>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1
Giáo sư Trần Văn Khê tại bệnh viện Centre Universitaire de cure a Airesurl' Adour (Pháp) năm 1953 - Ảnh tư liệu |
Anh Mai có một biệt thự lớn ở số 80 đường Monceau nên gia đình tôi ở chung với anh, chia nhau mỗi bên ở một nửa. Tôi vừa đi dạy học ở nhiều trường, vừa viết cho các tờ Việt Báo và Thần Chung là nhóm làm báo có cảm tình với kháng chiến đồng thời ủng hộ lập trường thống nhứt đất nước. Dạy học kiếm sống cũng vừa đủ, làm thêm nghề viết báo rất vui vì nhờ đó mà tôi bắt liên lạc lại với một số anh em cùng đi kháng chiến trước đây.
Cuộc sống của tôi thời gian này rất ổn định, cho tới một hôm, anh Nguyễn Chí Mai bị điềm chỉ, mật thám đến xét nhà và bắt anh, tôi ở chung nhà nên cũng bị bắt giam ở bót Catinat. Anh Mai bị đày đi Bà Rá còn tôi bị giam hai tuần lễ sau đó được thả ra vì không có chứng cớ, nhưng từ đó tôi bị mật thám theo dõi.
Anh em bạn bè khuyên tôi nên xin đi Pháp một thời gian để lánh mặt. Nhân dịp này tôi có thể học hỏi thêm mà cũng là cơ hội được đi đây đi đó, thỏa mãn mộng ham thích viễn du. Vậy là tôi dự định đi Pháp trong hai năm sẽ trở về. Vợ chồng tôi đã có ba đứa con, hai trai, một gái và vợ tôi đang có thai đứa con thứ tư. Chuẩn bị cho cuộc sống ở Pháp, tòa soạn Thần Chung và Việt Báo cấp cho tôi một thẻ phóng viên làm việc tại nước ngoài. Khi đến Pháp tôi sẽ ở nhờ nhà anh Francois Lebouteiller, một người bạn mà tôi quen khi anh ở Việt Nam, cha mẹ anh là người đứng tên bảo lãnh cho tôi qua Pháp.
Rời Sài Gòn
Tháng 5 năm 1949 tôi rời Sài Gòn bằng đường thủy. Như bạn đọc đã biết, nhờ anh Năm Châu và ông chủ nhà hàng Phong cảnh khách lầu giới thiệu tôi cho ông quan ba tàu Champollion nên tuy mua vé hạng tư nhưng tôi được phép lên boong tàu hạng nhứt; nhờ bác sĩ Tại mà tôi được ăn chung với những ông sếp lò bánh mì, sếp kho lương thực và sếp nhà bếp trên tàu.
Hàng ngày ngoài những lúc nghỉ ngơi, tôi lên khoang hạng nhứt chơi. Trong chuyến đi này có vua nước Lào đang trên đường qua Pháp công du. Một hôm tôi tới ngồi gần ông và bắt chuyện bằng tiếng Pháp, tự giới thiệu mình là ký giả của hai tờ báo tại Sài Gòn rồi xin phép được phỏng vấn ông. Vua Lào đồng ý, chỉ yêu cầu không nói đến chuyện chính trị. Như vậy là ngay những ngày đầu tiên trong chuyến đi, tôi đã gởi bài phỏng vấn vua Lào về đăng trên trang nhứt tờ báo Thần Chung với hàng tựa: “Đặc phái viên bổn báo đã gặp được vua Lào trên tàu Champollion”, một sự kiện độc đáo không báo nào có được.
Tôi có dịp làm quen một phụ nữ Trung Hoa đi cùng cô con gái và được biết bà trong tương lai sẽ là Tổng lãnh sự Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch đang trên đường đi Ý, khi đến Marseille sẽ chuyển sang tàu khác hay đi xe lửa đến Roma. Hai mẹ con bà chỉ biết tiếng Anh chớ không nói được tiếng Pháp. Tôi đờn piano cho cô gái nghe, dạy cô một bài hát Việt Nam còn cô dạy tôi một bài tình ca Trung Hoa. Bài hát rất hay nhưng cô không chịu dịch lời nên tôi chỉ biết phát âm đúng theo cô dạy mà không hiểu ý nghĩa.
