02/02/2015 08:52 GMT+7

Dự kiến đăng ký môn thi THPT quốc gia từ 15-3

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Thông tin này được đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra sáng 1-2 tại Trường ĐH Nha Trang.

TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) - tư vấn cho học sinh Khánh Hòa - Ảnh: Tiến Thành

Ở phần tư vấn chung, trước hơn 4.000 học sinh của tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS Trần Văn Nghĩa đã cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Ông Nghĩa lưu ý thí sinh về cách thức đăng ký môn thi và đăng ký xét tuyển trong năm nay.

Về cách thức đăng ký dự thi, ông Nghĩa cho biết khoảng ngày 15-3 thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.

Khi điền phiếu đăng ký dự thi, thí sinh phải điền đầy đủ thông tin cá nhân và mục đích dự thi: thi xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH, CĐ. Thí sinh là học sinh THPT đánh dấu vào cả hai ô này nếu muốn xét tuyển tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ.

Thí sinh tự do chỉ đánh dấu vào ô xét tuyển ĐH, CĐ và học sinh chỉ cần xét tốt nghiệp THPT thì đánh dấu vào ô xét tốt nghiệp THPT.

Đối với việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận để xét tuyển bốn đợt, mỗi đợt kéo dài 20 ngày. Mỗi giấy chứng nhận được đăng ký bốn nguyện vọng vào một trường.

Tuy nhiên, thí sinh cân nhắc việc đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường bởi khi trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tuyển đợt 2.

Có được chọn môn cao điểm nhất?

Một học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng hỏi: “Trong kỳ thi THPT quốc gia, nếu em chọn thi tất cả tám môn sau đó chọn môn cao điểm nhất trong số các môn tự chọn để tính điểm tốt nghiệp có được không?”.

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết để xét tốt nghiệp THPT thí sinh phải đăng ký trước bốn môn thi gồm ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn (trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa).

“Các em phải chọn trước bốn môn này lấy điểm làm cơ sở xét tốt nghiệp THPT. Các môn đăng ký thêm là để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy nếu các em chọn bốn môn thi tốt nghiệp thì có thể xét tuyển vào khối D1. Trong khi nếu muốn xét tuyển vào các khối khác phải đăng ký thêm các môn phù hợp với khối thi, ví dụ nếu xét tuyển khối A thì chọn thêm môn lý, hóa” - thầy Hùng tư vấn.

Trong khi đó một học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám thắc mắc ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước nếu thí sinh bỏ thi môn nào cũng bị hủy kết quả thi. Năm nay các em được đăng ký tối đa tám môn thi.

Tuy nhiên, sau khi đăng ký vì lý do nào đó không dự thi đủ các môn đã đăng ký có được không? ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, xác nhận những năm trước nếu thí sinh bỏ một môn trong số các môn thi thì sẽ bị hủy kết quả.

Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ nên thí sinh được quyền chọn môn thi. Vì vậy nếu thí sinh bỏ thi môn nào đó thì không bị hủy kết quả.

“Tuy nhiên, thí sinh phải chú ý không được bỏ các môn dùng để xét tốt nghiệp THPT và các môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào các trường ĐH” - thầy Tuấn nói.

Trả lời câu hỏi của bạn Trần Minh Nguyên, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, về các cụm thi và những quy định liên quan, PGS.TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ năm nay sẽ có hai loại cụm thi gồm cụm thi liên tỉnh có thí sinh ít nhất hai tỉnh và cụm thi tỉnh.

Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ bắt buộc phải dự thi tại cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Kết quả thi tại cụm thi liên tỉnh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ xét tuyển cả nước.

Rút lại giấy đăng ký xét tuyển ra sao?

Nhiều thí sinh thắc mắc việc cấp giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ và có được sử dụng bản photo để đăng ký xét tuyển.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết giấy chứng nhận kết quả thi sẽ được các trường ĐH chủ trì cụm thi gửi về địa phương phát cho thí sinh. Điểm quan trọng cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển nếu trúng tuyển thì các phiếu đăng ký xét tuyển không còn giá trị.

Sau khi có kết quả thi, các trường ĐH phụ trách cụm thi sẽ cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ cho bốn đợt xét tuyển khác nhau. Mỗi đợt thí sinh chỉ được dùng một phiếu xét tuyển với bốn ngành ở cùng một trường.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết thêm: “Trong quá trình đăng ký xét tuyển 20 ngày, các trường phải công bố thông tin xét tuyển trên website của trường. Thí sinh cần theo dõi thông tin này, nếu cảm thấy khả năng không trúng tuyển các em có thể đến trường ĐH, CĐ đã đăng ký xét tuyển rút lại hồ sơ nộp vào trường khác. Tuy nhiên, nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì các phiếu xét tuyển còn lại sẽ không còn giá trị”.

Hóa, tiếng Anh kém, chọn khối nào?

Bạn Trần Minh Tâm, học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, băn khoăn: “Em học tốt môn toán, lý nhưng môn hóa, tiếng Anh lại kém. Giờ em không biết phải chọn khối thi, ngành nào phù hợp?”. TS Lê Thị Thanh Mai (ĐHQG TP.HCM) cho rằng muốn tham gia xét tuyển ĐH, CĐ trước hết thí sinh phải tốt nghiệp THPT.

“Các em phải xem sức học của mình có đủ để tốt nghiệp THPT hay không và cần phải học tốt bốn môn thi tốt nghiệp. Với sức học của em có thể chọn khối D1 và khối A1. Em cần biết mình thích ngành nào và tìm hiểu kỹ coi những ngành đó có ở trường nào và cũng cần tìm hiểu điểm chuẩn của ngành đó ở những năm trước. Từ đó xem khả năng của mình có thể vào ngành, khối thi ở trường nào để tập trung ôn tập. Sau đó trong kỳ thi THPT quốc gia, các em cố gắng làm bài để đạt điểm càng cao càng tốt. Khi có kết quả các em cân nhắc một lần nữa chọn ngành và trường khả năng trúng tuyển cao nhất” - cô Mai tư vấn.

Tiêu chí để lựa chọn đăng ký xét tuyển

Phần ý kiến của bạn Ngô Uyên Thảo, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, đã gây chú ý tại buổi tư vấn: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là việc đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả sẽ giúp thí sinh tránh rủi ro là điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH. Xin cho biết tiêu chí nào để thí sinh lựa chọn đăng ký vào những trường ĐH, CĐ vừa phù hợp với năng lực của mình vừa đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ? Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, tất cả các trường đều có quyền xét đợt 1, trường nào thiếu mới xét các đợt tiếp theo. Xin giải thích rõ cụm từ “thiếu”. Khi nào trường xác định là “thiếu”? Vì hiện nay lượng học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn nhu cầu đào tạo của các trường”.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa giải đáp: “Một trong những thông tin thí sinh cần tham khảo là điểm chuẩn vào các trường những năm trước. Về cơ bản, 80-90% điểm chuẩn các trường giữ ổn định qua các năm. Nếu điểm chuẩn của trường những năm trước cao thì chắc chắn năm nay cũng sẽ cao. Trường thiếu khi số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành của trường đó ít hơn chỉ tiêu của trường. Nếu trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển các đợt tiếp theo. Năm nay Bộ GD-ĐT vẫn quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng tối thiểu. Những đợt xét tuyển sau các trường cũng chỉ được phép tuyển thí sinh đạt mức điểm sàn trở lên”.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục