26/06/2015 15:46 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê - Kỳ 5: Chuyện gia đình

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Trở về Pháp, tháng 10-1968 tôi nhận được giấy của Tòa án Sài Gòn báo tin đã chấp thuận cho vợ chồng tôi được ly dị.

GS Trần Văn Khê cùng 2 em Văn Trạch và Ngọc Sương tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người
>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống

Khi rời đất nước tôi dự định chỉ đi hai năm, nhưng rồi có nhiều chuyện xảy ra khiến mọi việc không theo đúng sắp xếp ban đầu. Một mặt tôi bị bệnh phải nằm bịnh viện mất ba năm, tôi nhân dịp đó mà ghi tên làm luận án tiến sĩ.

Tôi ra khỏi bịnh viện vào năm 1954 thì luận án chưa xong. Đến năm 1958 sau khi hoàn thành luận án, Hiệp định Genève đã được ký kết, miền Nam có chánh phủ mới khiến tôi lo ngại không muốn về vì thời gian sống tại Pháp tôi kết thân với các anh em thuộc phe kháng chiến, nhưng cũng không muốn về Hà Nội vì gia đình tôi sống tại Sài Gòn.

Trong lúc còn đắn đo, tôi tiếp tục học thêm và làm việc kiếm sống. Năm 1959 tôi được nhận vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, được chánh phủ Pháp trả tiền để tôi có thời giờ và điều kiện thuận tiện nghiên cứu nên tôi không thể bỏ qua cơ hội này.

Quả thật là tôi đã không làm tròn phận sự người chủ gia đình, để gánh nặng cơm áo trút lên vai vợ tôi. Nhưng trong thâm tâm cũng như trên thực tế không lúc nào tôi quên trách nhiệm người chồng, người cha. Mỗi dịp lễ Tết, tựu trường, mỗi khi nghe tin các con đau ốm tôi đều tìm cách gởi tiền, gởi quà về cho vợ con trong khả năng của mình.

Nhưng vì thời gian xa nhau quá lâu, vợ tôi có một số lý do riêng để xin ly dị. Khi vợ tôi cương quyết đưa đơn lần thứ ba, tôi đã chấp nhận. Đây là một cuộc ly dị vì hoàn cảnh, chúng tôi không oán hận gì nhau và cho đến nay vẫn đối xử với nhau như hai người bạn tốt.

Về phần các con tôi, sau khi Hải qua sống với tôi từ năm 1962, tôi dự định đem con gái lớn là Thủy Tiên qua Pháp sau khi cháu học xong tú tài. Nhưng Thủy Tiên có tình cảm với một người bạn trai nên không thiết tha chuyện này và đến năm 1967 thì lập gia đình. Năm 1968 Thủy Tiên sanh con gái đầu lòng đặt tên là Diễm Tiên, đây là đứa cháu đầu tiên và từ năm đó tôi được lên chức ông ngoại. Ba năm sau Thủy Tiên có thêm đứa con nữa là Đào Tiên.

Con trai thứ của tôi là Trần Quang Minh lúc đó đang học Đại học Kiến trúc. Minh rất thương yêu mẹ, muốn ở kề bên chăm sóc nên cũng không thích đi Pháp. Năm 1971 Minh lập gia đình theo sự chọn lựa của mẹ. Trần Thị Cẩm Vân, vợ Minh, là một người vợ hiền dâu thảo, khéo léo đảm đang. Biết vậy tôi hết sức mừng cho con. Còn lại đứa con gái út, tôi tìm cách đưa Thủy Ngọc sang Pháp sống với tôi.

Qua năm 1969 lần đầu tiên tôi tới Madrid nói chuyện trong một trường đại học. Mấy năm trước nơi này đã từng nhiều lần mời tôi sang nhưng vì lúc đó Tướng Franco, một nhà độc tài khét tiếng, đang cai trị Tây Ban Nha với chế độ khắc nghiệt nên tôi thoái thác không đi. Năm 1969 Franco bị lật đổ, tình hình nước này đã thay đổi nên tôi nhận lời qua nói chuyện âm nhạc Việt Nam tại Đại học Madrid.

Tôi cũng qua Berlin dự hội nghị với tư cách là thành viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu âm nhạc. Tôi nói chuyện về “Cách dạy âm nhạc tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam”. Lúc đó tuy chưa về Việt Nam nhưng tôi có liên hệ với nhiều người bạn dạy trong trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn như anh Nguyễn Hữu Ba, anh Vĩnh Bảo và Thúy Hoan, ở miền Bắc thì bạn Lưu Hữu Phước có cho tôi biết về chương trình dạy nhạc qua thơ từ.

Trung tâm nhạc học phương Đông của tôi thành lập từ năm 1959 đến khi đó được tròn 10 năm. Lớp đờn tranh của tôi có những học trò như nữ ký giả Minh Đức Hoài Trinh, có Thúy Dung là con dâu của bà De Chambure, cháu An là con nuôi của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Đó là ba học trò siêng học nhứt. Ngoài ra còn nhiều người Pháp, người Mỹ và một số sinh viên của tôi tại Đại học Sorbonne cũng theo học lớp đờn tranh.

Một trong những học trò giỏi nhứt là Trần Quang Hải, con trai tôi. Ngoài đờn tranh, Hải còn học đờn nhị Trung Quốc với Cheng Shui Cheng, học đánh trống Ba Tư với ông Chémirani, học đờn vina của Ấn Độ với ông Nageswara Rao, môn nào cũng giỏi nên trong trường ai cũng khen.

Hàng tuần vào chiều thứ bảy tôi dạy một buổi lý thuyết về ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á, từ Ba Tư, Ấn Độ đến Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ, những lần làm bài trắc nghiệm thì Hải đều được điểm cao hơn mọi người nhờ có trí nhớ tốt.

Trước khi sang Pháp, Hải đã học đờn violon ở Sài Gòn với một người bạn của tôi là anh Đỗ Thế Phiệt. Khi Hải mới qua, tôi cho con tiếp tục học đờn violon ở Nhạc viện Quốc tế. Một bữa tôi có hẹn với người bạn là ông Yehudi Menuhin, một nhạc sư đờn violon lừng danh thế giới. Hải vẫn ngưỡng mộ ông Menuhin từ lâu và ước ao được dịp đờn cho ông nghe để ông đánh giá về tiếng đờn violon của mình.

Khi được ông Menuhin bằng lòng tiếp, Hải theo tôi đến gặp ông mà trong lòng rất hồi hộp. Nghe Hải đờn xong ông thẳng thắn nhận xét rằng trình độ của Hải ở mức trung bình, chỉ có thể đi dạy đờn thôi chớ không thể thành một tài năng biểu diễn được.

Con tôi về nhà buồn vô hạn, sau đó mấy ngày Hải dẹp đờn violon và xin tôi cho học đờn tranh. Thấy con tự ý quyết định như vậy tôi rất mừng. Hải tiếp thu rất mau nhờ tai nghe thính và trí nhớ tốt, trong vòng 5 năm đã có bằng tốt nghiệp của Trung tâm Nhạc học phương Đông.

Đây là một phần thưởng cho tôi, mặc dầu khi thành lập trung tâm này tôi luôn hết lòng dạy dỗ học trò mà không hề nghĩ có ngày con mình sẽ vào đây học. Vậy mà cuối cùng thì hai đứa con của tôi được hưởng thành quả cao nhứt, một phần nhờ chúng ở sát bên nên luôn được tôi chú ý chỉ dẫn từng chút một.

Tôi cũng cho Hải học tại trường Lý luận nghệ thuật (Ecole du Louvre) để có thêm kiến thức về kiến trúc, hội họa. Tôi muốn đào tạo cho con có một vốn hiểu biết về mọi lãnh vực của nghệ thuật chớ không chỉ dừng lại ở âm nhạc.

Ngoài ra, mùa hè tôi cho Hải qua Anh quốc học ở trường Cambridge để trau dồi tiếng Anh và học thêm môn thảo thơ từ về thương mại. Tôi cho con tiền học phí, vé máy bay, tiền xe đi học mỗi ngày và tiền tiêu xài vừa đủ, một phần vì khả năng tôi có hạn, phần khác tôi cũng muốn tập cho con tánh tiết kiệm trong việc chi tiêu.

May mắn là con tôi không những rất ngoan mà lại khéo tính toán, biết dùng số tiền đi xe buýt mua một xe đạp cũ để không tốn tiền di chuyển. Đến lúc trở về Pháp, Hải bán lại chiếc xe mà không bị lỗ bao nhiêu. Chiều tối Hải đi rửa chén ở mấy tiệm ăn để có tiền học thêm và mua quà gởi về cho mẹ cũng như các em. Chỉ trong vòng tám năm, con trai tôi đã lãnh hội khá nhiều kiến thức về ngôn ngữ, âm nhạc và cuộc đời.

Trong cuộc sống riêng thì năm 1969 có nhiều việc vô cùng quan trọng đối với tôi. Suốt 10 năm qua tôi ở nhờ nhà của Mộng Trung. Hàng ngày em lo cơm nước cho tôi còn tôi giúp em trong việc dạy dỗ mấy đứa cháu. Mỗi năm hai anh em đều làm thơ chúc mừng nhau trong dịp sinh nhựt. Mộng Trung giúp tôi trong những chuyến đi nói chuyện về âm nhạc tại Bỉ, Thụy Sĩ. Hễ nơi nào gần nước Pháp em đi cùng với tôi rồi sau đó trở về, còn tôi tiếp tục đi thêm một số nơi xa hơn.

Trong suốt 10 năm đó chúng tôi làm được khá nhiều việc như thâu thanh chương trình âm nhạc Việt Nam và nhiều vở kịch lấy từ văn học dân gian như Trương Chi Mỵ Nương, Nguyễn Kỵ và người đào nương, giới thiệu kịch Tục lụy của Lưu Hữu Phước trên đài BBC. Mộng Trung tập vai rất mau, tình nguyện làm không công chớ không nhận thù lao vì em có cơ sở làm ăn đủ sống.

Chính em cũng là người chạy tiền, lo giấy tờ cho con gái tôi là Thủy Ngọc qua Pháp. Thủy Ngọc nhiều lần xin đi Pháp nhưng không được nên Mộng Trung tìm cách nhờ người quen tại Việt Nam lo giấy tờ cho đi theo một đoàn hành hương đến Fatima (Bồ Đào Nha), cùng đi với chồng của Mộng Trung mà Thủy Ngọc gọi là dượng Sáu. Chồng Mộng Trung qua tới Fatima rồi tìm đường sang Pháp để gặp vợ con, còn tôi đón Thủy Ngọc tại phi trường Thụy Sĩ khi chuyến bay quá cảnh tại đây.

Bạn tôi là anh Cao Mạnh Khiêm, chủ tiệm ăn tại Thụy Sĩ, đưa tôi đến phi trường Genève đón Thủy Ngọc. Trong khi đứng chờ, tôi xúc động không thể tưởng tượng được. Khi tôi rời đất nước ra đi, con tôi còn nằm trong bụng mẹ, đến nay đã là một thiếu nữ 19 tuổi.

Tại sân bay Genève, vì chờ tìm hành lý nên Thủy Ngọc đi ra rất trễ, tôi chờ đợi lâu có cảm giác không thể chịu đựng nổi nữa. Khi nhìn thấy một thiếu nữ đội chiếc nón lá bước ra, tôi mừng rỡ chạy lại ôm con, nhưng Thủy Ngọc chỉ kêu một tiếng “ba” rất nhỏ rồi lặng thinh. Sau này con tôi kể lại lúc đó suýt buột miệng gọi tôi bằng “ông”, phải ráng hết sức mới thốt lên được tiếng ba vì chưa quen cách xưng hô mới mẻ này, mặc dầu từ nhỏ Thủy Ngọc vẫn khao khát được gọi tiếng ba đến độ khi đi lễ nhà thờ, thay vì gọi các linh mục “thưa cha” thì con tôi lại nói nhỏ “thưa ba”.

Anh Khiêm dành hai phòng ngủ trên lầu tiệm ăn của anh cho cha con tôi, còn gia đình anh buổi tối sau khi đóng cửa tiệm thì về nghỉ ở ngôi nhà vùng ngoại ô. Thủy Ngọc không có thị thực nhập cảnh vô nước Pháp, may nhờ một anh bạn là giáo sư tại Genève tên Vĩnh Bang cho mượn giấy thông hành của con gái anh cùng một tuổi và cũng mang kiếng cận thị như Thủy Ngọc để phòng hờ. Anh tự mình lái xe mang bảng số Thụy Sĩ đưa Thủy Ngọc vượt qua biên giới tới đất Pháp nên không bị xét hỏi giấy tờ.

Hai cha con tôi đi xe lửa đêm về Gare de Lyon ở Paris. Hải đón cha con tôi tại đây, gặp Thủy Ngọc hai anh em ôm nhau khóc òa. Nhà Mộng Trung lúc đó đã quá chật chội, Hải phải ở chung phòng với con trai lớn của Mộng Trung, hai con gái Mộng Trung ở trong phòng của mẹ, ba đứa con trai ở trong phòng khách. Tôi có được một phòng riêng vừa đủ đặt cái giường, một bàn viết và tủ sách. Thời gian này Mộng Trung đau nặng nằm luôn trong bịnh viện vì căn bệnh ung thư từ năm 1967, phải trải qua nhiều lần giải phẫu trong suốt hai năm trước đó.

Đối diện nhà Mộng Trung là nhà của vợ chồng bà Roch người gốc Do Thái, hai gia đình vẫn qua lại thân mật, bà vợ dành cho Thủy Ngọc một phòng để ở tạm. Bà rất thương Thủy Ngọc mà con tôi cũng coi bà như người mẹ thứ hai, các con của họ quí mến Thủy Ngọc như em gái trong nhà. Ban ngày Thủy Ngọc qua chơi và ăn cơm với tôi, buổi tối về nhà bà Roch ngủ.

Thời gian đầu mới qua, có lẽ mang nhiều mặc cảm nên Thủy Ngọc không cởi mở, hai cha con tuy ở gần nhau nhưng dường như có một khoảng cách. Hai tháng sau đó khi tôi đi dự hội nghị bên Đức, Thủy Ngọc viết một bức thơ cho tôi bày tỏ sự thương nhớ, đó là lần đầu tiên con gái tôi thể hiện tình cảm đối với cha.

Cha con ở riêng quá bất tiện nên tôi phải tính chuyện mua nhà. Một đồng nghiệp trong CNRS bán cho tôi một căn nhà ở vùng Villejuif với giá không cao lại cho nợ, khi nào có tiền sẽ trả sau. Thủy Ngọc rất mừng vì không còn phải ở đậu nhà người khác nên hăng hái lo dọn nhà.

Tôi thu xếp cho hai con về nhà mới trước còn tôi chưa dọn khỏi nhà Mộng Trung vì em vừa mới qua đời. Nếu tôi đi ngay thì tội nghiệp cho các cháu, mới vừa mất mẹ nay lại thiếu cậu, trong nhà không có người lớn sẽ thấy bơ vơ. Vì vậy ban ngày tôi ở với hai con, tối về với hai cháu, các con tôi cũng thông cảm mà không buồn. Hàng ngày ba cha con ăn cơm chung, chuyện trò về những phương pháp giống như tôi dạy đờn, nghĩa là chỉ dạy các nguyên tắc cơ bản từ cách đi chợ tới cách chọn mua thức ăn rồi con tôi theo đó mà chế biến. Thời gian đầu tôi nấu ăn cho các con, về sau Thủy Ngọc tập lần rồi tự nấu còn ngon hơn tôi.

Ngay khi Thủy Ngọc tới Pháp, ngày hôm sau tôi lên Sở Cảnh sát Paris gặp người chuyên phụ trách về người Việt Nam. Ông này rất khó tánh nhưng riêng đối với tôi ông có cảm tình vì thường coi tôi biểu diễn hoặc nói chuyện tại các dạ hội của người Việt. Tôi nói thật hoàn cảnh mình với ông, tôi có ý định lập nghiệp luôn ở đây nên xin đem con qua mà không được nên đành phải tìm cách đưa sang bất hợp pháp. Tôi xin chịu nộp tiền phạt để có thể giữ con ở lại đây. Ông thông cảm nên cấp cho Thủy Ngọc giấy tạm trú, đến khi bắt đầu đi học sẽ được cấp giấy hàng năm theo tiêu chuẩn của sinh viên. Tôi rất vui mừng vì chỉ trong một ngày đã giải quyết được giấy tờ hợp pháp cho con.

Thời gian đầu ở Pháp, thấy các học trò của tôi đờn tranh giỏi Thủy Ngọc rất khâm phục, nhưng không ngờ chỉ ba năm sau con gái tôi đã có thể chỉ dẫn lại cho một vài người trong số đó. Thời gian đầu tôi để cho Hải dạy, thấy em gái học chậm thì Hải rầy la làm Thủy Ngọc thối chí đem đờn trả cho tôi và nói: “Anh Hai nói con ngu quá, chắc con học đờn tranh không được”. Tôi phải an ủi và lãnh phần dạy con cho vừa với sức học của nó.

Tuy không xuất sắc như anh nhưng Ngọc rất siêng năng, cuối cùng tính ra số bài bản Thủy Ngọc biết còn nhiều hơn cả Hải và lại đờn rất chững chạc. Hải có óc sáng tạo còn Thủy Ngọc thì theo đúng lề lối. Hai tháng sau ngày đầu tiên làm quen với cây đờn tranh, nhân có một kỳ thi tại Pháp, tôi giới thiệu con gái với Ban giám khảo nhờ đánh giá tiếng đờn mặc dầu Thủy Ngọc chưa học đủ bài bản để thi cuối năm. Không ngờ mọi người lại khen, lần đó Thủy Ngọc được giải khuyến khích “Lời khen đặc biệt của Ban giám khảo”. Liên tiếp mấy năm Thủy Ngọc đều được điểm cao nhứt trong các kỳ thi.

Các con tôi ở với cha nhưng lại xa mẹ cũng là một thiệt thòi, nên tôi cố gắng vừa nghiêm như cha mà dịu dàng như mẹ, cố làm tròn bổn phận với con, chú ý việc học hành để chuẩn bị nghề nghiệp cho các con sau này.

Khi mua nhà vào tháng 8 tôi hơi e ngại, vì suốt 10 năm qua tôi sống êm ấm với mấy mẹ con Mộng Trung, sợ rằng khi em lành bệnh trở về nhà chắc chắn sẽ buồn thấy tôi đã dọn ra riêng. Nhưng tới đêm 3/9/1969 thì Mộng Trung qua đời. Đây là một mất mát lớn lao vì tôi không chỉ mất một đứa em mà còn mất một người tri âm tri kỷ.

Khi hay tin dữ, tôi xúc động viết mấy câu thơ:

Dây đờn sớm đứt tắt âm thanh
Hoa héo lá rơi vội tách cành
Gián đoạn nguồn thơ nay đã cạn
Đau lòng tử biệt thấu trời xanh.

Khi Mộng Trung sắp từ trần có ngỏ ý xin được các thầy Nhất Hạnh và thầy Thiện Châu là những tu sĩ Phật giáo có uy tín tại Pháp làm lễ cầu siêu cho em. Vì vậy trong đám tang của Mộng Trung tôi vinh hạnh mời được hai thầy đến tụng niệm. Tôi ý thức được rằng tình cảm của các thầy đối với tôi rất sâu đậm mới chấp nhận cùng có mặt trong một dịp như vậy. Đến nay tôi vẫn còn giữ cuộn băng hai thầy tụng kinh cầu siêu cho Mộng Trung. Một lần nữa trong đời tôi lại có cái may được thấy vì cảm tình đối với mình mà mọi người có thể xóa đi những điểm bất đồng để đến với nhau.

Mộng Trung không còn, kể từ đó tôi mất đi một người cộng sự trong công việc, một người góp ý sáng suốt trong cuộc sống, nhắc nhở cho tôi tránh những sai lầm. Tôi làm một bài thơ nói lên nỗi niềm của mình:

Nghẹn ngào vĩnh biệt bạn tri âm
Chia khổ chung vui được mấy năm
Cảnh khó vượt qua nhờ nhứt trí
Đường dài đi suốt bởi đồng tâm
Nhạc thơ có bạn thêm phong phú
Chánh trị nhờ em đỡ lạc lầm
Cõi thế từ nay em vắng bóng
Bao giờ đáp được nghĩa tình thâm

Tôi dồn hết tình cảm vào việc lo lắng dạy dỗ các con nhờ đó mà vượt qua được cảnh khổ. Mộng Trung vừa qua đời thì vào cuối tháng đó tôi ngã bệnh. Tôi bị sạn thận, viên sạn này di chuyển liên tục nên rất khó khăn cho việc giải phẫu, vết mổ dài phải may tới 27 mũi. Đây là một cơn bệnh “thập tử nhất sanh” nhưng tinh thần tôi vẫn vững vàng, tin tưởng vào sức đề kháng của cơ thể cộng với quyết tâm muốn sống để còn có thể làm được nhiều chuyện.

Tôi được tiêu chuẩn nằm một mình một phòng tại “Trung tâm nội ngoại khoa” ở vùng Porte de Choisy, một trong những bịnh viện tối tân nhờ được tài trợ đặc biệt của Hội Tương trợ của Bộ Quốc gia Giáo dục. Trong khi còn đang nằm trị bệnh tôi có khách đặc biệt tới thăm.

Đó là hai nghệ sĩ dân ca Phương Oanh và Ngọc Dung thuộc nhóm Hoa Sim từ Việt Nam qua Pháp biểu diễn. Bác sĩ nghe ồn ào, vô phòng thấy hai cô đang hòa nhạc nên không cho vì tôi còn đang sốt. Tôi nói với bác sĩ rằng đối với tôi việc nghe nhạc cũng hiệu nghiệm không thua gì uống thuốc, tôi đang bị sốt vậy mà chỉ mới nghe mấy khúc dạo đầu đã thấy trong người khỏe khoắn và vui vẻ. Theo lệ thường bịnh viện cấm không được gây ồn ào làm ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân, nhưng nhờ tôi ở phòng riêng nên bác sĩ vui vẻ cho phép và bắt tay chúc tôi mau khỏe.

Hết nạn nọ đến nạn kia, tháng 2 năm 1970 tôi đi dự buổi họp mặt nhân dịp Tết của Việt kiều, khi xuống thang lầu tôi bị trật chân đau đến độ không đi tiếp được nữa, bạn bè phải đưa tới bịnh viện. Máu tụ làm chân tôi sưng lên nên bác sĩ phải dùng kéo cắt đôi giày ra, chụp phim X quang thì thấy đây là trường hợp rất lạ thường: các sợi dây chằng bên cổ chân mặt bị đứt hết! Ngày hôm sau một giáo sư bác sĩ khác vô thăm bệnh cũng ngạc nhiên, ông đề nghị được đưa học trò tới coi một trường hợp hiếm hoi vì thường người khác chỉ đứt một vài sợi dây chằng mà thôi. Nhưng như vậy thì tôi phải ráng chịu đau, cử động chân cho học trò có thể so sánh cả hai chân ngang qua hình chiếu bằng X quang.

Tôi nhớ ngày xưa học trường Thuốc cũng có khi đã làm cho người bệnh vừa mệt vừa khổ để học hỏi. Nay thì có vay có trả, mình từng được học trên người bệnh thì giờ đây mình làm người bệnh để người khác học. Mặt khác tôi cũng hiếu kỳ muốn biết coi chân mình bị thương lạ thường ra sao. Các bác sĩ đặt một máy truyền hình lớn trên cao, bên dưới đặt máy X quang, ông thầy chỉ cho sinh viên thấy rõ chân phải bị đứt hết các sợi dây chằng trong khi chân bên trái còn đủ. Tôi đau không thể tưởng tượng nổi nhưng cắn răng chịu đựng. Khi xong rồi ông giáo sư nắm tay tôi cảm ơn, nhận xét rằng dân Việt Nam cũng như người châu Á chịu đau giỏi hơn người Âu rất nhiều. Sau đó đích thân ông mổ cho tôi, băng bột cẩn thận và nói rằng rất mong một ngày nào đó nghe tôi báo cho biết là đã khiêu vũ được rồi thì coi như ông thành công.

Ba tháng đầu tôi phải nằm yên một chỗ, sau đó có thể ngồi nhưng không được đứng. May mắn lúc đó tôi được hai con Hải và Ngọc hết lòng chăm sóc. Nằm nhà suốt ba tháng rất buồn nên tôi xin bác sĩ cho phép đi dạy học một tuần hai lần, tôi hứa chỉ ngồi dạy chớ không đứng.

Học trò rất mừng khi gặp lại tôi. Những lúc giảng bài say sưa tôi quên bẵng nên đứng phắt dậy thì học trò phải la to: “Thầy ơi! Ngồi xuống!” Buổi dạy nào học trò cũng phải nhắc nhở hai ba lần khiến lớp học thêm vui.

Vừa bỏ được gậy, đi đứng hơi vững vàng thì tháng 8 năm 1972 tôi được mời dự Nhạc hội Shiraz lần thứ ba. Lần này có Hải cùng đi, hai cha con tôi hòa đờn Việt Nam trong một tiếng đồng hồ. Tôi giới thiệu ngắn gọn các tiết mục bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, được dịch ra tiếng Ba Tư.

Tôi nhớ lại trong năm đầu tiên chỉ đờn trong 15 phút, cho đến năm nay thì Ban tổ chức dành cho được một giờ, chứng tỏ thính giả chịu nghe nhạc Việt Nam vì nhận thức được giá trị nghệ thuật của nó. Tôi cũng vui vì được đi với đứa con trai đầu lòng mà tôi mong ước sẽ là người tiếp sức với mình trong việc giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.

Ngoài việc tham dự buổi hòa nhạc, tôi còn được mời tham luận hội thảo quốc tế về kịch nghệ sân khấu của châu Á. Dịp này tôi giới thiệu sơ bộ những điểm khác nhau và nét đặc biệt của sân khấu tuồng, chèo và cải lương Việt Nam.

Đi đứng chưa thật vững, vậy mà từ Shiraz trở về tôi đã phải tiếp tục khăn gói lên đường đi Stuttgart (Tây Đức) gặp gỡ với các giáo sư dạy âm nhạc cho học sinh trung học. Cũng như ở Pháp, các giáo sư Đức chỉ rành về âm nhạc châu Âu mà không am tường nhạc châu Á. Trong bài giới thiệu về âm nhạc châu Á, tôi phân tách những điểm tương đồng lẫn dị biệt giữa âm nhạc các nước châu Á.

Tôi chia châu này thành những “khu vực văn hóa” trong đó khu vực Đông Á có Trung Quốc, Nhựt Bổn, Triều Tiên, Mông Cổ và Việt Nam, các khu vực khác như Đông Nam Á lục địa gồm Thái Lan, Campuchia, Lào và Miến Điện; Đông Nam Á ngoài biển khơi như Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, lấy ba yếu tố làm tiêu chuẩn: nhạc khí, thang âm và cách biểu diễn.

Bài nói chuyện được các bạn ở Đức rất hoan nghinh. Sau này tôi thêm nhiều chi tiết cho bài thuyết trình và được Ban biên tập của chương trình “Viết lại lịch sử âm nhạc thế giới” do UNESCO đề xướng chọn làm tư liệu để các nước khác tham khảo.

Trich Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

>> Kỳ 6: Bôn ba bốn biển năm châu

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên