01/11/2014 13:25 GMT+7

​Làm “trong sạch” quá trình tái cơ cấu kinh tế

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh như trên.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Ảnh: V.V.Thành
Các đại biểu trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ - V.V.THÀNH thực hiện

Sáng 1-11 bên lề phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trung tướng Đỗ Kim Tuyến (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nói:  khi chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế thì với những vấn đề như giải quyết nợ xấu, sáp nhập doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề có liên quan khác, chắc chắn sẽ nảy sinh những bất ổn về an ninh. Như vậy, đây là vấn đề cần quan tâm để gắn tái cơ cấu kinh tế với việc đảm bảo an ninh chính trị một cách chặt chẽ.

Theo ông Tuyến, hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến tái cơ cấu để phát triển kinh tế xã hội nói chung, do vậy Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến khía cạnh an ninh như nêu trên.

Ông Tuyến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó có ngành công an sẽ tập trung điều tra quyết liệt, góp phần làm trong sạch quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt kết quả bước đầu nhưng để đạt mục tiêu còn nhiều việc phải làm.

Trong đó, riêng lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công cần chú ý đến việc xây dựng Luật quy hoạch, vì đây là đạo luật có vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực đầu tư, xác định trọng điểm trong đầu tư.

Theo ông Vở, một vấn đề cần quan tâm khác là đẩy mạnh và làm rõ hơn nữa cơ chế phân công, phân cấp giữa bộ ngành và địa phương để gắn với trách nhiệm.

“Vừa qua có địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản lớn hơn nguồn thu của địa phương, đây là việc cần rút kinh nghiệm” - ông Vở nói.

Đại biểu Trương Văn Vở cũng cho rằng yếu tố tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội sẽ xem xét Luật doanh nghiệp (sửa đổi), qua đó cần làm rõ việc thay đổi mô hình quản lý doanh nghiệp, cụ thể là làm rõ các vấn đề như vai trò của chủ sở hữu, vai trò của cơ quan chủ quản và cần thể chế cụ thể những nội dung này vào trong luật.

Nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước trong tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng Nhà nước cần định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải liên kết lại để thâm nhập thị trường nước ngoài.

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã xuất hiện ở thị trường nước ngoài và được người dân nước sở tại ưa chuộng, những doanh nghiệp đi trước và thành công nên liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp khác để tạo sức mạnh và uy tín cho thương hiệu từ Việt Nam.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên