27/06/2015 10:02 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 4 - Giới thiệu nhạc truyền thống

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Năm 1959, nhân dịp đoàn Nghệ thuật Dân tộc Việt Nam sang biểu diễn tại Praha, thủ đô nước Tiệp, anh Nguyễn Khắc Viện hỏi tôi có thể sang Tiệp để tiếp xúc với nghệ sĩ bên nhà không.

Năm 1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn - Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người

Tôi vui vẻ đồng ý và anh Viện xin thị thực nhập cảnh cho tôi trên giấy rời để khỏi lưu lại dấu vết chuyến đi này. Các anh dặn tôi không cho ai biết nên ngày tôi lên đường chỉ có một người bạn là chị Mai Thị Trình tiễn tôi ra ga. Qua Tiệp tôi được sắp ở chung phòng với trưởng đoàn là nhà thơ danh tiếng Lưu Trọng Lư.

Tôi cũng gặp được anh Nguyễn Văn Thương, tác giả bài Đêm đông; gặp em Đinh Thìn lúc đó chưa nổi danh với tiếng sáo nhưng rất thông hiểu về hát chèo và đã ký âm cho tôi nhiều làn điệu chèo để nghiên cứu.

Tôi nói chuyện có minh họa cho các anh chị em trong đoàn nghe về nhạc tài tử miền Nam. Khi các anh em khen tôi là một nhạc sĩ cổ truyền, anh Nguyễn Văn Thương đính chánh:

- Anh Khê đâu phải là một “nghệ sĩ”. Anh là “nghệ nhân” về nhạc tài tử.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến danh từ “nghệ nhân” mà anh Nguyễn Văn Thương dùng một cách trang trọng, cũng là lần đầu được gặp gỡ các nghệ sĩ miền Bắc và nghe qua những làn điệu chèo, những bài ca quan họ.

Bước qua năm 1960, tôi được mời qua thành phố Bath bên Anh dự một buổi sinh hoạt âm nhạc có biểu diễn minh họa cho nghệ thuật ứng tác ứng tấu trong âm nhạc trên thế giới. Người mời tôi là nhạc sĩ tài danh Yehudi Menuhin, một thần đồng về đờn violon, năm này (1960) ông đã quá lục tuần.

Tại đây tôi được gặp ông Paul Roberson, một ca sĩ nhạc jazz có khả năng ứng tác ứng tấu tuyệt vời, gặp tiến sĩ Narayana Menon, người Ấn Độ, nói chuyện có minh họa về ứng tác ứng tấu khi đờn Saraswati Veena theo truyền thống nhạc “Carnatic” của miền Nam Ấn Độ. Phần tôi nói về ứng tấu, cách rao mở đầu và đờn tùy hứng theo phong cách đờn tài tử miền Nam Việt Nam.

Tôi mới vừa đậu tiến sĩ, nghề nghiệp chưa ổn định mà được dự nhiều buổi gặp gỡ quốc tế, sánh vai với những danh tài, họ nói chuyện của họ thì mình cũng trình bày chuyện của mình. Đây là buổi biểu diễn âm nhạc có tánh cách quốc tế lần thứ nhì tôi được tham dự.

Tôi cũng tham dự hội nghị do Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO tổ chức với đề tài “Tâm trạng người nhạc sĩ trước, trong và sau khi biểu diễn”. Tôi có bài tham luận về tâm trạng người nhạc sĩ Việt Nam.

Năm này tôi được cử vô Ban Chấp hành của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc, thay thế cho giáo sư Tapales người Phi Luật Tân vừa mãn nhiệm kỳ. Ban chấp hành có 9 người mang quốc tịch khác nhau, tôi đại diện cho châu Á với nhiệm kỳ 6 năm, việc đi lại tại các nước do UNESCO đài thọ.

Năm 1961 đánh dấu những chuyến đi quan trọng đối với tôi. Làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc mới được 2 năm mới cấp bực thấp nhứt là Tùy viên nghiên cứu (Attaché de recherche), lâu lâu được thầy cho đi theo tập sự nói chuyện về âm nhạc tại Đại học Sorbonne, vậy mà bỗng nhiên tôi được mời đi dự hội nghị tại nhiều nơi.

Trước hết là hội nghị “Bảo vệ và phát triển âm nhạc truyền thống của các nước trên thế giới” tổ chức tại Téhéran (Ba Tư), tôi tham luận về đề tài: Những nguyên tắc cơ bản của truyền thống âm nhạc châu Á.

Đồng thời tôi được mời tham dự hội nghị quốc tế âm nhạc mang tên “Cuộc gặp gỡ Đông - Tây” (Rencontres Est-Ouest) tổ chức tại Tokyo vào cuối tháng tư, qui tụ 1.400 người, do Nhựt và Mỹ tài trợ.

Mùa thu năm 1961, Hội Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc tổ chức tại Nữu Ước hội thảo về đề tài “Tô điểm chữ nhạc và nét nhạc”. Bà bá tước De Chambure - Giám đốc Viện Bảo tàng nhạc khí của Nhạc viện Paris - là thành viên của chi nhánh hội này tại Pháp đề nghị mời tôi đi dự để nói về cách tô điểm chữ nhạc và nét nhạc trong nhạc truyền thống Việt Nam.

Nhưng một vấn đề khó khăn đặt ra là lúc đó tôi bỗng nhiên bị rơi vào hoàn cảnh một người “không có quốc tịch hợp pháp” (apatride). Số là khi đi Pháp tôi mang giấy thông hành Đông Dương do Pháp cấp. Sau khi Đại tướng De Gaulle thành lập Liên hiệp Pháp, tôi được cấp thẻ căn cước và giấy thông hành công dân Liên hiệp Pháp.

Sau Hiệp định Genève, chánh phủ Pháp qui định bỏ giấy thông hành này, ai muốn nhập quốc tịch Pháp phải làm đơn xin để họ xét, còn không thì đương nhiên trở thành công dân Việt Nam.

Tôi không vô dân Pháp nên làm đơn xin giấy thông hành tại sứ quán của chánh phủ miền Nam Việt Nam. Năm 1960, họa sĩ Võ Lăng - em của anh Võ Hải là bạn học của tôi ở trường Chánh trị Paris, đang có liên hệ với ông Ngô Đình Luyện - báo cho tôi biết theo ý kiến của ông Ngô Đình Nhu, Bộ Văn hóa chánh phủ miền Nam muốn mời tôi về Sài Gòn nói chuyện về âm nhạc, đồng thời cũng đánh tiếng đề nghị tôi cùng đi với ông Bửu Hội làm Đại sứ lưu động tại các nước châu Phi vì biết tôi đã tốt nghiệp Đại học Chánh trị. Tôi từ chối, viện lẽ đang làm công việc nghiên cứu âm nhạc tại Pháp. Có lẽ vì việc đó nên Tòa đại sứ miền Nam được lịnh thâu giấy thông hành cũ mà lại không cấp giấy mới cho tôi.

Không còn giấy tờ tùy thân nên tôi không thể đi dự các hội nghị nói trên, bèn phải cầu cứu bà bá tước De Chambure. Bà bày tôi thủ tục xin chánh phủ Pháp cấp cho “Titre de voyage” tức là một loại giấy thông hành đặc biệt dành cho những người không còn quốc tịch, có giá trị đi khắp nơi thế giới trừ nước của mình.

Không may cho tôi, hôm đi nộp đơn thì có bốn người Việt Nam khác hoạt động chánh trị cũng xin giấy thông hành nên nhân viên phòng này gộp chung hết năm lá đơn lại. Khi bốn người kia bị bác đơn tôi cũng chịu chung số phận.

Tôi lại phải nhờ tới bà Bá tước. Cũng may con rể của bà làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Pháp, sau khi kiểm tra lại mới biết có sự hiểu lầm nên ra lệnh giải quyết hồ sơ của tôi. Vài ngày sau tôi có giấy thông hành đặc biệt được đi tới tất cả các nước trên thế giới trừ Việt Nam.

Thời gian quá gấp rút, ngày khai mạc hội nghị đã gần kề mà tôi còn phải xin chiếu khán nhập cảnh vào ba nước: Ba Tư, Nhựt Bổn và Hoa Kỳ. Tòa đại sứ Nhựt cấp visa ngay, sáng ngày thứ Năm tôi cấp tốc tới sứ quán Ba Tư để xin nhập cảnh vì 3 giờ chiều thứ Hai tuần sau đã phải lên máy bay.

Đại sứ Ba Tư là bạn rất thân của tôi nhưng ông bối rối cho biết ông chỉ được quyền cấp chiếu khán nhập cảnh miễn phí cho những người tham dự hội nghị có giấy thông hành bình thường. Giấy thông hành của tôi thuộc loại đặc biệt nên phải chờ xin ý kiến của Chính phủ Ba Tư.

Hai giờ trưa thứ Năm ông điện khẩn về nước nhưng lúc đó đã 5 giờ chiều bên Ba Tư, hết giờ làm việc, hôm sau thứ Sáu lại là ngày nghỉ của các nước Hồi giáo. Phải chờ tới sáng thứ Bảy, Hoàng đế Ba Tư chủ tọa buổi họp của Hội đồng Chánh phủ ra lệnh đánh điện khẩn yêu cầu sứ quán của họ bên Pháp cấp chiếu khán nhập cảnh cho tôi.

Nhưng điện tới Paris vào chiều thứ Bảy, bên này không ai làm việc! Sáng sớm thứ Hai tôi tới ngồi chờ ông đại sứ vì điện đánh theo mật mã gởi riêng cho ông. Mãi đến mười giờ ông đại sứ mới tới làm việc, năm phút sau ông đi ra mừng rỡ báo tin tôi được phép nhập cảnh vào Ba Tư và ra lệnh nhân viên cấp tốc làm thủ tục. Mười một giờ rưỡi giấy tờ xong xuôi, ông đại sứ bắt tay chúc tôi đi mạnh giỏi, tôi vội vàng về nhà thu xếp mọi thứ vừa kịp ra phi trường, lên máy bay vào giờ chót!

Trong chuyến đi này còn có một chuyện bất ngờ khác. Trước đó một người bạn Mỹ cho tôi biết Rockefeller Foundation ở Mỹ hàng năm cấp ba học bổng nghiên cứu cho bất kỳ ai trên thế giới có công trình nghiên cứu mà họ cho là đáng tài trợ.

Tôi bèn làm đơn xin, tự giới thiệu là tiến sĩ âm nhạc người Việt Nam, thành viên Ban Chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc, nói rõ thêm gia đình tôi có truyền thống mấy đời là nhạc sĩ, tôi biết đờn tranh và sắp đi Nhựt Bổn dự hội nghị nên muốn ở lại đó hai tháng để thực hiện công trình nghiên cứu so sánh đờn tranh của Việt Nam với đờn koto của Nhựt.

Thật bất ngờ, Hội này báo cho biết đề tài của tôi rất hay và gởi hỗ trợ một ngân phiếu 3.000 đô la. Nếu lãnh tiền này tại Pháp thì ngân hàng sẽ đổi ra quan Pháp trong khi tôi cần đô la Mỹ để tiêu xài tại Nhựt, do đó thay vì đi thẳng qua Téhéran, tôi đổi chuyến bay ghé Thụy Sĩ vì ngân hàng ở đây có thể trả bằng đô la.

Tới Thụy Sĩ đã gần 4 giờ chiều, một người bạn là anh Khiêm, chủ nhà hàng tại Genève, đón ở phi trường đưa tôi cấp tốc tới ngân hàng. Lại thêm một rắc rối nữa là ngân hàng tại đây chỉ chuyển tiền vào trương mục ngân hàng chớ không trả trực tiếp. Nếu không có trương mục thì phải có người bảo lãnh, đề phòng trường hợp nơi phát hành ngân phiếu không có tiền người bảo lãnh sẽ phải trả. Bạn tôi bèn đứng ra bảo lãnh, làm thủ tục nhận tiền xong là vừa tới giờ đóng cửa ngân hàng!

Sáng hôm sau tôi lên đường qua Ba Tư. Bài tham luận của tôi lần này chủ yếu kêu gọi sự bảo vệ và phát huy nhạc truyền thống của châu Á, gây được xúc động trong toàn hội nghị. Hội nghị tại Ba Tư vừa kết thúc thì phần lớn đại biểu đều đi ngay qua Tokyo để dự một hội nghị khác được tổ chức hai ngày sau đó.

Tôi có bổng Rockefeller sẽ ở lại Nhựt hai tháng nên không có gì vội vàng, tôi lưu lại Ba Tư thêm hai ngày để viếng thành phố Persepolis, một đô thị cổ xưa có nhiều đền đài mà nay đã điêu tàn cũng như Đế Thiên, Đế Thích vậy.

Chuyến bay Air France đưa những người tham dự hội nghị Tokyo khi rời Bangkok thì bị trục trặc kỹ thuật nên bắt buộc phải đáp xuống Sài Gòn để sửa chữa. Hành khách ngủ lại một đêm tại Tân Sơn Nhứt bị nhà chức trách giữ toàn bộ giấy thông hành tới hôm sau khi lên máy bay mới trả lại. Tôi không có mặt trong chuyến bay, đó là một sự may mắn, nếu tôi vô Sài Gòn không chừng sẽ bị rắc rối vì giấy thông hành của tôi cho phép đi khắp nơi, trừ Việt Nam. Hú hồn!

Hai ngày sau tôi qua Tokyo bằng máy bay của Hãng Pan American, tại phi trường đã có Ban tổ chức chờ đón. Tôi chuẩn bị đi theo họ thì một người Nhựt tự xưng là người của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại đây tới đón tôi. Tôi không biết ông đại sứ này là ai, hỏi ra mới biết đó là ông Bùi Văn Thinh một người bạn cũ. Vào năm 1945 khi ông làm việc ở một tỉnh miền Tây thì gặp tôi đi cùng đoàn sinh viên xuống lục tỉnh hát lấy tiền mua gạo giúp đồng bào miền Bắc đang bị đói, vợ chồng ông quí tôi từ dạo đó. Nghe tin tôi qua dự hội nghị tại Tokyo, ông cho người bí thơ của ông ra đón.

Viên bí thơ hỏi giấy thông hành của tôi để làm thủ tục nhập cảnh và khai hải quan. Khi thấy tôi sử dụng giấy thông hành “vô quốc tịch” (apatride) thì ông rất bối rối vì đã báo với Công an phi trường tôi là bạn thân của ông đại sứ Việt Nam.

Ông yêu cầu tôi chờ một chút, lát sau ông trở ra cho biết Công an nói rằng tôi vừa là đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế vừa là bạn của đại sứ Việt Nam nên họ vẫn để cho đi qua cửa thượng khách. Mọi việc đều êm xuôi. Khi ra xe viên bí thơ cẩn thận xin phép tôi cho ông cất lá cờ Việt Nam Cộng hòa gắn phía trước xe ngoại giao đoàn rồi đưa tôi về khách sạn.

Sáng sớm hôm sau, ông Bùi Văn Thinh điện thoại cho tôi. Ông cho biết đã được báo lại về tình trạng giấy thông hành của tôi và nói rằng trong hoàn cảnh hiện tại ông biết tôi sẽ không thích tới Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa, mà ông cũng không thể đến thăm tôi tại khách sạn một cách chánh thức. Ông đề nghị tôi đến một tiệm ăn nằm giữa Đại sứ quán và khách sạn. Ông nói:

- Anh đi nửa đường, tôi đi nửa đường để anh em mình được gặp nhau.

Vậy là chúng tôi cùng đổ đường đến nơi hẹn, hàn huyên với nhau suốt cả ngày. Ông tỏ ý tiếc về chuyện tôi bị tịch thâu giấy tờ, biết tôi sẽ lưu lại Nhựt hai tháng, ông phái một tùy viên văn hóa luôn luôn ở bên cạnh tôi. Hai vợ chồng người tùy viên này rất tốt, hết lòng giúp đỡ trong thời gian tôi ở tại Nhựt.

Tại hội nghị, trong số 1.400 đại biểu tham dự, chỉ có 50 người được mời vô nghe nhã nhạc trong hoàng cung trong đó có tôi. Đây là một vinh dự cho tôi vì khách được mời gồm toàn những giáo sư kỳ cựu hoạt động gần 20 năm trong lãnh vực nghiên cứu âm nhạc trong khi tôi chỉ mới có 3 năm trong ngành. Về sau, tôi mới biết sở dĩ mình được mời vì hai điểm: tôi là Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO đại diện cho châu Á và điểm thứ hai là vì Ban tổ chức biết việc tôi được học bổng của Rockefeller Foundation, nghĩa là một trong 3 nhà nghiên cứu được cơ quan này cho là xứng đáng được tài trợ.

Sang Nhựt mà gặp mùa hoa anh đào nở là dịp may hiếm có. Chỉ trong vòng mấy ngày, hoa nở rộ, sau đó tàn rất mau. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm hoa anh đào nở đẹp rực rỡ khi cùng đi với người bạn mới quen là giáo sư Koizumi Fumio. Ông là người bạn tốt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu đờn koto. Đến năm 1995 tôi được giải thưởng quốc tế mang tên ông về nhạc học dân tộc của Nhựt, giải thưởng được đặt ra sau khi ông qua đời.

Tôi cũng thú vị khi được gặp giáo sư Kishibe, người bạn đồng chí hướng quen nhau từ 3 năm này. Dịp này ông Kishibe mời tôi về nhà ăn tối, thưởng thức đặc sản Nhựt Bổn như món cá sống sushi và uống rượu sa kê.

Tại hội nghị tôi cũng gặp lại ông Yuize Shinichi, nhạc sĩ đờn koto mà tôi được gặp lần đầu tiên ở hội nghị của UNESCO tại Paris năm 1958. Lần này ông và phu nhân, nhũ danh Nakashima, nhận dạy tôi đờn koto đồng thời giới thiệu tôi với những người trong trường phái Ikuta, còn bà Kishibe thì giới thiệu tôi với trường phái Yamada. Đây là hai trường phái lớn của đờn koto, mỗi trường phái có một số nhạc sư nổi tiếng và không liên hệ giao hảo với nhau, một nhạc sinh nhập môn trường phái này không thể học với trường phái kia.

Khi vừa tới Tokyo, tôi viết thơ tự giới thiệu và xin phép đến chào cả hai phái. Tôi đến gặp ông Nakashima, trưởng phái Ikuta trước vì ông lớn tuổi hơn, rồi xin gặp giáo sư Nakanoshima Kinichi, trưởng phái của Yamada sau. Hai bên đều chấp nhận tiếp tôi và sẵn sàng trả lời tất cả những gì tôi muốn tìm hiểu. Đây cũng là một trường hợp hi hữu.

Cả hai phái đều ngỏ ý muốn nghe tôi nói chuyện về đờn tranh và âm nhạc Việt Nam. Tôi trình bày với đại diện hai phái rằng tôi có thể lần lượt tới hai nơi để nói chuyện, nhưng nếu tôi lỡ bỏ sót một vài vấn đề nào đó trong một buổi, có thể bị ngộ nhận là có sự thiên vị, trong khi tôi thật tình quí trọng cả hai bên. Vì vậy tôi đề nghị chọn một địa điểm trung lập để tổ chức buổi nói chuyện. Một điều bất ngờ là cả hai phái đều chấp nhận.

Chưa khi nào tôi đờn mà trong lòng lo lắng bằng bữa đó. Tôi có cảm giác đây là một cuộc hội ngộ anh hùng trong giới nhạc trên đất Phù Tang. Tôi “đơn đao phó hội” trước các sư tổ, sư bá, sư phụ, sư huynh, sư đệ của hai trường phái đờn koto đến xem đường quyền, đường thương của một võ sĩ Việt Nam.

Tôi thưa cùng các trưởng phái:

- Tôi không phải là người xứng đáng đờn cho quí vị nghe. Trong nước tôi có nhiều nhạc sĩ đờn rất hay nhưng họ không có dịp qua đây, còn tôi biết đờn là do truyền thống gia đình, nhưng lại chuyên về nghiên cứu nên tiếng đờn của tôi chưa đạt được trình độ cao nhứt của đờn tranh. Do đó xin quí vị đừng đánh giá đờn tranh Việt Nam qua tiếng đàn chân phương mộc mạc của tôi.

Tôi đã quan sát thấy đờn koto của Nhựt Bổn sở trường về biểu diễn tay mặt nhưng sử dụng tay trái yếu hơn đờn tranh. Vì vậy trong khi trình bày các thủ pháp, tôi chú trọng đề cập đến điểm mạnh của đờn tranh:

- Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Bàn tay mặt cho cái xác còn bàn tay trái cho cái hồn. Vì vậy, bàn tay trái đối với chúng tôi vô cùng quan trọng. Quí vị nhấn nửa bậc và một bậc còn chúng tôi có thể nhấn từ nửa bậc, một bậc cho đến hai bậc rưỡi. Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn - vuốt, nhấn - rung, nhấn - mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kiềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn.

Tôi nói đến đâu minh họa đến đó, những người nghe rất thú vị và hoan nghinh nồng nhiệt. Sau bữa đó, vào cuối tháng 5 năm 1961, Đài truyền hình Nhựt Bổn NHK mời tôi nói chuyện trong chương trình giới thiệu và so sánh đờn tranh với đờn koto. Tôi nói về đờn tranh được ông Koizumi thông dịch ra tiếng Nhựt, khi đối chiếu với đờn koto thì bà nhạc sư Hirai Sumiko minh họa. Băng ghi hình này được giữ tại Phòng lưu trữ băng từ của đài.

Bảy năm sau, năm 1968, Đài NHK của Nhựt Bổn chọn chương trình đó dự thi tại Vienne, kinh đô của nước Áo, trong chương trình “Áp dụng phương pháp thính thị trong giáo dục âm nhạc”. Đài truyền hình Pháp cũng gởi dự thi một chương trình do nhạc sư Daniel Lesur và tôi thực hiện, trong đó tôi giới thiệu bốn nhạc khí dân tộc gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và trống. Tuy Việt Nam không dự hội nghị này nhưng mọi người vẫn được nghe âm nhạc Việt Nam tới 2 lần qua các đoạn phim của Nhựt Bổn và Pháp. Đó là một niềm vui lớn của tôi trong sứ mạng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.

Trở lại chuyện ở Tokyo, hôm tôi thâu hình tại Đài NHK cũng là ngày ông Đại sứ Bùi Văn Thinh mời ăn bữa cơm tiễn tôi rời nước Nhựt. Ông phải dời bữa tiệc tới 9 giờ rưỡi tối để chờ tôi ghi hình xong tại đài. Phần tôi vừa ghi hình xong vội vàng xách cây đờn mặc nguyên áo dài khăn đóng ra xe đưa tôi về tư gia của ông đại sứ. Bữa tiệc có nhiều người, ai cũng vui vẻ thân mật chào hỏi tôi. Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, nói chuyện về âm nhạc mà không hề đề cập tới vấn đề chánh trị.

Đến tuần rượu tiễn hành, Đại sứ Thinh mời tất cả mọi người cùng nâng ly chúc sức khỏe tôi và nói lời cuối:

- Mong có ngày gặp lại anh. Nhìn anh châu du khắp nơi tôi tự hỏi “hành nhân hà thời qui”, mỗi lần nhớ anh tôi lại thầm hỏi: anh “cư hà phương, hành hà sự?”

Tôi đáp lời:

- Tôi không dám tự sánh mình với người xưa, nhưng anh đã hỏi thì tôi xin đáp. Tôi luôn “cư thiên hạ chi quảng cư, hành thiên hạ chi đại đạo, lập thiên hạ chi chánh vị” Và “phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai võ bất năng khuất”.

Anh Thinh cạn ly với tôi. Ngồi giữa quan khách đông vầy trong một khung cảnh ngày nay, nhưng qua những câu đối thoại vừa rồi tôi cảm giác chỉ có hai chúng tôi cùng thưởng thức cái phong vị của ngày xưa. Tôi cám ơn anh Thinh đã cho tôi hưởng được những giờ phút vui vẻ gặp người đồng hương nơi xứ lạ, cùng nhau hàn huyên vui vẻ trong tình người.

Cũng trong hội nghị ở Tokyo, tôi gặp lại giáo sư đờn cổ tranh người Đài Loan tên Liang Tsai Ping (Lương Tại Bình), Chủ tịch Hội Nhạc sĩ truyền thống Đài Loan. Tôi quen với ông khi ông sang Pháp giới thiệu âm nhạc Trung Quốc tại Bảo tàng viện Guimet trước đó mấy năm. Ông mời tôi trên đường về ghé Đài Loan chơi và sẽ là khách mời của Hội nhạc sĩ Đài Loan. Tôi cảm thấy thú vị nên nhận lời, vậy là sau 2 tháng ở Tokyo, thay vì về thẳng bên Pháp tôi ghé qua Đài Loan.

Khi tới phi trường Đài Bắc đã có phóng viên đợi sẵn, biết tôi là khách mời đặc biệt của Hội nhạc sĩ Đài Loan nên họ thay nhau phỏng vấn, chụp ảnh. Giáo sư Liang Tsai Ping cùng vài nhạc sư đến bắt tay tôi chào hỏi và đưa tôi về khách sạn sang trọng ở vùng “Bắc đầu”. Đặc biệt phòng ngủ nơi đây có buồng tắm rất lớn được thiết kế dẫn nước từ nguồn suối nước nóng vào tận nơi.

Tại đây tôi gặp được ông Chuang Pen Li (Trương Bổn Lập), người có công trình nghiên cứu rất sâu sắc về “hoàng chung”, âm thanh cơ bản trong nhạc truyền thống của Trung Quốc. Tôi gặp gỡ thêm nhiều nhạc sư chuyên dạy cổ cầm, cổ tranh; được đi xem Kinh kịch, tinh hoa của nền sân khấu cổ truyền Trung Quốc và viếng trường đào tạo diễn viên.

Ông Liang Tsai Ping mời tôi về nhà ăn cơm do tự tay phu nhân của ông nấu, hái trái cây trong vườn nhà đãi tôi. Ông cũng mời tôi nói chuyện trên Đài phát thanh Đài Bắc về đờn tranh và ca một bài Bắc cung ai. Vì muốn giới thiệu đờn tranh Việt Nam cũng tương tựa đờn cổ tranh của Trung Quốc nên ông cho thâu luôn bài “Bắc cung ai” vô đĩa hát giới thiệu đờn Gu zheng (cổ tranh) của ông.

Một cậu trẻ tuổi tên là Cheng De Yuan (Trịnh Đức Uyên) rất thích đờn tranh, khi nghe tôi ca cậu tìm tới xin học. Tôi không dạy được mà chỉ đờn cho cậu nghe. Cậu ghi âm, chép lời theo cách phát âm Trung Quốc rồi nghe theo băng tập ca được bài Bắc cung ai. Sau này khi tôi dự hội nghị tại Đài Loan cậu là người thông dịch cho tôi, rồi tôi cũng gặp lại cậu đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Maryland (Baltimore Country bên Mỹ). Mấy năm sau cậu trở thành một giáo sư âm nhạc danh tiếng của Đài Loan.

Trong thời gian tham dự hội nghị ở Tokyo, tiến sĩ Narayana Menon, người tôi đã gặp ở Hội nghị Ứng tác ứng tấu tại Bath bên Anh, cũng mời tôi ghé qua New Delhi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam, vì ông là Tổng Giám đốc Đài phát thanh All India Radio của Ấn Độ. Vậy là sau khi rời Đài Loan, tôi lại ghé qua Ấn Độ lần đầu tiên trong đời để nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam có minh họa đờn tranh trên Đài phát thanh Ấn Độ trong chương trình tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ông Menon sắp đặt cho tôi nghe vài buổi ghi âm nhạc truyền thống Ấn Độ và tôi nói chuyện một buổi về âm nhạc Việt Nam tại Sangeet Natak Akademy (Hàn lâm viện Ca vũ nhạc kịch). Tôi ở lại Ấn Độ 5 ngày. Ngoài hai buổi ghi âm bài nói chuyện tại Đài phát thanh, tôi được dự một buổi hòa nhạc Ấn Độ và gặp gỡ vài nhạc sĩ tên tuổi tại đây, nhờ đó mà tôi có cơ hội học hỏi thêm nhiều.

Trở về Pháp, đến tháng 7 tôi đi New York, hết sức vui mừng được gặp lại thầy tôi là Giáo sư Chailley cũng dự hội nghị quốc tế âm nhạc này. Bài thuyết trình của tôi tại đây đề cập về “Cách tô điểm chữ nhạc và nét nhạc truyền thống Việt Nam”. Hai thầy trò tôi được sắp xếp ở chung trong học xá sinh viên tại Đại học Columbia, cùng đi thăm nhiều nơi như Đại học Harvard, Yale, Princeton, viếng tượng Nữ thần Tự do, tòa nhà Empire State cao 102 từng và khu nhà mang tên Rockefeller.

Gần Đại học Columbia, trong một buổi chiều đi dạo, tôi nhìn thấy một tiệm ăn mang bảng hiệu Việt Nam. Đang ăn cơm Mỹ không hạp khẩu vị, gặp được chỗ bán món ăn quê nhà khác nào buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi liền ghé vào.

Ông chủ tiệm người miền Bắc khi biết tôi là Trần Văn Khê đang dự hội nghị âm nhạc tại New York bèn vào bên trong báo tin. Lát sau một người phụ nữ mang kiếng trắng đi ra hỏi thăm tôi bằng giọng Huế nhẹ nhàng. Biết tôi là bạn của Lưu Hữu Phước, chị ân cần mời tôi nhiều thức ăn Huế rất ngon mà nhứt định không chịu lấy tiền, lại còn đề nghị tôi mỗi ngày ghé ăn cơm chiều.

Một ngày trước khi tôi trở về Paris, anh chị chủ quán mời tất cả bạn bè người Việt đang sống tại New York, lúc đó mới chỉ độ vài ba chục người, tới để nghe nói chuyện về âm nhạc Việt Nam. Nghe một câu hò miền Nam thì người Nam lau nước mắt, câu hò mái nhì làm người Trung ứa lệ, một khúc ngâm theo hơi sa mạc làm cho người miền Bắc sụt sùi.

Sau buổi nói chuyện, chị chủ quán bỗng hỏi tôi:

- Anh có biết bài Hương Giang dạ khúc không?

- Thưa tôi có biết. Nhưng tác giả bài hát có dặn tôi là không được tiết lộ tên người sáng tác.

- Không cần thiết phải giới thiệu tên tác giả, nhưng anh có thể hát cho tôi nghe được không?

- Nếu chị yêu cầu, tôi xin hát cho chị nghe bài Hương Giang dạ khúc của nhạc sĩ không tên.

Khi tôi hát đến câu “Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều”, người thiếu phụ bỗng ôm mặt khóc. Thấy tôi ngạc nhiên, chị nói:

- Đây là bài hát của Lưu Hữu Phước. Anh có biết bài này anh Phước viết cho ai không?

Tôi trả lời:

- Phước làm tặng cho một người con gái Huế tên là Thu Hương.

- Anh có biết Thu Hương không?

- Không.

- Thu Hương là tôi đây.

Trong cuộc sống có những cuộc gặp gỡ tình cờ đến lạ lùng, tôi không ngờ lại gặp được Thu Hương tại New York này. Anh Lưu Hữu Phước trao cho tôi bài Hương Giang dạ khúc vào năm 1941 trước khi đi kháng chiến, dặn tôi đừng hát cho ai nghe, còn nếu có hát thì không được nói tên người sáng tác. Tôi hát bài này hai lần trong đời, một lần ở Vị Thanh trong thời kỳ tham gia kháng chiến ở Nam bộ và đây là lần thứ hai. Chị Thu Hương nhờ tôi chuyển lời tới Lưu Hữu Phước:

- Thu Hương đã hai lần lập gia đình nhưng không bao giờ quên người đã tặng bài Hương Giang dạ khúc cho Thu Hương.

Nói xong, lệ chị tuôn lai láng. Người chồng lấy khăn lau nước mắt cho vợ, tuy rằng biết vợ khóc cho một kỷ niệm sâu đậm của thời son trẻ chớ nước mắt đó không phải vì mình. Tôi chứng kiến cảnh này mà cảm phục sự cao thượng của tình người.

Năm 1961 đối với tôi như một giấc chiêm bao. Tôi thực hiện được ước mơ thầm kín của mình hồi nhỏ là được đi nhiều nước, gặp nhiều người bạn trong giới nhạc, có dịp giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam cho ấm lòng những đứa con Việt Nam xa xứ, làm cho người nước ngoài, ngang qua lời ca tiếng nhạc, hiểu và thương thêm dân tộc Việt Nam. Nghĩ đến điều này tôi luôn chắp tay tạ ơn Trời Phật đã cho tôi may mắn thực hiện được những mơ ước của mình và có cơ hội gặp gỡ học hỏi những bậc thầy, nhờ đó mà kiến thức ngày càng được mở rộng.

Năm 1962 tôi qua Roma (Ý) dự đại hội của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc với tư cách thành viên của Ban chấp hành và được tiếp đãi như thượng khách. Các thành viên của Ban chấp hành được Đức Giáo hoàng Jean XXIII tiếp và ban phép lành. Tôi thưa rằng tuy không theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng biết đây là một đặc ân nên xin phép Đức Thánh Cha được chuyển phép lành này về cho nhạc mẫu tôi là một người rất sùng đạo. Đức Thánh Cha đồng ý.

Các bạn cùng đoàn nghe vậy bấm nhau cười, vì phần đông đàn ông phương Tây không thuận thảo với mẹ vợ, họ tưởng tôi không muốn nhận phép lành nên nói vậy để thoái thác. Các bạn ấy không ngờ rằng sau đó tôi gởi liền một bưu thiếp có hình Đức Giáo hoàng Jean XXIII về Việt Nam cho nhạc mẫu tôi: “Thưa má, con mới nhận được phép lành của Đức Thánh Cha và được Ngài chấp thuận cho con chuyển phép lành về cho má”. Nhạc mẫu tôi đang bệnh, nhận được tấm bưu ảnh này mừng đến hết bệnh và đem khoe cùng khắp xóm.

Trong năm 1962 tôi có niềm vui lớn là con trai đầu lòng Trần Quang Hải được qua Pháp. Vợ tôi xin phép cho con sang Pháp vừa để thăm cha vừa trị bệnh và chỉ được nhà cầm quyền cho phép đi 3 tháng. Qua tới Pháp, tôi đưa con đi kiểm tra sức khỏe tổng quát và nhờ có giấy bác sĩ chứng nhận cháu Hải đang trong thời kỳ đợi kết quả thử máu, rọi kiếng... để “dục hưỡn cầu mưu”, kéo dài thời gian ở đây.

Tuy nhà chật, Mộng Trung vẫn thu xếp cho Hải ở chung phòng với con trai lớn của em là cháu Thanh. Tôi ghi tên cho Hải học thêm tiếng Pháp tại Alliance Française và học đờn violon tại Nhạc viện quốc tế (Conservatoire International de la Musique). Thuở nhỏ Hải rất đeo theo ba, nay cha con gặp lại, đêm nào sau bữa cơm tối cũng trò chuyện với nhau tới khuya.

Cùng thời gian này tôi được trường Đại học Rabat tại Maroc mời qua thuyết trình về nhạc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi biểu diễn âm nhạc Việt Nam cho dân tộc Á Rập tại một nước vùng Bắc Phi thưởng thức. Đài phát thanh Rabat phát thanh lại buổi nói chuyện của tôi. Một thính giả gởi thơ cho đài phát thanh nói rằng tiếng đờn cò của Việt Nam nghe giống như tiếng đờn Keman, một loại đờn kéo dây của các nước Á Rập. Ngoài ra, nhiều thính giả khác cũng gởi thơ đến đài nói rằng tuy lần đầu tiên được nghe nhạc dân tộc Việt Nam nhưng họ thấy rất quen thuộc, có điều gì đó rất gần gũi với người dân ở đây.

Sau này tôi còn đi đến nhiều nước thuộc khối Á Rập như Algerie, Tunisie để giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đến đâu thính giả cũng thích nghe điệu Sa mạc và cho rằng Sa mạc nghe tương tự như điệu Si Kâh của nhạc Á Rập.

Năm 1962 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp tinh thần của tôi, đó là Nhà xuất bản Đại học Pháp (Presses universitaires de France) khởi công in cuốn luận án tiến sĩ tôi viết về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khi bảo vệ luận án vào năm 1958, do tôi gặp khó khăn về tài chánh nên nhà trường cho phép sử dụng bản thảo đánh máy chớ không bắt buộc phải in thành sách. Luận án của tôi có nhiều chữ Hán, nhiều bảng kẻ để ghi các bài bản ký âm theo phương pháp phương Tây và nhiều hình ảnh. Không nhà xuất bản nào dám bỏ tiền ra in vì nặng vốn lại khó bán bởi luận án là loại sách chuyên môn.

Tôi làm đơn xin tài trợ, không ngờ được tới 2 cơ quan đồng ý. Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tài trợ một số tiền, sách nào do cơ quan này hỗ trợ thì được ghi ngoài bìa: Với sự tài trợ của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học và được đánh giá là có giá trị. Cơ quan thứ nhì không kém quan trọng là Bảo tàng viện Guimet cũng tài trợ để đưa vào bộ sách loại nghiên cứu của nơi này.

Thủ tục kéo dài từ năm 1958 tới 4 năm sau mới hoàn tất. Nhưng nhà xuất bản và hai nơi tài trợ chỉ ký kết hợp đồng in ra 1.000 cuốn chia cho hai cơ quan này mà không để ý đến qui định của Đại học Sorbonne là khi xuất bản luận án, tác giả phải nộp 140 quyển cho tất cả các trường đại học ở Pháp. Do vậy sau khi in xong mới nhớ ra còn thiếu 140 quyển, lúc đó không thể đòi hai cơ quan này tài trợ thêm nữa, nghĩa là chính tôi phải chịu khoản chi phí trên. Nhưng thông cảm hoàn cảnh tôi là một bần sĩ nên nhà xuất bản chỉ yêu cầu tôi ký tên theo đúng thủ tục và cho nợ rồi trừ lần vào tiền tác quyền.

Vì vậy thông thường khi có sách được in, ai cũng có chút ít tiền quyền tác giả, trong khi đó sách của tôi in ra vừa dày vừa đẹp với nhiều hình ảnh, nhưng chẳng những tôi không được tiền nhuận bút mà còn phải mắc nợ tới 6 năm sau mới trả dứt. Sau đó thỉnh thoảng khi bán thêm được sách thì nhà xuất bản gởi trả tiền nhưng không được bao nhiêu vì đây là sách chuyên môn ít người mua.

Tuy mang nợ nhưng tôi rất vui vì có được một đứa con tinh thần. Tôi viết thơ báo tin cho cậu Năm là người thầy dạy nhạc đầu tiên của tôi. Cậu tôi nhờ người nhắn lại: “Cậu rất mừng và nhắc con nhớ trước khi con ra đi, cậu có chúc con sẽ được lưỡng quốc trạng nguyên như Mạc Đĩnh Chi hồi xưa”.

Tôi đọc thơ cậu mà giựt mình, nghĩ bụng được một bằng tiến sĩ đã là may, thời giờ đâu mà làm thêm bằng thứ hai. Không ngờ tới năm 1975 tôi được cấp bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Ottawa đúng theo lời chúc của cậu.

Chỉ tiếc là cậu Năm không còn để chung vui với tôi vì cậu từ trần ngày mùng 6 tháng 10 âm lịch năm 1962. Cậu Nguyễn Tri Khương không chỉ là người thầy mà còn là người đã lo việc giáo thai từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Khi tôi được mười mấy tuổi thì cậu dạy tôi đánh trống. Tôi qua Pháp cậu lại viết thơ cắt nghĩa nhiều chuyện về âm nhạc. Cậu cũng là một nhân vật, nhân chứng trong lịch sử âm nhạc tài tử cải lương miền Nam.

Sau cái chết của cha mẹ tôi, kế đến là cái chết của cô Ba, người thay cha mẹ nuôi dưỡng tôi nên người, thì đây là cái chết làm tôi đau buồn nhứt. Tôi cũng để ý cứ mỗi lần tôi bị xúc động mạnh về tình cảm thì cơ thể tôi cũng yếu lần đi và sau đó thường lâm bệnh nặng.

Tháng 8 năm 1963 tôi đi Jérusalem dự một hội nghị về âm nhạc. Tôi đờn cò và đờn tranh trong một tiết mục của buổi hòa nhạc chung với nhiều nhạc sĩ khác. Trong số thính giả có nhạc sư người Hungary tên Kodaly tham dự, sau đó ông đến gặp tôi và chúng tôi trao đổi quanh vấn đề thang âm ngũ cung là đề tài ông đang nghiên cứu. Ông đã vào độ tuổi bát tuần, tóc bạc phơ mà đôi mắt vẫn sáng, tinh thần hết sức minh mẫn. Được gặp ông tôi có cảm giác như sống trong huyền thoại vì đã nghe tiếng tăm ông từ lâu, thấy tên ông trong sách lịch sử âm nhạc. Tôi không ngờ có ngày được hân hạnh trực diện với ông và tay tôi được nắm tay ông.

Tôi đang chuẩn bị chuyến du ngoạn tới vùng hồ lớn Tibériade thì bị bệnh nặng. Bệnh trĩ lại tái phát, lần này bị vi trùng lao tấn công khiến vết thương cũ sưng lên bể ra làm chảy máu rất nhiều. Ban tổ chức hội nghị cấp tốc cho một người y tá đưa tôi đi máy bay từ Jérusalem về Paris, đưa thẳng vô bịnh viện của sinh viên. Nơi này chỉ chữa trị những bệnh nhẹ, trường hợp của tôi phải điều trị tại bịnh viện chuyên khoa về lao, do đó tôi được chuyển về bịnh viện ở Bouffémont.

Hồi năm 1954 khi rời bịnh viện lao tôi tưởng tình hình sức khỏe đã hoàn toàn yên ổn, không ngờ nay bệnh lại tái phát. Lại thêm nỗi buồn cha con mới gặp lại nhau, chưa chăm sóc được nhiều cho con thì tôi phải vào bịnh viện. Mỗi cuối tuần Hải và Mộng Trung mới tới thăm tôi được một lần.

Tôi đi đến đâu là có nhạc kịch Việt Nam đi đến đó. Hôm nào thấy khỏe trong người, tôi nói chuyện về âm nhạc và kịch nghệ Việt Nam cho các bác sĩ và bệnh nhân tại đây nghe.

Bệnh tôi gần như hết thuốc chữa, rất khó trị vì đã bị lờn thuốc. Bác sĩ nói rằng chỉ còn một cách là thử dùng loại thuốc mới tên Trécator. Nhưng thuốc này rất nguy hiểm, nhiều người uống vào đã phát điên. Muốn được điều trị bằng thuốc này phải ký tên cam đoan không khiếu nại trong trường hợp bị phản ứng thuốc. Ngoài ra tôi phải nằm trong một phòng riêng, vì trước đây có vài trường hợp bệnh nhân bị thuốc hành nên lên cơn bóp cổ y tá, đập bể cửa kiếng. Nghe vậy tôi cũng ngại nhưng đành phải chấp nhận, không còn cách lựa chọn nào khác.

Trong hai tháng điều trị bằng thuốc Trécator, quả nhiên tôi thấy trong người rất bực bội, dễ nổi giận, y tá tới trễ một chút là muốn la rầy. Mỗi lần như vậy tôi lại tự nhủ bản chất mình luôn vui vẻ hòa nhã với mọi người, bỗng nhiên lại thấy muốn bạt tai, rầy la y tá, đó chắc chắn là do tác động của thuốc. Vậy thì tôi phải tự kiểm soát, hết sức kiềm chế không để cho tác động bên ngoài làm thay đổi bản chất của mình. Nghĩ như vậy nên mỗi lần muốn lên cơn tôi tự khắc phục bằng cách bỏ ra ngoài tập điều hòa hơi thở, uống thật nhiều nước lạnh cho qua cơn giận. Tôi uống thuốc này trong 6 tháng mà không bị nổi điên như phần đông những bệnh nhân khác, bác sĩ rất vui lòng và khen ngợi. Thuốc rất có hiệu quả, bệnh lành mau hơn dự kiến. Tháng 2 năm 1964 tôi ra khỏi bịnh viện.

Liền đó tôi được mời qua Ấn Độ để dự hội nghị. Tôi rất thèm được đi bởi lúc này đang nghiên cứu đề tài “Những ảnh hưởng âm nhạc của vài nước châu Á đối với âm nhạc Việt Nam” trong đó có âm nhạc Ấn Độ. Nhưng vì tôi mới khỏi bệnh nên bác sĩ không cho phép đi xa. Chưa bao giờ tôi thấm thía câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” như lần này, việc thực hiện được điều mong ước đôi khi lại không tùy thuộc vào mình. Tôi đành chỉ gởi bài tham luận qua Ấn Độ.

Khi mới vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học CNRS hồi năm 1959, tôi chỉ làm việc bán thời gian để có thời giờ lo cho Trung tâm Nhạc học phương Đông. Tới cuối năm 1962 sau khi mọi việc đã đi vào nề nếp, nghe theo lời khuyên của thầy Chailley, tôi xin làm toàn thời gian để vừa có thể nghiên cứu nhạc Việt Nam tại CNRS vừa đem áp dụng vào thực tiễn tại CEMO.

Năm 1964, ông Alain Daniélou, người đã cùng tôi thành lập Trung tâm nhạc học phương Đông năm 1959 ở Pháp, trong một bức thơ viết từ Berlin cho biết ông vừa được tổ chức Ford Foundation của Mỹ tài trợ một số tiền lớn để thành lập Viện Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu trụ sở đặt tại Berlin (Tây Đức). Lúc đó chiến tranh đang diễn ra giữa hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa. Tây Bá Linh còn một lõm nằm trong lãnh thổ Đông Đức do ba nước Anh, Mỹ, Pháp kiểm soát, phía Mỹ muốn đặt trụ sở này tại Tây Bá Linh coi như là một tiền đồn văn hóa.

Ông Alain Daniélou mời tôi sang cộng tác với ông trong Viện này với mức lương gấp 2 lần ở Pháp. Ông còn hứa lập một Khoa âm nhạc Việt Nam do tôi làm giám đốc, điều kiện đi lại và làm việc cũng dễ dàng như ở CNRS. Đây là một cơ hội mới đưa tới. Tôi suy nghĩ, bàn bạc với thầy và bạn bè đồng nghiệp, mọi người không muốn cho tôi đi nhưng không ai dám khuyên tôi ở lại, vì điều kiện bên Đức đưa ra thuận lợi hơn ở Pháp nhiều.

Tổ chức Ford Foundation dự kiến tài trợ cho Viện nghiên cứu âm nhạc ở Berlin trong 4 năm, sau mỗi đợt sẽ cứu xét để quyết định có tiếp tục tài trợ hay không. Tôi cân nhắc thấy rằng vì có chiến tranh lạnh mới khai sanh ra viện này, vậy thì khi chiến tranh lạnh chấm dứt liệu nó còn tồn tại hay không? Mặt khác con trai tôi vừa mới qua Pháp, hai cha con đang ở nhờ nhà cô em họ Mộng Trung, nay qua Đức làm việc phải bỏ con một mình ở Pháp thiệt tình tôi không yên lòng. Đó là chưa kể nếu qua Berlin phải học thêm tiếng Đức rất vất vả.

Dầu vậy khi có thơ mời tôi sang thuyết trình về âm nhạc Việt Nam tại viện mới thành lập tôi cũng đi thử qua Berlin một chuyến xem sao. Chuyến đi này rắc rối vô cùng!

Trước đây vào năm 1961 tôi sử dụng giấy thông hành của Pháp cấp cho người không có quốc tịch, giấy này đôi khi gây rắc rối cho tôi khi xin nhập cảnh vì có nước e ngại, như lần đi Ba Tư chẳng hạn. Đến năm 1962, anh của Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm làm Đại sứ của Chánh phủ miền Nam tại Pháp ngỏ ý cấp hộ chiếu cho tôi để có thể đi đây đi đó dễ dàng hơn. Vì vậy từ cuối năm 1962 tôi sử dụng giấy thông hành của Việt Nam Cộng hòa.

Đầu tháng 2 năm 1964 tôi lấy vé máy bay đi Berlin vào ngày thứ Ba cho kịp chiều thứ Năm nói chuyện về âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Viện nghiên cứu âm nhạc Tây Bá Linh. Nhưng ngày hôm đó nhiều sương mù nên các chuyến bay đều bị hoãn, sáng hôm sau tôi buộc phải chuyển qua đi xe lửa từ Gare du Nord ở Pháp, xuyên nước Bỉ, ngang qua thành phố Cologne của Tây Đức rồi mới tới Berlin.

Tôi quên mất một điều là mình mang giấy thông hành Việt Nam, hễ ngang qua nước nào cũng phải xin thị thực quá cảnh mặc dầu chỉ ngồi trên xe lửa. Do đó khi tới Bỉ, cảnh sát biên phòng yêu cầu tôi phải tới Tòa lãnh sự Bỉ xin thị thực quá cảnh. Có một chiếc taxi túc trực sẵn tại nhà ga để đưa những người gặp cảnh ngộ như tôi.

Từ nơi này đến văn phòng lãnh sự Bỉ vừa đi vừa về mất nửa tiếng đồng hồ. Nhưng xe lửa chỉ ngừng tại đây có 10 phút, nên khi tôi trở lại thì xe lửa đã rời ga Bruxelles từ lâu. Tôi đành mua vé chuyến xe tốc hành loại TEE (Train Europe Express) hy vọng đi kịp đến Cologne đón đầu chuyến xe lửa vừa rồi để lấy hành lý và tư liệu đã gởi. Ngồi trên xe lửa tôi mới khám phá ra quầy vé đã bán lộn cho tôi vé đi Dusseldorlf! Một lần nữa tôi phải đổi xe đi Cologne.

Chiều tối tới nơi, tôi cẩn thận nhờ nhà ga coi kỹ xem giấy tờ tôi có đầy đủ để ngày mai đi Berlin hay không và được trả lời là hoàn toàn hợp lệ. Sáng hôm sau tôi lên xe lửa đi Tây Bá Linh, tới biên giới thì cảnh sát Đông Đức lên xét giấy tờ đòi phải có thị thực của Đông Đức. Nhưng may lần này chỉ phải đóng tiền 10 mark Tây Đức để được đóng dấu quá cảnh, mặc dầu tôi cũng hơi lo không biết sau này Tòa Đại sứ miền Nam thấy tôi có đi qua Đông Đức liệu có làm khó dễ hay không.

Nhưng vẫn chưa hết rắc rối. Khi xe lửa phải qua trạm kiểm soát trước khi vô Tây Bá Linh, người soát vé cho biết vé xe lửa của tôi ghi đi đến Đông Đức mà giấy thông hành của Chánh phủ miền Nam cấp lại không có hiệu lực tại nơi này. Hóa ra là do người bán vé đã ghi sai: tôi mua vé đi Tây Bá Linh, tiếng Pháp là Berlin Ouest, người đó lại ghi lầm là Ost Berlin, mà tiếng Đức thì Ost Berlin là Đông Đức!

Tôi vào Đông Bá Linh như vậy là bất hợp pháp nên bị buộc phải xuống xe và bị giữ trong một căn nhà nhỏ để đợi lịnh của Bộ Nội vụ Đông Đức. Trời lạnh nên họ đốt lò sưởi lên, tôi thấy vậy rầu trong bụng, nghĩ chắc phải ở đây suốt đêm rồi. Lúc đó là 2 giờ chiều, mà 5 giờ tôi đã phải có mặt để nói chuyện.

Viên cảnh sát biên phòng cho biết nếu tôi có quen ai tại Đông Bá Linh thì người đó có thể bảo lãnh cho tôi được. Tôi nói rằng có quen một giáo sư ở tại Leipzig nhưng viên chức này không chấp nhận vì cơ quan công an biên phòng ở Bá Linh khó liên lạc với Leipzig. Tôi nhớ đến một người quen ở Paris trước đây, nghe nói đang làm đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức là ông Phạm Ngọc Thuần. Họ đi kiểm tra lát sau trở lại cho biết ông Thuần đã mãn nhiệm từ hai năm nay! Nhưng may mắn là người đại sứ mới có biết tôi nên xác nhận tôi chỉ là người nghiên cứu âm nhạc, nhờ đó tôi được quyền đi tiếp sang Tây Bá Linh.

Trong thành phố Bá Linh có đường xe ngầm gọi là U Bahn và xe chạy trên cầu là S Bahn. Thường những xe đi tới vùng Tây Bá Linh thì không chạy qua biên giới Đông Bá Linh, ngược lại xe từ Đông Bá Linh khi ngang qua trạm Tây Bá Linh không được dừng lại. Lần này đặc biệt xe S Bahn phải ngừng cho tôi xuống Tây Bá Linh nên tôi phải ngồi trong một toa riêng cùng với người lính đi kèm, tới nhà ga họ tháo toa xe này để lại đây.

Vừa bước xuống xe tôi thấy mọi người xếp hàng dài, hỏi thăm thì được biết họ chờ xin đóng thị thực nhập cảnh. Lúc đó là 4 giờ chiều, nếu phải chờ đợi tới phiên sẽ trễ giờ, tôi đi thẳng tới hàng đầu trình bày tôi là một nhà nhạc học, cần phải có mặt lúc 5 giờ rưỡi để thuyết trình về âm nhạc nên xin được giải quyết ưu tiên. Họ cho biết đây chỉ là nơi thị thực cho người từ Tây Bá Linh trở về Đông Bá Linh!

Vậy là tôi chỉ cần lên từng lầu trên làm thủ tục đổi tiền, tôi ba chân bốn cẳng chạy lên lầu, đổi tiền xong vội vàng kêu điện thoại cho Viện nghiên cứu Âm nhạc nhưng điện thoại bị bận liên tục. Sau này tôi mới biết vì đã gần 5 giờ chiều mà tôi chưa tới nên Viện đành phải gọi điện khắp nơi xin hồi buổi nói chuyện, lấy lí do vì thời tiết xấu nên diễn giả không tới kịp. Khi tôi bắt được liên lạc, Ban tổ chức mừng rỡ hướng dẫn tôi cách đi taxi tới Viện, một mặt điện thoại thông báo lại cho các nơi mời khách tới dự.

Tôi tới Viện âm nhạc vào lúc 5 giờ 25 phút! Trải qua một cuộc hành trình bão táp, tôi chỉ kịp rửa mặt qua loa rồi bước lên diễn đàn đúng 5 giờ 30 như dự định. Tôi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam có đờn minh họa. Khi đờn tới bản Nam Xuân là một bài đòi hỏi tâm hồn phải hết sức thanh thản, tôi cười thầm trong bụng nghĩ rằng nếu có người tri âm ngồi đây sẽ nhận ra tâm hồn tôi lúc này quả thật không thanh thản chút nào!

Bữa sau tôi lại xin giấy trở qua Đông Đức để lấy hành lý còn gởi trên xe lửa, phải làm đủ thứ giấy tờ cực khổ mới lấy được va li về Tây Đức.

Chuyến đi này mang lại điều lợi là tuy tôi không qua Đức làm việc theo yêu cầu của ông Alain Dniélou nhưng ông vẫn lập một khoa Âm nhạc Việt Nam, trực thuộc Viện nghiên cứu Âm nhạc tại Berlin do tôi phụ trách, có một thư ký riêng làm việc 3 ngày trong tuần giúp tôi tìm tư liệu trong sách báo hoặc trong các viện bảo tàng. Ngoài ra ông còn cho tôi một ngân quỹ để làm dĩa hát.

Nhân dịp bà Bá tước De Chambure qua thăm Việt Nam, tôi nhờ bà tìm gặp giáo sư Nguyễn Hữu Ba nhờ anh ghi âm hai loại nhạc truyền thống ở Huế và ở miền Nam. Bà De Chambure là người giàu có, thích mua sắm nhiều loại nhạc cụ nhạc khí của châu Á hình thành một bảo tàng viện riêng sau đó hiến cho Nhạc viện Paris. Bà cũng có đồn điền cao su ở Việt Nam nên thường xuyên về đây.

Về tới Sài Gòn, bà De Chambure đưa chương trình ghi âm do tôi soạn trước cho anh Nguyễn Hữu Ba. Anh sốt sắng nhận lời, ra Huế ghi âm các loại nhạc cung đình, nhã nhạc, về miền Nam thâu băng nhạc lễ, trống lạy do Tư Huyện chỉ đạo, và ca nhạc tài tử do nhạc sĩ Sáu Tửng đờn, ca sĩ Bạch Huệ ca, nghĩa là thực hiện đầy đủ tất cả những mong ước của tôi. Khi đánh giá được tầm quan trọng của công việc này, chính quyền địa phương miền Nam ngỏ ý cho một số tiền để thực hiện dĩa hát. Giáo sư Nguyễn Hữu Ba liên lạc hỏi ý kiến nhưng tôi không đồng ý và đề nghị chỉ làm trong vòng số tiền của Viện nghiên cứu Âm nhạc Tây Bá Linh tài trợ mà thôi.

Với các loại nhạc do anh Nguyễn Hữu Ba ghi âm tại Việt Nam, tôi thực hiện hai dĩa hát mang tên Việt Nam I và Việt Nam II tại Tây Đức, phát hành vào năm 1967. Cả hai dĩa nhạc này ghi rõ do Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba chỉ đạo nghệ thuật.

Dĩa Việt Nam I sau đó được hai giải thưởng: “Deutscher Schallplatten Preis”, một giải thưởng lớn về dĩa hát của Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1969; đồng thời được Hàn lâm viện Dĩa hát Pháp tặng: “Giải thưởng lớn về dân tộc nhạc học” (Grand Prix: Prix d’ethnomusicologie) vào năm 1970. Các giải thưởng nói trên là phần thưởng “danh dự”, được cấp bằng ban khen chớ không có hiện vật kèm theo. Nhưng điều quan trọng là được ghi ngoài bìa “Phần thưởng lớn cho dĩa hát” (Grand prix du disque) nhờ vậy mà bán chạy hơn.

Khi tôi gởi cho anh Nguyễn Hữu Ba dĩa hát có dán nhãn giải thưởng của Đức và Pháp, anh rất vui mừng và đặt trang trọng trong tủ kiếng tại nhà.

Nhờ ông Daniélou giúp đỡ cho tôi có một cơ sở để nghiên cứu cũng như có thơ ký lo đánh máy các văn bản nên tôi hoàn tất được một bản thảo về Âm nhạc truyền thống Việt Nam vào năm 1965. Đến năm 1967 quyển sách này được xuất bản bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Đức.

Cả hai dĩa hát và cuốn sách đều do Viện nghiên cứu Âm nhạc với phương pháp đối chiếu tại Tây Bá Linh tài trợ, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc đứng tên chủ trì công trình nghiên cứu và hai dĩa hát được mang nhãn hiệu của UNESCO.

Sau khi hoàn thành cuốn sách thứ nhì và phát hành hai dĩa hát, tôi rút ra một bài học kinh nghiệm là đừng sợ không có phương tiện, chỉ cần quyết tâm thì sẽ tìm ra được cách thức thực hiện được điều mình mong muốn. Tôi rất vui mừng khi những ý tưởng trừu tượng hằng ôm ấp trong lòng nay đã hình thành ra những công trình cụ thể.

Trong năm 1964 tôi được lên chức trong Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc, từ Tùy viên nghiên cứu (Attaché de recherche) lên Ủy viên đặc nhiệm (Chargé de recherche), nghĩa là được làm việc vĩnh viễn trong Trung tâm với điều kiện mỗi năm phải hoàn tất ít nhứt một vài đề tài nghiên cứu mới.

Năm này tôi cũng đi dự một hội nghị quốc tế âm nhạc được tổ chức tại Hamburg với tư cách thành viên của Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc. Tôi lại được mời thuyết trình trong một buổi thảo luận quan trọng về đề tài “Đại ca kịch của các nước trên thế giới”.

Dịp này tôi trình bày về những nghệ thuật ca kịch của Việt Nam như hát tuồng, chèo và cải lương. Ban đầu tôi dự định chỉ để băng nhạc minh họa cho bài tham luận, nhưng rất may lúc đó cô Bảy Phùng Há và nghệ sĩ Kim Cương đang có mặt tại Pháp nên tôi mời hai người cộng tác.

Thời gian này Cô Bảy và Kim Cương được mời biểu diễn trích đoạn Lữ Bố hí Điêu Thuyền tại nhà hàng La Table du Mandarin. Tôi thấy trích đoạn này rất hay bèn đề nghị giới thiệu tại hội nghị bên Đức. Muốn vậy cả hai người phải nghỉ hát ở nhà hàng mà còn phải bỏ tiền túi để đi. Còn đang phân vân thì anh Mười chủ tiệm ăn nghe nói vậy bèn đồng ý cho phép cả hai người nghỉ diễn vài bữa tại nhà hàng đồng thời đài thọ luôn tiền vé máy bay.

Nhưng còn một trở ngại là phần nhạc đệm. Tôi nhờ anh Danh - một người giúp việc trong tiệm La table du Mandarin – đờn kìm và đánh trống, còn tôi đờn tranh và đánh chập chỏa. Cô Bảy Phùng Há phải diễn trước cho chúng tôi coi để canh cho nhạc ăn khớp với phần biểu diễn.

Đến khi ra diễn, tôi giới thiệu cô Bảy Phùng Há trong vai Lữ Bố đi qua chiếc cầu gặp Điêu Thuyền rồi ẵm vào lòng. Trong lúc đó Kim Cương đóng vai Điêu Thuyền làm màu mè khóc lóc rất điêu luyện, khán giả vỗ tay khen ngợi từng hồi khiến Kim Cương thích chí gạt nước mắt khóc tiếp. Vậy là phần biểu diễn không còn ăn khớp với nhạc trong cuộn băng thâu sẵn. Đến khi nhạc chuyển sang bài Khốc Hoàng thiên, thấy đã bị lố mấy câu, cô Bảy Phùng Há ứng phó bằng cách giậm chân nhảy phốc qua sông ẵm Điêu Thuyền vào lòng. Khán giả không chú ý nên vẫn vỗ tay khen ngợi như thường.

Nhưng sau buổi diễn có ông Régamey là người rất sành về tuồng Tàu nhận xét rằng ông không thấy Lữ Bố đi qua cầu như lời giới thiệu mà chỉ thấy nhân vật này nhảy qua sông. Trời đang lạnh mà cô Bảy Phùng Há xuất hạn mồ hôi. Cô nói rằng một người am tường chỉ trích mình còn đáng sợ hơn là một trăm người không biết mà khen ngợi mình. Cũng may sau đó ông Régamey trấn an cô Bảy:

- Bà đừng lo, chỉ mình tôi nhận biết điều này mà thôi.

Lữ Bố hí Điêu Thuyền là một lớp cải lương diễn theo phong cách của tuồng cổ nên tôi phải giới thiệu sự cách điệu hóa trong phần biểu diễn, từ câu hát đến điệu bộ. Khi cô Bảy Phùng Há xuất hiện, sân khấu như sáng rực lên, trang phục của cô đẹp đẽ mà nghệ thuật biểu diễn hết sức nhuần nhuyễn. Buổi nói chuyện với phần minh họa rất thành công, tất cả đại biểu say mê thưởng thức, sau khi diễn xong mọi người đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghinh. Tiết mục này được xem là cái đinh của hội nghị, rất nhiều kịch sĩ đến xin chữ ký của hai nữ nghệ sĩ Việt Nam và mời đi ăn tiệc trên sông Hamburg.

Cả ba người chúng tôi đều vui mừng trước sự thành công này. Mười giờ đêm hôm đó, sau khi tan bữa tiệc trở về cô Bảy Phùng Há vẫn còn thú vị rủ tôi cùng đi bách bộ để tận hưởng cảm giác sung sướng vì đã thành công trong việc giới thiệu kịch nghệ Việt Nam ra trường quốc tế.

Sau khi về Pháp, anh Khiêm, bạn tôi ở Thụy Sĩ, mời chúng tôi sang Genève để diễn tại CERN là một cơ quan nghiên cứu về nguyên tử lực. Chuyến đi Thụy Sĩ rất vui, có cả cô Bảy Nam, thân mẫu của Kim Cương, và Mộng Trung cùng đi. “Ông bầu” Khiêm lo đãi ăn trưa và chiều, để cả cháo gà, hủ tiếu cho bữa khuya sau đêm biểu diễn.

Đáng nhớ nhất trong năm 1965 là việc tôi thực hiện một phim về nhạc Ấn Độ, nhân dịp gặp gỡ hai anh em nhạc sĩ vốn sanh trưởng trong một dòng họ mấy đời có truyền thống chuyên hát nhạc cổ điển rất đặc sắc của Ấn Độ là ông Mohinuddin Dagar và ông Aminuddin Dagar.

Tôi đứng ra tổ chức cho hai ông vừa giảng dạy vừa nói chuyện về âm nhạc truyền thống Ấn Độ tại Trung tâm Nhạc học phương Đông và Đại học Sorbonne, đồng thời biểu diễn nghệ thuật hát theo phong cách Dhrupad trong một buổi hòa nhạc do UNESCO tổ chức tại Paris. Kết quả ngoài sự chờ đợi, thính giả đứng dậy vỗ tay rất lâu.

Nhận thấy truyền thống hát Dhrupad quá đặc biệt về mặt âm nhạc cũng như trong nghệ thuật biểu diễn, trong khi đó Viện Nghiên cứu Tây Bá Linh chỉ có duy nhứt một dĩa ghi âm của hai nghệ sĩ thượng thặng này nên tôi nảy ra ý tưởng làm một cuộn phim. Nhưng công việc chính của tôi tại CNRS là nghiên cứu nhạc Việt Nam nên không có quyền nghiên cứu nhạc Ấn Độ. Muốn thực hiện một phim về kỹ thuật hát Dhrupad, tôi phải xin nghỉ việc 3 tháng không ăn lương và tìm cách gây quỹ để thuê phim trường, mướn người quay phim.

Tôi đến gặp ông Pierre Schaffer, Giám đốc “Nhóm nghiên cứu âm nhạc” (Groupe de recherche musicale) của Đài phát thanh Pháp trình bày việc tôi định làm và xin tài trợ. Ông Pierre Schaffer là một nhạc sĩ rất nổi tiếng, cha đẻ của một loại nhạc gọi là “Nhạc cụ thể” (musique concrète): ông khám phá ra những nét nhạc trong từng giọt mưa rơi, tiếng con vụ quay, tiếng xe chạy... và lập ra trường phái này. Khi nghe tôi trình bày về nhạc truyền thống Ấn Độ Dhrupad, ông đồng ý cấp cho tôi 30 ngàn quan và được sử dụng phim trường Cơ quan nghiên cứu của ông để quay phim.

Cuốn phim này là một tư liệu về dân tộc học rất quí đối với những người nghiên cứu khoa học, được ông Gilbert Rouget viết bài khen ngợi trong Bách khoa tự điển La Pléiade về Dân tộc học.

Sau khi phim hoàn tất, tôi làm báo cáo và giới thiệu cuộn phim. Ông Schaffer rất thích thú nên đề nghị để cho ông đứng tên và đọc lời giới thiệu, vì theo ông, tôi chưa có tên tuổi sẽ không gây được sự chú ý. Tôi thấy ông nói có lý nên đồng ý, không ngờ sau đó ông để tên GRM (Group de Recherche Musicale) thực hiện phim, còn tôi chỉ được ghi là cố vấn về âm nhạc. GRM là nhóm nghiên cứu âm nhạc do ông Schaffer làm giám đốc.

Nghiệp đoàn trong CNRS rất bất bình cho rằng ông Schaffer cướp công của tôi nên đề nghị tôi kiện nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã thực hiện được mong ước của mình, khi làm xong rồi thì ai đứng tên đối với tôi không quan trọng. Tôi làm việc này không phải vì danh hay vì lợi mà vì tấm lòng đối với những giá trị truyền thống đẹp đẽ cần được lưu giữ. Hơn nữa, trước đó tôi vận động khắp nơi nhưng không ai chịu cho tiền, cũng nhờ ông Schaffer bỏ tiền ra mới có phim này nên coi như tôi chịu ơn ông. Ông lại là người có tên tuổi, tôi không muốn vì một chuyện nhỏ mà đi kiện cáo làm mất uy tín của ông. Hơn nữa trên thực tế mọi người đều biết chính tôi là người thực hiện phim đó. Nghiệp đoàn rất bất bình khi tôi không chịu ký tên vào đơn kiện ông Schaffer và nhóm nghiên cứu GRM.

Không ngờ hai năm sau, ông Schaffer được Chánh phủ Pháp bổ nhậm vô Ủy ban xét duyệt tất cả những đề án và báo cáo nghiên cứu về âm nhạc của nhân viên Phân bộ “Nghiên cứu văn học và âm nhạc” mà tôi trực thuộc. Ông biết chuyện tôi không kiện ông theo ý kiến của nghiệp đoàn và có lẽ cảm kích về điều này nên từ đó trở đi đã hết lòng giúp đỡ và dành cho tôi nhiều ưu tiên. Chẳng hạn nhóm nghiên cứu của ông mời tôi nói chuyện 10 buổi trên Đài phát thanh về âm nhạc truyền thống châu Á, khi tôi xin 10 ngàn quan để mua băng từ, phim ảnh, thì ông duyệt cho 15 ngàn quan. Tôi xin việc gì hay cần đi đâu đều được ông giải quyết. Ông luôn sẵn sàng ủng hộ tôi, những năm sau đó tôi được lên chức trước thời hạn đều do ông đề nghị.

Những điều tôi nhận lại nhiều hơn cả chục lần so với việc tôi đã chịu thiệt thòi khi thực hiện phim về nhạc Ấn Độ. Đó cũng là một bài học trong đời cho tôi: xử sự với tình người thường được trả lại bằng tình người.

Việc thực hiện cuốn phim này là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời nghiên cứu của tôi. Mặc dầu không phải là nhà làm phim, nhưng với tầm nhìn của người nghiên cứu tôi đã lưu giữ được hình ảnh về việc biểu diễn theo phong cách Dhrupad của hai bậc kỳ tài về âm nhạc truyền thống Ấn Độ.

Sau khi ông Mohinuddin qua đời, chánh phủ Ấn Độ xin chép lại phim tư liệu này để lưu trữ vì chính Ấn Độ cũng không có phim nào đầy đủ về cách hát theo truyền thống Dhrupad như vậy.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 5: Chuyện gia đình

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên