07/05/2014 07:00 GMT+7

Về Điện Biên mừng ngày chiến thắng 7-5

 HÀ HƯƠNG
 HÀ HƯƠNG

TT - Chưa bao giờ Điện Biên đông vui như những ngày này. Từ rạng sáng 7-5, hàng ngàn bước chân đã và đang reo vui trong ngày lễ. Người dân khắp nơi đổ về đây để kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

* Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm từ 7g sáng nay trên VTV1

* Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên

Nhiều hoạt động mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Chiến thắng Điện Biên Phủ, biểu tượng của chiến tranh nhân dânTổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ cấp quốc gia

KlKxt8LI.jpgPhóng to
Đồng bào dân tộc Thái ở bản ChePhai - Chiềng Sinh - Tuần Giáo cách TP Điện Biên 80km đi chơi lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên tại tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: Việt Dũng

“Hầm De Castries. Đêm 8-5 của 60 năm về trước tôi đã ngủ dưới đó. Nhưng đêm ấy tôi không ngủ được. Vì sao ư? Vì vui sướng, vì chiến thắng. Bài báo cuối cùng viết về các tù binh Pháp, trong đó có De Castries, cũng được viết dưới căn hầm này”.

Đó là dòng hồi ức của nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp khi ông đứng trước căn hầm De Castries. Ông nói số phận mang lại cho ông sự may mắn quý hiếm bởi sau đúng 60 năm, ông vẫn đứng đây, trên mảnh đất Điện Biên Phủ này.

Kẻ thù buộc ta cầm súng

Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm trên VTV1

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra sáng 7-5 tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Đài truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm từ 7g-9g trên kênh VTV1. 7g, lễ mittinh, diễu binh, diễu hành chính thức bắt đầu tại sân vận động TP Điện Biên Phủ.

Với hai nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, cái tên Điện Biên Phủ vẫn gợi lên trong họ nhiều ngổn ngang. Suốt nửa năm trời, từ cuối năm 1953 đến ngày 7-5-1954, họ là hai phóng viên ngang dọc khắp các đơn vị bộ đội, các trận địa pháo của chiến trường Điện Biên Phủ.

“Bạn hỏi tôi nghĩ gì khi đứng ở đây vào ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng này? Lòng tôi ngổn ngang, vì đến giờ tôi không thể tưởng tượng nổi không biết bao nhiêu người ngã xuống trước mặt mình. Có khi chỉ sau một trận đánh thì 800 người nằm trên mặt đất. Có người chết, có người bị thương, chúng tôi phải khiêng họ trên những con đường độc đạo để đến nơi sơ cứu” - nhà báo Phạm Phú Bằng chia sẻ.

Thời tuổi trẻ, vừa cầm bút vừa cầm súng ấy đã cách ngày này 60 năm. Nhưng với họ, hình ảnh bom rơi, đạn nổ, những đồng đội ngã xuống dường như chỉ mới hôm qua. “Chiến tranh là điều vạn bất đắc dĩ, kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng. Một khi đã cầm súng thì cố gắng chiến thắng để kết thúc cuộc chiến thật nhanh. Nếu không sẽ phải quay lại cuộc đời nô lệ. Đó cũng là lý do để chúng tôi tự nguyện cầm súng và bước vào cuộc chiến”.

8ffCgeHt.jpgPhóng to
Các cựu chiến binh tỉnh Lào Cai trở lại Điện Biên thăm chiến trường xưa - Ảnh: V.Dũng

Cỏ đã mọc từ hố sâu

Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 không chỉ có những cơn mưa trắng trời và những giọt nước mắt tưởng nhớ người đã hi sinh, ở đây còn có những cây, những cỏ xanh mướt dưới hố bom hoặc trên trận địa năm xưa.

Từ Mường Phăng đến tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ hầm De Castries đến di tích đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, người người đổ về. Đường phố Điện Biên Phủ tràn ngập những bộ quân phục cũ, những sắc áo đủ màu của bà con dân tộc Tây Bắc. Người dân Điện Biên chào đón những người khách phương xa bằng cách tổ chức các gian phát nước miễn phí tại các điểm tham quan, sẵn sàng mời khách về nhà ở miễn phí...

Lần đầu tiên đến Điện Biên Phủ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh (Thái Bình) là năm 1954, ít lâu sau ngày chiến thắng. “Ngày đó, dấu tích chiến tranh còn in dấu ở khắp nơi. Bom đạn vương vãi trên đất, hầm hào còn nguyên. Trên đồi A1 có một ngôi mộ của chiến sĩ vô danh nằm ngay ở lối đi vào. Tất cả vẫn ngổn ngang, bề bộn. Vậy mà dưới hố bom cỏ đã mọc xanh lên rồi. Điện Biên Phủ hòa bình và thay đổi nhanh quá” - người lính già chia sẻ.

Những người lính của Điện Biên Phủ, những người lính từ khắp các chiến trường miền Nam, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc... đã trở về với Điện Biên Phủ. Nhưng những người lính già không cô độc với ký ức của riêng mình. Những câu chuyện chiến đấu ác liệt ở lòng chảo này kéo thế hệ đi trước và lớp trẻ hôm nay xích lại gần nhau.

“Ông tôi cũng là lính Điện Biên” - bạn Phạm Phương Thảo (Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về lý do đưa cô lên Điện Biên Phủ trong những ngày này. Như rất nhiều người khác, Phạm Phương Thảo thăm tất cả di tích ở thành phố. “Ông tôi kể rất nhiều về cuộc chiến đấu 56 ngày đêm khốc liệt. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt những nơi ông kể. Tôi biết ông đã sống những năm tháng tuổi trẻ tuyệt vời ở đây”.

“Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt”

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Tối 6-5, tại quảng trường 7-5, ban tổ chức cấp quốc gia lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014) tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt”.

Dự chương trình có Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đại tướng Phùng Quang Thanh. Ngoài ra, còn có nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến dự chương trình.

Chương trình là một điểm nhấn trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với sự hi sinh anh dũng, quả cảm của lớp cha anh.

Cũng tối qua, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Âm vang Điện Biên - hào khí tuổi trẻ” tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên.

* Ngày 6-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã đến thăm và tặng quà cho gia đình các ông Nguyễn Việt Điểm và Hoàng Văn Bảy - thương binh, cựu chiến sĩ Điện Biên, thuộc sư đoàn 316, từng tham gia đánh cứ điểm đồi A1, hiện đang sống tại P.Thanh Bình, Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ.

Hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống hiện tại của những người cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Đảng và Nhà nước mãi mãi khắc ghi công ơn to lớn của các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hi sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

* Hôm qua, Hội Cựu chiến binh TP.HCM, Ban liên lạc tiền tuyến chiến sĩ Điện Biên Phủ đã tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014). Tham dự lễ họp mặt có bà Nguyễn Thị Thu Hà - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP - cùng đại diện Ban dân vận Thành ủy, UBND TP...

Thay mặt lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Thu Hà tri ân sự hi sinh của các cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ để mang lại độc lập tự do như ngày nay, đồng thời gửi lời cảm ơn, chúc sức khỏe các cựu chiến binh tham dự họp mặt.

 HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên