10/03/2015 11:14 GMT+7

​Nhiều đầu mối, pháp luật càng rắc rối

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nếu ủy quyền càng rộng, càng nhiều đối tượng, quy định càng nhiều loại hình VBQPPL thì hệ thống pháp luật càng phức tạp, rắc rối.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngày 9-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật ban hành văn bản pháp luật. 

Vấn đề đáng chú ý ở dự án này là việc thu hẹp đầu mối ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết quan điểm của thường trực ủy ban là không nên trao cho cấp xã thẩm quyền ban hành VBQPPL;

Cũng không nên có hình thức thông tư liên tịch; không nên giao cho chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành thông tư.

Không nên trao quyền “ra luật” cho cấp huyện, cấp xã

“Lập pháp là thẩm quyền của Quốc hội, Quốc hội ủy quyền đến đâu thì Chính phủ và các cơ quan liên quan có thẩm quyền đến đó. Nếu ủy quyền càng rộng, càng nhiều đối tượng, quy định càng nhiều loại hình VBQPPL thì hệ thống pháp luật càng phức tạp, rắc rối” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu.

Ông Cường khẳng định quan điểm của Chính phủ là không nên trao cho cấp huyện, cấp xã thẩm quyền ban hành VBQPPL.

Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh phân tích: Theo quy định thì cấp huyện và cấp xã không được ban hành chính sách mới, không được ban hành những quy phạm mới buộc xã hội phải tuân theo.

Như vậy nếu giao cho cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL thì hậu quả là sự sao chép không đầy đủ, thậm chí sao chép không đúng quy định của luật hoặc VBQPPL của cấp trên.

Tòa án và viện kiểm sát là các cơ quan áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật nên không cần phải có thẩm quyền ban hành. Nếu để cho họ ban hành thì không phù hợp lắm, bởi sẽ nảy sinh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Ông Nguyễn Doãn Khánh cũng đề nghị không nên coi thông tư là VBQPPL bởi thông tư chỉ là văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ các khái niệm văn bản pháp luật, VBQPPL và văn bản áp dụng pháp luật để khỏi nhầm lẫn.

“Tôi cho rằng các quyết định hành chính cụ thể, thậm chí là quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng là văn bản pháp luật, bởi vì người không thực hiện văn bản ấy là vi phạm pháp luật.

Ở cấp huyện cũng vậy, người ta làm chủ tịch mà không cho người ta ra quyết định, mà khi ra cái quyết định ấy lại không được coi là văn bản pháp luật thì thế nào?

Hay với hình thức thông tư, tôi chỉ đồng ý bỏ hẳn thông tư khi nghị định quy định cụ thể, rõ ràng tất cả quy định của luật để áp dụng trực tiếp được.

Tôi tán thành việc bớt đi càng nhiều càng tốt các hình thức văn bản pháp luật, nhưng với điều kiện là luật, nghị định quy định rất đầy đủ, chi tiết, cụ thể để thi hành” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật ban hành VBQPPL (chứ không phải là Luật ban hành văn bản pháp luật như tên dự án ban đầu) vào kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015) và xem xét dự án Luật ban hành văn bản hành chính vào kỳ họp sau.

Mặt trận giám sát độc lập

Về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết vẫn còn quan điểm khác nhau về việc có hay không quy định nội dung Mặt trận giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cho rằng đây là vấn đề đang được thực hiện theo các quy định, văn bản của Đảng nên không cần thiết phải quy định trong luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ băn khoăn trước quy định giám sát của Mặt trận hỗ trợ công tác kiểm tra, thanh tra của Nhà nước.

Theo bà, Mặt trận có trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, do đó giám sát của Mặt trận là giám sát độc lập, mang tính nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Trong khi Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề cập một băn khoăn khác: “Tôi e ngại rằng nếu ai cũng có chức năng giám sát thì nó chồng chéo, giẫm chân lên nhau. Đề nghị nghiên cứu làm rõ Mặt trận giám sát những lĩnh vực, nội dung, phạm vi đến đâu.

Tôi cho rằng Mặt trận tập trung giám sát ở cơ sở, những vấn đề cụ thể, đồng thời có quyền tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và có quyền nêu kiến nghị”.

Theo kế hoạch, Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào cuối tháng 3-2015.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên