16/09/2014 07:04 GMT+7

Chi cục nói tôm bệnh, chủ hàng khẳng định không

TẤN THÁI - C.QUỐC
TẤN THÁI - C.QUỐC

TT - Sau thông tin “Bị neo tại trạm kiểm dịch, 10 thùng tôm giống chết”, ngày 15-9 phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp lãnh đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau).

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Mé, phó trạm kiểm dịch động vật - thực vật - giống thủy sản (ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau), nói:

“Ngày 14-9, sau khi đại diện Công ty cổ phần Bình Dương ADN chi nhánh Ninh Thuận vào trạm làm thủ tục khai báo xuất bán tôm giống với số lượng 150.000 con, nhân viên kiểm dịch của trạm phối hợp với cán bộ thanh tra liên ngành lấy mẫu kiểm tra và phát hiện tôm bị bệnh phát sáng.

Sau đó, chúng tôi có mời đại diện chủ hàng và tài xế lên xe tiếp tục lấy hai mẫu nữa thì cũng phát hiện tôm bị phát sáng. Đại diện chủ hàng cũng thừa nhận nên chúng tôi kết luận tôm bị bệnh và chuyển sang thanh tra xử lý nhưng sau đó đại diện chủ hàng “bẻ” lại”.

Theo ông Mé, do sự việc chưa xử lý dứt điểm nên không cho chủ hàng vận chuyển tôm đi nơi khác. Còn số tôm giống bị chết nằm ở khuôn viên của trạm mà Tuổi Trẻ phản ánh thì theo ông Mé là do phía chủ hàng bốc dỡ bỏ xuống chứ trạm không giữ số tôm nói trên.

Cũng tại buổi làm việc, ông Tiết Tiến Dũng - chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản - cho biết thêm: “Chúng tôi có đưa ra phương án là bóc ba mẫu (một chi cục giữ lại, hai đưa đi kiểm dịch). Nơi kiểm dịch là do chi cục chọn. Trong khi đó đại diện công ty yêu cầu đưa đi Viện Pasteur. Chúng tôi không thể làm theo yêu cầu của công ty được.

Ngoài ra, công ty cũng yêu cầu đưa số tôm trên dưỡng tại nơi họ đề xuất hoặc cho dân nuôi. Điều này thì không được. Anh phải tin vào quy trình của cơ  quan quản lý nhà nước. Sự việc giải quyết kéo dài là do đại diện công ty không hợp tác”.

Trả lời câu hỏi vì sao không đưa số tôm đi kiểm dịch bằng phương tiện máy móc cho khách quan, ông Hồ Văn Việt, trưởng phòng quản lý giống - thức ăn - chế phẩm sinh học Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cho biết do quy trình này lâu (khoảng hai ngày) có thể sẽ làm chất lượng tôm giống suy giảm nghiêm trọng.

Ông Việt cũng khẳng định dù tôm được kiểm dịch sạch bệnh nhưng quá trình vận chuyển từ Ninh Thuận vào tới Cà Mau tôm vẫn có thể bị nhiễm bệnh phát sáng.

Đem những thông tin trên trao đổi với ông Trần Thanh Nhiên - trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Bình Dương ADN, ông khẳng định: “Từ đầu đến cuối buổi làm việc tôi đã không đồng ý với kết luận của nhân viên kiểm dịch.

Tôi có trực tiếp xem tôm và thấy tôm không hề bị bệnh phát sáng. Tôi có ghi rõ trong biên bản làm việc là không thừa nhận số tôm của công ty bị bệnh. Sở dĩ sự việc kéo dài là do hai bên không tìm được tiếng nói chung”.

TS Phạm Minh Đức - phó trưởng bộ môn hải sản khoa thủy sản Đại học Cần Thơ - cho biết bệnh phát sáng trên tôm là do vi khuẩn gây ra, các trạm kiểm dịch thường trang bị dụng cụ (thường là thùng tối) để đưa tôm vào đây quan sát.

Trong khi đó, theo Chi cục Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nơi đây đã tổ chức “phòng tối” để kiểm tra tôm bằng cách vào bên trong thùng xe tải chở hàng và đóng kín thùng xe lại.

TẤN THÁI - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên