Quán Mắc Cỡ em mở bên đường Mua đi bán lại cái văn chương... CÔ TÚ
Chẳng hạn hồi ở trung học khi đọc toàn bộ tuyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, ấn tượng mà đến giờ tôi vẫn nhớ và hầu như thuộc lòng ngay là những câu thơ của Bích Khê Lê Mộng Thu: “Trời buồn làm gì trời rầu rầu/ Anh yêu em xong anh đi đâu/ Lắng tiếng gió suối thấy tiếng khóc”...
![]() |
Thơ này thật lạ, chẳng giống ai, nó làm ta thấy lý thú. Tôi đã xem đi xem lại Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân và cả Tuyển tập thơ Bích Khê nhưng không hề thấy những câu thơ nói trên. Có người cho biết đó là những câu trong bài Tình hoài của Thế Lữ. Cô Tú có ý kiến gì thêm không?
TRẦN THỊ HÒA (Bắc Ninh)
- Bạn đã nhận xét đúng. Xin thêm: Tên thật của nhà thơ Bích Khê là Lê Quang Lương. Còn Lê Mộng Thu chỉ là bút hiệu phụ. Vậy phải viết Bích Khê - Lê Quang Lương mới đúng qui cách.
“Hương” hay “trường”?
* Trên báo TTH số Xuân 2011, tác giả Nguyễn Vĩnh Anh viết:
“Hương Giang (...) đẹp như một biểu tượng của sự kiên trung, bất khuất trong thơ của Chu Thần Cao Bá Quát: Hương Giang như kiếm lập thanh thiên...”.
Em nhớ trong bài thơ Hiểu quá Hương Giang, Cao Bá Quát viết:
“Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Con sông dài như thanh kiếm dựng giữa trời xanh).
Có phải vậy không, cô Tú?
NGUYỄN THỊ THÙY DUNG (Đà Nẵng)
- Chính xác, câu: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” của Cao Bá Quát trong bài thơ Hiểu quá Hương Giang (Buổi sáng qua sông Hương), có người dịch thơ thành: “Sông lạnh như gươm thọc bụng trời”!
Một hay hai?
* Ngày 18-12-2010, Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) tổ chức Hội nghị phát triển tư vấn kỹ thuật khu vực Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Theo cô Tú, “khu vực Tây Nam bộ” và “đồng bằng sông Cửu Long” là một hay hai? Nếu là một, sao lại có chữ “và” (&) ở đây?
KHANG LÊ
- Theo Tú tôi, hai địa danh trên là một, do đó không cần sử dụng cả hai vào cùng một câu.
Nằm hay ngồi?
* Trong bài Tổng thống Sài Gòn cũ - Nguyễn Văn Thiệu và hành trình chiến bại đăng trên ANTG giữa tháng số 28 (4-2010) tác giả Phong Hoàn Công viết: “Trên cương vị đó Nguyễn Văn Thiệu đã lặng lẽ “ngọa sơn quan hổ đấu” để đợi thời cơ”. Hình như nếu chính xác thì phải là “tọa sơn quan hổ đấu” có đúng không thưa cô Tú?
N.H. (Hà Nội)
- Đúng là tọa (ngồi) chứ không phải là ngọa (nằm). Phải ngồi theo dõi tình hình mà nắm thời cơ chứ nằm lỡ ngủ quên thì sao?!
Học tốt!
* Cuốn HỌC TỐT NGỮ VĂN 8- tập 1 của Đỗ Thúy Hồng, Nguyễn Hương Lan, Đỗ Kim Hảo
- NXB Văn hóa Thông tin 2008. Trang 41- 42 : Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội. Phần 5. Luyện tập. Bài tập 2:
- Sinh viên: Trúng tủ, lệch tủ, ngon. Ví dụ: Cô gái kia trông ngon mắt nhỉ! Mới học lớp 8 mà đã được luyện tập chuyện “nhìn gái ngon mắt” là giáo dục kiểu gì vậy?
THANH TUYÊN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Có lẽ đó là cái mà những người làm sách gọi là “biệt ngữ xã hội”.
Tuổi Trẻ Cười số 438 (15-10-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận