24/06/2015 15:14 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê 1: kỳ 1 Thơ ấu vào đời

GS TRẦN VĂN KHÊ
GS TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc của Việt Nam vừa qua đời sáng nay (24-6). Tuổi Trẻ online mời bạn đọc cùng nhìn lại cuộc đời của ông - một cuộc đời mà ông đã cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc cổ truyền của dân tộc - qua những trích đoạn Hồi ký Trần Văn Khê:

Gia đình giáo sư Trần Văn Khê năm 1976 - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Thời Thơ ấu

Gia đình bên nội

>> Nghe audio Gia đình nội ngoại

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình hai bên nội ngoại đều trong giới nhạc truyền thống.

Cố nội của tôi là ông Trần Quang Thọ, trước kia ở trong ban nhạc cung đình Huế, vào Nam lập gia đình sanh ra bảy người con mà nối nghiệp cầm ca chỉ duy nhất có ông nội tôi tên Trần Quang Diệm. Theo truyền thống trong Nam, người con đầu lòng được gọi thứ hai, vì vậy ông nội tôi tuy là con thứ tư nhưng trong làng gọi là ông Năm Diệm.

Ông nội tôi có sáu người con: hai nam, bốn nữ. Trong số các con gái có cô thứ ba của tôi tên Trần Ngọc Viện, thường gọi là cô Ba Viện, ngoài tài may vá thêu thùa rất khéo, cô còn đờn tranh, đờn tỳ rất hay. Cô Ba nuôi cả gia đình bằng nghề may.

Cô tôi lấy chồng được hơn một năm, sanh người con đầu lòng nhưng chỉ nuôi được ba tháng thì mất. Sau đó không lâu dượng Ba tôi cũng từ giã cõi đời. Cô tôi còn trẻ, đẹp, có tài mà đã sớm trở thành quả phụ, gia đình bên chồng cho cô trở về quê, nhưng cô tôi lên Sài Gòn để dạy nữ công gia chánh trong trường Áo tím Nữ học đường. Sau lần đi dự đám tang cụ Phan Châu Trinh, cô bị sa thải nên trở về làng sanh sống.

Cha tôi tên Trần Văn Chiều, thường gọi là Bảy Triều, biết đờn cò, đờn độc huyền (đờn bầu), đặc biệt rất thiện nghệ về đờn kìm và đã chế ra cách lên dây Tố Lan mà cả giới nhạc sĩ tài tử trong Nam đều biết.

Mỗi khi ba tôi đờn Tứ đại oán cho cô Sáu Ngọc ở Rạch Gầm ca thì bà con trong làng tụ tập rất đông phía trước sân và bên vách nhà tôi để nghe. Có lần, người nghe chen chúc nhau làm sập cả vách tre. Tôi tuy mới lên năm sáu tuổi mà đã thích nghe hòa nhạc, nhưng phải núp phía trong buồng ngủ, dựa tai vào vách để nghe vì theo kỷ luật trong gia đình con nít phải đi ngủ sớm.

Ba tôi từ nhỏ đã rất thông minh, học giỏi và thích tập thôi miên. Thời đó ở Sài Gòn có trường lớn nhất là Trung học Chasseloup Laubat chỉ dành cho người Pháp và con của công chức chánh quyền thuộc địa. Nhờ sự gởi gắm của vài người quen có uy tín mà ba tôi được vào học ở trường này.

Ba tôi ưa đờn ca nên nhiều lần dùng thuật thôi miên làm cho giám thị ngủ mê để đờn chơi với các bạn cùng ở nội trú trong trường. Ba tôi lại thường thôi miên chữa bệnh cho bạn bè bị nhức đầu, nóng lạnh hoặc mất ngủ. Vì cho nhân điện ra nhiều mà không kịp phục hồi đầy đủ nên mất quân bình, có khi cả tuần lễ ba tôi không ngủ được. Lúc đi thi bằng Brevet (bằng Thành Chung thời Pháp thuộc), thay vì viết bài luận theo đề thi, ba tôi lại chọn một đề khác thích hợp với mình để viết. Thông thường khi thí sinh làm bài lạc đề phải bị đánh rớt, nhưng giám khảo thấy cách hành văn của ba tôi chững chạc, câu văn trôi chảy nên đề nghị cho đậu. Vậy mà ba tôi từ chối, nói rằng đã không làm bài theo thể lệ trường thi thì không nhận bằng. Từ đó ba tôi về nhà, không thích đi làm thư ký như mọi người đồng lứa, mà ngày ngày chỉ đờn và đọc sách báo.

Ba tôi tuy học giỏi, đờn hay nhưng không lo kiếm sống nên khó lập gia đình. Điều này làm ông nội tôi rất lo. May sao làng Bình Hòa Đông bên cạnh - còn gọi là làng Đông Hòa - có gia đình ông Nguyễn Tri Túc, cũng thuộc về hàng hào hoa phong nhã, trong nhà có người con trai biết đờn, thường hòa với ông nội và ba tôi, lại có người con gái nết na đằm thắm, nên ông nội tôi có ý định cầu hôn cho ba tôi.

Gia đình bên ngoại

Thuở nhỏ, tôi không bao giờ nghe nói cố ngoại tôi là ai, mà hình như các cậu, các dì tôi cũng không rõ. Mãi đến sau này, vào năm 1990 tôi mới biết cố ngoại tôi là cụ Nguyễn Tri Phương. Hậu duệ của cụ khi xem lại gia phả, thấy cụ có một người con trai thứ sanh trong Nam tên là Nguyễn Tri Túc, tức ông ngoại của tôi.

Ông ngoại tôi là một điền chủ trong làng Đông Hòa, một người hào hoa phong nhã, thích âm nhạc đến nỗi nuôi nhạc sĩ trong nhà để dạy cho các cậu tôi học đờn.

Ông ngoại tôi thích ba trò chơi: ra câu thai, bắn giàn và đánh hồ.

Ông ra một câu thai - một loại câu đố - bằng một hay nhiều câu thơ lục bát đem treo ngay trước nhà, bên cạnh đặt cái trống nhỏ. Chẳng hạn như câu thai:

Số tôi xa mẹ xa cha,
Quanh năm suốt tháng ở nhà người dưng.
Xuất quả.

Chữ xuất quả ngụ ý là đố về trái cây. Người nào đi ngang qua đoán được câu trả lời thì đánh ba hồi trống rồi gọi to: “Bớ ông thầy thai”. Ông ngoại tôi trả lời: “Có tôi đây”. Nếu người đó đoán sai, ông gõ ba hồi trên tang trống: “cắc, cắc, cắc”. Nếu họ trả lời đúng: “Đó là trái dâu” (Cô dâu rời nhà cha mẹ đi sống với gia đình chồng là người dưng chứ không phải họ hàng ruột thịt), ông ngoại tôi bèn đánh ba hồi trống rồi mời vô nhà đãi ăn và tặng một món quà hay một quan tiền.

Bắn giàn cũng là thú tiêu khiển rất đặc biệt. Hồng tâm được vẽ trên vách ván, lỗ hồng tâm tròn bằng viên đạn. Sau lưng hồng tâm có một tấm vách đất, ngay bên dưới đặt một cái trống nhỏ. Người bắn giương cung lắp đạn - làm bằng vỏ ốc hay xương voi - nhắm hồng tâm buông cung nghe tiếng “vù”, đạn bay ra kêu “xạch”, lọt qua hồng tâm đụng vách đất rơi trên mặt trống nghe “tùng, tùng, tùng”. Chỉ cần nghe liên tục ba tiếng “vù, xạch, tùng tùng tùng” thì biết ngay có người đã bắn trúng hồng tâm. Nếu chỉ nghe “vù, xạch, xạch” là biết bắn trật, đạn đụng vào vách ván rồi rơi xuống đất. Ai bắn trúng hồng tâm được thưởng một ly rượu trong khi nhạc trỗi bản Kim Tiền.

Đánh hồ cũng vô cùng thú vị. Đó là một trò chơi xưa, nay đã thất truyền. Thân hồ làm bằng gỗ, miệng hồ tròn chỉ bằng cái chén nhỏ, bụng hồ hơi to mà đáy không bịt lại, được đặt trên một cái giá bằng gỗ, bên dưới có để một cái trống nhỏ. Người đánh đứng cách hồ độ hai ba thước, tay cầm “thẻ” để đánh hồ làm bằng gỗ trắc, dài độ 8 tấc, chuốt dẹp như một cây roi, đầu thẻ hình hoa sen búp có đường kính độ một phân.

Giữa người đánh hồ và miệng hồ là một cái mõ dẹp bằng gỗ trắc. Người đánh vung tay điều khiển cho thẻ gõ vào mõ nghe tiếng “cốc”, đầu thẻ dội tung lên cao, quay tít một vòng rồi rơi đúng vào miệng hồ, xuyên thẳng qua cổ hồ lọt xuống dưới dội vào mặt trống, tung lên hạ xuống mấy lần phát thành tiếng “tùng, tùng, tùng”.

Giống như chơi bắn giàn, nếu đánh hồ đúng cách sẽ nghe tiếng “cốc, tùng, tùng, tùng”. Còn nếu đánh không đúng vào miệng hồ, chỉ nghe “cốc, xẹt” thì biết thẻ lọt ra ngoài, chạm vào thân hồ, vậy là thua. Mỗi người đánh 10 thẻ, nếu vào miệng hồ được 5 thẻ là giỏi lắm rồi. Người đánh trúng cũng được ông ngoại tôi thưởng rượu và nghe trỗi nhạc. Không trúng thì chỉ được mời uống nước trà. Trong cuộc chơi, ông ngoại tôi thường đánh trúng cả mười thẻ.

Nhờ có nhiều ruộng đất, hàng ngày giải trí theo cách hào hoa phong nhã ấy mà ông ngoại tôi được cử làm Hội đồng địa hạt và người trong làng thường gọi là ông Hội đồng.

Hai cậu tôi không chơi trò ra thai như ông ngoại mà chỉ chơi bắn giàn và đánh hồ. Cậu Năm tôi tuy là em nhưng về võ nghệ và trong các cuộc chơi đều tỏ ra xuất sắc hơn cậu Tư. Còn về cúng tế, lễ bái thì cậu Tư nghiêm trang, chững chạc hơn. Cả hai đều giỏi về âm nhạc.

Cậu Tư tôi, cụ Nguyễn Tri Lạc chuyên đờn cò, đờn tranh và đánh trống nhạc lễ. Sau này thích đờn violon theo phong cách riêng.

Cậu Năm tôi, cụ Nguyễn Tri Khương, là người có năng khiếu âm nhạc nhứt trong gia đình bên ngoại, biết đờn tranh, đờn kìm, hay nhứt là đờn cò và thổi sáo, thổi tiêu. Cậu cũng rành về trống phách nhạc lễ và trống hát bội miền Nam. Dạy học trường làng ít năm, cậu từ chức về lo làm ruộng.

Cậu Mười tôi tên Nguyễn Tri Ân, chuyên đờn kìm và thổi ống tiêu.

Má tôi cũng như dì Hai, dì Ba tôi đều không được học đờn. Có lẽ ông ngoại tôi, cũng như những người đồng thời, thường sợ rằng “Nam đa kỳ tắc suy, nữ đa cầm tắc dâm”, con trai mê đánh cờ không học hành được, con gái mê đờn sợ e dễ bị con trai cám dỗ.

Má tôi học trường Nhà Trắng của các Bà Phước, nhưng không theo đạo Thiên Chúa. Má tôi rất thích đọc những sách thời ấy cho là “quốc cấm” và có tư tưởng cấp tiến, do đó rất hạp với cô Ba tôi. Khi cậu Năm cho biết ông nội tôi muốn kết nghĩa thông gia với ông ngoại thì má tôi không nói gì nhưng trong lòng đã ưng thuận.

Điều đáng nói là ngày ông nội tôi đem sính lễ đến nhà ông ngoại để cầu hôn cho ba tôi thì cũng có một gia đình khác không hẹn mà cùng tới một lúc. Gia đình ấy tuy ở xa nhưng nghe tiếng tăm gia đình ông ngoại tôi nên đã chọn ngày lành tháng tốt đến ra mắt gọi là để làm quen. Khi ông ngoại tôi cho biết đúng giờ đó có gia đình ông nội tôi đến cầu hôn, thì họ mới nói thật là cũng đến để “coi mắt” má tôi và cũng có ý cầu hôn.

Ông ngoại tôi tuy theo nho học nhưng là người tiến bộ, cho rằng việc hôn nhân cũng nên hỏi ý kiến của các con trong nhà. Cậu Năm mới bàn với má tôi tìm cách nào trả lời cho êm đẹp để đừng làm mất lòng ai. Má tôi bèn đề nghị ghi tên hai người rắp ranh bắn sẻ vào giấy rồi bắt thăm, rút được tên người nào là người ấy có thể đi tới hôn nhân. Mọi người đều đồng ý, vui vẻ chấp thuận. Khi rút thăm ra thì có tên của ba tôi, nhờ vậy mà cuộc hôn nhân của ba má tôi được quyết định. Sau này, má tôi mới tiết lộ bí mật là trong hai lá thăm đều ghi tên ba tôi cả!

Năng khiếu âm nhạc từ thời thơ ấu

>> Nghe Giáo thai và hồn nhạc lúc ấu thơ

Sau lễ thôi nôi, ông nội tôi đến gặp cậu Năm đề nghị đưa mẹ con tôi về ở bên nội: “Giáo Năm còn trẻ, còn nhiều thời giờ để cưng và lo cho cháu. Bác lớn tuổi rồi, không chắc còn sống bao lâu, cho bác hưởng cháu ít năm, chơi với nó trước khi bác theo ông bà”. Cậu Năm không thể nào từ chối nên ép bụng để mẹ con tôi về Chợ Giữa.

Về đây, tôi được cưng chiều không thua lúc ở nhà cậu. Thiếu tiếng sáo của cậu Năm, bù lại tôi được nghe ông nội đờn tỳ mỗi ngày, còn ba tôi khi nào nổi hứng thì đờn kìm, đờn độc huyền. Tôi lại tiếp tục được giáo dục âm nhạc không ngừng. Vừa đứng chựng được, tôi đã nhảy theo nhịp đờn tỳ của ông nội. Đờn mau tôi nhảy mau, đờn chậm tôi nhảy chậm. Khách đến nhà chơi, ông nội tôi thường cho tôi “biểu diễn” nhảy cà tưng theo nhịp đờn.

Vừa được ba tuổi, tôi đã thuộc mặt chữ của 24 mẫu tự. Má tôi lấy bài tây cắt từ chữ A, B, C đến chữ Z để dạy tôi đọc. Đó là trò thứ hai mà mỗi lần khách đến thăm nhà đều bị bắt buộc “thưởng thức” màn biểu diễn của tôi: tay trái tôi cầm một xấp chữ, tay mặt lựa ra một tấm thảy lên mặt bàn, chữ đứng hay nằm nghiêng, tôi đều đọc được cả.

Năm tôi lên bốn - tính theo tuổi ta - má tôi lại đến nhà cậu Năm ở cữ và sanh em kế tôi cũng là con trai. Ông nội tôi đặt tên là Trần Quang Trạch, nhưng người giữ sổ bộ trong làng Đông Hòa bỏ quên chữ G, nên thay vì chữ Quang là sáng lại bị biến thành Quan là ông quan. Cậu Năm tôi có được đứa cháu cưng mới là em Trạch nên từ đó ít ra chợ thăm tôi. Ông nội hưởng trọn tôi được một năm trời.

Vào những năm 1924, 1925, ở nước ta mới có máy hát quay dĩa 78 vòng, đầu máy có kim bằng sa-fia (saphir) dùng để nghe dĩa hát của hãng Pathé bên Pháp. Trong làng tôi có thầy Năm Tú cùng vợ là chị Tám Hảo lập gánh cải lương, hát những tuồng rất ăn khách như Kim Vân Kiều, Xử tội Bàng Quí Phi. Tuồng Kim Vân Kiều do thầy Bảy Thông đóng vai Thúc Sinh và cô Năm Thoàn giữ vai Thúy Kiều.

Hãng Pathé ghi âm làm dĩa hát và đầu dĩa lúc nào cũng có câu: “Ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”, tiếp theo đó là trích đoạn một hồi của vở hát, mỗi mặt chỉ được hơn ba phút.

Ông nội tôi chế cho tôi một máy hát, đó là đồ chơi tôi rất thích vì trông giống như máy hát thật. Mỗi khi có khách đến chơi tôi lại biểu diễn bằng cách lấy tay quay bánh xe của máy, trên đó có một dĩa hát làm bằng bìa cứng, miệng tôi nhái lại lời giới thiệu: “Gánh hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. Rồi tôi nói lối và ca y hệt các tài tử Bảy Thông và Năm Thoàn.

Khách đến chơi nhà ông nội tôi lúc nào cũng được nghe một màn ca cải lương theo dĩa hát, màn đọc mặt chữ theo lá bài cào liệng trên bàn và mọi người đều trầm trồ khen thằng bé có trí nhớ tốt.

Nhà nội tôi ở sát vách nhà thầy Ba Nhạc là nhạc công của một dàn nhạc lễ lại vừa là thầy cúng nên tôi thường được nghe thầy tụng tán. Tôi rất thích, xin ông nội sắm cho áo tràng và cái đẩu như thầy Ba để tán tụng chơi nhưng má tôi tỏ ý không bằng lòng.

Ông nội tôi nể con dâu mà lại muốn chiều cháu nên lén mua cho tôi một áo tràng nhỏ và một cái đẩu. Mỗi sáng đợi má tôi xách giỏ đi chợ thì nội mặc áo cho tôi và cho phép tha hồ tán tụng. Ông ra canh ở cửa nhà, khi thấy dạng má tôi trên đường về thì báo động cho hay. Tôi cởi áo tràng, dẹp đẩu vào trong rương của ông nội rồi ngồi đọc cửu chương bằng tiếng Pháp theo cách má tôi đã dạy.

Nhưng ở đời không có chuyện gì mà giấu được hoài. Một hôm có người quen đến chơi nhà, khi má tôi đem nước mời thì nghe khách nói với ông nội tôi: “Cháu bé này giỏi lắm, còn nhỏ mà thuộc kinh rất nhiều, tụng tán như thầy làm đám”. Má tôi hỏi: “Thưa chú có nghe cháu nó tụng chưa?” Ông khách trả lời gọn bâng: “Ngày nào đi ngang qua đây tôi cũng nghe cháu tụng tán om sòm. Giỏi thiệt!”. Khách khen khiến ông nội tôi thích chí, má tôi không nói gì nhưng không vui, còn tôi thì phập phồng lo sợ. Mà sợ mấy cũng không khỏi cơn bão tố. Ông khách vừa về, má tôi gọi tôi ra nhà sau hỏi:

“Má không thích con tụng kinh, sao con lại cãi lời má dặn?” Tôi trả lời: “Thưa má ông nội cho phép con tụng”.

Má tôi không rầy thêm vì nể ông nội, nhưng đưa ngón tay xỉ nhẹ trên trán tôi: “Đó là vì con đòi nên ông nội chiều con. Con làm như vậy là không nghe lời má. Má buồn vì con cãi lời má, con khó dạy lắm”.

Tôi không dám trả lời nhưng khi ông nội hỏi tôi có bị rầy không, tôi thuật tự sự, ông nói với tôi: “Thôi con nên nghe lời má con, đừng tụng kinh nữa. Nhưng lần sau má con có xỉ trên đầu thì con nói với má: Má ơi! Má đừng xỉ trên đầu con, lớn lên con u mê hết trí, rồi má đừng than, đừng khóc, đừng buồn, ăn năn không kịp.”

Tôi nghe câu đó hay quá nên học thuộc lòng. Một bữa nọ biết má tôi đang ở trong nhà, tôi đứng ngoài hàng ba tụng tán to lên. Má tôi kêu tôi vô nhà rầy rồi xỉ nhẹ vào trán tôi, đúng cơ hội chờ đợi tôi tuôn ra câu “thần chú” ông nội tôi dạy. Má tôi hỏi: “Ai dạy con nói như vậy?” – “Dạ thưa ông nội dạy con”. Má tôi ôm tôi vào lòng và nói: “Má sẽ không xỉ trên đầu nhưng con cũng đừng cãi má mà tụng kinh nữa”.

Năm đó má tôi lên Sài Gòn sanh em gái tôi là Ngọc Sương, lúc này má tôi bị đau tim nên phải nhờ bác Châu là thầy thuốc trong nhà thương Chợ Rẫy trông nom. Bác Châu rất thân với nhà tôi vì bác học đờn tỳ với cô Ba. Gia đình có thêm một cháu gái, nhưng lại mất một người mà tôi rất thương rất quí, đó là ông nội tôi.

Ông cháu chơi với nhau suốt ngày nên khi ông nội qua đời tôi buồn vô cùng, suốt ngày cứ ngồi cạnh bàn thờ nhìn ảnh ông, không hát không cười, không nói gì cả. Cậu Năm thấy vậy bèn đưa tôi về bên ngoại cho đỡ nhớ ông nội. Cô Ba tôi lúc đó dạy nữ công tại trường Nữ học đường cũng đưa tôi lên Sài Gòn, khi để ở chơi nhà cô Ba, khi thì đến nhà cô Sáu, ở đó có người chị họ là Thu Cúc rất thương tôi. Mỗi lần tôi đến nhà chị Cúc đem hết các món đồ chơi cho tôi mượn và có khi cho luôn.

Cô Ba đi dạy học thường dẫn tôi theo vì sợ tôi ở nhà một mình buồn rồi chạy ra đường xe cộ nhiều dễ bị tai nạn. Nhờ vậy mà tôi được mấy chị nữ sinh trường Áo Tím thay phiên nhau ẵm và chọc cho tôi “nói lẽ”. Trước đây ông nội tôi dạy hễ ai hỏi: “Em đi học sau này lớn lên làm gì?” thì tôi trả lời: “Em học để lớn lên giúp nhơn quần xã hội”. Các chị cười to thích thú và tôi cứ tiếp tục trả lời như con két. Nhưng có lẽ những lời nói ấy cũng phần nào thấm vào tiềm thức, nên đến khi khôn lớn, trong việc chọn môn học hay công việc làm, tôi luôn nghĩ đến lợi ích chung hơn là lợi ích cho riêng mình.

GS Trần Văn Khê trong giờ dạy nhạc năm 1972 - Ảnh tư liệu

Sáu tuổi đã biết đờn kìm và đờn cò

Sau khi ông nội tôi qua đời, má tôi cho tôi vào trường làng, năm đầu học lớp của thầy Năm Lự. Anh Ba Thuận, con thứ của cậu Năm là trưởng lớp này, anh đã biết đọc biết viết nên thầy Năm Lự cho anh dạy vỡ lòng mấy đứa trẻ mới vô trường. Tôi biết đọc rất mau và cuối năm được lên lớp, có năm còn được “nhảy lớp”.

Các thầy giáo như thầy Tư Muôn, thầy Ba Tân, thầy Nhì Bộ và thầy Nhứt Dều đều khen và cưng tôi vì ngoan ngoãn, không nói chuyện trong lớp, lúc nào cũng ngồi nghe chăm chỉ. Mỗi ngày về nhà, sau khi làm bài xong tôi thường hay lấy mấy cây đờn ra khảy nhẹ, tự mò mẫm từng phím đờn kìm, chú ý các âm cao thấp khác nhau và chẳng bao lâu đã đờn được câu đầu bản Bình bán vắn theo câu “Vui mừng vui khoái vui”.

Má tôi sợ con sau này mê đờn bỏ học nên treo mấy cây đờn lên cao. Tôi không chịu thua, mỗi khi người lớn vắng nhà, tôi bắt ghế nhón chân lấy đờn rồi chui dưới sàn bộ ván ngựa để đờn lén. Má tôi rất lo ngại, nhưng mỗi lần thấy tôi đờn, má tôi bắt trả bài học ở trường thì tôi đều thuộc cả. Tôi lại có được đồng minh là cô Ba, chẳng những không cấm mà cô còn mua từ Sài Gòn về cho tôi một cây đờn kìm nhỏ rất vừa tay.

Anh Ba Thuận cũng thích đờn kìm và anh Năm Bá, người bà con của tôi làm thợ hớt tóc cũng vậy, tôi thường ngồi nghe rồi bắt chước, các anh lại “gà” cho tôi đờn những câu gút mắc, đờn càng khá tôi càng thích “ăn cắp ngón”, nên chẳng bao lâu đã đờn được nhiều bài vắn. Trong làng ai cũng khen thằng nhỏ mới sáu tuổi mà đờn rất lanh.

Lúc bấy giờ báo chí trên Sài Gòn đăng tin có một em bé thần đồng sáu tuổi đờn kìm rất hay tên là Nguyễn Văn Sấu, biểu diễn tại Hội chợ Sài Gòn, mọi người đến nghe rất ngạc nhiên thích thú. Trong làng tôi nhiều người nói: “Làng mình cũng có thần đồng sao không giới thiệu đờn ở hội chợ?”. Chẳng biết ai làm trung gian mà một hôm, có mấy người trên Sài Gòn đến nhà xin gặp ba má tôi để bàn việc giới thiệu tôi trong hội chợ.

Họ đề nghị cho cậu Nguyễn Văn Sấu và tôi thi tài, như cho hai con gà đá nhau để người ta coi chơi. Ba má tôi đều từ chối. Mấy ông xoay ra ý khác là tổ chức cho hai “thần đồng” mới lên sáu hòa đờn, Nguyễn Văn Sấu đờn kìm, Trần Văn Khê đờn cò. Nhưng mọi người trong gia đình tôi đều không đồng ý: đó là cái may mắn rất lớn trong đời tôi. Trái chưa chín mà đem rao bán là điều không hay.

Vừa thoát nạn làm thần đồng, tôi lại thoát một nạn khác tại nhà ông bà Diệp Văn Kỳ. Lúc ấy ông Kỳ làm chủ nhiệm báo Thần Chung, còn ông Nguyễn Văn Bá - chồng của cô thứ Sáu tôi - làm chủ bút nên hai gia đình rất thân với nhau. Một hôm tôi đi với cô Ba đến thăm hai ông bà. Sau bữa cơm tình cờ nhìn thấy cây piano của bà Diệp Văn Kỳ, tôi thích quá vì từ trước đến giờ chưa thấy cây đờn nào to mà đẹp và bóng láng như vậy.

Thấy tôi nhìn đờn với vẻ thèm thuồng, bà Diệp Văn Kỳ mở đờn đánh cho tôi nghe một bản ngắn. Tôi xin phép rờ thử cây đờn. Tôi rà mười ngón tay nhỏ bé trên các phím ngà, lắng nghe các âm thanh phát ra khi nhấn từng phím và mau chóng nhận ra ngay những giọng hò xự xang xê cống. Sau mười phút tôi đã đánh được trên piano - chỉ bằng hai ngón tay - khúc đầu bài Tây Thi.

Bà Diệp Văn Kỳ thích quá nói với cô tôi: “Chị Ba làm sao nói với gia đình cho tôi nuôi cháu và gởi cháu đi học đờn piano bên Tây”. Cô tôi cám ơn bà và nói để về bàn lại với má tôi. Cũng may là sau đó má tôi cũng như cô Ba đều không muốn cho tôi sang Pháp lúc còn nhỏ, sợ sẽ bị mất gốc. Và tôi nghĩ mà hú hồn. Nếu cha mẹ, cô bác tôi không sáng suốt thì có thể tôi đã trở thành một nhạc công đờn piano giỏi (nhưng giỏi sao bằng người) mà sẽ quên mất nhạc dân tộc, biết đâu tôi sẽ lớn lên là người Việt Nam mà không nói cũng không viết được tiếng Việt. Và nhất là ngày nay tôi đâu có cái vui được góp sức vào việc bảo tồn, phát huy, phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Sống trong gánh hát cải lương

Sau khi đi dự đám táng cụ Phan Châu Trinh, cô Ba tôi bị mất việc làm trong trường Áo Tím. Thời gian đó cô và má tôi đã tham gia hoạt động cách mạng với Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Sau này, tôi mới biết là cô Ba được giao nhiệm vụ lập gánh hát nhằm tuyên truyền lòng yêu nước, đồng thời nếu có tiền thâu vào được thì trợ giúp tài chánh cho những người làm cách mạng.

Cô Ba sống ở Vĩnh Kim nhưng được cậu Năm tôi nhường cho một khu vườn trong làng Đông Hòa để cất căn nhà lá rộng rãi gần nhà cậu. Cô tuyển đào kép trong những gia đình nông dân trong làng và vùng lân cận. Tuy nói là đào kép chớ thật ra gồm toàn nữ và đặt tên là gánh hát Đồng Nữ Ban. Cô Ba vừa là bầu gánh vừa đạo diễn, lại tự thiết kế và may tất cả xiêm y. Một người tên là thầy Hai vừa đặt tuồng, vừa dạy võ cho các chị. Gánh hát có chị Năm Trần Thị Ới coi về kỷ luật, chị Tư Cầm và chị Ba Nhàn lo về quần áo và ăn uống cho cả gánh, anh Ba Trần Văn Hòe lo việc bảo vệ và trật tự.

Năm 1927, cậu Năm Nguyễn Tri Khương viết tuồng Giọt lệ chung tình, phỏng theo tiểu thuyết Giọt máu chung tình của của tác giả Nguyễn Hữu Ngỡi (Nghĩa) cho gánh cải lương Đồng Nữ Ban. Cậu đặt nhiều bài ca mới nhưng vẫn theo phong cách cổ truyền, như bài Yến tước tranh ngôn (Chim én và chim sẻ cãi nhau), Đăng lâu thưởng nguyệt (Lên lầu ngắm trăng) theo điệu Bắc vui tươi, Thất trỉ bi hùng (Mất chim mái buồn lòng chim trống) theo điệu Ai Oán buồn thảm, Phong xuy trịch liễu (Gió thổi làm cong cây liễu) theo hơi Xuân nữ nhưng nhịp dồn dập như Nam tẩu của hát bội, hai bài Lục y phổ niệm và Bạch hạc minh bi phổ nhạc bài kinh “Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh”. Tuồng viết theo văn biền ngẫu, có đủ các bản nhạc theo các điệu, các hơi Bắc, Quảng, Hạ, Xuân, Ai Đảo, Tứ đại oán, Hành vân, Văn Thiên Tường.

Tôi lúc ấy mới được bảy tuổi nhưng ca rất đúng giọng, cô Ba giao cho tôi tập các chị diễn viên ca bản Madelon để mở màn, ngoài ra tôi còn thuộc nhiều bản khác. Mấy thầy đờn và mấy nhạc công đều thích chọc tôi, họ thường rủ: “Em ơi vô hòa đờn chơi. Em đờn cây nào, đờn kìm, đờn cò hay đờn đoản?”. Cây nào tôi cũng đờn được nên luôn trả lời: “Mấy chú thích đờn cây nào cứ lựa đi, còn dư lại để em đờn”. Thế là họ chừa lại cây đờn cò và đề nghị đờn lớp đầu bài hạ. Cậu Năm có dạy cho tôi biết dây thuận, dây nghịch, dây chẩn, nên khi tôi lên dây mấy chú cười khen: “Thằng nhỏ đờn nghe hơi Hạ dữ quá!”.

Đến kỳ bãi trường tôi được theo gánh hát đi từ Vĩnh Kim ra ngoài “vàm” tức là Rạch Gầm. Tất cả mấy chị đào kép và cô Ba tôi đi trên ghe chài, một loại ghe lớn dùng để chở lúa, còn thầy đờn, thầy võ ở trong một ghe con. Cậu mợ Năm tôi đi trong một chiếc ghe nhỏ khác. Tôi được cô Ba cho ở chung với mấy chị, mọi người thừa dịp này nhờ tôi tập ca cho trúng giọng và trúng nhịp. Nhiều chị chọc tôi cứ cố tình ca trật để tôi sửa cho vui.

Trong hai năm liền tôi được sống trong không khí của một gánh hát cải lương. Và cứ đến Rằm tháng Bảy, anh Ba Thuận làm cỗ để tôi tụng kinh, làm chay, xô giàn. Hai anh em thường hòa đờn trong những đêm trăng, anh cũng dạy tôi đờn kìm bài Vọng cổ nhịp 8 lúc đó mới thịnh hành.

Gánh hát lưu diễn khoảng hơn một năm từ làng đến tỉnh, từ tỉnh đến Sài Gòn, được khán giả rất ưa thích. Nhưng mật thám cũng luôn luôn theo dõi và đến năm 1929, chánh quyền thuộc địa ra lệnh cấm gánh Đồng Nữ Ban không được diễn nữa. Gánh hát rã, cô Ba tôi chia xiêm y, dụng cụ cho diễn viên và về trú tại nhà ba má tôi ở Vĩnh Kim.

Mồ côi

>> Nghe chương Mồ côi

Má tôi hoạt động cách mạng nên phải thường xuyên đi họp xa, mỗi lần như vậy, má cho tôi tiền bánh nhiều hơn thường lệ để an ủi con khi mẹ vắng nhà. Lần cuối cùng, má tôi dự tính đi xa đến bốn bữa, nhưng tôi như có linh tánh nên cứ khóc, má tôi dỗ đủ cách mà tôi một mực không muốn cho má đi. Tiền bánh tăng lần lên đến một đồng bạc mà tôi cũng vẫn khóc. Thuở ấy một đồng bạc rất lớn, mua được 200 gói xôi hay bắp, 50 bánh bao thứ lớn gọi là bánh bao “tiền xu”. Má tôi lại cho thêm một bộ đồ vải trắng viền đen để mặc tập thể thao mà tôi rất thích và đoan chắc sẽ trở về sớm, hứa mua thêm quà cho tôi.

Tôi tạm yên lòng, nhưng hôm sau lại khóc: “Con trả má đồng bạc, con cũng không cần quần áo thể thao, con chỉ muốn má ở nhà với con.” Má tôi túng quá phải hứa: “Thôi con đừng khóc nữa, má không đi đâu.”

Tuy vậy đến ngày má tôi cũng phải đi. Sáng sớm má mặc cho tôi bộ đồ thể thao mới may rồi đưa tới trường. Đang học, có linh tánh là má tôi ra đi, tôi bèn chạy một mạch về nhà thì thấy má đã ngồi trên xe ngựa và bắt đầu rời nhà. Tôi lao theo xe, vừa chạy vừa khóc: “Má ơi đừng đi, đừng bỏ con ở nhà!” Nhưng chân trẻ con làm sao chạy kịp chân ngựa, tôi nhào trong vũng bùn trên đường, la lớn: “Con trả má đồng bạc đây”.

Tôi quăng đồng bạc dưới đường, anh Bá hớt tóc cạnh nhà chạy lại đỡ tôi dậy và dỗ dành nhưng tôi vẫn khóc nức nở. Má tôi quay lại nhìn con, nét mặt rất đau khổ. Nhưng nhiệm vụ phải để trên tình riêng, chiếc xe ngựa chạy khuất chợ cá, đi thẳng về phía ngả ba đường. Sau này tôi mới biết lần đó má tôi được lịnh đi biểu tình tại quận Cao Lãnh để chống chánh phủ thuộc địa Pháp.

Tôi bỏ cơm suốt mấy ngày, cả nhà dỗ dành nhưng tôi chỉ chịu húp chút cháo. Ba ngày trôi qua, vẫn không thấy má tôi về. Năm ngày sau đó, có người từ Sài Gòn xuống cho cô Ba hay má tôi đang nằm nhà thương Chợ Rẫy và bác Châu y sĩ nhắn cô lên Sài Gòn gấp. Cô Ba dẫn tôi đi theo. Đến nhà thương, nhìn thấy má tôi mặt xanh xao nằm trên gường bệnh, tôi ôm má khóc òa. Má cố trấn tĩnh và dỗ tôi: “Bác Châu nói chỉ nằm dưỡng bệnh một vài tuần má sẽ mạnh rồi về nhà”.

Sau này, tôi biết rằng khi đi biểu tình bị cảnh sát đàn áp, má tôi phải chui trong đống rơm. Cảnh sát lấy lưỡi lê đâm loạn xạ vào đống rơm, má tôi bị hai vết vào người, phải lấy rơm vuốt lưỡi lê chùi vết máu để bọn chúng không phát hiện. Lúc đó má tôi đã có mang được hơn ba tháng, khi chạy trốn bị té nên sẩy thai. Má tôi lại đau tim nên ngất đi mấy lần, sau đó được đưa vào Chợ Rẫy vì ở đây có y sĩ Châu vốn rất thương gia đình tôi lại có quyền thế trong nhà thương. Tuy được chăm sóc chu đáo nhưng má tôi sức yếu nên bệnh trở nặng. Hai tuần sau, cô Ba chở má tôi về làng.

Má tôi nằm dưỡng bệnh tại nhà cậu Năm vì nơi này rộng rãi lại ở trong vườn, ít người dòm ngó, hàng ngày tôi đều đến thăm. Bệnh ngày mỗi nặng thêm, một hôm khi cô Ba dẫn cả ba anh em vào thăm, má tôi nói với cô: “Con đứa lớn đứa nhỏ, chưa đứa nào đủ khôn để lo cho em. Em lạy chị Ba, em gởi các con cho chị thay em nuôi chúng nên người”. Má tôi chấp hai tay xá, gương mặt đau khổ mà không còn nước mắt để khóc. Cô Ba tôi khuyên: “Em yên lòng, ít lâu sẽ lại sức. Có bề gì chị Ba hứa sẽ thay em mà nuôi cháu.”

Má tôi yếu lắm và đã mấy lần hấp hối. Anh Ba Thuận báo tin cho cậu Năm tôi lúc đó đang làm ruộng ở Đồng Phèn hay để kịp về cho má tôi nhìn mặt. Ngày 25 tháng 6 âm lịch cậu Năm về tới nhà, chạy đến bên giường của má tôi. Má mở to mắt nhìn, thều thào “Anh Năm”. Cậu tôi khóc và kêu lên: “Em Tám ơi! Anh Năm về đây”. Má tôi nấc lên mấy lần rồi trút hơi thở cuối cùng.

Thế là mới chín tuổi tôi đã mồ côi mẹ

Cậu Năm tôi cho quàn ba ngày và lo tống táng theo nghi thức Phật giáo. Tôi là con trai trưởng nên dầu mới chín tuổi vẫn phải “dây rơm mũ bạc” quì một bên linh cữu để lạy trả những người đến viếng tang. Ai cũng miễn lễ cho tôi, nhưng tôi vẫn lạy trả theo đúng phong tục để báo hiếu. Ngày đưa linh cữu ra phần mộ, tôi ngồi “giá triệu” rồi chống gậy đưa má tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Cô Ba tôi dọn về Chợ Giữa và một mình xoay xở nuôi cả nhà: ba tôi, ba anh em chúng tôi và chị Sáu Nhuận. Trước kia trong gánh hát Đồng Nữ Ban, chị Sáu đóng vai Võ Đông Sơ, làm kép chánh, nay cô Ba coi chị như con nuôi, chị cũng giúp đỡ cô trong việc coi sóc nhà cửa, đi chợ nấu ăn.

Tôi đã lên lớp nhứt trường làng và cuối năm đi thi bằng Tiểu học. Trường Vĩnh Kim là trường làng không tổ chức cuộc thi. Cô Ba phải đưa tôi xuống Mỹ Tho, ở đậu nhà bà Phán, má cô Năm Thưởng cũng là má chồng của cô Ba.

Chưa có ai chu đáo bằng cô tôi. Trước hôm vào trường thi, cô trao cho tôi một ống xà phòng cạo râu đã dùng hết, được rửa sạch và để trong đó hai cây viết chì nhỏ chuốt sẵn hai đầu, một cục gôm, ba ngòi viết lá tre, có thêm cục phấn để rủi mất giấy chậm mực còn có phấn mà chậm thay. Lần đó tôi thi đậu bằng Tiểu học có cả phần Pháp văn, gọi là mention Français.

Chị Thu Cúc con cô Sáu trên Sài Gòn cùng một tuổi với tôi cũng thi tiểu học nhưng chưa biết đậu rớt thế nào. Cậu Năm nghe tin tôi đậu tiểu học rất vui và “gà” cho tôi viết một bức thơ gởi chị Thu Cúc như sau:

Thưa chị,

Kỳ tiểu thí này em đã được ‘đăng khoa cập đệ’. Mà trong đăng khoa cập đệ em cũng được cả mention Français. Em xin hỏi chị chớ ‘cung trăng đà bẻ quế’ hay chưa?

Chị Thu Cúc cũng thi đậu nên cô Sáu tôi rất vui và dự định hè năm đó sẽ đưa tôi lên chơi trên Sài Gòn.

Hè năm này là tròn giáp năm ngày mất của má tôi, hôm đó ba tôi buồn lấy đờn kìm ra đờn, tôi ngồi nghe. Ba đờn mấy khúc rồi chảy nước mắt, buông đờn bỏ lại ngồi võng và nói: “Nhớ má thằng Khê quá”. Kể từ hôm đó ba tôi nhuốm bệnh. Khi cô Sáu về Chợ Giữa đón tôi lên Sài Gòn, thấy ba tôi bệnh có hỏi: “Chị Sáu rước thằng Khê lên Sài Gòn chơi, em có buồn nhớ nó không?”. Ba tôi trả lời: “Nó thi đậu, nên cho đi chơi để thưởng”. Không ngờ lúc tôi ở Sài Gòn bệnh của ba tôi trở nặng và nửa tháng sau thì từ giã cõi đời, vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch.

Tôi mới lên 10, em Trạch 7 tuổi và Ngọc Sương 6 tuổi, cả ba chúng tôi đã mồ côi cha mẹ. Người ta thường nói “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Chúng tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng vẫn được ăn cơm với cá, vẫn được ngủ giường có chiếu có mùng, và nhứt là khỏi bị chia lìa mỗi đứa một nơi. Anh em tôi cùng được sống chung một nhà, có cô Ba thay cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ nên người.

Chim non xa tổ ấm

>> Nghe chương Chim non xa tổ ấm

Trường Tiểu học Vĩnh Kim chỉ có đến lớp ba (Cours Elémentaire), muốn học thêm để thi bằng Sơ học thì phải xuống tỉnh lỵ Mỹ Tho. Tại đây cô tôi chỉ quen một người là bà Phán, nhưng lại ngại gởi tôi nơi đó. Nếu phải trả tiền cơm tháng thì không biết phải tốn kém bao nhiêu, đó là chưa kể nhà nghèo không biết có chịu nổi tiền ăn học trong ba năm của tôi hay không.

May quá, cô thứ Năm của tôi có chồng là một điền chủ giàu có tại quận Tam Bình, theo đạo Cao Đài. Dượng Năm tôi là Nguyễn Văn Dương nhưng tên thường gọi là ông Mười Tòng. Cô dượng tôi có người con trai tên Nguyễn Văn Trước. “Trước” là trúc, cũng như cây tòng, cây bá là những cây tượng trưng cho người quân tử. Cô Năm đề nghị cô Ba cho tôi sang Tam Bình học và hứa sẽ nuôi tôi cho đến khi đậu bằng Sơ học, sau đó sẽ thi vào Trung học và có thể xin được học bổng.

Khi nghe cô Ba tôi nói đến việc đi học xa, tôi chết điếng cả người. Như vậy là tôi phải xa cô, xa hai em, xa mái nhà thân yêu, đến một nơi không biết ăn ở ra sao và cô Năm dượng Năm liệu có thương tôi như cô Ba hay không? Anh Hai Trước sẽ đối với tôi ra sao? Buồn nhứt là phải xa hai đứa em, nhứt là xa Trạch, mà cả làng đều gọi là “Khê em” vì khi em tôi sanh ra, bên nhà láng giềng có một bà cụ cũng tên Trạch, sợ kêu tên Trạch mích lòng bà cụ nên cậu Năm tôi đề nghị gọi là Khê em.

Cậu Năm tôi còn nói kêu tên như vậy để nhớ lại tích xưa có hai anh em đều thi đậu Trạng, người ta thường gọi là Đại Tống và Tiểu Tống. Hai anh em tôi cùng đi ngủ và thức dậy một giờ. Đi chơi, đi chợ, kể cả khi đi vệ sinh cũng cùng một lúc không rời nhau một bước, không xa nhau một giây. Anh em gắn bó nhau như vậy nhưng rồi đành chấp nhận xa nhau vì thân phận mồ côi, nhà lại nghèo, cô Ba tôi không đủ sức nuôi hết cả ba anh em ăn học nếu không có sự giúp đỡ của bà con.

Thế là cuối năm 1931 tôi phải thu xếp hành lý để đi Tam Bình. Dượng Năm tôi có hai chiếc tàu Vĩnh Thuận và Vĩnh Bảo, chạy đường thủy từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu ngang qua Tam Bình. Cô tôi và hai em tôi cùng đi theo đến Mỹ Tho để tiễn tôi.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải xa nhà trong mấy tháng. Xuống tàu cô tôi tìm ông Cò tàu, ông vui vẻ nói: “Bà Mười (tức cô Năm tôi) có dặn, hôm nay có cháu của bà đi Tam Bình. Tôi sắp đặt cho cháu ăn cơm với tôi và ngủ trong phòng Cò tàu, không sợ gió máy. Bà yên lòng, sáng mai tàu tới Tam Bình sẽ có người đưa cháu về nhà”.

Đi tàu lần đầu như vậy đã là quá sướng. Cô Ba tôi yên lòng, ôm đầu tôi nói: “Con nhớ viết thơ cho cô biết con tới nơi bình yên. Ráng học, ba tháng sẽ qua mau, đến kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè con lại về Chợ Giữa với cô và hai em.”

Tôi dạ rất nhỏ, cố kìm lòng không khóc sợ hai em tôi khóc theo, miệng mỉm cười mà ruột héo gan xào. Tôi ôm Trạch và Ngọc Sương vào lòng, hôn hai em và dỗ dành: “Anh Hai đi học, bãi trường về sẽ mua bánh cho hai em ăn. Nhớ ngoan, nghe lời cô dạy bảo. Anh Hai thương hai em lắm!”

Tàu “xúp lê” ba hồi báo hiệu sắp rời bến. Cô Ba và hai em tôi đứng trên cầu tàu nhìn xuống, tôi đứng cạnh thầy Cò nhìn lên bờ. Các thủy thủ kéo neo, dây cột tàu và cột cầu được tháo ra là lúc tàu lần lần xa bến.

Tôi đưa tay vẫy cô tôi và hai em mà lòng thấy se thắt, nước mắt chảy dài trên má. Tàu ra sông lớn, tôi đứng lặng ngắm nhìn thành phố Mỹ Tho có nhà Cercle của người Pháp nóc ngói đỏ cho đến khi cả Châu Thành mờ trong sương chiều, tôi mới vào phòng thầy Cò tàu mà chín chiều ruột thắt. Bảy giờ sáng hôm sau tàu tới Tam Bình.

Cô Năm tôi có ba người con nuôi: anh Ba Liễu, con trai lớn lo việc góp lúa ruộng, anh Tư Mạnh lo công việc trong nhà và chạy vặt, còn cậu bé Hưng mới hơn sáu tuổi cô tôi nuôi để sau này lớn lên giúp cho mấy anh trong công việc nhà và đồng bái. Anh Hai Trước là con ruột, rất được cô cưng chiều. Tôi là em lại mồ côi, ăn nhờ ở đậu, nên rất sợ làm phiền anh Hai. Ở chung trong một phòng mà hễ anh đi ngủ tôi mới được ngủ, anh thức dậy, tôi phải thức dậy theo.

Mỗi ngày anh Tư Mạnh chở xe đạp đưa anh đi học trước, rồi bận thứ nhì mới tới tôi. Mỗi ngày anh Hai Trước được năm xu ăn hàng còn tôi được ba xu. Nhưng ba xu lúc ấy rất lớn, một xu mua được hai gói xôi hoặc hai đòn bánh tét chuối. Tôi chỉ tiêu mỗi ngày hai xu và để dành một xu.

Sau ba tháng rưỡi, đến khi nghỉ Tết tôi về Chợ Giữa thì đã cắc ca cắc củm để dành được 100 xu, tức là một đồng bạc. Số tiền đó rất lớn đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi dẫn hai em đi chợ Tết, mua cho mỗi đứa một bánh bao “tiền xu”, loại bánh có nhưn gồm hột vịt luộc, lạp xưởng và đậu “petits pois” xanh.

Ba anh em vừa ăn vừa đếm coi đứa nào có đậu xanh nhiều là thắng, chỉ thắng cho vui vậy chớ không có ăn thua gì cả. Tôi còn mua cho Trạch một phong pháo con rít hai xu và suốt kỳ nghỉ Tết, trưa nào cũng cho em ăn tàu hủ hay bánh lọt, buổi sáng thì ăn bánh giá, bánh khọt, chà quảy. Đối với anh em tôi, con nhà nghèo lại mồ côi, được như vậy đã là sang lắm.

Đến ngày nhập học, anh em lại bịn rịn chia tay nhau. Vì là anh hai nên tôi phải luôn tỏ ra cứng rắn, dỗ hai em: “Hai em đừng buồn. Ba tháng nữa nghỉ hè anh Hai về, lại có tiền dẫn hai em đi ăn hàng”.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 2: Lập gia đình - Câu chuyện hôn nhân của giáo sư Trần Văn Khê

GS TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên