04/06/2010 07:15 GMT+7

Vẽ bằng tất cả cô đơn

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TT - Chín cuốn truyện cổ tích VN trong một dung mạo mới đã chính thức có mặt trên các kệ sách từ ngày 1-6. Đó là sự khởi đầu cho một chiến dịch truyện tranh “made in VN” dài hơi của Nhã Nam với sự tham gia của nhiều họa sĩ trẻ mà Đỗ Hữu Chí - một cái tên quen thuộc của nhiều bìa sách ấn tượng gần đây - là người giữ vai trò chủ lực.

83D1yT1P.jpgPhóng to
Đỗ Hữu Chí ký tặng sách Đeo nhạc cho mèo cho bạn đọc TP.HCM tại buổi giao lưu ngày 29-5 - Ảnh: Gia Tiến
DGes8HZw.jpgPhóng to

Một “nhân vật” của Đỗ Hữu Chí - Bút Chì trong truyện tranh Đeo nhạc cho mèo

26 tuổi, Đỗ Hữu Chí thường quen hơn với “nickname” Bút Chì trên các bức vẽ minh họa và là tác giả của gần 100 bìa sách văn chương, trong đó có những cái bìa đập vào mắt người đọc và buộc họ phải cầm lên, như Bắt trẻ đồng xanh, Con mèo dạy hải âu bay, Chỉ tại con chích chòe, Alexis Zorba - con người hoan lạc, Hội hè miên man, Alabama song, Istanbul - hồi ức và thành phố...

Chí tự bạch: “Tôi thích làm bìa sách. Chẳng có gì nhiều để nói về nó, hoặc quá nhiều để có thể nói cho hết được. Màu sắc và đường nét, ký tự và chất liệu, tự chúng đã nói quá nhiều”...

Chí mới làm bìa sách hơn hai năm. Có những bìa sách anh chỉ làm trong 1-2 giờ, nhưng cũng có những bìa sách mất cả tháng. Có những bìa sách làm xong ưng luôn, có những bìa phác thảo đến lần thứ mười mấy, có khi bỏ hẳn. Và với anh, hai năm là thời gian quá thừa để một người thiết kế trở nên thành thạo trong việc làm bìa sách, nhưng cũng dường như quá ngắn để chính người đó và cả êkip làm sách hiểu rằng thiết kế bìa không phải là công việc cần sự thành thạo, ngược lại đôi khi sự thành thạo, cùng với vội vã và hời hợt sẽ giết chết bìa sách từ trong trứng nước.

Chí quan niệm bìa sách khi làm ra phải được dùng cho chính cuốn sách đó chứ không phải cuốn nào khác, hay thậm chí tệ hơn như nhiều bìa sách ở VN, sử dụng cho cuốn nào cũng được.

Thế giới tuổi thơ của Chí là những cuốn truyện tranh thiếu nhi mà ba anh mang về, những Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Buratino, Bác sĩ Aibôlit, Dế mèn phiêu lưu ký, Totto-chan - cô bé ngồi bên cửa sổ, Alice ở xứ sở diệu kỳ...

Những ngày học cấp I tập tành vẽ truyện tranh ở Huế, rồi mang đến lớp đổi cho bạn bè lấy những tờ giấy kiểm tra. Lớn lên một chút nữa thì mê truyện tranh manga của Nhật và sau này thừa nhận ảnh hưởng truyện tranh comic của phương Tây.

J2zi0nyA.jpgPhóng to
Một bìa sách do Bút Chì thực hiện

Ra Hà Nội, vào Đại học Kiến trúc theo lời khuyên của gia đình, để rồi sang năm thứ 2 Chí thấy nó hoàn toàn không phù hợp với mình. Không muốn mình trở thành một dạng thợ vẽ nhưng cũng tự nhận không đủ khả năng hay đam mê để phá bỏ nó, anh nghĩ đến chuyện chuyển hướng.

Năm thứ 2, Chí xin bảo lưu một năm, thực hiện một chuyến phiêu lưu đầu tiên trong đời. Anh xin về Huế làm tình nguyện viên cho Festival Huế, rồi đi dọc các bờ biển miền Trung, theo người thân lên biên giới đi đường bộ sang Lào, Campuchia. Mỗi nơi dừng chân là những bức vẽ ký họa ra đời và mọi thứ đều bắt đầu bằng bút chì.

Cái nickname Bút Chì có lẽ ra đời từ đó, bởi với Chí, vẽ bằng bút chì bao giờ cảm xúc cũng mạnh và tươi mới nhất. Đó là những nét vẽ trực tiếp nhất, biến những cái nhìn thấy bằng mắt và trong trí tưởng tượng bằng hình ảnh trên giấy...

Học tiếp đại học để lấy tấm bằng theo ước nguyện của gia đình. Nhưng cũng trong thời gian đó, Chí đã nghĩ đến việc chuyển hướng. Anh theo học minh họa từ những họa sĩ đàn anh, tham gia một khóa học sáu tháng của Arena hay một lớp sáng tác truyện tranh của Pháp.

Những lúc rảnh rỗi, anh hay đứng hàng giờ ở Đinh Lễ (Hà Nội) để ngắm nghía, mân mê, gật gù với những bìa sách như Cuộc đời của Pi, Con nhân mã ở trong vườn, Thiếu nữ đánh cờ vây..., những bìa sách mà theo anh, không một ai khác ở VN vào thời điểm đó có thể làm được như vậy.

Và qua sự giới thiệu, Chí đã bắt đầu gửi những phác thảo đầu tiên đến Công ty sách Nhã Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh trở thành cộng tác viên vẽ bìa và bây giờ là họa sĩ chính vẽ bìa và trình bày sách ở Nhã Nam.

Suối nguồn, Bắt trẻ đồng xanh, Rừng Na Uy, Alexis Zorba - con người hoan lạc... và rất nhiều cuốn sách khác là những cuốn sách gối đầu giường của Chí và bất cứ lúc nào cũng có thể lôi ra đọc lại.

Anh thích thế giới nội tâm của những nhân vật dị biệt và dễ bị thu hút bởi những tính cách lạ, như cậu nhóc 17 tuổi Holden Caulfield của Bắt trẻ đồng xanh, Toru Watanabe của Rừng Na Uy, Howard Roark của Suối nguồn hay Christopher McCandless - anh chàng có biệt danh “Siêu lang thang” trong bộ phim Into the wild...

Những cuốn sách văn chương đích thực đó, những nhân vật dị biệt đó như những cái neo giữ anh lại trước những dòng chảy của cuộc sống, để không bị trôi tuột đi...

Và nó cũng giúp anh thấu hiểu được tinh thần của mỗi cuốn sách khi bắt tay vẽ bìa cho chúng. “Mỗi cái bìa sách cũng giống như bộ mặt, và bạn cứ sống đi với bộ mặt vô cảm và nhạt nhẽo nếu bạn muốn. Còn tôi, đơn giản là không làm được. Tôi luôn bắt đầu bìa sách bằng tất cả mới mẻ và hào hứng, bằng tất cả đam mê và trân quý, bằng tất cả cô đơn”.

Ngoài những bìa sách văn chương mà Chí thực hiện ngày một chắc tay và với dấu ấn không trộn lẫn, anh cũng mơ ước thực hiện những cuốn truyện tranh “made in VN”, thậm chí là những cuốn tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) không chỉ dành cho trẻ em vốn rất thịnh hành ở phương Tây.

Bộ truyện tranh Cổ tích Việt Nam mới ra mắt đều được thực hiện với một ý tưởng xuyên suốt và mạnh mẽ, bởi anh cùng các đồng nghiệp muốn mang đến sức sống mới và hơi thở thời đại cho những câu chuyện cổ tích, vốn đang bị trở thành khuôn sáo.

LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên