02/04/2019 10:03 GMT+7

Nghĩ gì từ con đường đến trường gập ghềnh của bé Bo?!

HẢI ANH
HẢI ANH

TTO - Khi cậu bé Bo 6 tuổi, chị bạn tôi sợ con mình không thể theo kịp các bạn nên đã tìm đến một số trường tư với niềm tin triết lý giáo dục công bằng. Nhưng nhiều trường đã từ chối chị khi vừa nghe tới cậu bé tự kỷ.

Nghĩ gì từ con đường đến trường gập ghềnh của bé Bo?! - Ảnh 1.

Bo tại ngôi trường mới - Ảnh: N.V.

Khi nào chúng ta còn đối xử với nhau dựa vào những định kiến và niềm tin xã hội khác nhau thì những nhóm yếu thế vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi. Những người thân của họ luôn đối mặt với cô đơn, tuyệt vọng... - câu chuyện được kể từ một bạn đọc báo Tuổi Trẻ nhân ngày Liên Hiệp Quốc chọn là ngày "Thế giới nhận thức chứng tự kỷ", ngày 2-4.

"Bo mới bước sang tuổi thứ 7. Bo còn cả một tương lai phía trước. Mà tương lai ấy, chắc chắn không phải lúc nào cũng có mẹ bên cạnh để lo cho Bo. 

Mẹ tìm cơ hội cho Bo, cũng là tìm cơ hội thanh thản cho chính mình khi sau này mẹ không thể ở bên Bo nữa. Cũng là tìm cơ hội cho chị gái nhỏ của Bo bớt áp lực chăm lo cho em". 

Đó là một đoạn trên trang nhật ký cá nhân của một nữ đồng nghiệp của tôi, mà cũng có thể là lời của bất kỳ bà mẹ nào có con tự kỷ (autism).

Khi cậu bé Bo 6 tuổi, những ngôi trường công ở Hà Nội luôn quá tải, chị bạn tôi sợ con mình không thể theo kịp các bạn nên đã tìm đến một số trường tư với niềm tin triết lý giáo dục công bằng. 

Tuy nhiên, điều chị nhận được trên điện thoại là những lời từ chối của nhiều trường khi chỉ cần nghe tới việc cậu bé tự kỷ. Chưa một nhà quản lý trường tư nào đồng ý gặp Bo xem thực hư để có thể thu xếp, tiếp nhận.

Và Bo đã tới một ngôi trường đặc biệt. Tuần qua tôi tới ngôi trường đó, một dãy nhà cấp 4 được xây dựng cách đây 5 năm dưới sự nỗ lực của bốn bà mẹ có con tự kỷ. Ngôi trường nằm hun hút trên mảnh đất thuê tạm sau những sân bóng, dựa vào sự từ thiện của một cơ quan nào đó. Mọi đồ đạc được phân biệt đánh dấu bằng chính ảnh của các học sinh. 

Trường chưa bao giờ quá 10 học sinh. Có bạn chỉ giao tiếp được qua chữ viết, bạn thì biết vẽ, bạn biết đánh đàn. Khi tôi bước chân đến khuôn viên đằng sau, một cậu bé khoảng 14-15 tuổi đứng hát ABC... bằng tiếng Anh trong không gian được coi là an toàn của em.

Sau giờ học, thứ duy nhất Bo tìm và nhớ đầu tiên đó là một sợi dây thun. Bo thực sự đáng yêu, vô hại với bạn bè và chậm nói. Sau một thời gian dài, Bo đã nói được câu dài hơn bình thường với rất nhiều nỗ lực của cả gia đình và thầy cô. 

Sự tiến bộ của một đứa trẻ bình thường có thể nhìn thấy trong vài ngày, vài tháng, nhưng sự tiến bộ của một trẻ tự kỷ phải cần nỗ lực của nhiều người với thời gian có thể được tính bằng thập kỷ.

Muốn tìm một ngôi trường mở rộng cơ hội cho Bo hơn, mẹ của Bo đã có một hành trình dài tìm một ngôi trường phù hợp. Bởi nếu Bo chỉ học tại ngôi trường khu biệt chưa tới 10 đứa trẻ kia, trong cái vòng an toàn, khi bước chân ra khỏi đó vẫn là một ẩn ức. 

Bo có thể không nhận thức được xã hội đang đối xử với mình như thế nào, nhưng vô thức Bo sẽ phản kháng với những đối xử đó và có những tổn thương tâm lý cho cả cha mẹ của mình. 

Thực tế thì bị xã hội bỏ lại là điều đáng sợ nhất với nhiều nhóm yếu thế và người thân của họ. Đôi khi sự phân biệt lại đến từ việc bị các nhóm xã hội khác gán nhãn và xây dựng định kiến với họ.

Mới đây, một nhóm học sinh cấp II ở Hà Nội đã xin phép thầy hiệu trưởng đón Bo tới lớp trong một ngày. Bo tới trường lúc đầu rất hoảng sợ, nhưng sau ngày hôm đó Bo vui, các bạn trong lớp của nhóm cũng vui, và những tấm ảnh còn để lại nước mắt lăn trên má của chị bạn tôi. Một ngày ít ỏi của Bo...

Sau rất nhiều ngày tháng, cuối cùng cũng có một trường tư chịu gặp và nhận Bo. Bạn tôi cũng không dám chắc Bo có thích nghi được với môi trường mới hay không, nhưng chị nói "sợ bỏ mất bất kỳ cơ hội nào của con" và phải thử. Giúp trẻ tự kỷ là một bài toán khó giải nhưng không có nghĩa đóng lại mọi khả năng.

Tỉ lệ tự kỷ trên toàn thế giới tăng, trung bình khoảng 15% cứ sau 2 năm. Nếu 1% dân số mắc chứng tự kỷ thì Việt Nam sẽ có gần 1 triệu người. Theo WHO, một trẻ tự kỷ cần 13 chuyên gia khác nhau hỗ trợ. 

Ở Việt Nam trẻ tự kỷ chưa được xếp vào nhóm khuyết tật. Nhà nước cũng chưa ban hành một văn bản pháp luật nào công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật riêng biệt. Do vậy, cha mẹ của những trẻ tự kỷ thường cảm thấy rất cô đơn và cô lập, ngay cả trong thế giới ngày nay kết nối điện tử. 

Với gia đình có trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, chi phí y tế được ước tính cao hơn gấp 6 lần so với các gia đình không có trẻ tự kỷ.

Năm 1999, Bộ GD-ĐT đã thành lập một ban chỉ đạo về giáo dục cho trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, chỉ có trẻ em khuyết tật thể chất được đưa vào "danh sách của bộ". Những người bị rối loạn tâm thần và hành vi đã bị bỏ quên. 

Trên thực tế, rất nhiều trường học không được trang bị phù hợp để chăm sóc và dạy trẻ bị rối loạn tâm thần và hành vi. Trẻ tự kỷ có thể đăng ký vào các trường công lập nhưng không thể hòa nhập hoàn toàn.

Triết lý của một nền giáo dục lành mạnh là mở ra một môi trường hay cơ hội cho mọi cá nhân hòa mình vào. Điều đó nhấn mạnh vào yếu tố môi trường, rằng môi trường giáo dục đó có mở ra những cơ chế, cơ hội để các cá nhân tham gia trọn vẹn bình đẳng.

Trẻ tự kỷ đang bị "bỏ rơi" Trẻ tự kỷ đang bị 'bỏ rơi'

TTO - Một đứa trẻ bị buộc dây vào cửa sổ vì biểu hiện tăng động, hậu quả là cô giáo phải trả giá cho sai lầm khi hình ảnh được truyền thông đưa lên. Nhưng còn hàng vạn trẻ tự kỷ khác đang gặp vướng mắc khi bước vào độ tuổi đi học.

HẢI ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tự kỷ trẻ tự kỷ