Mãi sau này, trong chuyến đi Bắc Kinh, khi cô thông dịch hỏi tôi có biết bài hát nào bằng tiếng Trung Quốc không, tôi hát lại bài ca đó. Nghe xong cô cười hỏi tôi muốn dùng bài hát nhắn gởi với cô hay sao? Tôi ngạc nhiên vì không hiểu nội dung bài này nói gì, cô bèn dịch lời cho tôi biết:
Tôi chẳng biết tôi yêu cô từ lúc nào
Muốn nói ra lại sợ cô giận
Nhưng nếu không nói thì làm sao cô biết rằng tôi yêu cô
Sau khi suy nghĩ rất lâu
Có lẽ tôi sẽ giữ bí mật này suốt đời
Không bao giờ thổ lộ với cô.
Ai ngờ bài hát có nội dung trữ tình như vậy?
Trong chuyến đi có tổ chức khiêu vũ, ông quan ba thuyền trưởng gởi thiệp mời tôi tham dự. Lúc đó tàu đang đi trong vùng Ấn Độ Dương, khí hậu nóng nên không bắt buộc mặc lễ phục mà chỉ cần mặc “com lê” thắt cà vạt là đủ. Tôi chỉ có một bộ đồ “vía” bạn bè may cho nên diện vô để đi nhảy đầm. Bà Tổng lãnh sự mấy ngày qua quan sát con gái bà và tôi trò chuyện với nhau nên yên lòng cho phép cô con gái làm bạn nhảy với tôi. Chúng tôi trải qua một đêm khiêu vũ hết sức vui vẻ.
Mấy người bạn đồng hành ở khoang hạng tư tối nào cũng chờ tôi về buồng rồi xúm lại háo hức nghe tôi kể chuyện sanh hoạt ở khoang hạng nhứt, họ cũng tò mò hỏi han về cô bạn gái mới quen người Trung Hoa. Đến nay tôi vẫn giữ ấn tượng về một tình bạn đẹp đẽ ngắn ngủi thoáng qua trong gần một tháng trên chuyến tàu này.
Mỗi lần tàu cập bến, tại Colombo hay Porsaid, tôi đều xuống ngắm phong cảnh địa phương, chụp ảnh viết bài gởi về nước đăng trong loạt “Phóng sự của đặc phái viên bổn báo trên đường từ Việt Nam qua Pháp”. Anh em bên nhà rất thích và hoan nghinh.
Tôi đã viết thơ trước báo tin ngày giờ đến tại Gare de Lyon cho anh François Lebouteiller, nhưng khi đến nơi không thấy ai ra đón. Tôi mới chân ướt chân ráo qua Tây lần đầu, bơ vơ ở ga không biết xoay trở ra sao nên có phần lo lắng. Bỗng nhiên có một người Việt Nam tới hỏi thăm, cho biết anh đi đón mấy người Việt Nam vừa mới tới, thấy tôi không có ai đón nên đề nghị tôi cùng đi về với anh.
Tôi vui mừng xách cái vali nhỏ với hai cây đờn cò và đờn tranh theo anh về “nhà hội” ở quận 16 của Paris. Đây là nơi tiếp nhận những người Việt Nam mới qua Pháp, cho tá túc tạm thời một tuần lễ trước khi có nơi ở ổn định. Ngay chiều hôm đó anh đưa tôi đi tìm nơi François ở tại một chung cư rất lớn của quận 1. Mọi người trong nhà gặp tôi mừng rỡ, cho biết vì họ ra ga trễ mười phút nên chúng tôi không gặp được nhau.
Tôi được dẫn lên một căn phòng nhỏ bỏ trống dành cho người giúp việc trên từng lầu thứ sáu. Bên Việt Nam tôi ở chung với anh Nguyễn Chí Mai trong căn biệt thự lớn, có sân vườn, phòng tắm tiện nghi, nên khi mới bước vào nơi đây tôi bỡ ngỡ vì căn phòng nhỏ xíu, chỉ vỏn vẹn bốn thước vuông, mỗi bề hai thước, có cái giường kê sát tường và một tủ áo nhỏ trong góc. Cũng may đồ đạc của tôi chỉ có một bộ đồ tây, hai sơ-mi và một bộ đồ ngủ nên cũng vừa với cái tủ. Đầu giường có một miếng ván nhỏ gắn vô tường, khi cần thì mở lên dùng cây chống thành một cái bàn tạm bợ vừa làm bàn viết vừa làm bàn ăn.
Hàng ngày tôi ăn chung với gia đình François, bữa ăn có rượu chát, hàng tháng đóng tiền ăn rất rẻ. Nhà có máy giặt, đồ dơ bỏ ra nhờ hai cô em gái của François giặt giùm, lại có sẵn điện thoại, mỗi lần gọi ghi sổ rồi cuối tháng trả tiền. Vậy là cũng giống như hồi đi tàu, tôi mua vé hạng chót mà được lên khoang hạng nhứt chơi.
Chỗ ăn ở tạm ổn định, tôi vô trường Thuốc hỏi thăm thì được biết trường hợp tôi mới qua không được cấp học bổng. Chỉ có cách nếu tôi làm đơn khai là nạn nhân chiến tranh ở đất thuộc địa sẽ được giải quyết cho học chương trình năm thứ ba và thứ tư dồn lại, chương trình này thi cử không khó.
Tôi không đồng ý làm đơn, vì tôi hưởng ứng cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc chớ tôi không phải là “nạn nhân chiến tranh”. Hơn nữa tôi muốn học để có kiến thức chớ không phải để lấy bằng cấp nên không thích học theo kiểu dồn hai năm nhập một. Vả lại học Thuốc phải bận suốt ngày, sớm mai đi thực tập ở bịnh viện, chiều vào trường học lý thuyết, không có thời giờ đi làm thêm kiếm sống. Vậy là tôi bỏ ý định học trường Thuốc.
Tôi tiếp tục viết bài gởi về nước đăng báo để sinh sống. Tôi xin cấp coupe-file là loại thẻ cho phép nhà báo vô các công sở như Quốc hội hoặc đến xem các cuộc triển lãm khỏi phải trả tiền. Lúc đầu hàng ngày tôi tới Trung tâm báo chí đọc báo để biết tin tức, về sau tòa soạn ở Sài Gòn gởi tiền qua cho tôi mua báo để cắt bài gởi về khi có tin tức liên quan đến Việt Nam.
Thời kỳ làm báo ở Sài Gòn trước đây tôi có quen một anh bạn người Mỹ làm việc tại Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Cảm kích việc tôi thường cung cấp những tin tức xác thực về kháng chiến nên anh hứa sẽ xin cho tôi một học bổng đi học ở Mỹ. Tôi đến Pháp ít lâu thì nhận được tin anh báo cho biết đã xin được cho tôi học bổng tại Khoa báo chí của Trường Michigan. Tôi rất mừng, chờ giấy tờ gởi qua để làm thủ tục xin đi Mỹ cho kịp nhập học vào đầu niên học tới.
Trong khi chờ đợi, vào tháng 8-1949, anh Nguyễn Ngọc Hà, một người hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên Việt Nam ở Pháp, rủ tôi đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên tổ chức hai năm một lần tại các nước Đông Âu.
Năm đó liên hoan được tổ chức tại Budapest, thủ đô của Hungary. Vài người bạn lưu ý tôi nếu đi chuyến này có thể ảnh hưởng đến việc xin đi Mỹ, nhưng tôi chấp nhận, vì sang Budapest không phải cốt đi du lịch mà để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Quả nhiên sau khi đi Budapest về thì việc đi học ở Mỹ của tôi không thành.
Liên hoan này là cuộc gặp gỡ của thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa hoặc các tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản ở những nước tư bản, thanh niên thuộc Đảng Cộng sản Pháp cũng có tham dự. Mỗi đoàn đại biểu phải chuẩn bị hai chương trình văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình để tham gia liên hoan. Ngoài ra còn cử đại diện dự thi đơn ca, hợp xướng, múa, biểu diễn nhạc...
Tôi mới chân ướt chân ráo qua châu Âu, chưa hiểu rõ cách thức tham dự các cuộc thi như thế nào. Các bạn cho biết đây là lần đầu tiên phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mời dự Liên hoan Thanh niên. Trong nước đang có chiến tranh nên chỉ cử một đại diện từ Miến Điện sang Hungary, mang theo một lá cờ thi đua để tặng thưởng cho người nào có công làm cho mọi người biết đến đất nước Việt Nam nhiều hơn hết. Đoàn thanh niên Việt Nam tại Pháp gồm 17 người đi Hungary dự liên hoan, hầu hết đều rất trẻ, toàn là học sinh sinh viên, không ai biết đờn hát, trừ anh Nguyễn Ngọc Hà đờn được lục huyền cầm Hạ uy di.
Anh Hà đề nghị tôi đi theo để cùng anh tổ chức chương trình văn nghệ. Khi qua đến nơi, thấy đoàn đại biểu các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô đem theo lực lượng hùng hậu, chuẩn bị chương trình biểu diễn công phu, chúng tôi rất lo lắng.
Anh Nguyễn Ngọc Hà bàn với tôi chỉ còn cách làm một chương trình giới thiệu những khía cạnh độc đáo của âm nhạc dân gian từ hát ru, điệu hò, đến nhạc thính phòng và tân nhạc. Tôi trình bày bằng tiếng Pháp được thông dịch ra tiếng Hungary và tiếng Nga, tự tôi minh họa. Đến phần giới thiệu ca khúc mới thì anh Hà đờn guitare, tôi đệm piano và kết thúc bằng bản nhạc Bóng hoàng hôn của Võ Đức Thu.
Đêm văn nghệ của đoàn đại biểu Việt Nam có đại diện cả các nước đến tham dự. Chúng tôi dựng chương trình này vào giờ chót để chữa cháy, không ngờ được đại biểu các nước hoan nghinh nhiệt liệt. Khi kết thúc mọi người đứng dậy hô “Việt Nam muôn năm” bằng tiếng Hungary và kéo cờ Việt Nam lên.
Sau đó các đoàn trao đổi huy hiệu có giá trị khác nhau tùy theo mức độ được ưa chuộng. Một huy hiệu Komxômôl của Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô đổi được tới 5 huy hiệu khác. Riêng huy hiệu cờ đỏ sao vàng khắc chữ Việt Nam tuy nhỏ nhưng lại có giá trị gấp đôi huy hiệu Komxômôl vì số lượng bên nhà đem qua quá ít. Đúng theo luật cung cầu phải không các bạn?
Xong được chương trình đầu tiên anh em trong đoàn đều vui mừng, nhưng Ban tổ chức cho biết mười ngày sau đó đoàn Việt Nam sẽ phải biểu diễn chương trình thứ nhì.
Anh Nguyễn Ngọc Hà nghĩ ra đề tài “Thanh niên Việt Nam qua các thời đại”. Mở đầu là tiết mục ngâm thơ theo điệu sa mạc, giới thiệu thời kỳ sĩ tử còn mặc áo dài khăn đóng lên kinh thành ứng thí. Đến thời Tây học, thanh niên bận âu phục hát một bản nhạc tiếng Pháp. Thời kỳ sau đó thanh niên bắt đầu học đòi ăn chơi, hát bài Tình kỹ nữ của Phạm Duy. Tiếp theo là bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước đánh dấu thời kỳ thanh niên ý thức được nhiệm vụ đối với đất nước.
Chương trình kết thúc bằng hoạt cảnh Hội nghị Diên Hồng, dựng lại sự kiện lịch sử đời nhà Trần khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, vua cho mời các bô lão để hỏi ý kiến và tất cả đều đồng tâm hiệp lực quyết chiến chống ngoại xâm.
Tôi lãnh phần cố vấn nghệ thuật và đạo diễn. Chúng tôi đề nghị Ban tổ chức dựng trên sân khấu khung cảnh hoàng thành Việt Nam, nhưng chẳng biết nhóm trang trí sân khấu nghe thế nào mà lại dựng cảnh điện... Kremlin của Liên Xô! Chúng tôi phải vẽ cung điện Việt Nam với các cột có biểu tượng rồng quấn xung quanh cho họ coi để theo đó mà làm. Chương trình này cũng được hoan nghinh vì tạo dựng được hào khí làm khán giả say mê.
Đến phần thi biểu diễn nhạc. Khi ở Pháp anh em dự định các sinh viên trong đoàn sẽ thi đơn ca hay hợp xướng, nhưng qua đây thấy thí sinh của các nước đều là những người đã tốt nghiệp thanh nhạc ở các nhạc viện, anh em đều sợ không dám ghi tên đua tài.
Anh Nguyễn Ngọc Hà đề nghị tôi dự thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tôi nhận lời mặc dầu rất e ngại. Dàn nhạc dân tộc Liên Xô gồm hơn hai mươi người biểu diễn đờn balalaika đủ cỡ từ nhỏ đến lớn. Hungary đưa cả dàn nhạc phụ họa cho màn độc tấu đờn cymbalom. Mông Cổ có Mã đầu cầm, thùng đờn hình thang có hai dây do cung kéo, đầu cây đờn chạm hình con ngựa, tiếng kêu trầm ấm chớ không nỉ non như đờn cò của Việt Nam. Ba Lan có dàn violon biểu diễn theo phong cách dân tộc. Bungary giới thiệu một tiết mục độc đáo, nhạc sĩ cầm chiếc lá thổi một bản nhạc có cả dàn nhạc phụ họa. Nước nào cũng phô trương lực lượng hùng hậu, trong khi tôi đơn thương độc mã với cây đờn cò và đờn tranh vô cùng khiêm tốn.
Tôi vừa biểu diễn vừa cắt nghĩa cách sử dụng các cây đờn, đờn cò “đổ hột” thế nào, nhấn, vuốt, rung ra sao; giới thiệu đờn tranh có thể nhấn từ nửa bậc đến một bậc, hai bậc, hai bậc rưỡi trên một dây, có nhấn rung, nhấn vuốt, nhấn mổ...
Tôi hồi hộp vì đơn độc trên sân khấu, lại không biết qua lời của thông dịch Ban giám khảo có thể hiểu được hay không? Không ngờ khi tuyên bố kết quả, đoàn Liên Xô được hạng nhứt, đồng hạng nhì là hai đoàn Mông Cổ và Việt Nam, Hungary hạng ba, Bungary hạng tư.
Khi Ban giám khảo xướng tên đoàn nào được giải thưởng thì cờ nước đó được kéo lên, đoàn Việt Nam cũng được vinh dự này và chúng tôi hết sức xúc động. Tôi nhận được một giấy khen thưởng cùng với một bình cắm hoa bằng đất nung của Liên Xô và chiếc cà vạt dệt tại Hungary có thêu hình ba gương mặt người da trắng, da đen, da vàng tượng trưng cho các dân tộc trên thế giới. Sau đó các tiết mục đoạt giải được mời đi biểu diễn nhiều nơi tại Hungary.
Chuyến đi này của đoàn sinh viên Việt Nam được báo chí cả hai miền Nam và Bắc đưa tin. Báo Thần Chung và Việt Báo tại Sài Gòn đăng tin tôi được giải nhì đờn dân tộc tại Budapest, còn người đại diện Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng tôi lá cờ thi đua vì cho rằng tôi có công tạo được tiếng vang cho đất nước.
Khi trở về Pháp tôi bị ghi tên vào sổ bìa đen của chánh quyền sở tại vì lý do có quan hệ với phía Chánh phủ Cộng sản ở Việt Nam. Khi tôi viết thơ cho người bạn Mỹ hỏi thăm học bổng tại Michigan thì anh bạn cho hay vì tôi dự liên hoan thanh niên tại một nước Cộng sản nên sẽ không được cấp chiếu khán vào nước Mỹ. Tôi đã dự trù trước tình huống này và không hề hối tiếc về việc không được du học ở Mỹ.
Tôi tiếp tục viết báo kiếm sống, nhưng thấy trình độ nhận thức của mình còn kém cỏi, bài viết không được sâu sắc nên xin vô trường Chánh trị Paris (Sciences Politiques de Paris). Trước đây trường này chỉ dành riêng cho con nhà quí tộc, đến khi chánh phủ De Gaulle nắm quyền mới mở rộng cho những người có cử nhơn Luật và Văn chương được vào học. Còn nếu không có hai bằng cấp đó thì phải học một năm dự bị rồi thi vô năm thứ nhứt. Tôi đã học qua hai năm đại học tại Việt Nam nên chỉ phải qua cuộc thi gồm một bài luận văn và một bài về lịch sử bằng tiếng Pháp. Tôi thi đậu và được nhận vào trường mà khỏi học năm dự bị.
Ngay trong năm đầu tôi đã lấy được tám tín chỉ nên năm sau chỉ cần lấy thêm bốn tín chỉ và thi các môn chánh như Lịch sử ngoại giao, Luật quốc tế và một môn thi đặc biệt là thuyết trình trong đúng 10 phút, không được nhiều hay ít hơn, về một đề tài bắt thăm trong số nhiều đề tài về “Giao dịch quốc tế”.
Một anh bạn tên Trương Lê thấy tôi học giỏi nên có ý thưởng tôi một điều gì mà tôi thích. Tôi liền đề nghị anh cho tiền để ghi danh học khóa Luật Quốc tế tại Hà Lan. Khóa học này kéo dài một tháng và chỉ dành cho những người có cử nhơn Luật hoặc đã học xong năm thứ hai trường Chánh trị, được thực tập ngay tại Tòa án Quốc tế La Haye, tham dự những phiên xử tại đây.
Tôi được học chung với anh Lê Thành Khôi lúc đó sắp tốt nghiệp tiến sĩ Luật. Anh là con của giáo sư Lê Thành Ý, giám khảo môn Việt văn là sinh ngữ thứ nhì khi tôi thi Tú tài ở trường Pétrus Ký. Chúng tôi là hai sinh viên Việt Nam duy nhứt trong số bảy tám trăm sinh viên của khóa này. Từ đó về sau hai chúng tôi vẫn thường liên lạc trao đổi những vấn đề về sử học và thân thiết với nhau cho tới bây giờ.
Thời gian học tại đây tôi ở tại một nhà trọ gồm sáu sinh viên mang quốc tịch khác nhau: Pakistan, Miến Điện, Thụy Sĩ, Pháp, Cameroun và Việt Nam. Ông bà chủ nhà thường nói đùa nhà họ giống một cơ quan của Liên Hiệp Quốc với đại biểu nhiều quốc tịch tụ họp lại.
Xong khóa học này tôi trở về Pháp, còn ít tiền thưởng của anh Trương Lê vừa đủ để qua Ý tham dự Năm Thánh (Année Sainte), cùng đi với sinh viên các trường Chánh trị và Văn khoa được nhà trường tổ chức đi Roma bằng vé xe lửa và ăn ở tại nhà của sinh viên Ý với giá rẻ. Dịp này Đức Giáo hoàng có một buổi gặp gỡ đặc biệt dành cho sinh viên bên Pháp qua. Tôi tuy không theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng biết rằng được diện kiến Đức Giáo hoàng là một dịp may hiếm có trong cuộc đời. Một sự trùng hợp, nhạc gia tôi cũng đang ở Roma với tư cách nhà báo nên hai cha con cùng đi viếng Roma và sau 10 ngày ở Ý, nhạc gia tôi sang Pháp thăm Paris trong một tuần lễ.
Hết hè, tôi vẫn vừa đi học vừa viết báo để kiếm sống. Có lần báo bị đóng cửa hai tháng, không còn nhuận bút bên nhà gởi qua, tôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Một hôm đang đi trên đại lộ Saint Michel, tôi gặp mấy sinh viên Việt Nam bên nhà mới qua.
Biết tôi đang cần việc làm, một anh giới thiệu tôi với chú của anh là ông Từ Bá Hòa, chủ tiệm ăn La Paillote (Túp lều tranh) ở quận 5. Ông Hòa nhận tôi vào đờn nhạc dân tộc mỗi tuần hai lần vào chiều thứ năm và thứ bảy, từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 tối, trả lương 1.000 quan cũ (tương đương 10 quan mới hiện nay), ngoài ra tôi còn được ăn bữa cơm rất ngon trước giờ làm việc. Số tiền này không nhiều nhưng cũng giúp tôi qua lúc khó khăn.
Tuy vậy, mỗi lần ngồi đờn tôi cảm thấy rất tủi thân vì ít ai chú ý nghe. Lâu lâu có người khách nước ngoài tò mò hỏi thăm về cây đờn tranh, sau khi nghe tôi giải thích họ thường cho tiền “boa”. Tôi mắc cỡ không nhận, anh Hòa thấy vậy bèn để một cái dĩa cạnh chỗ tôi ngồi để khách muốn cho thì bỏ tiền vô. Anh nói theo thông lệ khách cho tiền thì phải nhận, chưa kể khoản này có khi còn nhiều hơn cả tiền lương của nhà hàng.
Thỉnh thoảng các anh em sinh viên học sinh tổ chức cho tôi nói chuyện về âm nhạc tại nhà Société Savante, khách tham dự không phải mua vé mà chỉ đóng góp tùy hỷ. Số tiền thâu được sau khi trừ chi phí tổ chức thì tôi được hưởng.
Làm việc tại La Paillote khoảng sáu tháng, tôi được anh Bùi Văn Tuyền mời về làm tại nhà hàng Bồng Lai của anh, một tiệm ăn lớn ở gần đại lộ Champs Elysées đẹp nhứt của Paris. Tôi làm việc trong hai đêm cuối tuần, giới thiệu đờn tranh, đờn cò rồi hát một bản nhạc dân tộc và một bài hát tiếng Pháp trong vòng mười lăm phút. Anh Tuyền trả tôi 3.000 quan (cũ) mỗi đêm, lương gấp ba lần chỗ cũ mà công việc lại vui hơn. Tôi làm tại đây cho đến năm 1951, được quen biết và kết bạn thêm với rất nhiều người.
Ngoài đi hát, tôi còn làm thêm một nghề nữa là dịch văn kiện chánh thức từ tiếng Pháp ra tiếng Việt và ngược lại. Các cơ sở dịch vụ pháp lý mướn tôi dịch hôn thơ hôn thú, khai sanh, các giấy tờ cá nhân từ tiếng Việt qua tiếng Pháp cho những người Việt định cư tại đây. Ngoài ra, tôi cũng dịch các thơ tình của lính viễn chinh Pháp đã hồi hương liên lạc với người yêu còn ở Việt Nam.
Tôi cũng thâu âm cho Hãng dĩa Oria do anh Lê Văn Tư - vốn là dân Sài Gòn sang Pháp sanh sống đã nhiều năm - làm chủ. Lúc này tân nhạc bắt đầu thịnh hành trong nước, nhưng ca sĩ hát chỉ có một vài cây đờn phụ họa. Anh Tư muốn làm đĩa tân nhạc với cả một dàn nhạc đệm phối khí theo phương Tây.
Thời gian đó tôi vẫn còn tư tưởng vọng ngoại, nghĩ rằng muốn phát triển nhạc Việt Nam phải dựa vào phương pháp của phương Tây. Tôi phối khí các bản nhạc sao cho phù hợp với phong cách Việt Nam và nhờ ông Georges Ghestem soạn tổng phổ. Ông này là chỉ huy dàn nhạc của nhà hát La Gaêté Lyrque.
Cho đến nay tôi vẫn còn giữ những dĩa hát 78 vòng này, tôi lấy nghệ danh Hải Minh là tên hai đứa con trai. Tổng cộng chúng tôi thâu đĩa được hơn 20 bài của những nhạc sĩ danh tiếng thời đó.
Mỗi bài nhạc ghi xong tôi lãnh được 5.000 quan là tiền tham gia phối khí và biểu diễn. Mỗi buổi sáng thâu được nhiều nhứt là năm bài, trung bình hai ba tháng làm một lần. Nhưng có khi bốn năm tháng không thâu bài nào nên cũng không thể trông cậy vào đó để sống. Công việc này tôi làm lai rai từ cuối năm 1949 kéo dài đến năm 1953.
Tháng 2/1950, trong dịp Tết âm lịch tôi được mời sang trường Exeter là một trong những trường đại học lớn ở miền Nam nước Anh trong hai tuần lễ. Tôi quen một anh tên Thân đang học khoa Kinh Tế tại đại học này, biết tôi được giải thưởng đờn dân tộc ở Budapest nên anh vận động trường đài thọ chi phí mời tôi qua nói chuyện về nhạc Việt Nam truyền thống và tân nhạc cho sinh viên nghe. Tôi nói chuyện trong ba buổi, một buổi nói cho toàn trường và hai buổi còn lại nói trong các học xá.
Tôi có một kỷ niệm rất vui trong chuyến đi này. Khi đến Học xá Lopes của nữ sinh viên, tôi được mời ăn chiều trước khi nói chuyện. Trong phòng ăn có tới mấy trăm nữ sinh viên, tôi vừa bước vô họ đồng loạt đứng dậy chào. Mấy trăm cặp mắt phụ nữ đổ dồn quan sát tôi là thanh niên duy nhứt có mặt lúc đó lại là người châu Á khiến tôi thấy ớn xương sống!
Bà hiệu trưởng giới thiệu tôi, mọi người vỗ tay chào mừng. Tôi được mời ngồi vào một bàn đặc biệt cùng với bà hiệu trưởng, bà phó giám đốc và một đại diện phụ huynh học sinh. Ăn xong mọi người qua giảng đường, tôi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam truyền thống và kết thúc bằng bài Bóng hoàng hôn, một sáng tác cho đờn piano của nhạc sĩ Võ Đức Thu.
Sau đó các sinh viên đặt câu hỏi, nhưng vì đông người tôi nghe không rõ, bà hiệu trưởng đề nghị ai muốn đặt câu hỏi thì bước đến gần chỗ tôi ngồi. Bà vừa dứt lời tôi nghe một tiếng ào như giặc châu chấu, ngước lên đã thấy các cô xúm quanh tôi đông nghẹt, thay nhau hỏi han đủ chuyện.
Nhân cơ hội này tôi tự giới thiệu với bà hiệu trưởng mình là ký giả của hai tờ báo tại Sài Gòn, xin phép được viết bài về sanh hoạt và cuộc sống của nữ sinh viên tại đây. Bà hiệu trưởng đồng ý và cho phép tôi đến thăm phòng ngủ của các cô. Các nữ sinh viên dọn dẹp phòng cho ngăn nắp rồi đứng tại giường chờ đón tôi đến thăm.
Tôi thú vị thấy mình may mắn vì ai đến trường cũng chỉ được vào phòng khách hay phòng hòa nhạc là cùng. Đằng này chẳng những được vào phòng ăn, tôi lại còn được lên tận phòng ngủ của các cô, hỏi han quan sát rồi viết bài gởi về cho báo tại Sài Gòn.
Tôi vừa học vừa làm việc lặt vặt trong 2 năm cho đến khi tốt nghiệp trường Chánh trị vào tháng sáu năm 1951. Trong kỳ thi tốt nghiệp, những sinh viên có điều kiện thì làm một bài luận văn về đề tài nào đó để lấy điểm cộng thêm vào điểm thi và như vậy sẽ được sắp hạng cao hơn. Tôi phải lo mưu sống, không có thời giờ rảnh nên chỉ thi hết các môn học. Mặc dầu vậy tôi cũng đậu hạng 5 trong số 32 sinh viên tốt nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận