04/03/2016 08:45 GMT+7

Chi thật thu ảo

TRẦN HOÀNG NGÂN (Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)
TRẦN HOÀNG NGÂN (Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)

TT - Nợ công gia tăng, trong đó có phần do chi thường xuyên để vận hành bộ máy hành chính.

Nhưng khi kiểm soát đà tăng của nợ nần lại không thể giảm lương của công chức, chỉ có thể cắt giảm các khoản chi cho đầu tư phát triển, dù việc này rất cần cho tương lai đất nước.

Chi nhiều như thế, nhưng đôi lúc người dân phải chứng kiến những việc “khó hiểu”, mới nhất là vụ xây resort trong Vườn quốc gia Ba Vì (Tuổi Trẻ ngày 1, 2 và 3-3).

Có thể kể ra nhiều vụ tương tự: từ xây biệt phủ trái phép trên đèo Hải Vân đến tòa nhà 8B Lê Trực xây sai phép giữa thủ đô, nạn xe quá tải... Những sai phạm đó diễn ra công khai, kéo dài;

Khi báo chí, dư luận phát hiện, lên tiếng thì việc truy trách nhiệm lại lòng vòng, lúng túng, chẳng biết nơi nào để xử.

Khi lập ra một bộ máy cơ quan chức năng, ngoài quyền hạn luôn gắn liền với trách nhiệm. Nhưng ở một số trường hợp, ở một số nơi, chúng ta đã chi tiền thật để nuôi bộ máy hành chính, nhưng những công chức đó lại thực hiện trách nhiệm “ảo”.

Họ vẫn nhận lương nhưng lại làm không hết trách nhiệm. Bởi thế mới xảy ra những sai phạm, bất chấp pháp luật.

Nếu người thực thi công vụ làm hết trách nhiệm thì tòa nhà 8B Lê Trực đâu thể xây lố ngoài giấy phép, chẳng có biệt phủ xây trái phép trên núi hay resort trong rừng Ba Vì không thể vận hành khi chưa được phê duyệt đầu tư...

Phải biết xót khi một phần tiền thuế của dân được chi xài chưa hiệu quả, do một số nơi có tình trạng “chi thật thu ảo”. Đừng nghĩ không hiệu quả chỉ có ở những công trình đắp chiếu, mà phải thấy sự lãng phí đó ở công việc hằng ngày của các công chức.

Dân đóng thuế, Nhà nước vẫn trả lương cho công chức để họ thực thi pháp luật nhưng nạn trộm cắp, lấn chiếm lòng lề đường, vô tư vi phạm trật tự giao thông, xây dựng trái phép... vẫn tồn tại, đó là không hiệu quả.

Cơ quan chức năng, công chức không thể đổ thừa đã xử phạt, đã lập biên bản, đã nỗ lực nhưng sai phạm cứ tiếp diễn.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc xài tiền thuế của dân như cách mà doanh nghiệp đang làm. Đó là trả lương phải gắn với hiệu quả công việc.

Hiệu quả đó phải được đong đếm như doanh nghiệp đánh giá hiệu quả kinh doanh thông qua doanh số, khách hàng, lợi nhuận... và người làm không tốt công việc được giao phải làm việc khác hoặc ra đi.

Muốn thế phải định danh công việc cho công chức, trách nhiệm của các ban ngành rõ ràng kèm theo cơ chế giám sát, không chỉ trong nội bộ đơn vị đó mà người dân, các ban ngành khác cũng có thể giám sát và chỉ ra những công chức, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho công chức làm việc, cũng phải loại bỏ thói quen viện dẫn những khó khăn khách quan chung chung để thanh minh chất lượng làm việc của công chức, hay phần việc mà đơn vị được giao làm chưa tốt.

Có sòng phẳng như thế mới bớt đi tình trạng trách nhiệm “ảo”, không còn “chi thật thu ảo”, người dân sẽ cảm thấy hài lòng khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, tiền thuế mà họ đóng góp cho Nhà nước được sử dụng hiệu quả.

TRẦN HOÀNG NGÂN (Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên