14/03/2022 09:50 GMT+7

Dự án 'đứng hình' gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

LÊ PHAN - ĐỨC PHÚ
LÊ PHAN - ĐỨC PHÚ

TTO - Nhiều công trình cả ngàn tỉ đồng tạm dừng thi công suốt một thời gian dài, trong đó có dự án mà nhà đầu tư tính chi phí phát sinh có thể xây được cây cầu mới 500 - 600 tỉ đồng.

Dự án đứng hình gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Công trình cống ngăn triều Tân Thuận (chống ngập cho quận 4, 7 và khu trung tâm TP.HCM) vẫn chưa hoàn thành do chưa được tái khởi động - Ảnh: L.P

Do vậy, việc "phá băng" cho các dự án sớm ngày nào sẽ giảm thiệt hại ngày đó.

Phát sinh chi phí

Đã bước sang tháng 3-2022, song dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, hay còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng vẫn chưa có tín hiệu khởi động trở lại.

Là người dân sẽ được hưởng lợi khi dự án hoàn thành, bà Hoàng Thị Thùy Linh (49 tuổi, ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7) cho hay khu vực này mỗi khi triều cường, nước ngập là không buôn bán được, xe chạy ngang làm nước tràn vào nhà, chưa kể đường hư, người dân qua lại bị tai nạn, té ngã... 

Khi thấy đại công trình được xây dựng, bà rất mừng vì sắp thoát cảnh ngập nước nhưng mấy năm nay công trình này "đứng hình" nên ngập vẫn hoàn ngập.

Nút thắt dự án vướng ở đâu? Trong kiến nghị gửi UBND TP mới đây, Công ty TNHH MTV Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp thực hiện dự án) cho hay công trình đã đạt tiến độ hơn 95%. 

Do phụ lục hợp đồng BT đến nay vẫn chưa được ký kết nên nhà đầu tư không biết sẽ triển khai dự án bằng cơ sở pháp lý nào? Thiệt hại do việc công trình chậm hoàn thành là rất lớn. 

Cụ thể, chi phí phát sinh gồm: nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, chi phí quản lý dự án và lãi vay... ước tính từ ngày 15-11-2020 đến 15-12-2021 đã hơn 609 tỉ đồng.

Doanh nghiệp đã kiến nghị TP có chỉ đạo các sở ban ngành sớm đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng, để ngân hàng có cơ sở gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn và để triển khai dự án đảm bảo hoàn thành trong năm 2022.

Cùng chung cảnh ngộ, dự án đoạn 3 (thuộc đường vành đai 2) dài gần 2,8km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) dừng thi công suốt 2 năm qua. 

Đây cũng là một dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư 2.765 tỉ đồng. Từ tháng 3-2020 khi dự án đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công.

Lý do, theo nhà đầu tư, địa phương chậm bàn giao mặt bằng, đồng thời chờ TP xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất...

Báo cáo của nhà đầu tư cho thấy giá trị lãi vay ước tính TP sẽ phải chịu tới thời điểm tháng 12-2021 là 232 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 10 tỉ đồng. 

Có mặt tại công trình đoạn qua phường Tam Phú, TP Thủ Đức tuần đầu tháng 3 chúng tôi ghi nhận không có bất kỳ hoạt động thi công nào đang diễn ra. 

Công trình được "lô cốt" bao quanh, cỏ dại hai bên mọc quá nửa thân người. Dọc bên "lô cốt" công trình bị nhiều người dân đem rác tới đổ, một số chỗ rác bị đốt cháy nham nhở.

Thiệt đơn, thiệt kép

Đề cập dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, ông Hồ Long Phi - nguyên viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đánh giá dự án này chậm nhiều năm không chỉ thiệt hại bằng tiền, bởi nếu công trình hoàn thành sớm trong 2 năm qua, hàng triệu người dân không bị ảnh hưởng ngập bởi triều cường. 

Vì vậy, ông Phi "đúc kết" rằng cách làm chuẩn nhất một khi đưa ra quy hoạch là phải thu xếp được vốn.

Trong khi đó, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng các dự án kéo dài lê thê gây ra rất nhiều thiệt hại. 

Đầu tiên phải kể đến công trình thi công dang dở, sắt thép để lâu ngoài trời làm ảnh hưởng đến chất lượng. 

Thứ hai, chi phí phát sinh, đội vốn. Còn một thiệt hại lớn hơn đó là ảnh hưởng đến tính đồng bộ hạ tầng, môi trường và đời sống người dân. 

Thiệt hại này lâu nay không ai tính được. TS Cương cho rằng cần phải rà soát lại và phải truy được trách nhiệm, ai làm chậm, chậm khâu nào, thiệt hại ra sao phải cương quyết xử lý và phải bồi thường. Chỉ có mạnh tay xử lý trách nhiệm, người liên quan mới sợ và tìm mọi cách đảm bảo tiến độ dự án.

13 dự án giao thông cần được tháo gỡ

Thống kê mới đây của Sở Giao thông vận tải TP, hiện có 13 dự án giao thông đang có vướng mắc và cần được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.

Ví dụ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) đã hoàn thành 100% trục đường chính, 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái.

Để sớm hoàn thành các hạng mục còn lại, dự án cần được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm: xây dựng 4 tuyến đường chính và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc, hoàn thiện đường trục Bắc Nam hiện cũng đang tạm dừng thi công.

Hay các dự án xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc do vướng mặt bằng nên cũng ngừng thi công...

Dự án chống ngập ở TP.HCM đình trệ vì dùng thép Trung Quốc? Dự án chống ngập ở TP.HCM đình trệ vì dùng thép Trung Quốc?

TTO - Từ tháng 4-2018 đến nay, dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1" (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) đình trệ thi công.

LÊ PHAN - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên