam-thập-lục, đàn hình bầu dục như cây tỳ-bà. Thêm vào đấy bao nhiêu điệu múa tưng-bừng.

Chết tôi rồi! Áo tôi ướt đẫm mồ hôi, khi bỏ màn, người giới thiệu ra nói: “Bây giờ đến phiên anh V.K. biểu-diễn cổ nhạc Việt-Nam”.

Trái lại với quang cảnh tưng bừng màu sắc, rầm-rộ với những điệu khiêu-vũ trên sân khấu minh-mông chỉ “đơn thân” và “độc mã” với cây đàn xấu-xí.

Màn kéo lên.

Khán giả hơn ngạc nhiên vì từ 4 giờ tới bây giờ toàn những ban nhạc, những đoàn khiêu vũ bây giờ chỉ một người ngồi với một cây đàn dị kỳ.

Phóng viên các báo chụp hình. Ánh magne-sium làm chóa mắt tôi.

Khi lên dây xong, định thần lại, tôi thấy trên lầu 8 người giám khảo ngồi trước 8 tờ giấy trắng. Thính giả lặng thinh. Tôi nghe tim tôi đập mạnh.

“Cầu xin ông Tổ nhạc giúp cho tôi trong phen nầy”.

Những tay đàn lỗi lạc như Sáu Tửng, Tư Huyện, Sáu Quý, Chín Kỳ,v.v… các anh ở đâu để tôi lãnh trách nhiệm nặng nề là thay mặt cho cổ nhạc Việt- Nam đây?

Tôi bắt đầu rao ít câu. Tôi không rao theo các điệu cải lương. Tôi phỏng theo điệu sa-mạc rồi đặt ra nhiều câu với nhiều ngón run, ngón vuốt.

Hôm nay tôi để cả tâm hồn tôi vào đấy, tôi đàn bực trên rồi xuống bực đưới. Cả rạp im lặng nghe.

Dạo đàn trong 5 phút tôi ngâm 5 câu sa mạc vừa ngâm vừa đàn phụ họa theo. Dứt bài tiếng vỗ tay vang dậy cả rạp và họ vỗ mãi trong vòng gần 2 phút không ngừng. Tôi hơi vững lòng “lên tinh thần” lấy đàn tranh ra. Tôi nhấn trên một sợi dây đến 9 chữ đàn khác nhau. Phóng-viên các báo lại chụp hình một lần nữa. Tôi rao đàn tranh trong 5 phút lại bắt đầu ca bản “Bắc Cung Ai”. Lại cũng vừa đàn vừa ca. Trước khi ca tôi có cắt nghĩa sơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ý nghĩa bài hát: “một thiếu phụ than thân trách phận”.

Tôi cố diễn tả sự đau đớn của thiếu-phụ bằng giọng ngân, bằng chữ nhất, bằng nét mặt, và khi dứt bài một tràng pháo tay vang dậy. Tôi phải trở ra chào thính-giả mấy lượt. Nhưng tôi nghĩ rằng chẳng qua là lối xã-giao chứ so với các giàn nhạc kia tôi còn cho mình kém quá.

Nhưng tôi đã rán hết sức tôi và tôi đã thành công: tôi đã làm được một số thính giả cảm động vì bài hát.

Nhiều phóng-viên các báo Hung, Tiệp, Lỗ đến hỏi tôi về cây đàn cò và đàn tranh và họ nói rằng đây là đầu tiên trong lịch-sử mà cây đàn tranh và đàn cò lên tiếng tại kinh đô nước Hung.

Cùng đi với tôi, anh Nguyễn-ngọc-Hà đờn bản Thiên-Thai bằng “guitare electrique” nhưng khi nhà báo đến hỏi cây đàn gì anh Hà bảo là cây đàn Lục-huyền cầm Hạ-uy-di cho nó có cái tên Việt-Nam. Anh Hà rất được hoan-nghinh với cây đờn ấy và có điều lạ là dân chúng Hung chưa nghe guitare hawaienne lần nào cả và rất thích giọng đàn uốn éo.

Làm xong phận sự, chúng tôi về ra sung sướng ở chỗ VIỆT-NAM CŨNG ĐÃ GÓP MẶT VỚI CÁC NƯỚC KHÁC trong cuộc tranh tài nầy.

Vài hôm sau nước Nga với một nhạc công danh tiếng biểu diễn balalaika và những cây đàn cổ khác, nước Mông Cổ với cây đàn tami lúc khẩy lúc kéo. Nhạc sĩ Mông-cổ kéo rất hay tiếng kêu như tiếng violoncelle.

Đến bữa 24-8-49, sau khi ban giám khảo cọng điểm lại thì cô thông ngôn hối hả chạy cho tôi hay. “Anh Khê này! Bốn giờ chiều nay anh lại Âm-nhạc-viện mà lãnh thưởng. Phòng Văn-hóa vừa cho hay anh được giải thưởng về nhạc. Anh thay đồ đi mau. Tôi có mấy lời khen anh đấy!”.

Thay đồ đi mà tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ mình hạng chót nhưng họ cho giải an ủi hoặc một cấp bằng danh dự chi chi chớ chẳng lẽ mình hơn người ta.

Đến Âm-nhạc-viện thấy bao nhiêu đại biểu các nước ngồi thật. Trên bàn danh dự có Chủ-tịch Thanh niên thế giới, Chủ-tịch sinh viên thế giới, 14 viên giám khảo, các nhạc sư nhạc trưởng các nước.

Hôm ấy, Nga được tất cả 50 giải thưởng đàn violon, đàn piano, hợp xướng, độc xướng, kèn trompette v.v… các anh nhạc sĩ Nga hạng nhứt cả.

Đến phiên cổ nhạc, hạng nhứt anh Garayev (Nga) hạng nhì Biemian (Mông Cổ) và tôi (Việt-Nam), hạng ba Florika (Lỗ-ma-ni) và Beres (Hung-gia-lợi).

Khi kêu đến tên tôi, tôi đi lên sân khấu và trong lúc Chủ-tịch phiên nhóm bắt tay tôi và cả rạp vỗ tay, phóng-viên báo chụp hình, tôi sung sướng vì đại-biểu các nơi không phải hoan-nghinh cá nhân tôi mà hoan nghinh cả một nền cổ nhạc Việt-Nam, tôi sung-sướng vì tôi đã không làm hổ mặt Việt-Nam.

Và nói ra chắc bạn cười tôi sao yếu tánh chớ trong những trường-hợp thế nầy tôi thấy mặt tôi nóng bừng và nước mắt từ đâu tuôn dài theo má khi tôi trở về chỗ ngồi.

Lúc đứng trên sân khấu tôi cố dằn và rán cười nhưng khi về đến chỗ ngồi lại thấy nước mắt đâu nó tuôn ra như thế?

Dở quá bạn nhỉ? Nhưng nhạc-sĩ nào lại chẳng dễ cảm xúc hơn người!

Hôm sau, khi các báo đăng kết quả, khi các đài phát thanh loan báo tin các cuộc tranh tài, nhiều bạn nhạc-sĩ các nước tìm tôi hỏi thăm về âm-nhạc Việt-Nam, về những cây đàn cổ. Tiếc rằng tôi không có những cây đàn sến, đàn kìm, đàn tỳ bà, đàn độc huyền để cho họ biết thêm, vì khi qua Pháp tôi chỉ đem được có hai cây đàn cũ mua lại của người ta. Nhưng hiện giờ tôi quí hai cây đàn ấy lắm. Chúng nó đã giúp tôi trong khi tôi trình bày cổ nhạc Việt-Nam và hôm 24-8, có lẽ tôi đã sống được một phút cảm động nhứt trong đời nhạc của tôi.

Vẫn biết rằng nhờ toàn dân V.N. đang anh-dõng tranh-đấu, nhờ những lý do chính-trị họ phải để cho Việt-Nam có một hai kết quả gì, nhưng tôi sung sướng vì đã được đem chút tài mọn mà phụng-sự Tổ-quốc: nước Việt-Nam yêu quí của chúng ta.

TRẦN-VĂN-KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên