10/01/2017 10:12 GMT+7

Để không còn “bộ thi”

PHẠM THỊ LY
PHẠM THỊ LY

TTO - Hội nghị toàn quốc bàn về nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngày 7-1-2017 do Bộ GD-ĐT triệu tập có sự tham dự của rất đông lãnh đạo các trường ĐH.

Hội nghị đã dành thời gian bàn về những vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. Nổi bật vẫn là tuyển sinh, thất nghiệp, chính sách quản lý và cuối cùng, mọi vấn đề đều dẫn tới nút thắt chất lượng.

Năm 2008, bộ cũng từng tổ chức hội nghị tương tự, xác định nguyên nhân (thiếu công cụ tạo động lực và chế tài kiểm soát chất lượng) và giải pháp (công bố chuẩn đầu ra và kiểm định gắn với chế tài tuyển sinh, xây dựng chương trình khung, ban hành chuẩn giảng viên và tăng quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc trả lương; phân bổ kinh phí trường công gắn với kết quả, đào tạo theo đơn đặt hàng; khuyến khích xã hội hóa và hội nhập quốc tế).

Với một số ngành đào tạo như tài chính hay du lịch, bộ đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 sinh viên tốt nghiệp ngành này phải sử dụng thành thạo tiếng Anh trong sinh hoạt và làm việc, còn các ngành khác thì đích đến tương tự là năm 2020.

Nếu so với hội nghị 2008 thì có vẻ như hội nghị 2017 bàn những việc “vi mô” hơn nhưng cũng nóng bỏng hơn: tuyển sinh, học phí và thất nghiệp, còn những vấn đề đặt ra năm 2008 giờ đây có vẻ vẫn còn đó.

Năm 2008, bộ coi chỉ tiêu tuyển sinh là biện pháp chế tài để buộc các trường quan tâm tới đảm bảo chất lượng, nhưng đến 2017 bộ đang có xu hướng “thả nổi” tuyển sinh để “cứu” các trường. Giao việc tuyển sinh về cho các trường là đúng, để bộ không còn là “bộ thi” vì bộ còn nhiều việc đáng phải làm hơn là loay hoay mãi quanh chuyện thi cử.

Tuy nhiên, giao về các trường nhằm mục đích “cứu” những trường đang thiếu người học thì vấn đề lại khác.

Kêu gọi các trường phải chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo, thậm chí trao quyền tự chủ cho các trường thì dễ, còn làm thế nào để chất lượng thật sự được cải thiện thì khó hơn nhiều và đó mới là điều xã hội đang mong đợi.

Tự chủ ĐH không tự động dẫn tới chất lượng, kể cả tăng cường nguồn lực tài chính cũng không tự động dẫn đến tăng chất lượng.

Bộ trưởng đã nói đến việc tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng nếu điều này chỉ dừng lại ở chủ trương mà không có cơ chế thực hiện thích hợp thì cũng không thể tạo ra thay đổi.

Vì thế, vấn đề còn lại vẫn là chất lượng của các chính sách quản lý đã và sẽ được ban hành như thế nào. Như bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM, đã nêu tại hội thảo nhiều chính sách sau khi ban hành và đi vào thực tế mới thấy bộc lộ bất cập.

Giải pháp nào có thể giúp nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề từng trường phải tìm cách giải đáp, trong đó có vấn đề năng lực lãnh đạo, quan hệ với thế giới việc làm, triết lý đào tạo và các chuẩn mực học thuật cũng như tài chính, tuyển sinh và truyền thông xã hội.

Những trường khác nhau có thể cần phải có những chiến lược và giải pháp khác nhau, Bộ GD-ĐT có muốn cũng không thể làm thay các trường được.

Vai trò chính của Bộ GD-ĐT, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, vẫn là xây dựng chính sách. Và chính sách tốt không phải là cho cái này cấm cái khác, mà là một hành lang khích lệ sự lựa chọn phù hợp với lợi ích công cho các trường.

Trong năm nhóm giải pháp mà bộ trưởng đã nêu (quy hoạch mạng lưới, bảo đảm chất lượng, quản trị tự chủ, rà soát quy phạm pháp luật và truyền thông), quan trọng nhất vẫn là xây dựng các thiết chế nhằm đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường.

Để làm được điều này rất cần sự giúp sức không chỉ của những người đang quản lý ở cơ sở, mà chủ yếu là của đội ngũ chuyên gia độc lập, những người không ở trong cương vị mâu thuẫn lợi ích, có khả năng ghi nhận và phân tích các quan điểm từ nhiều phía và đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích công.

PHẠM THỊ LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên