Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 tăng 5,42%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 5,5%. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng tốc độ tăng GDP đã cho thấy kinh tế VN có dấu hiệu phục hồi khi GDP trong năm 2013 quý sau cao hơn quý trước và mức tăng chung cả năm đã cao hơn mức tăng GDP năm 2012 (5,25%).
Đáng lưu ý là qua các chỉ số Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng GDP vẫn tiếp tục xu hướng tăng thấp hơn tốc độ tăng giá (năm 2013 đã xác định CPI tăng 6,04%). Theo ông Hà Quang Tuyến - vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, chỉ số GDP năm 2013 đã được tính thêm kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà ở tự có, tự ở của người dân (trước chưa được tính vào GDP). Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, công nhận trong tốc độ tăng GDP năm 2013 dù mức tăng có cao hơn năm 2012 nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao. Cụ thể là đóng góp của vốn và lao động vào GDP của VN còn ở mức cao, trong khi các yếu tố khác như khoa học công nghệ, quản lý, thể chế... lại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Với câu hỏi thu nhập bình quân đầu người năm 2010 mới khoảng 1.000 USD/người/năm, qua ba năm suy giảm kinh tế, năm 2013 đã vọt lên gần 1.900 USD, ông Tuyến cho biết mức thu nhập bình quân 1.000 USD năm 2010 là chưa bổ sung thu nhập của ngân hàng, nhà tự có, tự ở của dân vào GDP. Và thực tế tính toán lại, ông Tuyến khẳng định VN đã đạt mức thu nhập bình quân 1.000 USD/người/năm từ năm 2008... Ba năm qua thu nhập đầu người chỉ tăng khá...
Còn việc chỉ số GDP không thực chất, tính cả thu nhập nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển về nước, các nước thường tính chỉ số GNI (tổng thu nhập quốc dân), ông Tuyến công nhận chỉ số nào cũng có ưu, nhược điểm và cho biết mức chênh lệch cao hơn của GDP so với GNI tại VN năm 2012 là khoảng 142.000 tỉ, năm 2013 là 171.000 tỉ.
Về chỉ số CPI, ông Nguyễn Đức Thắng - vụ trưởng Vụ Thống kê giá - khẳng định mức tăng CPI năm 2013 là thấp nhất trong mười năm gần đây nhưng với quan điểm cá nhân, ông Thắng cho rằng đó không phải tăng thấp mà “do chúng ta quen với tăng cao rồi, nên thấy mức 6,04% là thấp”. Ông Thắng cũng chỉ rõ những yếu tố chính đã góp phần làm tăng CPI năm 2013 như tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục... Đặc biệt, ông Thắng cho biết năm qua giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm nhưng tựu chung tăng nhiều hơn và cả năm giá mặt hàng này tăng 2,18%, đẩy CPI chung cả nước tăng 0,08%. Giá điện cũng tăng 10%, góp vào CPI chung khoảng 0,25%. Bên cạnh đó, giá gas cả năm tăng gần 5%, cũng đẩy CPI tăng 0,08%...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận