15/02/2013 09:01 GMT+7

Xông nhà "Robinson" Phạm Tô Thủy

TẤN ĐỨC - KHOA NAM
TẤN ĐỨC - KHOA NAM

TT - Đầu xuân, chúng tôi đã xông đất nhà chị Phạm Tô Thủy (sinh năm 1976), “truyền nhân” đời thứ ba của một trong những gia đình Robinson bám trụ lâu nhất tại khu vực ba hòn Đầm, ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, H.Kiên Lương, Kiên Giang.

TY7uaJUh.jpgPhóng to
Sau bao năm bám biển, giờ vợ chồng chị Phạm Tô Thủy đã làm chủ cơ ngơi trị giá bạc tỉ - Ảnh: T.Đức

“So với trước kia, cuộc sống bây giờ đã thay đổi tới bảy, tám phần. Chưa dám nói là sung túc nhưng đã đủ đầy, đầm ấm và hạnh phúc hơn rất nhiều” - chị Phạm Tô Thủy khoe. Bên mâm cơm đầu năm mới với những món đặc sản tươi rói vừa bắt lên từ lòng biển, chị Phạm Tô Thủy luôn nhắc về cha, ông Phạm Văn Mực (Hai Mực), với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ.

Vật lộn với biển

Quần đảo Bà Lụa được mệnh danh “Hạ Long của phương Nam”, là một chuỗi gồm 45 đảo lớn nhỏ, chủ yếu thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, Kiên Giang.

Trung tâm của hệ thống đảo này nằm cách mũi Hòn Chông khoảng 6km. Khoảng 10 đảo trong số này có dân sinh sống, với tổng số gần 500 hộ.

Từ những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, ông Hai Mực đã được bầu làm trưởng ấp Hòn Ngang chỉ với vài chục hộ dân, trong đó có những gia đình sống một mình một đảo. Nhờ làm trưởng ấp mà ông Hai Mực đã mua được đất trên hòn Đầm Đước bằng cách... trừ lương ròng rã trong mấy năm.

“Dạo đó, nhà tui chỉ có chiếc ghe nhỏ để đi đánh lưới quàng (loại lưới chuyên dùng bắt cá đuối) về bán cho người ta xẻ khô. Mỗi chuyến đi biển thường dài tới cả tháng, nhưng nhiều khi cũng không thu hoạch được gì đáng kể. Những khi ba má đi biển, chị em tui phải chèo xuồng qua hòn Heo mua chịu gạo về ăn. Nước ngọt thì vô tới chùa Hang (xã Bình An) để xin.

Chèo đi chèo về mất gần cả ngày trời, vậy mà xuồng nhỏ nên mỗi chuyến chỉ chở được 4-5 can nhựa loại 30 lít nước. Mùa biển động đành nhịn tắm vì không dám mạo hiểm ra khỏi đảo. Rồi hai anh, chị lập gia đình, vào đất liền lập nghiệp, người em trai út cũng được gửi vào bờ để đi học, chỉ còn lại mình tui lùi lũi ở đảo, nhiều khi thèm nghe tiếng người đến thắt ruột” - chị Phạm Tô Thủy nhớ lại.

Năm 2002, chị Phạm Tô Thủy “bắt” được chồng. Nhắc tới sự kiện trọng đại của cuộc đời mình, chị Thủy không giấu tự hào khi có người thanh niên dám chấp nhận “ở rể ngoài hoang đảo” suốt đời như yêu cầu của nhạc phụ tương lai. Đám cưới của chị gây không ít ngạc nhiên cho nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản trên vùng biển đảo Bà Lụa. Bởi lần đầu tiên họ được trông thấy trên một hòn đảo giữa biển hồi nào tới giờ chỉ có duy nhất một ngôi nhà, nay bỗng rập rình tiếng nhạc, tiếng bà con hai họ từ trong đất liền vượt biển ra dự ngày vui của đôi trẻ. Chú rể Phan Tấn Tài cũng là một nhân vật rất đặc biệt.

Quê anh mãi tận xã Bình Thủy, H.Châu Phú (An Giang), ngay sau khi tốt nghiệp THPT, năm 19 tuổi đã tình nguyện ra đảo công tác. Lấy nhau chưa được bao lâu thì chồng được cử vào đất liền học chuyên ngành quản lý đất đai để phục vụ công việc chuyên môn. Lương vừa học vừa làm của chồng không đủ trang trải cuộc sống nên ngày ngày chị Phạm Tô Thủy lại phải chèo xuồng đi đánh lưới ghẹ.

Đứa con gái nhỏ (sinh năm 2006) được buộc vào lưng, còn đứa con trai lớn (sinh năm 2003) cột chân vô be xuồng cho khỏi rớt xuống biển để chị rảnh tay làm. Mấy người đi đánh lưới ngang qua trông thấy cảnh đó kêu trời: “sao con Thủy khổ dữ vầy hè”.

Những ngày tháng gian khó cứ nối nhau cho tới một ngày có người quen ở đất liền ra đặt hàng vợ chồng chị Thủy nuôi cá bống mú. “Nghe vậy, tui liền đi thả “bóng” (dụng cụ đánh bắt có gắn phao cho khỏi chìm) để bắt cá con đưa vô bè nuôi. Tết năm 2007, bán đợt cá đầu tiên được 5 triệu đồng. Tui cầm tiền mà rớt nước mắt, bởi hồi nào tới giờ đâu được thấy số tiền lớn tới vậy”. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Còn hiện tại vợ chồng chị Thủy đã là chủ một cơ ngơi trị giá bạc tỉ...

vOd9PL8n.jpgPhóng to

“Robinson” Phạm Tô Thủy với đặc sản cá bống mú - Ảnh: T.Đ.

“Robinson” làm du lịch

Gia đình chị Phạm Tô Thủy sinh sống tại hòn Đầm Đước. Cạnh đó là hòn Đầm Giếng và hòn Đầm Dương, nơi có môi trường tự nhiên thuộc hàng đẹp nhất trên quần đảo Bà Lụa. Tại đây, các hòn đảo nổi rất gần nhau, mực nước biển lúc triều cường cũng chỉ cao tới ngực, đáy biển lại chỉ toàn sỏi và cát nên người ta có thể... đi bộ qua lại giữa các hòn.

Nói về cái duyên làm du lịch của gia đình mình, chị Thủy chia sẻ: “Lúc đầu chỉ có mấy ông cảng vụ rủ bạn bè ra chơi. Người ta đem theo bia, rượu ra đây mua cá, ghẹ, ốc của tui làm mồi. Hỏi tính nhiêu tiền tui đâu có biết, nên nói họ muốn đưa bao nhiêu cũng được. Mà cũng nói thiệt, ở đảo có khách đất liền ra chơi là mừng quýnh lên hết, nghĩ chi tới tiền bạc”.

Hai năm trở lại đây, khách mỗi lúc một đông, có hôm lên tới cả trăm người thuê tàu ra lội rừng, tắm biển, nghỉ lại một vài đêm mới về. Có người còn bày cho nhiều món ăn mới, người kêu cất chòi, giăng võng cho họ ngả lưng, rồi sắm nồi đất, bếp than để tự tay họ mò ốc, giăng lưới bắt cá dưới biển lên nấu nướng. “Mỗi người góp vài ý, tui ghi nhớ làm theo, riết rồi cũng coi như đang làm du lịch sinh thái” - chị Thủy kể.

Từ chỉ có một căn nhà tạm bợ, bây giờ vợ chồng Robinson Thủy - Tài đã có bốn dãy nhà sinh thái để khách nghỉ ngơi. Rồi họ còn sắm máy phát điện, khoan giếng lấy nước ngọt, mới đây đã mua được hai con tàu du lịch đưa đón khách từ xã Bình An ra đảo. “Phí đi tàu tui tính cốt sao đủ tiền dầu chạy máy để khách còn tiền ăn uống, nghỉ ngơi. Hải sản thì để khách tự chọn, tự cân, tự vô bếp nấu hoặc nhờ mình nấu. Vậy cho người ta khỏi nghi ngờ, nói mình ăn gian. Ốc biển, nhum, còi biên mai... quanh đảo thì khách bắt bao nhiêu tùy thích, không tính tiền. Một căn nhà mát mỗi đêm mình chỉ thu 200.000 đồng, muốn ngủ vài chục người cũng được, mùng mền đầy đủ”.

Anh Tài cho biết thêm vợ chồng anh đang cố dành dụm để tiếp tục đầu tư, làm con đường đi vòng quanh hòn Đầm Đước, chu vi chừng vài cây số để du khách ngắm biển. Trên núi sẽ phát dọn cây tạp, tỉa cành thấp bớt để khách có cảm giác sạch sẽ, thoáng đãng. Anh còn dự tính thuê vài chục hecta mặt biển phía trước nhà làm nơi bảo tồn san hô, làm “tổ” cho các loài hải sản sinh sôi...

Nhìn xa hơn về tương lai, vợ chồng Robinson Thủy - Tài đã gửi hai con vào đất liền để các em được đến trường. Bản thân anh Tài đã chịu khó hoàn chỉnh chương trình đại học từ xa hai ngành thủy sản và quản trị kinh doanh. “Phải học thiệt nhiều mới khai thác hết lợi thế kinh tế biển chứ” - anh Tài tâm sự.

TẤN ĐỨC - KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên