… Chú là chồng của dì út tôi, nhưng chưa bao giờ tôi coi chú là chú rể. Chú sống có trách nhiệm, chuẩn mực, đối xử công bằng với tất cả mọi người, đó là điều tôi kính nể chú nhất!
Tính đến nay đã có 9 người cháu trưởng thành, có học thức bước ra từ căn nhà nhỏ của dì chú.(ngôi nhà đó nằm giản dị ở số nhà 296 đường Hùng Vương, thành phố Kon Tum).
… Học kỳ cuối cấp III, tôi được bố mẹ gửi vào ở với dì chú. Những ngày đầu vào Kon Tum học đối với tôi thật là khủng khiếp. Đến lớp, tôi thường bị các bạn giỡn cợt về cái giọng ngọng “l” và “n” của mình… Tất cả mọi thứ trường lớp đều xa lạ và tôi thấy lạc lõng vô cùng.
Tôi nhớ nhà, nhớ thầy cô, bạn bè, tôi như bị mất phương hướng???
Nhưng , tôi không bao giờ kể ra với ai, tôi không muốn mọi người bận tâm hay lo lắng về mình. Khi để tôi vào miền nam học, mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Bức thư đầu tiên tôi viết vê nhà, nhận được thư cả nhà đã nhớ tôi mà ai cũng phải gạt những giọt nước mắt. Tôi hiểu cảm giác ấy và tôi phải cố gắng nhiều hơn.
Nhưng có lẽ, nếu cứ giữ trong lòng bao nhiêu nỗi niềm, tôi nghĩ mình sẽ trầm cảm mất!
Tôi âm thầm khóc một mình, cố che đậy những giọt nước mắt. Nhà chú tôi chật lắm! muốn khóc để không ai biết thật là khó!.. tôi đã từng trốn mình trong toalet mà khóc vì nghe tin mẹ ốm.
Thế nhưng! Chú đều biết hết tâm sự của tôi. Chú động viên tôi rất nhiều và đã rất kịp thời. (có lẽ thời gian qua chú quan sát và thu thập tâm sự của tôi để rồi lần lượt giải quyết “từng đứa” một).
Đầu tiên là chú giảng giải cách sửa ngọng cho tôi. Rồi sau đó là những ngày chú liên tiếp “chỉnh đốn” tôi. Từ những lời đối thoại hàng ngày, những cuộc nói chuyện điện thoại, sai một chữ là chú cũng không quên, cả những câu hát mà tôi hát chỉ là để cho vui.
Trong thời gian ngắn nhất, tôi đã sửa được cái thói quen của giọng nói địa phương mình theo tôi nhiều năm!!! Tôi thấy hạnh phúc và tự tin lên rất nhiều!
Tôi đã tiến bộ một cách rõ rệt, đã tìm thấy được niềm vui và sự hòa đồng, hứng thú trong học tập trong khoảng thời gian ngắn sau 1 tháng chán nản…
Quãng thời gian tôi và anh họ (cùng ở nhà dì chú) ôn thi tốt nghiệp và thi đại học, là quãng thời gian đáng nhớ nhất! Chú và dì thu xếp, tạo điều kiện rât nhiều để chúng tôi có sức khoẻ tốt và tinh thần tốt để ôn thi.
Cứ vài bữa, Chú lại chở về nhà thùng sữa to, một mớ đồ tươi, đồ hộp, đồ ăn sẵn để chúng tôi tiện ăn đêm. Ngày chủ nhật nào,chú cũng tự tay đi chợ,nấu nhiều món tươi ngon cho chúng tôi. Chú lúc nào cũng vui: “chúng mày học như trâu, không tích cực tẩm bổ thì làm sao có sức mà cày…” .
Ngày ấy nhà chú cũng còn nhiều khó khăn về kinh tế nên tôi cũng e ngại mà tiết kiệm “hấp thụ năng lượng”… Điều ấy đã làm chú buồn: “các cháu lười ăn như thế là không thương ai và càng không thương chú rồi”… Một câu nói của chú là đã làm hai anh em tôi trực rớt nước mắt rồi, vì tôi biết: tôi đã làm chú lo lắng!!!
Chú như một người cha, luôn lo lắng hết mình cho những “đứa con riêng_ những đứa cháu vô sản”. Chú giống một người bạn mà hễ buồn vui là tôi đều muốn sẻ chia, kính trọng. Chú đồng hành cùng hai anh em ôn thi đại học như một “thư ký vui tính”.
Thời gian anh em tôi ôn thi đại học, ngày nào chú cũng báo thức 04 giờ sáng, gọi chúng tôi dậy ăn thêm thứ gì rồi học bài…. Tôi thường nghĩ rằng: chú như chiếc đồng hồ báo thức đặc biệt và duy nhất có một. Có những “tích tắc cảm thông và thương xót”. Chiếc đồng hồ ấy vừa báo thức, vừa nhắc nhở ăn uống, vừa động viên, tiếp sức… Ôi! Chú tôi thật là tuyệt vời!
Ngày chú đưa tôi vào Sài Gòn nhập học đại học, chú dặn dò từng li từng tí. (tôi chưa bao giờ quên tất cả những lời chú dạy bảo cho đến ngày hôm nay) : “phải luôn đoàn kết với các bạn cháu nhé! Phòng đều là bạn bè ở quê lên thành phố, phải nhường nhịn, thương yêu nhau!... Cháu cố gắng học tốt nhé, 4 năm nữa nhận bằng rồi dì chú sẽ vào dự…”. Chú về rồi cả phòng ai cũng nhớ chú! Các chị, các bạn trong phòng ai cũng “ghen tỵ”: “Giá như mình có người chú tốt và vui vẻ như vậy”.
Tôi ít nghĩ đến những ngày xa xôi, chỉ thầm ước một ngày, bốn năm nữa chú sẽ vào dự Lễ tốt nghiệp của tôi!
…Thế rồi tôi bị cuốn hút bởi chốn Sài thành tấp nập này. Tôi nghĩ tới chuyện làm giàu chân chính sau hai năm dậy gia sư khắp các “hang cùng ngõ hẻm”…
Tôi mê kinh doanh và bản lĩnh. Năm thứ 3 đại học là tôi bắt đầu đứng ra kinh doanh riêng… Tôi vạch kế hoạch và chú đồng ý giúp liền, chú động viên tôi: “cháu cứ làm cho có kinh nghiệm”. Cửa hàng phân phối văn phòng phẩm kèm theo cho thuê phòng học của tôi bận hơn tôi tưởng. Áp lực công việc,những trách nhiệm tài chính, .. lấy đi thời gian học và sức khoẻ của tôi_một sinh viên Luật bước sang năm học cuối. Ai thấy cũng đều xót xa!.
Tôi dần mệt mỏi và thấy mình đang dần guc ngã, đuối sức. Chú lại dìu dắt tôi đứng lên!
Chú vào tận nơi, nhẹ nhàng: “Cháu đừng buồn, không có gì là to tát cả. Cái chính cháu học là kinh nghiệm mà không sách vở nào có được. Cái được nhiều hơn cái mất mà trước mắt là cháu chưa thấy. Theo chú là làm thế đã đủ. Bây giờ cháu hãy trả mặt bằng, tạm ngưng kinh doanh, tập trung mà lo tốt nghiệp đã. Cố lên “con gái”!!!”.
Từng lời chú đều rất nhẹ nhàng, tình cảm, xoa dịu nỗi buồn lo của tôi và dập tắt ngay cái suy nghĩ hiếu thắng, thiếu chín chắn của tôi là bảo lưu và lao vào kinh doanh!...
Tôi trả lại mặt bằng kinh doanh, gặp không ít khó khăn về tài chính. Chú lại thêm một lần nữa giúp tôi đứng lên!
Ngày 8/10/2010, tôi nhận bằng tốt nghiệp, vô cùng hạnh phúc và sung sướng! tôi là một trong số ít sinh viên của lớp từ miền bắc xa xôi vào đây học đại học. Tôi hạnh phúc vô cùng vì trong ngày nhận bằng của mình có chú. Chú là đại diện của gia đình tôi, là hiện thân của cha mẹ… Bạn bè tôi nhiều đứa xúm xít hỏi: “Ba Nga đấy hả ?”. Tôi chưa kịp trả lời, chú đã nhanh nhảu : “Ừ! Chú là ba của Nga, Nga có 2 người cha”. (bố tôi nghe thấy câu này chắc sẽ cảm động lắm, vì 2 đứa con đầu bố cũng rất mực thương yêu nay được chú lo lắng, chăm sóc chu đáo).
Bây giờ mỗi lần chúng tôi về thăm gia đình chú, vẫn được chú chăm sóc như những đứa trẻ. Tôi cảm nhận được niềm vui của chú mỗi khi chúng tôi điện báo về chơi. Hầu như lần nào về Kon Tum, chú cũng dậy sớm ra bến xe đón các cháu. Điều đầu tiên chú hỏi chúng tôi là: “các cháu… mấy đứa muốn ăn gì đây”. Chú đi chợ, đầu bếp chính những món chúng tôi không ngần ngại yêu cầu…!
Không chỉ riêng tôi, 9 đứa cháu “vô sản” được dì chú nuôi dưỡng đều kính trọng và biết ơn dì chú. Những kỷ niệm về người chú “số 1” này chúng tôi ai cũng có một kho tàng. Riêng với tôi, tôi coi đó là “kho báu” thiêng liêng của mình về chú tôi: NGƯỜI CHÚ TỐT NHẤT!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận