25/11/2012 02:11 GMT+7

Cùng nhau hạn chế nỗi đau

TÒA SOẠN
TÒA SOẠN

TT - “Đau hơn cái chết” (Tuổi Trẻ ngày 20-11) là nỗi đau của anh Cao Lê Cát - chồng, cha của hai nạn nhân chết vì tai nạn giao thông vào trưa 18-11 dưới dốc cầu Giồng Ông Tố, Q.2 (TP.HCM).

Phản hồi trong tuần

“Đau hơn cái chết” là nỗi đau chung của chúng ta khi ngay trong Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông 19-11, cờ tang cho nạn nhân của tai nạn giao thông xen với băngrôn tuyên truyền quyết tâm đẩy lùi tai nạn giao thông.

Đau đớn đến nỗi bạn đọc Tô Ngọc Đệ (songbebl@...) kêu gọi mọi người hãy cùng nhau hạn chế nỗi đau này. “Đã có quá nhiều nỗi đau từ những vụ tai nạn giao thông. Ngay ở Bình Phước quê tôi, người mẹ đón con trai sau giờ học qua đường về nhà bị xe tải tông và lôi đi hàng chục mét; người phụ nữ mang thai bị xe du lịch lao qua dải phân cách cán chết; người phụ nữ khác mang thai tám tháng mới hồi chiều còn đi mua đồ cho con chờ ngày sinh, buổi tối ngồi trong nhà bị xe tải chở mủ cao su quá tải xuống dốc mất thắng lao vào nhà... Có quá nhiều nỗi đau nhưng không thể làm chai được cảm giác đau đớn, xót xa, rùng mình khi chứng kiến thêm những nỗi đau tiếp diễn. Đến bao giờ mới hạn chế được tai nạn giao thông?” - bạn đọc Tô Ngọc Đệ kể ra những tai nạn đau lòng và đặt câu hỏi nhức nhối mà không ít người đã hỏi.

Theo bạn đọc Tô Ngọc Đệ, khi những biện pháp mà cơ quan chức năng đưa ra chưa phát huy tác dụng thì chính mỗi người chúng ta phải có ý thức tuân thủ luật lệ giao thông, chạy chậm thôi, qua đường hãy dừng lại quan sát trước, khi không cần thiết thì đừng tham gia giao thông. Quan trọng nhất là hãy quan sát trước khi chạy xe, tránh tình trạng chạy xe rồi mới quan sát...

Từ nỗi đau chung do tai nạn giao thông gây ra, bạn đọc Trần Trọng Lâm (liemngthanh@...) cho rằng cần đánh giá đúng nguyên nhân gây ra tai nạn. Theo bạn đọc Trần Trọng Lâm, ngoài lý do người tham gia giao thông thiếu ý thức, nguyên nhân sâu xa hơn là hạ tầng giao thông của chúng ta còn yếu kém và phát triển chậm. “Các loại xe từ xe máy, ôtô, xe container chen chúc trên cùng một con đường là mối tiềm ẩn thảm họa. Nếu chúng ta tăng diện tích mặt đường giao thông bằng cách đầu tư thêm đường trên không và tăng phương tiện vận tải công cộng (xe buýt, metro) thì người dân sẽ không chọn xe máy để di chuyển. Lâu nay hành lang đường trên các quốc lộ cả nước phải kiêm thêm chức năng là nơi buôn bán, kinh doanh khiến tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ cho lái xe. Có đi trên quốc lộ 1 về miền Tây, nhất là các dịp lễ 30-4, 2-9 và Tết Nguyên đán, chúng ta mới thấy dòng xe máy trên quốc lộ đông đặc như thế nào. Nếu chúng ta đầu tư đường tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Thơ (từ thời ông cha ta đã có xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho) thì đa số người dân sẽ không chọn phương tiện xe máy để về quê nữa...” - bạn đọc Trần Trọng Lâm nêu ra thực tế khiến tai nạn giao thông xảy ra.

Bạn đọc có địa chỉ email nguyenthanhtuan62@..., một tài xế ôtô, khuyên mọi người một việc trước mắt và trong tầm tay là khi chạy xe trên đường thấy hung thần xe ben hay xe container thì tránh xa ra! “Chạy song song với xe là rước họa vào thân. Khi nghe tiếng còi xe container, mọi người nên nép vào lề đường. Tôi là tài xế xe bảy chỗ mà gặp xe ben, xe container còn ngán nên tránh xa cho an toàn” - nguyenthanhtuan62@...khuyến cáo.

Trong tổng số 2.213 email bạn đọc phản hồi các tin bài trên Tuổi Trẻ trong tuần qua, hàng trăm bạn đọc đã có ý kiến phản đối việc Trung Quốc in bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu. Ngoài ra, nhiều bạn đọc còn quan tâm, bình luận đến các vấn đề như: huấn luyện viên Phan Thanh Hùng “được” triệu tập ngay lúc chuẩn bị cho đội tuyển bóng đá VN lên đường dự AFF Suzuki Cup; lái xe khách lao vào trụ điện để khỏi tông hàng chục người; khai thuế qua mạng...

TÒA SOẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phản hồi